Hàng không - Vũ trụ

Ngành hàng không dân dụng Việt Nam có từ khi nào? Bất ngờ tên gọi đầu tiên của tiếp viên hàng không

Ngành hàng không dân dụng Việt Nam có từ khi nào? Bất ngờ tên gọi đầu tiên của tiếp viên hàng không

Trải qua hàng chục năm thành lập và phát triển, ngành hàng không dân dụng của Việt Nam ngày càng đạt nhiều thành tích rực rỡ. Nhưng có bao giờ bạn thắc mắc, ngành này có từ khi nào hay không?

Ngành hàng không dân dụng ở Việt Nam chính thức được thành lập vào ngày 15/1/1956, khoảng 2 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình của Việt Nam trong vấn đề vận chuyển hàng không, giúp đất nước giao lưu, hội nhập với thế giới.

4 năm sau khi ngành hàng không dân dụng Việt Nam ra đời, đội ngũ phi công người Việt do Liên Xô (cũ) và Trung Quốc đào tạo cũng bắt đầu về nước làm việc. Như vậy, dù còn non trẻ, nước ta vẫn có một ngành hàng không nhân lực chất lượng, đủ phi công và tiếp viên để vận hành.

hang-khong-viet-nam-1
Máy bay của Hàng không Việt Nam chở Bác Hồ về thăm quê hương Nghệ An năm 1961. Ảnh tư liệu

Có thể nhiều người không biết, giai đoạn đầu tiếp viên hàng không có cách gọi khác là chiêu đãi viên hàng không. Nhiệm vụ của họ là mang đến trải nghiệm dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Ngoài ra, tiếp viên cũng là thành viên của phi hành đoàn và góp phần đảm bảo an toàn cho chuyến bay.

Gần 70 năm thành lập và phát triển, ngành hàng không dân dụng Việt Nam đã có sự thay đổi ngoạn mục. Ra đời từ lực lượng vũ trang nhân dân, cho đến sau này ngành vẫn luôn giữ vững bản chất cách mạng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc, Nhân dân.

hang-khong-viet-nam-2
Hàng không dân dụng phục vụ Bác Hồ trong một chuyến bay chuyên cơ. Ảnh tư liệu

Được thành lập trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, lạc hậu, đất nước còn chia cắt 2 miền, nhưng ngành hàng không dân dụng Việt Nam vẫn phát huy được tối đa vai trò của mình. Trong năm 1956, miền Bắc đã khôi phục được 6 sân bay ở các tỉnh và thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Sơn La, Lai Châu, Quảng Bình.

Trong đó, sân bay chính của Thủ đô giai đoạn trước năm 1975 là sân bay Gia Lâm ở phường Phúc Đồng (quận Long Biên). Đến năm 1977, sân bay Nội Bài được xây dựng, sân bay Gia Lâm chuyển sang chỉ phục vụ quân sự và các chuyến bay dịch vụ bằng trực thăng.

hang-khong-viet-nam-4
Bác Hồ chụp ảnh kỷ niệm với tổ bay Li-2, số hiệu 203 trong chuyến bay về thăm Quảng Bình. Ảnh tư liệu
hang-khong-viet-nam-3
Ngành hàng không Việt Nam ngày càng thay da đổi thịt theo thời gian. Ảnh: vatm.vn

Đại dịch Covid-19 hoành hành suốt những năm trước đã để lại thiệt hại lớn, “thổi bay” 4 năm tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam. Năm 2023, tổng doanh thu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ghi nhận con số 20.034 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn trước dịch 9%. Bên cạnh đó, lợi nhuận trước thuế đạt 8.646 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2022 nhưng mới bằng 85% thời kỳ đỉnh cao trước dịch. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng dấu hiệu tích cực là chúng ta đã phục hồi, gồng mình đứng lên sau đại dịch.