Đời sống

Cơn giông chiều 19/7: Một người phụ nữ ở Hưng Yên bị tấm tôn bắn vào mặt phải đi cấp cứu, ảnh hiện trường gây ám ảnh

Trong cơn giông lớn chiều ngày 19/7, một người phụ nữ đang lái xe bất ngờ bị tấm tôn bay thẳng vào mặt phải đi bệnh viện cấp cứu.

Mới đây, vào tối ngày 19/7, một tài khoản Facebook tên M.L.Đ đã đăng tải thông tin về một người phụ nữ bị tấm tôn bắn vào mặt gây tai nạn. Cụ thể, người này cho hay: "Em chào các bác, chiều nay lúc bắt đầu có mưa bão, tầm 16h20ph, em có đi qua quốc lộ 39 mới, đoạn qua khu công nghiệp Thăng Long 2, Yên Mỹ, Hưng Yên thì có giúp đỡ 1 chị bị tấm tôn bắn vào mặt gây tai nạn. Em đã đưa chi ấy vào bệnh viện đa khoa Phố Nối, hiện giờ chắc cũng ổn và người nhà cũng đã tới. Em muốn nhờ các bác, có bác nào đi qua tầm giờ đó có camera hành trình hoặc camera giám sát khu vực đó thì cho em xin với ạ. Em xin cảm ơn các bác. Vị trí cách cây xăng vào khu công nghiệp tầm 100m về phía cầu vượt phố Nối B".

con-giong-chieu-19-7-mot-phu-nu-bi-tam-ton-ban-vao-mat-phai-di-cap-cuu-anh-hien-truong-hay-am-anh
con-giong-chieu-19-7-mot-phu-nu-bi-tam-ton-ban-vao-mat-phai-di-cap-cuu-anh-hien-truong-hay-am-anh
con-giong-chieu-19-7-mot-phu-nu-bi-tam-ton-ban-vao-mat-phai-di-cap-cuu-anh-hien-truong-hay-am-anh
con-giong-chieu-19-7-mot-phu-nu-bi-tam-ton-ban-vao-mat-phai-di-cap-cuu-anh-hien-truong-hay-am-anh
Bài đăng được chia sẻ trên một nhóm kín có 1,5 triệu người theo dõi

Theo thông tin được chia sẻ, trước khi xảy ra sự cố do giông lốc, anh M.L.Đ định quay video gửi cho vợ để khoe việc sắp tan làm. Tuy nhiên, do thấy trời mù mịt nên anh đã không quay mà tập trung lái xe. Khi vừa cất điện thoại vào túi, anh ngỡ ngàng khi thấy một tấm tôn bay lên trời và trước mắt là một phụ nữ ngã nhoài xuống đường. Khoảng 5 giây sau, con trai của người phụ nữ lồm cồm dậy gọi mẹ.

Trước tình huống này, anh M.L.Đ đã đi xin thuốc lào để cầm máu cho người phụ nữ nhưng không có. Sau đó, anh gọi 115 nhưng lo lắng xe đến trễ nên quyết định gọi xe taxi đưa nạn nhân vào bệnh viện đa khoa Phố Nối. Hiện tại, người phụ nữ vẫn bất tỉnh và chấn thương sọ não và phải chuyển tuyến.

con-giong-chieu-19-7-mot-phu-nu-bi-tam-ton-ban-vao-mat-phai-di-cap-cuu-anh-hien-truong-hay-am-anh
Một cư dân mạng cho biết nạn nhân vẫn bất tỉnh

Vào khoảng 16h10 chiều ngày 19/7, tại Hà Nội trời bắt đầu nổi gió lớn kèm mây đen kịt. Giông lớn kèm gió mạnh khiến bụi bay mù mịt khiến nhiều người đi đường không kịp trở tay, vội vã tìm chỗ tránh trú vì không thể tiếp tục di chuyển. Tuy diễn ra trong thời gian ngắn nhưng rất nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan đã xuất hiện. 

Theo ông Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 24 giờ tới, bão số 3 sẽ tăng tốc và có khả năng mạnh thêm. Mặc dù các trung tâm dự báo quốc tế thống nhất về quỹ đạo di chuyển, song có sự khác biệt nhất định về cường độ. Một số nhận định cho rằng bão có thể đạt cực đại cấp 12–13, giật cấp 14–15 khi hoạt động trên khu vực phía đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Tuy nhiên, khi di chuyển vào đất liền Trung Quốc, bão sẽ suy yếu nhanh, và khi tiến vào Vịnh Bắc Bộ, cường độ chỉ còn khoảng cấp 8–10.

Ông Lâm cũng cảnh báo, do bão di chuyển nhanh, vùng mưa và gió mạnh sẽ phân bố lệch về phía tây và nam. Do đó, mưa dông có thể xuất hiện trước khi bão đổ bộ, bắt đầu từ ngày 20–21/7 khi tâm bão còn ở ngoài khơi phía đông bán đảo Lôi Châu.

Vùng biển phía bắc và giữa Biển Đông, đặc biệt là khu vực quần đảo Hoàng Sa, sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão với gió mạnh cấp 10–12, giật cấp 15, sóng biển cao từ 3–5m, vùng gần tâm bão có thể đạt 4–6m. Đây là khu vực có nguy cơ cao về an toàn hàng hải và hoạt động đánh bắt cá trên biển.

Từ ngày 20–21/7, các đảo và đặc khu như Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải… sẽ chịu tác động trực tiếp bởi gió mạnh và mưa lớn. Dự báo từ gần sáng và trong ngày 22/7, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa sẽ bắt đầu ghi nhận ảnh hưởng của gió mạnh cấp 7–9, giật cấp 11, sóng cao từ 3–5m.

Không chỉ thế, sóng lớn kết hợp với thủy triều ở mức cao có thể gây ngập úng tại các vùng trũng thấp ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng trong các ngày từ 21 đến 23/7.

Phạm vi ảnh hưởng của bão số 3 được đánh giá là rộng, bao phủ khắp khu vực Đông Bắc Bộ, một số nơi ở Tây Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ. Trong đó, các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp và mạnh nhất bao gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, ven biển Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa.

Dự báo bão sẽ gây ra một đợt mưa lớn diện rộng tại Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, tập trung từ ngày 21 đến 24/7. Đặc biệt, các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có khả năng xuất hiện mưa lớn cục bộ với lượng mưa có thể vượt 150mm trong vòng 3 giờ đồng hồ.

Từ ngày 21 đến 24/7, mưa lớn sẽ gây lũ trên các sông tại Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An, với biên độ lũ tăng từ 3–6m. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra ngập úng tại vùng trũng thấp ven sông, khu vực đô thị và khu dân cư. Đồng thời, các tỉnh vùng núi phía Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất tại các sườn dốc.

Trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của bão số 3, người dân cần theo dõi sát sao các bản tin dự báo thời tiết, chủ động phòng chống bão, gia cố nhà cửa, chuẩn bị phương án sơ tán nếu cần thiết và không ra khơi trong thời gian bão hoạt động.

Các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão cần khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó, đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt.