Đời sống

Ai phải chịu trách nhiệm vụ tai nạn 7 người chết, 3 người bị thương ở nhà máy xi măng Yên Bái?

Ai phải chịu trách nhiệm vụ tai nạn 7 người chết, 3 người bị thương ở nhà máy xi măng Yên Bái?

Sau vụ tai nạn lao động ở Công ty cổ phần xi măng và khoáng sản Yên Bái, nhiều người không khỏi thắc mắc ai sẽ phải chịu trách nhiệm về cái chết của 7 công nhân và 3 công nhân bị thương.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái, vào 13h ngày 22/4, khi nhóm công nhân đang sửa chữa, bảo dưỡng máy nghiền của nhà máy xi măng ở Yên Bái, đơn vị trực thuộc Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái bất ngờ lò hoạt động trở lại khiến 7 người tử vong, 3 người bị thương đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái.

Ai-phai-chiu-trach-nhiem-vu-tai-nan-7-nguoi-chet-3-nguoi-bi-thuong-o-nha-may-xi-mang-yen-bai
Nhà máy xi măng ở Yên Bái - nơi xảy ra sự việc thương tâm

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường nhận định, đây là vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng nên cơ quan chức năng sẽ khẩn trương khám nghiệm hiện trường, làm thủ tục mai táng cho các nạn nhân và cứu chữa cho 3 công nhân bị thương.

Muc-boi-thuong-cho-7-nguoi-che-va-tinh-hinh-3-nguoi-bi-thuong-trong-vu-tai-nan-lao-dong-o-yen-bai-4
Máy nghiền xi măng trong nhà máy xi măng Yên Bái 
Muc-boi-thuong-cho-7-nguoi-che-va-tinh-hinh-3-nguoi-bi-thuong-trong-vu-tai-nan-lao-dong-o-yen-bai-7
Hiện trường những nạn nhân của vụ tai nạn lao động

Đồng thời, cơ quan chức năng cũng nhanh chóng vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng kể trên. Từ đó, xem xét trách nhiệm pháp lý để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho rằng, có thể cơ quan chức năng sẽ tạm đình chỉ hoạt động của Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái để tiến hành làm rõ nguyên nhân vụ việc. Điều này nhằm bảo vệ hiện trường, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo ông Cường, cơ quan chức năng cũng sẽ tập trung làm rõ nguyên nhân máy nghiền hoạt động khi công nhân đang tiến hành bảo quản, sửa chữa là gì?. Và quá trình khởi động máy, bảo dưỡng sửa chữa có đúng quy trình, quy định về an toàn lao động hay không, trách nhiệm trong công tác quản lý, vận hành thuộc về ai?. Đây được xem là những vấn đề quan trọng để xác định sự vụ việc có lỗi của người quản lý vận hành máy móc hay không.

Trong trường hợp, quá trình xác minh cho thấy quy trình bảo quản, sửa chữa máy móc này có hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động dẫn đến hậu quả tai nạn lao động xảy ra, cơ quan chức năng sẽ xem xét xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về an toàn lao động theo Điều 295 Bộ luật hình sự.

Theo quy định, các loại máy móc, thiết bị phức tạp trong dây chuyền sản xuất đòi hỏi người vận hành, bảo quản, quản lý nó phải có chuyên môn nghiệp vụ, phải được tập huấn về an toàn lao động. Việc bảo dưỡng sửa chữa phải theo quy trình, quy định để đảm bảo an toàn cho người lao động.

Vậy nên, trong trường hợp người lao động không có chuyên môn phù hợp, không được tập huấn về an toàn lao động, công tác quản lý không đảm bảo an toàn. Người có trách nhiệm trong việc vận hành đã không làm tròn trách nhiệm, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với người vi phạm về tội danh nêu trên.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, vấn đề trách nhiệm hình sự chỉ được đặt ra khi xác định có cá nhân có lỗi trong việc đảm bảo an toàn lao động cho người lao động và người có lỗi đó đủ năng lực nhận thức điều khiển hành vi của mình.

Ngoài trách nhiệm pháp lý về hình sự có thể đặt ra, trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tai nạn lao động cũng được đặt ra đối với người có lỗi hoặc đối với doanh nghiệp trên.