Sốc trước cảnh nhà hàng sử dụng axit oxalic để rửa tôm hùm và nhiều ngày liên tục không thay nước
Trên nền tảng online, cơ sở bán đồ ăn này đạt đánh giá 4.9 sao và bán ra hơn 1.000 đơn hàng mỗi tháng.
Mới đây, một cơ sở bán đồ ăn online nổi tiếng mang tên Xiong Di Long Xia - chi nhánh Xian He, tại Nam Kinh bị phát hiện dùng “bột rửa tôm” để làm sạch nguyên liệu. Thậm chí, dung dịch rửa này cũng không được thay trong nhiều ngày.



Cửa hàng này có địa chỉ tại khu thương mại Xian He Xin Tian Di, quận Huyền Vũ, Nam Kinh, đạt đánh giá 4.9 sao và bán ra hơn 1.000 đơn hàng mỗi tháng trên các nền tảng giao đồ ăn.
Theo nguồn tin từ người trong cuộc, cửa hàng này đang sử dụng một loại hóa chất có tên thường gọi là “bột rửa tôm” để làm sạch tôm hùm đất.
“Bột rửa tôm” là gì? Có gây hại gì cho sức khỏe con người?
Theo ghi nhận của phóng viên, các mẻ tôm hùm đất sau khi chế biến được đặt ngay tại hành lang. Ở phía đối diện, một số nhân viên đang sử dụng các thùng nhựa để rửa tôm bằng thứ dung dịch đã đổi màu nặng và bốc mùi chua khó chịu.
Bên cạnh các thùng này là một loại bột màu trắng có nhãn “axit oxalic”, mà theo người cung cấp thông tin đây chính là “bột rửa tôm”. Một nhân viên cho biết, trong ngày hôm đó, họ đã rửa khoảng 150 cân (khoảng 75kg) tôm.

Theo văn bản trả lời của Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường Quốc gia Trung Quốc năm 2019 liên quan đến việc sử dụng axit oxalic trong làm sạch tôm hùm đất, loại hóa chất này chỉ được phép sử dụng như thành phần phụ của chất khử trùng thực phẩm, không được dùng riêng lẻ. Hơn nữa, việc sử dụng axit oxalic trong chế biến tôm hùm đất là không cần thiết về mặt kỹ thuật.
Ông Dương Dương - Giám đốc cao cấp tại Trung tâm Kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm và phụ gia thực phẩm quốc gia (Nam Kinh) khẳng định: “Axit oxalic là chất phản ứng hóa học trong phòng thí nghiệm, không phải chất tẩy rửa và tuyệt đối không được dùng để làm sạch thực phẩm”.
Văn bản của Tổng cục Quản lý thị trường cũng nhấn mạnh: Theo Luật An toàn thực phẩm Trung Quốc, hoạt động sản xuất và kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ tiêu chuẩn an toàn, các chất tẩy rửa và khử trùng sử dụng phải an toàn, không gây hại cho cơ thể người. Việc sử dụng axit oxalic loại AR (phân tích tinh khiết) để rửa tôm hùm đất là vi phạm và cần bị xử phạt.
Ông Dương Dương còn cảnh báo thêm rằng: “Khi sử dụng như chất rửa hoặc làm sạch, axit oxalic có thể gây nguy cơ cho sức khỏe người tiêu dùng. Chất này có thể kết hợp với canxi tạo thành kết tủa, cơ thể không hấp thụ được và phải đào thải ra ngoài. Nếu dùng với lượng lớn, có thể gây gánh nặng cho thận, thậm chí dẫn đến sỏi thận”.
Qua quá trình theo dõ, phóng viên phát hiện cửa hàng không hề thay dung dịch rửa hay thêm mới axit oxalic, mà tái sử dụng liên tục cùng một bể rửa. Mãi đến vài ngày sau, khi dung dịch cũ bốc mùi nặng, nhân viên mới thay nước và đổ thêm khoảng ba chai axit oxalic vào thùng rửa mới.
Sau khi khuấy đều dung dịch, nhân viên dùng xẻng nhựa múc một ít đổ vào thùng nước thải để làm sạch. Tiếp đến, tôm sống được bỏ vào rổ nhựa, ngâm trong dung dịch vài phút. Trong quá trình đó, tôm liên tục giãy mạnh vì bị kích ứng, còn nước rửa nhanh chóng chuyển màu nâu vàng, tôm cũng đổi màu rõ rệt.
Ghi nhận thực tế cho thấy, mỗi ngày cửa hàng này rửa tôm hai lần vào sáng và chiều, mỗi lần trên 100 cân (50kg), cho thấy sản lượng chế biến rất lớn. Được biết, dù khu vực sảnh của cửa hàng đang được sửa chữa, nhưng bếp phía sau vẫn hoạt động bình thường, toàn bộ sản phẩm chế biến được đưa lên các nền tảng như “Ele.me” để bán giao hàng.
Trong lúc phóng viên đang điều tra, đoàn kiểm tra liên ngành gồm chính quyền địa phương, cơ quan khẩn cấp, quản lý đô thị và cơ quan giám sát thị trường bất ngờ đến kiểm tra.
Tại hiện trường, đoàn phát hiện tôm đang ngâm trong dung dịch lạ và chai rỗng của “bột rửa tôm”, lập tức tiến hành xác minh. Khi phóng viên cung cấp thêm chứng cứ thu thập được, phía cửa hàng vẫn không thừa nhận đã dùng “bột rửa tôm”, khẳng định chỉ dùng nước máy.
Sau đó, lực lượng chức năng đã yêu cầu cơ quan kiểm nghiệm đến lấy mẫu. Nhân viên lấy mẫu xác nhận tôm và dung dịch ngâm bốc mùi chua và nồng rất mạnh.

Cơ quan chức năng cho biết, khu bếp của cửa hàng có vấn đề nghiêm trọng về vệ sinh, buộc phải tạm ngừng kinh doanh cho đến khi khắc phục xong. Trước diễn biến này, người phụ trách cửa hàng cam kết sẽ cải tổ toàn diện, đồng thời tự tiêu hủy hơn 100 cân tôm đã được nấu chín hoặc đã ngâm qua dung dịch.
Nhân viên cho biết thêm, hiện cửa hàng chỉ kinh doanh qua hình thức giao hàng do khu vực sảnh đang sửa chữa, và đây không phải là cửa hàng chuỗi. Hiện, cơ quan quản lý thị trường đang tiếp tục điều tra vụ việc, đồng thời đã yêu cầu nền tảng giao đồ ăn gỡ bỏ cửa hàng này khỏi hệ thống.
Nguồn: Nanjing Zero Distance.