Nhịp sống số

Có phải đã đến lúc kết thúc kỷ nguyên MP3?

Có phải đã đến lúc kết thúc kỷ nguyên MP3?
id="post_message_14124532">
Có phải đã đến lúc kết thúc kỷ nguyên MP3?

Ca sĩ nhạc rock kỳ cựu người Canada Neil Young nói rằng: “Thứ âm nhạc mà chúng ta đang nghe trên những chiếc iPhone hay các thiết bị tương tự chỉ là “rác rưởi”, và đã đến lúc chúng ta cần một chất lượng cao hơn cho định dạng nhạc số”.

Rõ ràng, định dạng MP3 hiện đã quá phổ biến, việc tải nhạc MP3 trực tuyến rất dễ dàng và nhanh chóng, nhưng chúng ta sẽ phải chịu những sự mất mát về chất lượng với định dạng này. Tần số bitrate cho hầu hết các bản nhạc trên iTunes trung bình là 256kbps với định dạng AAC; tần số này khiến chất lượng âm thanh giảm đi rất nhiều khi so với bản thu âm gốc. Theo ước đoán của Neil Young, một chiếc đĩa CD chỉ cung cấp được khoảng 15% lượng thông tin thu âm chứa trên một bài nhạc. Chuyển đổi những bài hát trên CD sang định dạng MP3 hay AAC sẽ càng khiến cho chất lượng âm thanh trở nên tồi tệ hơn.

Young nói: “Mục đích của tôi là cố gắng cứu lấy hình thức nghệ thuật mà tôi đã theo đuổi trong suốt 50 năm qua. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, nhưng thật không may nó đang khiến cho thứ âm nhạc mà chúng ta nghe trở nên tồi tệ hơn, chứ không được cải thiện”.

Steve Jobs là một trong những người đi tiên phong trong việc số hoá âm nhạc và bán rộng rãi trên iTunes. Nhưng có một sự thật rằng, ông không hài lòng với chất lượng âm nhạc phát ra từ những chiếc iPod. Cố CEO của Apple là một người yêu âm nhạc và thể loại audiophile, ông thích nghe nhạc bằng đĩa vinyl, thay vì là nhạc số.

Đã hơn một thập kỷ trôi qua kể từ khi nhạc số trở nên phổ biến nhờ những chiếc máy iPod hay các thiết bị tương tự khác, và đã đến lúc chúng ta bước sang một trang mới, khi cả vấn đề về phần cứng và phần mềm đã đạt đến mốc cao hơn.

Trước khi có một thiết bị mới đáp ứng được những nhu cầu cao về chất lượng âm nhạc, bạn có thể thưởng thức thứ âm thanh ngay cả Neil Young hay một người bạn với dàn máy trị giá 20.000 USD vẫn bị lạc hậu. Vấn đề là bạn phải tốn thời gian để đi tìm các file bài hát, và phải có những đầu tư đặc biệt cả về phần mềm lẫn phần cứng. Đầu tư càng nhiều thì chất lượng âm nhạc bạn có được càng cao.

Sau đây là một số tuỳ chọn, sắp xếp từ thấp đến cao.

MP3 và AAC – Nếu bạn muốn có những bản nhạc định dạng MP3 chất lượng cao thì hãy luôn thiết lập thông số nén ở mức cao nhất có thể là 320kbps, mức mà theo nhiều người là không thể phân biệt khi so sánh với đĩa CD. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không chấp nhận được thứ âm thanh này.

FLAC và Apple Lossless – MP3 và AAC là những định dạng nén “mất dữ liệu” hay còn gọi là “lossy”, vì phần mềm tạo file MP3 sẽ bỏ đi những âm thanh không quan trọng và chỉ giữ lại những âm thanh nằm trong khoảng nghe được của tai người, nhằm giảm dung lượng của file xuống. Tuy nhiên bạn vẫn có thể nghe được những bản nhạc “lossless” trên iTunes và trên điện thoại. Định dạng “lossless” có dung lượng lớn hơn vài lần so với MP3 và chất lượng âm thanh có thể tương đương với chuẩn CD.

Ứng dụng iTunes có thể chơi được định dạng Apple Lossless (ALAC), và bạn có thể dùng iTunes để chuyển các bản nhạc trong CD sang định dạng ALAC. Tuy nhiên, vấn đề là bạn không thể mua nhạc định dạng ALAC trên iTunes Store. Hy vọng là những người nắm giữ bán quyền sẽ sớm có những thay đổi và cho phép các cửa hàng âm nhạc trực tuyến lớn bán nhạc “lossless”.

Hiện tại, nếu bạn muốn mua nhạc “lossless”, thì bạn sẽ phải mua dưới định dạng FLAC (Free Lossless Audio Codec), một định dạng nguồn mở khá phổ biến trong giới nghe nhạc audiophile. Định dạng này có thể xử lý âm thanh chuẩn 24-bit, tương đương chất lượng thu âm của hầu hết các ban nhạc hiện nay.

Bạn có thể mua nhạc định dạng FLAC ở HDtracks, giá khá cao. Album A Love Supreme của John Coltrane được bán với giá 18 USD trên HDtracks, so với 10 USD trên iTunes; dung lượng file cũng cao hơn. Tuy nhiên, album nhạc định dạng FLAC được mã hoá ở độ phân giải 96kHz và 24-bit, cao hơn so với chuẩn CD, và hơn nhiều so với định dạng MP3 và AAC.

Để có thể chơi được định dạng FLAC thì bạn cần có các ứng dụng đặc biệt như Foobar2000, VLC hay Cog. Một số thiết bị có thể chơi được định dạng FLAC như Squeezebox của Logitech và máy nghe nhạc của Olive.

Một trong những cách để đảm bảo bạn mua được các bản nhạc định dạng FLAC có chất lượng tốt nhất, đó là mua trực tiếp từ các nghệ sĩ hay từ các nhà thu âm. Các trang như Bandcamp.com cho phép nghệ sĩ bán nhạc FLAC trực tiếp đến người hâm mộ. Hoặc nếu bạn truy cập vào trang web của George Harrison, bạn có thể mua bản sao của album All Things Must Pass, định dạng FLAC 96kHz/24-bit với giá 30 USD.

WAV – Một số người theo chủ nghĩa thuần tuý sẽ bảo bạn rằng hãy bỏ qua định dạng FLAC và chỉ mua những bản nhạc ở định dạng WAV. Không giống như FLAC, vốn vẫn có giảm chút ít về chất lượng, WAV là một định dạng không nén mà các nghệ sĩ vẫn sử dụng ở phòng thu. Mặc dù việc mất dữ liệu trong quá trình nén file ở định dạng FLAC là rất hiếm, tuy nhiên nó vẫn có thể xảy ra. Hầu hết các ứng dụng chơi nhạc có thể chơi được định đạng WAV, tuy nhiên nếu file WAV có chất lượng cao hơn bình thường thì vẫn cần ứng dụng đặc biệt.

Direct Stream Digital – Định dạng Direct Stream Digital (DSD) được phát triển bởi Sony và Philips, đây là định dạng gốc dùng trên chuẩn đĩa Super Audio CD của hãng này. Thiết bị thu âm định dạng DSD có thể ghi được 2,8 tỷ mẫu (sample) trên giây, cao hơn 64 lần so với chuẩn CD. DSD là định dạng gần với chuẩn băng analog nhất.

Nếu bạn muốn tải các bài hát ở định dạng DSD, thì có khá ít lựa chọn, nhưng đang thay đổi. Các trang như DownloadsNOW.net và E-Onkyo Music của Nhật Bản có bán file định dạng DSD. File có dung lượng lớn và giá cao – khoảng 4 – 5 USD trên một bản nhạc – nhưng các tuỳ chọn về phần mềm và phần cứng để chơi được định dạng DSD lại khá dễ tìm.

Ứng dụng AudioGate phát triển bởi Korg hoàn toàn miễn phí, có thể chơi được định dạng DSD và chuyển đổi chúng sang bất cứ định dạng nào bạn muốn. Bạn cũng có thể dùng AudioGate để ghi các file DSD ra đĩa và phát bằng máy chơi game PlayStation3. Các nhà sản xuất cũng đang bắt đầu để ý đến việc hỗ trợ định dạng DSD, tuy nhiên các thiết bị có thể chơi được định dạng này vẫn ở tầm cao cấp, có giá từ 2.000 USD trở lên.

Đĩa Vinyl – Mặc dù là người tạo ra cuộc cách mạng nhạc số nhưng Steve Jobs dường như không hạnh phúc với thành quả đó, vì iPod không phải là thứ mà ông dùng để nghe nhạc, thay vào đó là đĩa vinyl. Vì sao một loại đĩa đã khá nhiều tuổi lại cho ra chất lượng âm thanh tuyệt vời hơn những thứ mà chúng ta đang có hiện nay? Có một vài nguyên nhân như chất liệu nguồn, kỹ thuật ghi âm, chất lượng đầu phát… Tuy nhiên, theo mình vấn đề với đĩa vinyl là chúng ta phải đầu tư thật nhiều tiền để có thể đạt được chất lượng âm thanh tốt. Không hề dễ dàng đối với nhiều người. Làm thế nào mà chúng ta có thể đầu tư một dàn âm thanh stereo tốt hơn cái của Steve Jobs từng dùng?

Vậy hãy quay ngược lại với những gì chúng ta đang có. Về phần cứng đã ổn, phần mềm cũng thế, các định dạng nhạc số chất lượng cao cũng đã tồn tại. Vấn đề hiện nay là kết hợp các yếu tố này lại để tạo nên một chuẩn nhạc số có chất lượng âm thanh tốt hơn chuẩn MP3 mà chúng ta vẫn đang nghe. Liệu việc này có thể đến sớm?