Mùa bão 2025 mở màn, áp thấp nhiệt đới đầu tiên đang hình thành, người dân cần lưu ý điều gì?
Mùa bão ở khu vực Đông Thái Bình Dương đã chính thức bắt đầu từ ngày 15/5, trong khi mùa bão tại Đại Tây Dương sẽ xuất hiện vào ngày 1/6.
Các chuyên gia khí tượng đã ghi nhận một vùng có khả năng hình thành áp thấp ngoài khơi phía nam Mexico. Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ (NHC), vùng áp thấp này có thể hình thành vào cuối tuần hoặc đầu tuần sau, cách bờ biển phía nam Mexico vài trăm km. Điều kiện thời tiết hiện tại được đánh giá khá thuận lợi cho quá trình mạnh lên của vùng áp thấp, với tốc độ di chuyển dự kiến khoảng 16–24 km/h theo hướng tây đến tây tây bắc. Tuy nhiên, khả năng áp thấp này phát triển thành bão trong vòng 7 ngày tới hiện được đánh giá là thấp.

Dữ liệu lịch sử từ NHC cho thấy, trung bình cơn bão đầu tiên được đặt tên ở Đông Thái Bình Dương thường xuất hiện vào khoảng ngày 10/6, trong khi cơn bão cuồng phong đầu tiên thường xuất hiện vào khoảng 26/6.

Theo dự báo mùa bão 2025, khu vực Đông Thái Bình Dương được dự đoán sẽ có mức độ hoạt động mạnh hơn trung bình, thậm chí cao hơn nhiều so với năm 2024. Cụ thể, dự kiến có 18 cơn bão được đặt tên, trong đó gồm 10 cơn bão cuồng phong và 4 cơn bão lớn. Cơn bão đầu tiên của mùa sẽ được đặt tên là Alvin, tiếp theo là Barbara, Cosme và Dalila.
Trong mùa bão năm ngoái, Đông Thái Bình Dương ghi nhận 13 cơn bão được đặt tên, 4 cơn bão cuồng phong và 3 cơn bão lớn.
Bên cạnh đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ tháng 6 đến tháng 8/2025, hiện tượng ENSO sẽ duy trì trạng thái trung tính với xác suất 70–90%. Trong thời gian này, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông được dự báo ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, với khoảng 5,2 cơn hình thành và 2 cơn có khả năng đổ bộ vào đất liền Việt Nam.

Từ tháng 9 đến tháng 11, ENSO được dự báo vẫn duy trì trạng thái trung tính với xác suất 55–65%. Dự báo có khoảng 5,9 cơn bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó khoảng 2,9 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.
Cơ quan khí tượng cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh vẫn có khả năng xảy ra trên cả nước. Tại Bắc Bộ và Trung Bộ, tình trạng nắng nóng có thể gia tăng, làm tăng nguy cơ khô hạn, thiếu nước và cháy nổ. Trong khi đó, các đợt mưa lớn có thể gây ngập úng ở vùng trũng và sạt lở đất ở vùng núi.
Ngoài ra, gió mùa Tây Nam tiếp tục gây mưa rào và giông ở Tây Nguyên và Nam Bộ, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, hàng hải và đời sống dân sinh. Người dân cần theo dõi diễn biến thời tiết thường xuyên để chủ động ứng phó với tình hình diễn biến thời tiết xấu.
Theo Lao Động, Vietnamnet