Thông tin Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ) mua lại chuỗi điện máy của Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh với 39 siêu thị tại nhiều tỉnh, thành đã được đồn đoán từ giữa tháng 8-2017. Đến nay thương vụ mua bán “khủng” này đã chính thức bước vào hồi kết khi đại diện Trần Anh vừa cho báo chí biết sẽ công bố hoàn tất thương vụ này trong tháng 10.
Đây được xem là sự kiện “lịch sử” khi lần đầu tiên hai doanh nghiệp (DN) Việt ngành điện máy về chung một mái nhà.
Cuộc sáp nhập lớn nhất
Để hoàn tất vụ sáp nhập lớn này, hai lãnh đạo cấp cao của TGDĐ đã được bổ nhiệm vào vị trí phó tổng giám đốc và giám đốc tài chính của Trần Anh. Đây được xem là động thái tiếp quản đầu tiên của đại gia này sau khi cổ đông của Trần Anh đã thông qua chủ trương bán lại công ty cho TGDĐ.
Đồng thời, cổ đông của TGDĐ cũng đã thông qua việc tăng ngân sách thực hiện mua bán, sáp nhập lên 2.500 tỉ đồng. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT TGDĐ, từng cho biết công ty không mua một lượng cổ phần nhất định để làm đối tác, mà là mua cổ phần chi phối hoặc mua đứt luôn chuỗi điện máy.
Việc mua lại Trần Anh được nhiều chuyên gia đánh giá là bước đi khôn ngoan và phù hợp. Bởi nó cho phép TGDĐ mở rộng thị trường một cách nhanh chóng, nhất là thị trường phía Bắc. Đặc biệt nếu để Trần Anh rơi vào tay đại gia Thái Lan, Nhật Bản hay Hàn Quốc như hàng loạt chuỗi bán lẻ khác thì TGDĐ lại có thêm đối thủ rất mạnh, cuộc đánh chiếm thị trường sẽ càng khốc liệt mà chưa biết phần thắng sẽ thuộc về ai.
Nói thêm về thương vụ này, chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng nhìn nhận trong lĩnh vực bán lẻ điện máy thì cuộc sáp nhập giữa TGDĐ với vốn hóa 38.000 tỉ đồng và Trần Anh là cuộc mua bán có quy mô lớn nhất, cả về số lượng siêu thị lẫn quy mô vốn.
Khách hàng đang mua điện thoại tại cửa hàng Thế Giới Di Động ở TP.HCM. Ảnh: HTD
Bởi đang sở hữu khoảng 160 siêu thị tại miền Bắc, sau khi thâu tóm Trần Anh, TGDĐ sẽ nhanh chóng leo lên “ngôi vương” về độ phủ với số điểm bán áp đảo so với các đối thủ.
Nước cờ mới của TGDĐ khi mua Trần Anh cũng là biểu hiện của việc các DN Việt “bắt tay” với nhau, không để thị trường bán lẻ liên tục rơi vào tay các đại gia nước ngoài. Sau đó các đại gia nước ngoài đẩy hàng Việt ra khỏi siêu thị, đưa hàng của nước họ vào khiến DN Việt bí đầu ra.
Tương tự, ông Trương Văn Quý, Giám đốc Trường đào tạo Digital marketing EQVN, cho rằng sự kiện này cho thấy tham vọng và tầm nhìn của TGDĐ với thị trường bán lẻ Việt Nam. Bởi thực tế cho thấy lâu nay DN Việt khi đã tốt rồi thường rất dễ hài lòng hay ngủ quên trên chiến thắng nên thiếu nỗ lực cần thiết để lớn mạnh hơn, vững chắc hơn.
“Động thái mới của TGDĐ cho thấy họ chưa thỏa mãn với những gì đã đạt được mà còn muốn phát triển với quy mô lớn hơn và điều này cũng có thể là kinh nghiệm cho các DN trong nước tham khảo để không ngừng phát triển” - ông Quý nói.
Hai đối thủ đáng gờm
Tập đoàn Central Group của Thái Lan cho biết dự kiến chi gần 512 triệu USD để mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong thời gian tới. Ngay trong năm nay, Central Group dự kiến mở thêm 30 siêu thị mới của chuỗi điện máy Nguyễn Kim, nơi đại gia bán lẻ Thái đang sở hữu 49% vốn; năm 2018 dự kiến mở thêm 20 siêu thị Big C và chuỗi bán buôn Lan Chi Mart cùng với 20 cửa hàng Nguyễn Kim. Trước đó Central Group đã sở hữu Big C Việt Nam với giá 1,14 tỉ USD.
Trong khi đó, tổng cả hệ thống TGDĐ và Điện Máy Xanh của công ty hiện có hơn 1.500 cửa hàng trên toàn quốc, phân bố tại hầu hết các tỉnh, thành, trong đó riêng Điện Máy Xanh đang sở hữu 483 điểm bán trên toàn quốc. Không chỉ bán các mặt hàng điện máy, TGDĐ còn mở rộng sang kinh doanh rau củ quả, thịt cá thông qua chuỗi Bách Hóa Xanh.
Liệu có cạnh tranh nổi đại gia ngoại?
Sau khi TGDĐ có trong tay Trần Anh liệu họ có là đối trọng với tập đoàn bán lẻ Thái Lan Central Group, hiện vận hành nhiều thương hiệu tại Việt Nam như hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim, hệ thống siêu thị Big C…? Trả lời câu hỏi này, chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng nhận định sau khi Trần Anh và Điện Máy Xanh về dưới một mái nhà thì TGDĐ sẽ trở thành một thế lực lớn và tiềm năng dẫn đầu thị trường này. Đây sẽ là một đối trọng, đối thủ đáng gờm của Central Group.
Tuy vậy, ông Tùng lưu ý: “Nhiều ý kiến phân tích rằng Trần Anh về với TGDĐ dù sao cũng tốt hơn so với nếu có nhà đầu tư nước ngoài mua lại. Nhưng dưới góc độ của người tiêu dùng, họ thường không quan tâm quá nhiều đó là thương hiệu nội hay ngoại. Vấn đề mà khách hàng quan tâm nhất là sau vụ sáp nhập này có giúp việc mua bán thuận tiện hơn không. Chất lượng dịch vụ, hậu mãi có tốt hơn hay không... Nếu đáp ứng được những yêu cầu này thì khách hàng sẽ ủng hộ, nếu không sẽ là ngược lại”.
Đồng quan điểm, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena, cho rằng sáp nhập và thâu tóm là xu hướng phát triển tất yếu trên thị trường bán lẻ. Điều này tốt cho thị trường nhưng DN Việt muốn tiếp tục tồn tại và phát triển thì phải có hướng đi riêng, liên minh, liên kết để mạnh hơn nếu không muốn bị nước ngoài thâu tóm.
“Tuy vậy DN Việt còn chậm, trong lúc luật chống độc quyền chưa rõ ràng. Do vậy các quỹ nước ngoài, thông qua các công ty Việt liên tục tiến hành mua bán, sáp nhập với các công ty cùng ngành để lớn hơn, mạnh hơn, chiếm lĩnh thị trường Việt nhiều hơn” - ông Thắng nhấn mạnh.
Thế Giới Di Động có "bán mình"? Gần đây giới kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ Việt Nam đồn đoán TGDĐ sắp "bán mình". Nhưng trao đổi với báo chí, ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc TGDĐ, đã bác thông tin trên. "Ai mua được TGDĐ thì tìm giúp tôi. Nhiều khả năng chúng tôi còn tìm mua thêm đối tác khác. Nhiều khi anh Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT TGDĐ, trong buổi gặp gỡ nào đó có nói những lời liên quan đến việc mua bán, sáp nhập nhưng bị người nghe hiểu nhầm sang một hướng khác" - ông Doanh giải thích. Tuy nhiên, chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng cho rằng nếu có một lời đề nghị đủ hấp dẫn từ nước ngoài thì cũng chưa chắc TGDĐ sẽ không bán mình. Đặc biệt với tình hình vốn hiện nay của DN Việt, việc cần một nguồn vốn ngoại là đương nhiên. Do vậy các DN Việt sẽ bị hay được thâu tóm cũng không phải là chuyện lạ. Một số chuyên gia khác cũng bình luận bây giờ TGDĐ đứng ra mua Trần Anh nhưng sau đó có bán lại cho người nước ngoài hay không thì rất khó đoán. |
Theo: PLO