Khám phá mới

Vị tướng đầu tiên của Tây Nguyên: Địch nghe tên đã sợ mất vía, từng suýt bị kỷ luật vì 5kg vàng

Vị tướng đầu tiên của Tây Nguyên: Địch nghe tên đã sợ mất vía, từng suýt bị kỷ luật vì 5kg vàng

 

Từ một người lính khố xanh, người đàn ông này đã giác ngộ cách mạng, trở thành vị tướng đầu tiên của núi rừng Tây Nguyên đại ngàn. Tên tuổi của ông được lưu danh đến tận ngày nay.

Y Blốk Êban (1920 – 2018) có lẽ là cái tên mà không một người dân Tây Nguyên nào không biết đến. Ông là nhân vật có tầm ảnh hưởng trong thời kỳ chiến tranh, được quân dân nơi đây nói riêng, cả nước nói chung rất yêu quý. Y Blốk Êban quê ở buôn Chư Dluê, xã Hòa Xuân, Buôn Ma Thuột. Ông là con út trong một gia đình có 7 người con, chịu nhiều thiệt thòi từ nhỏ.

Y-Blok-eban-2
Chân dung Thiếu tướng Y Blôk Êban. Ảnh: Internet

Năm Y Blốk Êban lên 2 tuổi, cha ông là Y Chăm Byă qua đời. Sau đó, mẹ Y Blốk Êban đành phải đưa theo đàn con đi làm thuê cho chủ nô Ma Nhơn để kiếm sống. Dù xuất thân khó khăn nhưng Y Blốk Êban từ bé đã cho thấy sự thông minh, nhanh nhẹn hơn những người khác.

15 tuổi, Y Blốk Êban học xong tiểu học và bị Pháp bắt đi lính khó xanh. Khi đó, Y Blốk Êban phải gác ở nhà tù Buôn Ma Thuột. Nhưng cũng tại đây, ông được tiếp xúc với các tù nhân chính trị và dần giác ngộ cách mạng. Y Blốk Êban được giao nhiệm vụ vận động các lính gác khác bỏ hàng ngũ đi theo cách mạng, xây dựng lực lượng trong lòng địch rồi chờ thời cơ đứng lên.

Y-Blok-eban-4
Bộ trưởng Trần Đại Quang đến thăm Thiếu tướng Y Blốk Êban nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Buôn Ma Thuột. Ảnh: Báo CAND

Ngày 22/8/1945, Y Blốk Êban dẫn đầu trung đội lính khố xanh biến buổi chào cờ của Trần Trọng Kim do phát xít Nhật dựng lên thành cuộc mít tinh ủng hộ cách mạng, giành chính quyền về tay nhân dân. Bấy giờ, chính quyền Trần Trọng Kim đã không thể lường trước nên trở tay không kịp.

Sau chiến công đó, Y Blốk Êban được đưa thẳng vào hàng ngũ cách mạng, tham gia vào Ủy ban lâm thời của tỉnh Đắk Lắk.

Năm 1954, Y Blốk Êban tập kết ra Bắc, được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minhh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 3 năm sau, ông được thăng hàm Thượng tá. Năm 1960, đồng chí Y Blốk Êban trở về Tây Nguyên giữ chức Phó Tư lệnh rồi Quyền Tư lệnh Quân khu VI. Bấy giờ, tên tuổi của Y Blốk Êban khiến kẻ địch rất e ngại, thậm chí nghe đến tên đã đủ khiếp sợ.

Y-Blok-eban-1
Ông Y Blốk Êban (bên trái) cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Nghệ An, năm 1957. Ảnh tư liệu

Trên con đường binh nghiệp của Y Blốk Êban, cột mốc đáng nhớ nhất chính là chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975. Thắng lợi năm đó đã mở màn cho chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi hòa bình được lập lại, Y Blốk Êban được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk. Năm 1982, ông nhận hàm Thiếu tướng, trở thành vị tướng đầu tiên của Tây Nguyên.

Y-Blok-eban-3
Thiếu tướng Y Blốk Êban cùng vợ lúc còn sống. Ảnh: Internet

Trong cuốn hồi ký của mình, Y Blốk Êban cho biết, cuộc đời cách mạng của ông không bao giờ quên được lần suýt bị kỷ luật vì 5 kg vàng. Chuyện xảy ra sau hội nghị du kích toàn quốc ở Việt Bắc. Bấy giờ, đồng chí Lê Văn Lương và đồng chí Nguyễn Chánh đã gọi Y Blốk Êban đến để giao nhiệm vụ dẫn đoàn đại biểu vừa dự hội nghị về, đồng thời chuyển hàng.

Trên đường về ông ghé vào Khu III nhận 4 triệu bạc Đông Dương về Liên khu V mua xe đạp thồ chuẩn bị cho chiến dịch sắp tới. Nhận đủ tiền, vàng, 7 ngày sau đoàn của Y Blốk Êban về đến Linh Cảm, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Tại đây, Y Blốk Êban đã gửi tiền ở trạm đón tiếp rồi cùng một đồng chí khác vượt sông đi sang Thanh Chương, Nghệ An để nhận thêm 20 kg vàng được cấp cho chiến dịch. Thế nhưng, khi cả hai về lại Linh Cảm thì lại hay tin, Trung ương quyết định hỗ trợ thêm 5 kg vàng nữa vì “trong ấy khó khăn”. Một mình Y Blốk Êban lại lên đường đi Thanh Chương nhận vàng.

Y-Blok-eban-5
Thiếu tướng Y Blốk Êban cùng vợ ôn lại những kỷ niệm được gặp Bác Hồ. Ảnh: baodaklak.vn

Sau hơn 1 tháng ròng rã, đoàn của họ về đến Liên khu V. Trong quá trình bàn giao, nhận thấy sự chênh lệch giữa giấy tờ và thực tế, Y Blốk Êban cùng anh em đã suýt bị kỷ luật vì “không trung thực với Trung ương, nhận quá tiêu chuẩn”. Sau một lúc giải thích, các đồng chí lãnh đạo mới hiểu đó chỉ là sơ suất không cấp giấy xác nhận cấp vàng bổ sung. Y Blốk Êban cùng đồng đội nhờ đó mà cũng bình an vô sự. Sau này, ông vẫn một mực khẳng định: “Đây là kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời cách mạng của tôi”.