Đánh giá laptop

Đánh giá Xperia S: Kế thừa thôi chưa đủ

Đánh giá Xperia S: Kế thừa thôi chưa đủ

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, nếu bạn là một người dùng có nhu cầu đa dạng hơn về chiếc Smartphone của mình: như chất lượng thiết kế cực tốt, thiết kế phù hợp cho việc cầm nắm, và đặc biệt là yêu cầu cao về chất lượng ảnh chụp, thì có lẽ vấn đề sẽ hơi phức tạp hơn một chút. Phiên bản 32GB ở VN có giá khoảng hơn 13 triệu đồng cho hàng xách tay (tụt mạnh so với khi mới về) và chưa có máy chính hãng. Với số tiền thậm chí còn rẻ hơn 1-2 triệu, bạn hoàn toàn có thể kiếm một chiếc Galaxy S II với chất lượng đã được khẳng định từ lâu, hoặc một chiếc Galaxy Nexus với một màn hình và chất lượng thiết kế có vẻ “ổn” hơn, hoặc, thậm chí, chờ đợi chiếc HTC One S với camera tốt hơn (về mặt thông số) và chip Qualcomm S4. Nếu so sánh với các sản phẩm thuộc hàng “flag-ship” trên thị trường thì thực tế là Xperia S không có nhiều lợi thế về giá bán/hiệu quả sử dụng.

  • Xperia S xách tay hạ giá mạnh tại VN
  • Hình ảnh buổi Offline Sony Xperia S tại Hà Nội
  • Cận cảnh Sony Xperia S dùng chip 2 nhân 1.5GHz

Đầu năm 2012 là thời điểm “tái sinh” của dòng sản phẩm Xperia, tuy nhiên liệu đó là một sự “tái sinh” hay đơn giản là “đặt tên lại”? Nếu như được thấy những sản phẩm của dòng điện thoại này, có lẽ bạn sẽ không hỏi những điều tương tự như thế. Chiếc Sony Xperia S (với tên mã “Nozomi”) là chiếc điện thoại đầu tiên mang nhãn hiệu Sony chứ không còn là nhãn hiệu “lai” Sony Ericsson như trước. Chỉ cần nhìn vào vài thông số kỹ thuật chứ chưa cần nhìn vào thực tế sản phẩm, chúng ta cũng đã biết ngay, đây là một phiên bản mới hoàn toàn của dòng điện thoại Xperia, chứ không phải chỉ là cái tên mới từ một sản phẩm cũ.

Với một màn hình LCD rộng 4.3inch, độ phân giải tốt 1280x720, màn hình của chiếc Xperia S thuộc loại lớn nhất từng xuất hiện trong cả dòng Xperia nói riêng và các dòng điện thoại Sony (trước đây là Sony Ericsson) nói chung. Như vậy là, có vẻ, xu hướng chung của dòng Xperia (với các sản phẩm chủ đạo của từng thời kỳ, từ chiếc X10, lên chiếc Arc, và rồi giờ đây là chiếc S), là tăng kích thước cũng như chất lượng hiển thị của màn hình. Cùng xu hướng này là sự tăng chất lượng hình ảnh. Chiếc Xperia S được trang bị camera 12 “chấm” và có khả năng quay video Full HD, đồng thời hỗ trợ xuất qua các giao thức HDMI và cả DLNA. Cuối cùng, với tính năng NFC “thời thượng” cũng như công nghệ Bravia Engine, tất cả đã tạo nên một chiếc máy với tính năng giải trí toàn diện, ít ra là về mặt thông số. Tuy nhiên, để biết liệu đây có là một kẻ “kế vị” xứng đáng cho dòng Xperia danh tiếng hay không, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết này.
 

Phần cứng

Vẻ ngoài khá bóng bẩy, viền nhựa phát sáng là điểm nhấn

Ấn tượng và nổi bật nhất ở chiếc Xperia S, đặc biệt khi chúng tôi (và cả các bạn nữa, chắc chắn là như vậy) vừa nhìn thấy chiếc điện thoại này, trên mặt báo thôi chứ chưa cần trên một sản phẩm thực sự, đó chính là viền làm bằng nhựa trong đặt dưới màn hình có đèn nền LED phát sáng. Trong một nơi thiếu ánh sáng như trong phòng ngủ hay khi trời tối, thì phần đường viền này thực sự như một “vật định vị” cho chiếc điện thoại của bạn. Ba phím chức năng của Android được bố trí đặt ở trên đường viền này (chúng tôi khi mới cầm sản phẩm lần đầu đã nhầm lẫn mà bấm vào phần đường viền này chứ không bấm vào phím thực sự - LOL).

Đó là một nét “chấm phá”, và chúng tôi thích nó. Tuy nhiên, nó cũng khiến xuất hiện nhiều điểm trong thiết kế của Xperia S trông khá “thô”. Thứ nhất, việc có thêm đường viền này làm máy “dài” ra, và nó cũng khiến độ dày của máy bị “lộ diện” dễ dàng hơn (Xperia S dày hơn Arc). Trong một thời kỳ mà các nhà sản xuất chạy đua thu mỏng kích thước các thiết bị di động của mình, thì đây là một sự “hy sinh” to lớn của Sony. Thứ hai, phần viền này chia chiếc máy thành 2 phần, một điều mà các hãng sản xuất bây giờ cũng rất tránh, khi họ đang hướng đến những sản phẩm với thiết kế nguyên khối, tạo sự mượt mà và mềm mại hơn.

Cạnh trái với cổng microUSB

Cạnh dưới với micro

Cạnh trên với jack cắm headphone 3.5mm và nút nguồn

Cạnh trái (từ trên xuống): cổng miniHDMI, nút tăng giảm âm lượng, phím cứng camera

Mặt sau với camera chính và loa ngoài

Một vấn đề nghiêm trọng khác đối với phần cứng của chiếc Xperia S, đó là cái “cảm giác” và cái “thực tế” về bulid-quality của nó là khác nhau. Phần thân máy, nhìn có vẻ rất chắc chắn, nhưng thực chất nó lại hoàn toàn được làm từ nhựa (trừ một số thành phần ở các cổng giao tiếp). Bề mặt này được sơn một lớp sơn bóng, tuy nhiên phải nói là nó vẫn khá bám bụi bẩn. Chúng tôi được biết lớp sơn này cho phép lau chùi cực tốt, nhưng có lẽ sẽ không nhiều người có thói quen lôi điện thoại của mình ra lau khi đang ở ngoài đường! Nắp nhựa của các cổng HDMI và microUSB được làm chưa tốt. Bạn sẽ dễ dàng mở nó ra một cách ngoài ý muốn khi lôi máy từ một không gian hẹp, như từ trong túi quần bò chẳng hạn.

Nhìn Xperia S dày và có vẻ cứng cáp hơn, nhưng chỉ là "có vẻ"

Màn hình của máy, chúng tôi không có nhiều thông tin, nhưng có vẻ như đây là một màn hình chống xước. Rất tiếc là Sony không trang bị cho model này (và hình như tất cả các sản phẩm trong dòng Xperia cũng vậy) một lớp kính bảo vệ Gorilla Glass.

Hiện tại thì chiếc máy này có 2 phiên bản dung lượng 16GB và 32GB cho bạn lựa chọn. Khác với truyền thống của Sony, Xperia S không được hỗ trợ khả năng mở rộng dung lượng thông qua thẻ nhớ cắm ngoài, có lẽ họ muốn hướng người dùng tới việc sử dụng các phiên bản với dung lượng cao hơn.

Một vấn đề nữa liên quan đến các phím bấm điều hướng. Các phím này đều là phím cảm ứng, và thật kỳ lạ là hình hiển thị chức năng của từng nút lại được in ở phần viền nhựa phát sáng ở dưới, chứ không phải trên phần phím bấm (chỉ có 3 chấm sáng rất nhỏ để đánh dấu). Đây là nguyên nhân gây ra rất nhiều bỡ ngỡ, đi kèm với nhiều lỗi thao tác nhầm của chúng tôi trong vài ngày đầu sử dụng máy. Có thể nguyên nhân của việc trang bị các nút cảm ứng này là do việc Sony sẽ sớm nâng cấp lên ICS 4.0 cho Xperia S (ICS không thực sự cần các phím điều hướng vật lý), tuy nhiên nếu xét đến sự luôn chậm chạp của Sony trong việc nâng cấp phần mềm cho các sản phẩm của họ, thì e rằng ngày này hãy còn xa, ít nhất là phải vào quý 2 năm nay.

Chất lượng hiển thị

Màn hình của Xperia S cho một chất lượng hiển thị xuất sắc

Góc nhìn cũng rất tốt (còn tốt hơn nữa nếu sử dụng trong ánh sáng trong nhà)

Khi mà bulid-quality của Xperia S làm chúng tôi cảm thấy có phần thất vọng, thì màn hình tuyệt vời của nó lại khiến chúng tôi “hưng phấn” trở lại. Màn hình này chỉ dựa trên tấm nền TFT LCD thông thường, đã “có tuổi” chứ không phải là AMOLED (Sony không có thói quen sử dụng các panel tấm nền từ các hãng khác sản xuất), tuy nhiên với độ phân giải cao đạt chuẩn 720p, tức là mật độ điểm ảnh đạt tới 342ppi (màn hình Retina của iPhone 4/4S cũng chỉ đạt 330ppi), màn hình này cho ra hình ảnh cực nét và mịn. Chúng tôi thích thưởng thức những đoạn video hay xem ảnh trên màn hình của Xperia S hơn là trên màn hình AMOLED của chiếc PlayStation Vita. Mặc dù chiếc Vita có màn hình lớn hơn, và loa ngoài tốt hơn, nhưng hình ảnh trên chiếc Xperia sắc nét và màu sắc tươi sáng hơn, trong khi chất lượng âm thanh cũng không thể xem thường.

Màn hình của Xperia S thậm chí tốt hơn cả Xperia Arc, tái tạo sắc màu đen và độ tương phản tốt hơn

Màn hình này cũng thể hiện rõ sự vượt trội so với các màn hình LCD xuất hiện trên các dòng điện thoại Xperia đi trước, như chiếc Arc chẳng hạn (Arc S có màn hình tương tự Arc). Sự sắc nét và độ mịn này khó nhận ra trừ phi bạn sử dụng..kính lúp. Tuy nhiên, để dễ dàng hơn, bạn chỉ cần đơn giản sử dụng Kindle trên cả 2 chiếc máy và sẽ nhận ra ngay sự khác biệt: với độ phân giải thấp hơn, nét chữ trên Arc dễ dàng bị phát hiện “răng cưa”, còn ở chiếc Xperia S thì hoàn toàn không có vấn đề này xảy ra. Góc nhìn của chiếc Xperia S mới cũng tốt hơn nhiều.

So sánh với chiếc Sensation XE

Màn hình này thể hiện một cách rất ấn tượng dưới ánh sáng ngoài trời, và nó chứng tỏ rằng, khi được điều chỉnh đúng cách, một tấm nền LCD hoàn toàn không phải là “đồ bỏ đi” trong điều kiện sử dụng này: rất nhiều màn hình LCD trên các thiết bị khác sẽ bị lóa, mất độ tương phản, dẫn tới hoàn toàn không thể theo dõi được nội dung. Với Xperia S, nhờ được trang bị công nghệ Bravia Engine (trang bị trên các dòng sản phẩm TV Bravia của Sony), nên độ tương phản đạt được là rất tốt và hạn chế được hiện tượng không mong muốn này. Tất nhiên không có gì là hoàn hảo: màn hình này vẫn hơi ám vàng khi thể hiện sắc trắng, đặc biệt là so với một màn hình Retina cực tốt trên chiếc iPhone 4/4S, nhưng công nghệ Mobile Bravia khiến cho việc theo dõi phim, ảnh trên màn hình này vẫn thực sự không làm thất vọng cả những người khó tính nhất. Phải nói rằng, Sony chắc chắn đã đầu tư rất nhiều tâm huyết trong việc tạo ra một màn hình tuyệt vời như thế này.

Camera

Camera 12 “chấm” trên chiếc Xperia S là một thế giới khác so với camera trên những chiếc Xperia ra đời năm trước! Với camera này bạn có thể  “nghịch ngợm” nhiều thứ hơn nhiều, từ giá trị khẩu độ, ISO, Focus Mode, Metering Mode và White Balance (có thể tùy chỉnh hoặc chọn trong số các thiết lập có sẵn).

Nếu chỉ nhìn trên màn hình của Xperia S, thì chất lượng của những bức ảnh thu được thật đáng kinh ngạc

Tốc độ của quá trình chụp ảnh cũng tăng lên đáng kể. Khi máy vẫn còn lock màn hình, thời gian từ khi bấm nút camera cho tới khi chụp được hình đầu tiên là chỉ 1.4 giây (theo chúng tôi đo, kết quả thực tế có thể có sai lệch). Tất nhiên, nếu chụp theo cách này thì bạn đừng hy vọng vào những bức ảnh với chất lượng tốt : thời gian chụp ngắn đồng nghĩa với việc không thể canh nét chính xác. Tuy nhiên, nó cho thấy rằng việc sử dụng chiếc điện thoại này để “chộp” những khoảnh khắc ấn tượng trong sinh hoạt hàng ngày là hoàn toàn khả thi. Trải nghiệm chụp ảnh với trình chụp ảnh mặc định của Xperia S thực sự là rất thú vị và không có gì phải phàn nàn.

Với những bức hình thử nghiệm của chúng tôi, Xperia thể hiện khá tốt: “bắt” khẩu độ tương đối chính xác, cân bằng trắng và đèn flash xử lý tốt, và hình ảnh thu được thì rất ấn tượng trên màn hình của máy: sắc nét, sáng, màu sắc đẹp và độ tương phản cao. Sự kết hợp của cảm biến ảnh lớn và màn hình đạt chất lượng HD cũng giúp ích cho việc chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng, đơn giản vì màn hình này giúp “che giấu” bớt nhiễu trong những điểm ảnh thu được. Tất nhiên là vẫn có nhiễu, nhưng bạn sẽ phải zoom để thấy được chúng.

Nếu chỉ xem trên màn hình điện thoại này, thì có lẽ những bức hình thu được từ camera của Xperia S là tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu bạn xem trên máy tính hoặc in ra để đóng vào khung chẳng hạn, hoặc bạn muốn xuất ra một màn hình lớn qua các kết nối như HDMI hoặc DLNA chẳng hạn, thì sẽ có những điểm yếu lộ ra. Dưới đây là một vài bức hình thử nghiệm từ camera của máy:

Trong những chiếc Xperia thế hệ trước, như chiếc Neo chẳng hạn, chất lượng hình ảnh bị ảnh hưởng bởi việc tỉ lệ nén quá nhiều, thì đến Xperia S, điều này đáng buồn thay lại vẫn xảy ra. Sony không cung cấp tùy chọn cho phép giảm tỉ lệ nén của file ảnh JPEG để cho hình ảnh đẹp hơn (với dung lượng lớn hơn) so với trên những chiếc Galaxy S II hay iPhone 4/4S. Mức độ nén đã được giảm bớt so với Neo: hiện nay một bức ảnh 12Mpx chỉ còn phải “nhồi” vào một file ảnh có dung lượng 3MB, nhưng như thế dường như vẫn chưa đủ.

Ảnh của Xperia S thực sự vẫn còn nhiều "sạn"

Dưới đây là một vài bức ảnh so sánh nho nhỏ giữa camera của Xperia S và chiếc iPhone 4. Các so sánh này chỉ nhằm mục đích chỉ ra rằng, khi bị nén quá nhiều (như trên chiếc Xperia S), chất lượng hình ảnh sẽ bị suy giảm rất nhiều. Các hình ảnh này không được chụp trong cùng điều kiện, cũng như các tùy chỉnh là hoàn toàn tự động và chắc chắn sẽ khác nhau. Thêm vào đó, phần hình ảnh “crop” trên iPhone sẽ nhỏ hơn vì độ phân giải của nó thấp hơn nhiều.

Xperia S tạo ra file ảnh JPEG lớn hơn khoảng 25% so với iPhone 4, mặc dù số điểm ảnh lớn hơn đến 2.5 lần. Điều này dẫn đến tác hại là khi zoom ảnh của Xperia S, chúng ta sẽ thấy xuất hiện nhiều nhiễu. Việc nén ảnh quá mức này, một mặt khiến cho chất lượng hình ảnh bị suy giảm (nhiều nhiễu), mặt khác làm mất đi lợi thế của cảm biến Exmor R lớn hơn trên chiếc S (so với các Xperia đời trước). Và, chất lượng hình ảnh này có lẽ chỉ đủ đáp ứng cho mục đích “xem chơi” chứ chắc chắn không dành cho mục đích in phóng được. Đáng buồn là phải nói rằng, chất lượng như thế này chỉ tương đương với chiếc iPhone 4 đã “có tuổi” (càng không nên nhắc đến chiếc 4S).

Một câu chuyện tương tự khi chúng ta xét khả năng quay phim 1080p của máy. Nó có tỉ lệ nén đáng kinh ngạc: chỉ khoảng 100MB cho 1 phút. Chiếc Lumia 800 cũng tiêu tốn từ 80 đến 100MB cho 1 phút quay phim, nhưng là ở độ phân giải 720p. Tuy nhiên, nếu bỏ qua việc nén hơi “quá tay” này, chúng ta vẫn nhận ra được những ưu điểm của quay video trên Xperia S: chế độ lấy nét liên tục chậm nhưng rất ổn định và chính xác, cho khẩu độ và cân bằng trắng chuyển khá “nhuyễn”, trong khi âm thanh thu được đạt mức tốt.
 

Hiệu năng và thời lượng pin

Chiếc Xperia S được tung ra quá sớm để có thể “hưởng lợi” từ những con chip di động mới xuất hiện tại kỳ MWC vừa qua. Nó sử dụng một con chip thuộc hàng “tương đối”  đã ra đời từ năm trước: chip 2 nhân 1.5GHz Qualcomm MSM8260. Chúng ta không còn lạ lẫm gì với con chip này, nó đã xuất hiện trên nhiều thiết bị di động, tiêu biểu như chiếc HTC Sensation XE, và có vẻ như hiệu năng của nó hoàn toàn vừa đủ dùng với những tính năng mà Xperia S được trang bị. Trong quá trình sử dụng của chúng tôi, hoàn toàn không thấy xuất hiện hiện tượng lag hay chậm khi sử dụng ứng dụng Note, duyệt web diễn ra mượt mà, và có một sự “đồng điệu” đáng ngạc nhiên giữa con chip này và pin của máy. Chúng tôi có thể sử dụng máy trọn vẹn trong 2 ngày với mức độ sử dụng dưới trung bình, với khoảng 2 giờ sử dụng liên tục mỗi ngày và tắt các kết nối không cần thiết. Thậm chí cả với việc sử dụng với cường độ cao, chẳng hạn bật Wifi cả ngày và xem video (tuyệt vời trên màn hình của máy), máy cũng tỏ rõ sự “ngoan cường” của mình. Với thử nghiệm phát video liên tục, Wifi bật không kết nối, mức sáng 50% (bài test quen thuộc với các máy tính bảng), Xperia S có thể chơi liên tục được hơn 5 giờ đồng hồ, tương đương với chiếc Sensation XE, mặc dù màn hình của chiếc Xperia cao hơn rất nhiều.

Để rõ ràng hơn, chúng ta sẽ đem con chip này lên bàn cân của các trình benchmark để xem liệu nó có giúp Xperia S vượt trội hơn thế hệ trước hay có thể đuổi kịp con chip cực mạnh Exynos trên Galaxy Note hay không. Kết quả thật nức lòng: Xperia S có thể vượt lên ở các phép thử về đồ họa và trình duyệt:

 

 

 

Xperia S

Xperia Arc S

Galaxy Note

Quadrant

2,033

1,158

3,998

Linpack (single-thread)

53.67

34.54

64.3

Linpack (multi-thread)

83.70

38.88

95.66

NenaMark2 (fps)

37.1

13.6

32.8

Neocore

59.7

59.4

51.77

SunSpider 9.1 (ms, lower numbers are better)

2,653

3,369

2,902

Phần mềm

Một phiên bản Android "cổ lỗ"

Đi kèm một giao diện cũng đã "có tuổi"

Nếu bạn chưa từng dùng qua Androdi 2.3.7, thì tất cả mọi điều bạn cần biết về phiên bản này là: nó đã quá cũ. Hầu như đây chỉ là một bản nâng cấp rất mờ nhạt so với các phiên bản trên Xperia Arc hay Arc S trước đây. Các phần mềm cũng như giao diện TimeScape được cài đặt sẵn cũng rất quen thuộc, hoàn toàn không khác gì trên những chiếc điện thoại đã kể trên. Tất nhiên không phải tất cả những gì cũ đều không tốt, ví dụ như trình nghe nhạc mặc định của máy cho khả năng tùy biến âm thanh qua giao diện chỉnh EQ tốt. Tuy nhiên không phải tất cả đều được như vậy. Điển hình như phần mềm McAffee antivirus cho ra những cảnh báo khá “trời ơi” và không dễ cho người sử dụng lần ra được vấn đề nằm ở đâu.

Tất nhiên, cũng có một vài điểm mới. Một trong số đó là sự liên kết rất tốt đến sản phẩm mang tên Xperia SmartWatch (chiếc đồng hồ hiển thị thông báo từ điện thoại của bạn). Xperia S có thể gửi các notification đến chiếc đồng hồ này thông qua Bluetooth. Dù chỉ được thử qua trong chốc lát nhưng chúng tôi nhận ra đây là một phụ kiện độc đáo và khá thú vị, đặc biệt là những người có thói quen hoạt động thể dục thể thao mà không muốn để điện thoại ở nhà.

Một vài tính năng thú vị đến từ công nghệ NFC

Sony cũng đã quan tâm trong việc ứng dụng công nghệ NFC trên chiếc Xperia S. Đi kèm theo máy là 2 chiếc SmartTag, cho phép điện thoại chuyển sang các thiết lập khác nhau, tương ứng với vị trí khác nhau (ở nhà, ở cơ quan). Bạn đơn giản chỉ cần đặt miếng tag này vào gần điện thoại để nó có thể nhận diện, và cấu hình các hoạt động cần thực hiện cho những lần sau. Những thiết lập này không mềm dẻo lắm, nên có lẽ cũng chỉ để “tô điểm” chứ chưa hữu dụng. Những cải tiến đã được Sony hứa hẹn đưa ra trong các bản cập nhật sau này, tuy nhiên kể cả như vậy thì chức năng này hiện nay vẫn chưa có nhiều ứng dụng ở Việt Nam.

Truy cập kho nội dung số của Sony

Sony cũng đang đi theo xu hướng của nhiều nhà sản xuất (tiêu biểu trong số này có thể kể đến là Apple và Amazon) khi cố gắng hướng khách hàng vào việc sử dụng các nội dung số do chính họ phát hành hoặc hợp tác phát hành. Suy cho cùng, đây là một ý tưởng hay, bởi bản thân Sony cũng là một công ty rất mạnh về mảng nội dung số. Vấn đề là việc họ muốn “nhồi” khả năng này vào công nghệ NFC có lẽ còn hơi quá sớm.

Nếu không dùng NFC, bạn vẫn có thể truy cập vào gian ứng dụng PlayStation Store để mua/thuê/xem phim, nghe nhạc... Có một điểm bất cập, đó là tài khoản bạn dùng để truy cập trên Xperia S không thể được “chia sẻ” sang các thiết bị khác như PS Vita chẳng hạn, và chiều ngược lại cũng vậy. Một thiếu sót lớn mà Sony đã gặp phải từ ở các dòng Tablet và Smartphone trước đây của họ nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Nếu những điều bất cập đó được giải quyết, thì việc PS Store, cũng như việc các thiết bị của Sony phát triển tốt hơn là điều chắc chắn. Tuy nhiên, gần đây có một phát biểu từ một nhân vật cấp cao trong Sony đã làm chúng ta thất vọng khá nhiều:
"While the Sony Entertainment Network storefront is fully integrated among the various Sony devices compatible with the Video Unlimited service and the PlayStation Network Video Store, our device domain model currently restricts playback of rented or purchased content. While we are exploring a less restrictive model, at this time, users who download content to Xperia (or PS Vita) can only play that content back on that device."

Đại ý: các nội dung số mua/thuê trên các gian hàng trực tuyến của Sony chỉ có thể được sử dụng bởi chính các thiết bị đó, chứ không thể download hay sử dụng ở các thiết bị khác.

Bạn hỏi chúng tôi có bực mình không? Một chút. Nhưng có bất ngờ không? Có lẽ là không, bởi phong cách làm việc của Sony hình  như là vậy: họ không coi cái gì là gấp gáp. Đây là một trường hợp điển hình cho điều đó. Chắc chắn rồi sẽ đến lúc họ sẽ “mở khóa” những điều luật này cho các thiết bị đạt được chứng nhận PlayStation-certified, tuy nhiên điều đó sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều!

Kết luận

Nếu là một người chưa từng sử dụng và cũng không phải đam mê dòng điện thoại của Sony, thì liệu Sony Xperia S có đủ sức để trở thành chiếc điện thoại đầu tiên của nhãn hiệu này trong tay bạn? Nếu bạn là một người luôn quan tâm đến nhứng vấn đề liên quan đến giải trí đa phương tiện (multimedia), và nếu bạn đang chờ đợi một sản phẩm đẹp, sang trọng cũng như trang bị một nền tảng thân thiện, dễ tùy biến, Xperia S có lẽ là lựa chọn dành cho bạn. Màn hình và loa ngoài của thiết bị này thực sự rất ấn tượng và dễ “gây nghiện”. Thời lượng pin cũng là một điểm cộng cực kỳ sáng giá, trong khi chip xử lý thực sự phải dùng từ “phù hợp”, không quá nhanh tới mức dư thừa. Điểm yếu duy nhất là về khả năng mở rộng bộ nhớ, có lẽ sẽ không phải lớn nếu bạn chọn phiên bản 32GB.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, nếu bạn là một người dùng có nhu cầu đa dạng hơn về chiếc Smartphone của mình: như chất lượng thiết kế cực tốt, thiết kế phù hợp cho việc cầm nắm, và đặc biệt là yêu cầu cao về chất lượng ảnh chụp, thì có lẽ vấn đề sẽ hơi phức tạp hơn một chút. Phiên bản 32GB ở VN có giá khoảng hơn 13 triệu đồng cho hàng xách tay (tụt mạnh so với khi mới về) và chưa có máy chính hãng. Với số tiền thậm chí còn rẻ hơn 1-2 triệu, bạn hoàn toàn có thể kiếm một chiếc Galaxy S II với chất lượng đã được khẳng định từ lâu, hoặc một chiếc Galaxy Nexus với một màn hình và chất lượng thiết kế có vẻ “ổn” hơn, hoặc, thậm chí, chờ đợi chiếc HTC One S với camera tốt hơn (về mặt thông số) và chip Qualcomm S4. Nếu so sánh với các sản phẩm thuộc hàng “flag-ship” trên thị trường thì thực tế là Xperia S không có nhiều lợi thế về giá bán/hiệu quả sử dụng.

Ưu điểm:
- Màn hình tuyệt vời, đặc biệt là cho việc xem phim
- Hài hòa giữa hiệu năng và thời lượng pin
- Khả năng truy cập kho nội dung số của Sony
Nhược điểm:
- Build-quality tồi
- Chất lượng ảnh chụp từ camera chưa tương xứng
- Kho nội dung số còn nhiều bất cập