Khoa học & Đời sống

Cuộc chiến không hồi kết giữa Grab và xe ôm: “Chúng tôi già rồi, chỉ muốn yên ổn làm ăn”

Cuộc chiến không hồi kết giữa Grab và xe ôm: “Chúng tôi già rồi, chỉ muốn yên ổn làm ăn”

Trong số những tài xế xe ôm truyền thống tại đây, chúng tôi dễ dàng nhận ra chú Dương Thế Định, nhân vật chính trong đoạn video mà một thành viên Grab đã đăng tải lên Facebook.

Đội xe ôm truyền thống tại bến xe An Sương, trực thuộc quản lý của BQL bến xe.

Chú Định chia sẻ: “Hôm đó, tụi tui chỉ nhắc nhở em nó đi đón khách thì đón xa xa một tí, để chừa chỗ cho bọn tui còn kiếm miếng ăn. Sau khi nhắc nhở thì lời qua tiếng lại, vì là dân ít học nên lớn tiếng, rồi từ đó dẫn đến ẩu đả. Mọi chuyện sẽ không có gì nếu như em nó đừng có rút gậy ra, tui tưởng dao nên có la lên. Lúc đó thì anh em tập trung lại nên mới có ẩu đả”.

Dương Thế Định, người xuất hiện trên đoạn video clip. Trong cộng đồng Grab đã có những đoạn status kèm hình ảnh “truy nã” khiến cuộc sống của chú Định ít nhiều gặp khó khăn.

Chú Tâm (56 tuổi) đã chạy xe ôm tại bến xe An Sương gần 17 năm, chia sẻ: “Bọn tui toàn U50, già rồi lại thêm bệnh tật thì sức đâu mà đánh nhau. Giờ chỉ muốn yên ổn kiếm miếng cơm thôi. Anh em Grab có vô bến xe để bỏ khách hay lấy hàng tụi tui đều thoải mái, chỉ có điều anh em có muốn đón khách thì đón xa xa, chứ đón ngay đây bọn tui bị mất miếng cơm nên ai mà không nóng”.

“Bình thường tụi chú cũng chỉ nhắc nhở thôi, kêu mấy em nó muốn đón thì đón ở xa một tí, còn thằng em hôm bữa cố tình gây sự nên mới khiến anh em ở đây phản ứng. Có mấy thằng em sinh viên chạy Grab cũng dễ thương lắm, chú nói cái là tụi nó xin lỗi rồi đi ngay”, chú Tâm bổ sung thêm.

Chú Tâm, người cùng xuất hiện trong đoạn clip. Hôm đó, chú chỉ đến can ngăn và có đoạn thoại: “Bỏ gậy xuống đi, chú nói là tụi nó không làm gì đâu”, nhưng tài xế Grab vẫn không chịu buông vũ khí xuống.

Đặc biệt, những người dân xung quanh đều ủng hộ xe ôm truyền thống. Cô Thọ (bán nước ngay trước bến xe An Sương) chia sẻ: “Mấy ổng ở đây hiền lắm con ơi! Có bao giờ gây gổ với ai đâu. Hôm đó, cô đang đứng sát bên xe của thằng em Grab, mấy ổng chỉ nhắc nhở nó đi thôi. Cô còn nói đi đi, đứng đây hồi có chuyện đó, mà nó đâu có chịu nghe, thế nên mới đánh nhau”.

Cô Thọ kể lại sự việc ngày hôm đó.

Ngoài ra, theo thông tin lan truyền, sau ngày hôm đó, các đồng nghiệp chạy Grab đã có một vài hành động trả thù với các bác xe ôm truyền thống tại bến xe An Sương.

Anh Lâm Chánh Minh (tài xế xe ôm) kể lại: “Chiều 26/09, có một anh đi trong bến xe ra và bảo tôi chở qua trường Công nghệ thực phẩm bên Lê Trọng Tấn. Tới nơi thì anh đó hỏi sao tụi tôi đánh bạn của mấy ảnh, chưa kịp trả lời thì có mấy người lao vào đánh tôi, có mặc luôn trang phục của Grab”.

Để xác minh thật hư vụ việc, chúng tôi đã đi đến hiện trường như mô tả. Chủ quán nước trước trường xác nhận sự việc là có thật. “Hôm đó tầm 5 giờ chiều, sinh viên tan học đông lắm. Thì tự nhiên có 5-6 người lao vào đánh cậu em này, còn lấy bàn ghế trong quán ra đập nữa nên tui mới ra can, lúc đó đông người nên tụi nó đánh mấy cái rồi bỏ chạy luôn.”

Quán nước nơi xảy ra vụ xô xát giữa anh Minh và nhóm thanh niên mặc trang phục Grab.

Chuyện chưa dừng ở đó, sau khi đi được một đoạn, thì nhóm thanh niên lạ kia lại tiếp tục đuổi đánh khiến anh Minh phải chạy trốn trong vào một showroom xe hơi gần đó.

Anh Minh với vết thương do bị nhóm thanh niên mặc áo Grab hành hung.

Anh Hồ Minh Tuấn (nhân viên kinh doanh tại showroom) tường thuật lại: “Hôm đó là giờ tan tầm, chúng tôi đang chuẩn bị giao xe cho khách thì có anh này chạy vào trong showroom kêu cứu, phía sau có 2 anh mặc áo và đội nón Grab rượt theo đánh. Bọn tôi sợ ảnh hưởng đến xe khách nên ra can lại”.

Có thể thấy, cuộc chiến giữa Grab và xe ôm truyền thống không biết tới bao giờ mới có hồi kết. Khi được hỏi về tâm tư nguyện vọng của mình, các bác xe ôm truyền thống đều đồng quan điểm:

“Chúng tôi làm việc ở đây cũng mấy chục năm rồi, từ khi xuất hiện Grab với Uber, miếng cơm của chúng tôi mất dần. Giờ tụi tôi chỉ mong đại diện công ty bên Grab xuống đây để giải quyết cho cả hai bên. Phân chia như thế nào để công bằng cho cả tụi tôi cũng như mấy anh em Grab. Ai cũng cần kiếm miếng cơm, ép quá sao tụi tôi sống nổi.”

Theo Kul.vn