Thủ thuật công nghệ

Vài chú ý để ép xung an toàn hơn cho máy tính

Vài chú ý để ép xung an toàn hơn cho máy tính

Việc ép xung tuy nguy hiểm nhưng đem lại nhiều thú vị cho những người thích mạo hiểm.

<>
Thực tế cho thấy rằng bạn không nhất thiết phải bỏ ra nhiều tiền để trang bị cho chiếc máy tính để bàn của mình những bộ vi xử lý có tốc độ cao. Một biện pháp đơn giản và kinh tế vẫn có thể giúp đẩy hiệu năng hệ thống của bạn lên một tầm cao mới đó là tiến hành ép xung các thành phần quan trọng của máy như CPU, RAM và GPU. Bài viết sau sẽ hướng dẫn cho bạn cách ép xung an toàn và hiệu quả các thành phần này để sử dụng tối đa hiệu năng của các thiết bị này.
 
An toàn được đặt lên hàng đầu
 
Việc chỉnh sửa các thành phần của máy tính bằng cách thay đổi các thông số kĩ thuật có thể làm mất bảo hành của thiết bị mặc dù một số linh kiện máy tính được sản xuất đặc biệt cho mục đích ép xung và chính sách bảo hành của chúng sẽ rộng rãi hơn với người dùng. Vì thế bạn hãy tiến hành việc ép xung một cách cẩn thận để tránh xảy ra những hư hỏng đáng tiếc.
 
Một điều quan trọng là bạn cần phải có các phần mềm giám sát hệ thống để theo dõi các tác động của việc ép xung tới hệ thống. CPU-Z  là một chương trình rất tốt cho việc này. Bên cạnh đó thì bạn cũng nên làm vệ sinh case máy tính để giữ cho các thành phần bên trong luôn được sạch sẽ và thoáng mát. Ép xung sẽ đẩy hiệu suất chiếc máy tính của bạn cao hơn mức quy định thông thường và việc hoạt động ở hiệu suất cao như vậy sẽ làm sản sinh ra nhiều nhiệt hơn do đó bạn cũng nên cân nhắc tới việc trang bị thêm hệ thống tản nhiệt. Bộ tản nhiệt nước sẽ rất được khuyến khích trong trường hợp này.
 
Ép xung CPU
 
Tốc độ của CPU được tính bằng cách nhân tốc độ xung nhịp bus hệ thống (FSB) với hệ số nhân của CPU. Vì thế để ép xung bộ xử lý, bạn có hai cách là tăng tốc độ xung nhịp và tăng hệ số nhân. Nếu bạn không có một bộ xử lý được mở khóa hệ số nhân như dòng CPU K-Series và Extreme Edition của Intel hay dòng CPU Black Edition của AMD, bạn sẽ có ít tùy chọn hơn trong việc ép xung so với các bộ vi xử lý không bị khóa hệ số nhân. Tuy nhiên vẫn có cách để bạn thực hiện việc ép xung. Để biết CPU của mình có bị khóa nhân không, đối với CPU của Intel bạn nên hỏi trực tiếp nơi bán hoặc vào trang web của Intel để biết thêm chi tiết còn với CPU AMD thì thoải mái hơn vì bạn có thể tự mở khóa nhân, nhưng bạn phải rất cẩn thận.
 
Thử nghiệm với PC sử dụng CPU thuộc dòng K-Series của Intel là Core i7-2600K. Vi xử lý này chạy ở tốc độ 3,4 GHz (con số này được tính toán bằng cách nhân xung nhịp bus hệ thống 99.8MHz với hệ số nhân của CPU là 34). Với vi xử lý dòng K-Series, bạn có thể dễ dàng thay đổi hệ số nhân của CPU từ các thiết lập trong BIOS. Chỉ cần khởi động vào BIOS sau đó tăng hệ số nhân (multiplier) của CPU lên một vài đơn vị, lưu lại các thiết lập mới trong BIOS và khởi động vào Windows. Bạn cũng có thể thay đổi FSB ở mục Frequency/Voltage Control (mục này có thể thay đổi tùy theo bo mạch chủ). FSB là cầu nối dữ liệu giữa CPU và bộ nhớ chính (RAM và ROM). Vì thế tăng FSB không những chỉ tăng tốc độ của CPU mà còn tăng tốc độ của toàn bộ hệ thống. Khi khởi động lại, bạn cũng nên để ý màn hình khởi động, thông thường nó sẽ thông báo tốc độ mới của hệ thống.
 
Lưu ý: Nếu máy tính lại báo tốc độ mặc định hoặc không vào được windows bạn hãy vào lại màn hình BIOS để tăng hiệu điện thế cho CPU hoặc giảm FSB xuống.
 
 
Nếu quá trình khởi động không xảy ra thông báo lỗi hoặc hệ thống của bạn không tự khởi động lại thì có nghĩa là bạn đang thực hiện đúng việc ép xung. Hãy kiểm tra lại thông số kỹ thuật của CPU thông qua phần mềm CPU-Z để xác nhận chắc chắn về các thiết lập của bạn. Ở tab CPU của CPU-Z, bạn hãy nhìn vào thông số Core Speed and Multiplier. Con số này sẽ dao động, phụ thuộc vào hiệu suất mà máy tính của bạn đang sử dụng.
 
Bạn có thể tải CPU-Z tại đây.
 
 
Tiếp theo, bạn hãy chạy một tiện ích benchmark để kiểm tra hoạt động của CPU như Prime95 hoặc Linx. Hai tiện ích này sẽ đẩy hiệu suất trên chiếc PC của bạn lên tới giới hạn, tức là sử dụng hết 100% khả năng của CPU sau khi đã được ép xung. Nếu sau vài tiếng sử dụng các công cụ này, máy tính của bạn không hiện lên màn hình xanh chết chóc hoặc tự khởi động lại một cách đột ngột thì hệ thống của bạn vẫn đang trong mức an toàn. Sau đó, bạn có thể lựa chọn sử dụng hệ thống bằng các thiết lập ép xung hoặc thử tiến hành ép xung lại với tốc độ cao hơn một chút nhưng hãy thật cẩn thận nếu bạn không muốn phải mua lại một CPU mới.
 
Ép xung GPU
 
Ép xung card đồ họa rất dễ dàng, bạn có thể nâng cao hiệu suất của card đồ họa bằng cách sử dụng một vài tiện ích mà nhà sản xuất cung cấp để thực hiện việc cấu hình.
 
Trước tiên, bạn hãy tải về trình điều khiển mới nhất từ ​​trang web của nhà sản xuất. Bạn có thể tìm được các phần mềm mới nhất của Nvidia tại đây cũng như của AMD tại đây. AMD có các công cụ ép xung cơ bản trong tab ATI Overdrive nằm trong phần mềm Catalyst Control Center, còn với card đồ họa của Nvidia, bạn sẽ cần phải tải về tiện ích Nvidia System Tools để thay đổi các thiết lập về xung nhịp của GPU.
 
Bạn hãy mở các tiện ích tương ứng với card đồ họa của mình và xác định vị trí để thay đổi tốc độ xung nhịp cho bộ xử lý và bộ nhớ RAM của GPU. Với tiện ích AMD Catalyst Control Center, chúng sẽ nằm ở tab Overdrive còn với card đồ họa của Nvidia thì các thông số này sẽ nằm trong menu Performance. Bạn hãy đẩy thanh trượt lên từng khoảng nhỏ từ 5MHz đến 10MHz cho một lần tinh chỉnh, không nên đẩy thông số lên quá cao vì như thế sẽ gây nguy hiểm cho GPU. Sau đó thì cũng giống như với việc ép xung CPU, bạn hãy khởi động lại hệ thống và tiến hành các thử nghiệm benchmark về card đồ họa như Heaven 2.0 hoặc bạn cũng có thể thử chơi một game có đồ họa nặng từ 15 đến 20 phút để kiểm tra hoạt động của GPU.
 
 
Nếu bạn thấy các hình ảnh trong game trở nên nhấp nháy hoặc không ổn định thì có nghĩa là bạn đã ép xung GPU của mình quá nhiều. Trong trường hợp này, bạn hãy khởi động lại và thực hiện ép xung với thông số nhỏ hơn. Hầu hết các thành phần của máy tính đủ khả năng để chịu được những hoạt động quá mức trong một thời gian ngắn. Vì thế GPU của bạn vẫn an toàn nếu bạn phát hiện ra những bất ổn trong quá trình hoạt động và sớm khắc phục.
 
Ép xung RAM
 
Cũng giống như CPU và card đồ họa, bạn cũng có thể ép xung bộ nhớ RAM. Nhưng hãy chắc chắn là bạn đang sử dụng những thanh RAM giống nhau như có cùng tốc độ và của cùng một nhà sản xuất để có được các thiết lập đồng nhất cho chúng. Trên thực tế, một giải pháp dễ dàng và an toàn hơn nhiều so với việc ép xung RAM là mua thêm RAM. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không thể ép xung RAM.
 
 
Trước tiên, bạn hãy mở  CPU-Z và tới tab SPD (Serial Presence Detect) để xem các thông số về bộ nhớ RAM. Sau đó hãy khởi động lại vào BIOS rồi vào các menu như Performance hoặc Configuration tùy thuộc vào bo mạch chủ mà bạn sử dụng để thiết lập các thông số mới cho RAM.
 
Bạn hãy điều chỉnh hệ số nhân của bộ nhớ bằng cách sử dụng một tùy chọn ép xung sẵn có mà BIOS cung cấp hoặc tinh chỉnh trực tiếp vào xung nhịp của RAM. Sau đó hãy thoát BIOS và khởi động lại vào Windows rồi tiến hành các thử nghiệm về bộ nhớ RAM. Bạn có thể sử dụng phần mềm MemTest để kiểm tra hoạt động của RAM.
 
Bạn có thể tải MemTest tại đây.
 
Bộ nguồn
 
Khi ép xung các thành phần của máy tính, chúng sẽ chạy ở hiệu suất cao hơn và do đó tiêu thụ nhiều điện năng hơn. Nên hãy đảm bảo rằng mình có một bộ nguồn đủ mạnh nếu không bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ cháy nguồn do quá tải và từ cháy nguồn có thể nó sẽ kéo theo một cơ số thiết bị khác cùng chung cảnh ngộ.
 
Trở về mặc định
 
Nếu hệ thống đang trong tình trạng ép xung và những thông số được cài đặt không đúng và máy tính không thể khởi động được? Một số loại bo mạch chủ hiện nay có thể tự động theo dõi quá trình khởi động và khi gặp lỗi nó tự khởi động lại với những giá trị mặc định của CPU và bộ nhớ.

Nếu thiết lập sai các thông số của CPU và bộ nhớ mà không biết cách khắc phục, bạn cũng có thể đưa bo mạch chủ về các thiết lập mặc định đối với CPU và RAM. Bạn hãy tìm Clear CMOS jumper trên bo mạch chủ và dùng jumper (cầu nối điện vẫn có ở các ổ cứng) đặt vào 2 điểm tiếp xúc sau đó để về vị trí ban đầu, BIOS sẽ được đưa về những giá trị mặc định ban đầu, bạn hãy tham khảo tài liệu của bo mạch chủ để biết chính xác vị trí củaClear CMOS jumper. Trường hợp bạn không tìm thấy nó, cũng có một cách đơn giản hơn là tháo pin CMOS trên bo mạch chủ ra trong khoảng 1 phút rồi gắn lại.