Ai là nhà phê bình văn học tài hoa bậc nhất VN thế kỷ XX, ‘cha đẻ’ của tác phẩm ‘Thi nhân Việt Nam'?
Ông là người có những đóng góp to lớn cho nền văn học của nước nhà. Ông từng 2 lần bị bắt giam, đuổi học vì các hành vi chống đối chính quyền thực dân Pháp.
Nhà văn Hoài Thanh (1909 – 1982), tên thật là Nguyễn Đức Nguyên, là một nhà văn hóa, nhà phê bình văn học Việt Nam lớn nhất, tài hoa nhất thế kỷ XX. Ông đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn học của đất nước, bằng những bài viết sắc sảo, trung thực và bền bỉ.
Ông sinh ra trong 1 gia đình nhà nho nghèo có truyền thống cách mạng ở xã Nghi Trung huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông tham gia phong trào yêu nước từ rất sớm, từng 2 lần bị bắt và đuổi học vì các hành vi chống đối chính quyền thực dân Pháp.

Cuộc đời của ông gắn liền với công việc dạy học, viết báo và viết văn. Ông chính thức bắt đầu sự nghiệp văn học của mình từ năm 1936 với loạt các bài viết đăng trên báo Phổ Thông, Dân chúng, Gazettede Huế, Tràng An...Ông được xem là nhà phê bình văn học xuất sắc nhất của Việt Nam thế kỉ 20, và là 1 trong những người đặt nền móng cho nền phê bình văn học Việt Nam lớn nhất với những bài nghiên cứu, phê bình, tiểu luận có giá trị và có nhiều đóng góp cho hoạt động nghiên cứu văn học thời bấy giờ.
Các tác phẩm của ông đã được nhiều thế hệ độc giả yêu thích và trân trọng, được đưa vào các chương trình giáo dục. Tiêu biểu phải kể đến các tác phẩm như Thơ mới được đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy ngày 29/12/1934. Sau “Thơ mới” là bài “Tìm cái đẹp trong tự nhiên là nghệ thuật; Tìm cái đẹp trong nghệ thuật là phê bình” (đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy ngày 26/1/1935).
Năm 1942, 2 anh em Hoài Thanh và Hoài Chân đã viết “Thi nhân Việt Nam” – được xem là tác phẩm đã nâng tầm vị thế của 2 nhà văn này. Hoài Thanh được đánh giá là người đặt nền móng và làm rõ diện mạo của “Một thời đại trong thi ca”, là tấm gương sáng cho các thế hệ nhà phê bình văn học sau này. “Thi nhân Việt Nam” được đánh giá là một thiên chính luận, một công trình tổng kết một cách sâu sắc, chuẩn mực về phong trào Thơ mới (1932-1945).

Trong các tác phẩm phê bình văn học của Hoài Thanh, ông có lối viết phê bình giản dị, độc đáo dễ hiểu và rất gần gũi với người đọc, Ông thường sử dụng những hình ảnh, ví dụ sinh động và minh họa cho các ý kiến của mình. Các tác phẩm phê bình của Hoài Thanh thể hiện tính dân tộc sâu sắc.
Bên cạnh các tác phẩm tiêu biểu như “Thi nhân Việt Nam”, “Thơ mới” “Một thời đại trong thi ca”…Hoài Thanh còn có 1 loạt các tác phẩm giàu tính chiến đấu và có sức thuyết phục cao như: “Có một nền văn hóa Việt Nam” (1946), “Nói chuyện thơ kháng chiến” (1951), “Phê bình tiểu luận”…
Nghĩ về sự đóng góp của mình cho cuộc đời, Hoài Thanh từng nói: “Dẫu chưa đóng góp được gì nhiều thì cuộc đời mỗi chúng ta cũng là một giọt nước trong biển cả mênh mông và giọt nước không phải chỉ có chua với chát mà cũng có nhiều phần ngọt, phần trong. Và đến ngày nào đó chúng mình ra đi thì chúng mình cũng có thể nhẹ nhàng ra đi với ý nghĩa ấy…”
Nhà văn Hoài Thanh là một nhà phê bình văn học xuất sắc, một nhà văn có tâm huyết với nền văn học Việt Nam. Các tác phẩm của ông đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc và đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền văn học nước nhà. Đánh giá cao những đóng góp xuất sắc của ông cho sự nghiệp văn học nước nhà, năm 2000, Nhà nước đã truy tặng ông Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.