Kẻ xông vào Điện Thái Hòa, đập phá ngai vàng triều Nguyễn có dấu hiệu tâm thần thì có miễn phạt?
Đối tượng có hành vi phá hoại ngai vàng triều Nguyễn trong Đại nội Huế có biểu hiện bất thường. Người này liệu có bị xử phạt nếu thực sự bị tâm thần?
Ngày 24/5, Công an TP Huế đã tạm giữ hình sự Hồ Văn Phương Tâm (42 tuổi, trú tại TP Huế) để điều tra hành vi gây hư hại nghiêm trọng đối với ngai vàng triều Nguyễn, được đặt trong điện Thái Hòa, thuộc khu vực Đại Nội Huế.
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, vào buổi sáng cùng ngày, ông Tâm đã mua vé vào tham quan Đại Nội. Khi đến khu vực điện Thái Hòa, người này bất ngờ vượt qua hàng rào bảo vệ, leo lên ngai vàng và dùng tay bẻ gãy phần tựa lưng bên trái, khiến bộ phận này vỡ ra thành nhiều mảnh. Lực lượng bảo vệ đã nhanh chóng khống chế và bàn giao đối tượng cho Công an phường Đông Ba xử lý vào khoảng 12h10.
Tuy nhiên, quá trình làm việc với cơ quan công an, ông Tâm có biểu hiện bất thường về tâm thần, liên tục nói sảng và không thể trả lời các câu hỏi điều tra. Theo xác minh ban đầu, hiện ông sống lang thang ở TP Huế sau khi bị người thân từ chối cưu mang.
Người vi phạm bị xử lý thế nào?
Trao đổi về vụ việc, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định: “Theo Luật Di sản văn hóa 2024, mọi di sản văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia đều được bảo vệ chặt chẽ. Trong đó, các hành vi như phá hoại, chiếm đoạt, sử dụng trái phép di sản văn hóa là bị nghiêm cấm tuyệt đối”.
Dựa trên hành vi cụ thể của ông Tâm, luật sư Hùng cho rằng có thể xem xét đồng thời hai tội danh: "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" theo Điều 178 và "Vi phạm quy định về bảo vệ, sử dụng di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 345 Bộ luật Hình sự 2015.
Cụ thể, Điều 178 quy định người cố tình phá hoại tài sản có thể bị phạt tiền từ 10–50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp tài sản bị hủy hoại là bảo vật quốc gia, mức án có thể nâng lên từ 2 đến 7 năm tù.
Trong khi đó, theo Điều 345, nếu người nào làm thay đổi hoặc phá hủy yếu tố gốc cấu thành của một di tích cấp tỉnh trở lên, có thể bị xử phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10–100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ hoặc tù đến 3 năm. Nếu thiệt hại tài sản vượt quá 500 triệu đồng, mức án có thể tăng lên từ 3 đến 7 năm tù.
“Trong trường hợp một hành vi có dấu hiệu của nhiều tội danh, tội có khung hình phạt cao hơn sẽ được áp dụng để xử lý. Vì vậy, cần định giá cụ thể mức độ thiệt hại đối với ngai vàng để xác định tội danh tương ứng với hành vi của đối tượng”, luật sư Hùng nói thêm.
Ngoài trách nhiệm hình sự, ông Tâm còn có thể phải đối mặt với yêu cầu bồi thường dân sự theo quy định tại Điều 584 và 589 Bộ luật Dân sự 2015. Khoản bồi thường sẽ bao gồm chi phí phục hồi, sửa chữa ngai vàng; chi phí bảo quản khẩn cấp; thiệt hại do đình chỉ trưng bày và các khoản chi phí khác có liên quan đến hậu quả từ hành vi phá hoại.
Việc định giá thiệt hại sẽ do cơ quan chuyên môn thực hiện, căn cứ vào giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt của hiện vật.
Điểm đáng chú ý là các biểu hiện tâm thần của ông Tâm khiến cơ quan điều tra phải tiến hành giám định năng lực hành vi. Nếu kết quả giám định cho thấy đối tượng bị mất hoàn toàn khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, tức rơi vào trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự theo Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015, ông có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, và thay vào đó sẽ bị áp dụng các biện pháp như đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc.
Ngược lại, nếu chỉ rối loạn hành vi do dùng chất kích thích (rượu, ma túy...) hoặc có bệnh tâm thần nhưng chưa đến mức mất hoàn toàn nhận thức, vẫn có thể bị xử lý hình sự bình thường.
Cơ quan quản lý khó tránh trách nhiệm
Vụ việc cũng đặt ra câu hỏi lớn về năng lực và trách nhiệm của đơn vị quản lý Đại Nội Huế. Luật sư Hùng chỉ rõ: “Sự việc đặt ra câu hỏi về hiệu quả của công tác bảo vệ di tích, khi một du khách có thể vượt qua hàng rào bảo vệ và phá hoại bảo vật quốc gia. Do đó, cần làm rõ đơn vị quản lý đã thực hiện nghiêm các quy tắc về an ninh, bảo quản di sản quốc gia hay chưa, từ đó xác định có yếu tố lỗi trong việc bảo vệ di sản hay không”.
Theo Điều 179 Bộ luật Hình sự, nếu người có trách nhiệm quản lý tài sản Nhà nước vì thiếu trách nhiệm mà để xảy ra mất mát, hư hỏng từ 100 triệu đồng trở lên, có thể bị xử lý hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước. Tuy nhiên, cần có kết quả thanh tra để xác định rõ trách nhiệm và mức độ sai phạm của đơn vị quản lý.
Lộ quá khứ bất hảo của kẻ đập phá, bẻ gãy ngai vàng triều Nguyễn ở Huế gây phẫn nộ