Cụ bà U70 bỏ hơn 7 tỷ mua hàng online: Phần lớn các gói hàng chưa bóc, phải thuê thêm căn hộ chứa đồ
Những thông tin liên quan đến vụ một phụ nữ lớn tuổi sống một mình chi tiêu hơn 7,2 tỷ đồng để mua sắm trực tuyến, khiến nhà cửa chật kín hàng hóa nhận được sự quan tâm từ cư dân mạng.
Những năm gần đây, bà Vương, 66 tuổi, cư trú tại một khu dân cư thuộc quận Gia Định, thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã chi hơn 2 triệu nhân dân tệ (tương đương khoảng 7,2 tỷ đồng) để mua hàng trực tuyến. Thông tin được truyền thông địa phương dẫn lại từ Kan Kan News ngày 13/7.

Theo phản ánh của hàng xóm, căn hộ nơi bà Vương sinh sống thường xuyên bốc mùi hôi thối do đồ đạc chất đầy không gian sinh hoạt, thậm chí xuất hiện nhiều côn trùng như ruồi, gián. Một số cư dân trong khu vực đã phải kiến nghị lên ban quản lý khu dân cư vì lo ngại ảnh hưởng tới môi trường sống chung.

Trao đổi với phóng viên, bà Vương thừa nhận bản thân có thói quen mua sắm trực tuyến quá mức, chủ yếu thông qua các buổi livestream. Những mặt hàng bà thường đặt mua gồm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và trang sức bằng vàng. Tuy nhiên, phần lớn các gói hàng được giữ nguyên tình trạng chưa bóc, chất thành từng đống cao tới tận trần nhà. Gara dưới tầng hầm của tòa nhà và cả không gian trong nhà đều đã bị lấp đầy, buộc bà phải thuê thêm một căn hộ khác để chứa đồ.
“Tôi cảm thấy phấn khích mỗi khi mua sắm. Hơn nữa, tôi tiêu tiền như vậy để không ai đến vay mượn. Nhiều năm trước, tôi từng bán căn hộ ở trung tâm thành phố và chuyển về ngoại ô sống. Điều đó khiến nhiều người cho rằng tôi vẫn còn nhiều tiền. Tôi không muốn họ hỏi vay, nên tiêu hết tiền vào mua sắm là giải pháp khiến họ từ bỏ ý định”, bà Vương chia sẻ.



Cũng theo lời bà, con gái bà hiện sống ở nước ngoài và hiếm khi về thăm. Trong khi đó, bà sống một mình trong căn hộ tại quận Gia Định.
Ban quản lý khu dân cư cho biết, vào tháng 5/2024, họ đã tiến hành một cuộc dọn dẹp lớn sau khi nhận được sự cho phép của bà Vương. Tuy nhiên, thói quen mua sắm và tích trữ của bà vẫn không có dấu hiệu thay đổi. Đại diện tổ dân phố cho hay, họ đã liên lạc với người thân của bà để phối hợp hỗ trợ, song nỗ lực này chưa đem lại kết quả.
Chia sẻ với truyền thông, bác sĩ Shi Yanfeng - chuyên gia tâm thần tại Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Thượng Hải nhận định: “Rối loạn tích trữ thường đi kèm với các biểu hiện trầm cảm và lo âu xã hội. Việc điều trị đòi hỏi sự can thiệp chuyên môn dài hạn, kết hợp giữa y tế và hỗ trợ tâm lý”.
Câu chuyện của bà Vương đã thu hút sự chú ý lớn trên mạng xã hội Trung Quốc, đồng thời làm dấy lên các cuộc thảo luận về sức khỏe tâm thần của người cao tuổi. Nhiều ý kiến cho rằng sự cô đơn và thiếu quan tâm từ gia đình là nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành vi tiêu dùng bất thường. Một số bình luận nổi bật nêu rõ: “Người già cũng cần được lắng nghe và thấu hiểu”; “Người trẻ nên quan tâm nhiều hơn đến cha mẹ, ông bà của mình trước khi quá muộn”.