Bình Gold đối diện mức án cực nặng khi sử dụng chất cấm, ngông nghênh thách thức pháp luật
Loạt hành vi đáng lên án của Bình Gold đang khiến dư luận vô cùng bức xúc. Dù là người nổi tiếng, nam rapper này vẫn không có ý thức chấp hành luật pháp, thậm chí còn ngông nghênh thách thức sau khi vi phạm.
Ngày 26/7, Công an TP Hà Nội cho biết đã tạm giữ hình sự Vũ Xuân Bình (tức Bình Gold, sinh năm 1997, trú tại Hải Phòng, hiện sống ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) để điều tra hành vi cướp tài sản.
Tại cơ quan điều tra, Bình thừa nhận hành vi phạm tội. Test nhanh cho thấy anh dương tính với chất ketamine và cần sa.
Đáng nói, trước khi bị bắt vì cướp tài sản, Bình Gold đã vướng vào một vụ việc nghiêm trọng khác: Lái xe Audi lạng lách, chèn ép phương tiện khác trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai vào ngày 23/7, rồi bị lực lượng CSGT truy bắt và kiểm tra ma túy, cho kết quả dương tính ma túy.


Nói về hành vi hôm 23/7 của Bình Gold, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định, hành vi điều khiển xe chèn ép phương tiện khác trên cao tốc, đồng thời dương tính với ma túy, là vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn giao thông và có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng.
Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, hành vi điều khiển xe ô tô lạng lách, chèn ép phương tiện khác trên cao tốc được xác định là vi phạm nghiêm trọng quy tắc giao thông đường bộ.
Cụ thể, người điều khiển ô tô, xe chở người hoặc hàng bốn bánh có gắn động cơ (hoặc các phương tiện tương tự ô tô) nếu thực hiện hành vi lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ để đuổi nhau, hoặc dùng chân điều khiển vô lăng khi xe đang lưu thông trên đường, sẽ bị xử phạt từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Đồng thời, người vi phạm còn bị trừ điểm giấy phép lái xe theo quy định mới.
Những hành vi này tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của người tham gia giao thông khác, có thể dẫn đến tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.

Trường hợp người điều khiển phương tiện có kết quả dương tính với ma túy, mức độ vi phạm càng nghiêm trọng hơn. Theo điểm c, khoản 11, Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi trong cơ thể có chất ma túy sẽ bị phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe.
Tuy nhiên, nếu hành vi này gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b, khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ", với khung hình phạt từ 3 năm đến 10 năm tù.
Trong trường hợp của Bình Gold, nam rapper điều khiển phương tiện còn đi vượt quá tốc độ so với quy định là 55 km/h thì có thể bị xử phạt theo điểm c khoản 7 điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP với số tiền 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.
Luật sư Bình nhận định trường hợp Bình Gold có đủ yếu tố để xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự. Nhưng hành vi để xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự ở khung hình phạt nào thì cần cơ quan có thẩm quyền kết luận và xác định.
Căn cứ theo Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bổ sung năm 2020, nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính có quy định: “Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt hành chính một lần. Nếu hành vi đó đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì không xử phạt hành chính mà xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự”.
Trong trường hợp có nhiều hành vi vi phạm, có thể xử lý đồng thời hành chính và hình sự, áp dụng đồng thời cả xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu các hành vi đó độc lập và đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Nhưng nếu vi vi phạm đã bị xử lý hình sự thì sẽ không thể xử phạt hành chính về cùng hành vi vi phạm đó. Nếu hành vi vi phạm khác nhau thì có thể bị xử lý hình sự về các tội phạm khác nhau, xử phạt hành chính về các hành vi vi phạm khác nhau.