Điện thoại

Chúng ta có cần đến iPhone killer?

Chúng ta có cần đến iPhone killer?

1 câu hỏi mà ai cũng thắc mắc đó là: Vì sao chưa 1 model nào trong số hàng chục smartphone được gắn mác "iPhone killer" thành công?

Rất nhiều năm qua (chính xác là 10 năm) kể từ khi chiếc iPod đầu tiên ra đời, kéo theo nó là sự trở lại rồi lớn mạnh của Apple. Giới mộ đạo đã có thêm 1 chủ đề để bàn tán: các iDevices "killer". iPod rồi tới iPhone, iPad... Tất cả đều lần lượt lôi kéo các đối thủ từ Samsung, HTC, LG, Motorola nhập cuộc... đồ sát. Cái mác iPhone killer đã có thời được gắn cho tất cả các sản phẩm sắp ra mắt, thậm chí có nhiều lãnh đạo cấp cao của các hãng thản nhiên tuyên bố sản phẩm sắp tới của mình chính là 1 "sát thủ iPod, iPhone".
 
Nhưng sự thực thì trải qua hơn chục năm lịch sử của các iDevices killer, chưa 1 thiết bị nào đủ sức tranh giành thị phần với sản phẩm của Táo Khuyết. Zune, HTC Desire, Samsung Galaxy S rồi Samsung Galaxy Tab lần lượt "hạ đài" mà vẫn không thể lật đổ được ngai vàng của iPod, iPhone, iPad dù rằng có những thiết bị như HTC Desire hay Samsung Galaxy S thực sự ấn tượng với doanh số bán hàng không hề tệ.
 
Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu có thể có 1 iPhone killer trong tương lai không? Hoặc xa hơn nữa, là liệu chúng ta có "cần" 1 iPhone killer hay không?
Anh hùng bất phùng thời

Không phủ nhận rằng thời gian chiếc iPhone đời đầu ra mắt, các "sát thủ iPhone" hầu như đều không đủ tầm để so với chiếc smartphone của Táo Khuyết. HTC Diamond, Samsung Omnia... tất cả đều cố gắng tìm cách cạnh tranh với iPhone nhưng không đạt được nhiều thành công. Lý do chính có lẽ nằm ở chỗ các sản phẩm này vẫn sử dụng những công nghệ cũ kỹ như màn hình cảm ứng điện trở, HĐH WinMo già nua khi đối mặt với 1 iPhone bóng bẩy, đơn giản và bắt mắt.
Nhưng những năm gần đây, với sự ra đời của Android kéo theo nó là sự đổ bộ của binh đoàn Android với màn hình cảm ứng điện dung, tốc độ xử lý nhanh, chợ ứng dụng phong phú và 1 HĐH tân tiến hơn, khoảng cách giữa các "sát thủ" với iPhone dường như đang được thu hẹp. Và sự thực là đã có những model như HTC Desire, Samsung Galaxy S II thực sự đủ tầm sánh vai với iPhone. Tuy nhiên vẫn chưa có 1 "sát thủ" nào hoàn thành được mục tiêu đặt ra.
Touch Diamond, 1 iPhone killer không làm tròn phận sự.

HTC Desire hay Samsung Galaxy S II mặc dù không "diệt" được iPhone nhưng chúng lại làm xuất sắc 1 nhiệm vụ khác: Dọn dẹp các HĐH cũ kỹ hơn như Symbian, BlackBerry. Nếu bạn theo dõi sát tình hình thị phần của các HĐH di động bạn sẽ nhận ra 1 điều rằng: iOS nhìn chung đã ổn định ở mức thị phần 25% trong 1 thời gian khá dài trong khi Android liên tục tăng trưởng nhanh, hiện tại đã đạt mức xấp xỉ 50%. Thị phần của iOS hầu như không hề bị ảnh hưởng bởi sự trỗi dậy của Android mà thậm chí còn đang tăng nhẹ. Bên thực sự chịu thiệt hại chính là Symbian và BlackBerry với thị phần của BlackBerry rớt xuống mức 9% còn Symbian thảm hại hơn, chỉ còn xấp xỉ 4%.
Điều này chứng tỏ những khách hàng quay sang sử dụng Android không phải là những người "chán" iOS, mà là những khách hàng đã "bỏ rơi" Nokia và RIM. Thị trường smartphone nhìn chung vẫn còn khá mới mẻ và chỉ vừa phát triển mạnh trong 1 vài năm trở lại đây. Số người mua và sử dụng smartphone lần đầu sau khi chuyển qua từ các model dumbphone vẫn còn rất nhiều. Và khi lượng khách hàng tiềm năng kiểu này còn dồi dào, iOS và Android vẫn có thể "chung sống hòa bình" để lôi kéo khách hàng từ phía dumbphone và các HĐH khác như BlackBerry, Symbian...
Để dễ hiểu, hãy lấy 1 ví dụ như thế này:Nếu bạn là 1 người sử dụng BlackBerry, Symbian hoặc thậm chí là lần đầu tiên mua smartphone và đang có ý định chọn cho mình 1 model. Hiện tại sẽ có 2 sự lựa chọn hợp lý nhất: iPhone và các smartphone chạy Android. 
Dù bạn chọn thiết bị nào trong 2 loại kể trên thì cả Android và iOS đều không mất đi 1 khách hàng nào. Nhưng đến khi thị trường đã định hình hơn, với hầu hết mọi người đều đã sở hữu 1 chiếc iPhone hoặc Android phone và bạn cũng vậy, khi có nhu cầu mua máy mới thì câu hỏi đặt ra ở đây mới là việc bạn sẽ giữ nguyên dòng máy của mình hay thay đổi sang nền tảng đối địch. 
Nói cách khác, khi thị trường định hình với 2 nền tảng thống trị thì sự cạnh tranh giữa 2 nền tảng này sẽ trực tiếp hơn, và lúc ấy, các iPhone killer mới thực sự có việc để làm. Vì nếu iPhone killer đó có thể lôi kéo 1 khách hàng sử dụng iPhone sang Android thì iPhone killer ấy mới "đồ sát" iPhone, chứ không phải là "giết" BlackBerry hay Symbian.
Bao giờ thì thị trường mới định hình? Tôi không biết, nhưng nếu nhìn việc thị trường PC mất hơn 20 năm để ổn định với cục diện thống trị của liên minh Wintel thì chúng ta có thể tin rằng smartphone cũng sẽ mất ít nhất từ 3-5 năm nữa để có thể đạt độ "chín" cần thiết cho trận đụng độ giữa 2 ông lớn iOS và Android. Vấn đề là, trận đụng độ ấy, kể cả khi đã hội tụ đủ điều kiện, có thể sẽ không bao giờ xảy ra.
Không có iPhone killer

Ý tưởng về 1 chiếc iPhone killer dường như xuất phát từ sự trỗi dậy của PC chạy Windows những năm 90. Giá cả rẻ, ứng dụng phong phú, khả năng đa nhiệm đã khiến máy tính chạy Windows qua mặt Macintosh của Apple và đẩy dòng Mac đến ngấp nghé bờ vực tuyệt diệt trong nửa cuối thập niên 90 thế kỷ trước. Và dường như khi nói đến iPhone killer, người ta đang mong đợi 1 smartphone hoặc 1 nền tảng có thể làm được những gì mà Windows đã thực hiện năm xưa: lôi kéo hết người sử dụng iPhone và đẩy iOS ra khỏi thị trường.
Tuy nhiên khi nhìn lại, chúng ta dễ dàng nhận ra thị trường smartphone không hoàn toàn giống như thị trường PC thời kỳ trước. Lần "chết hụt" năm 90 của Mac là do nền tảng này thua kém Windows về mọi phương diện, từ giá cả, sự đa dạng cho tới số lượng ứng dụng và hiệu năng của máy. iPhone, Android hiện nay khá ngang tài ngang sức, và với tốc độ phát triển của cả 2 nền tảng như hiện tại, trong tương lai có thể tin tưởng rằng đây vẫn sẽ là 2 kình địch mà không có 1 bên nào quá yếu đuối so với nền tảng còn lại, tạo lỗ hổng cho 1 cú đánh chí mạng.
Macintosh và Windows của những năm 90 mặc dù là 2 nền tảng riêng biệt, nhưng lại cạnh tranh nhau trực tiếp trên cùng 1 thị trường PC. Thiết bị chạy Mac và Windows ngày đó không khác biệt nhau quá nhiều về ngoại hình cũng như công dụng, vì vậy khách hàng sẽ chạy theo bên có giá cả và hiệu năng hấp dẫn hơn mà ở đây chính là Windows. 
iOS và Android lại khác, iOS mặc dù rất mạnh ở phân khúc sản phẩm cao cấp tuy nhiên với giá cả và giới hạn về số lượng thiết bị của mình, có những "lãnh địa" mà Apple sẽ không bao giờ bước chân vào được, đó là những khách hàng cần 1 chiếc smartphone có giá dưới 200$ hoặc bàn phím cứng... Ngược lại, Android cũng khó lòng "bắt chước" được phong cách thiết kế cũng như theo kịp chợ ứng dụng tuyệt vời của iOS. Chính vì sự khác biệt này mà Android và iOS hoàn toàn có thể chung sống hòa bình trên cùng 1 thị trường, thỏa mãn những nhu cầu khác nhau và phục vụ các đối tượng khách hàng khác nhau. các iPhone killer không thể tận diệt được iPhone cũng như iPhone không bao giờ "lấn sân" được Android.
Không cần iPhone killer

Chúng ta vẫn rất thích bàn tán về các sản phẩm "bom tấn" sắp ra mắt và so sánh chúng với 1 thiết bị chuẩn mực: iPhone. Điều đó là hoàn toàn bình thường, và chắc chắn sẽ có những sản phẩm tốt hơn iPhone ra đời trong tương lai. Tuy nhiên hãy nhớ rằng chúng ta không cần iPhone killer, cũng giống như việc chúng ta không muốn có 1 Android killer, Windows Phone killer, thậm chí là Symbian killer, Blackberry killer. Các "sát thủ" nếu hoàn thành quá xuất sắc nhiệm vụ được giao, sẽ để lại cho chúng ta kết quả là 1 thị trường bị độc chiếm bởi 1 nền tảng thống trị. Và khi có 1 nền tảng thống tri với thị phần quá lớn, bóp nghẹt tất cả các đối thủ khác, thì người chịu thiệt đầu tiên sẽ là người tiêu dùng.
Chúng ta cần phải ủng hộ việc đa dạng hóa thị trường và đa dạng hóa nền tảng. Có thể Symbian hay Blackberry hiện tại thực sự "đáng chết" vì sự ù lì, chậm thay đổi của mình, nhưng về lâu về dài, nếu chúng vẫn tồn tại trên thị trường thì sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh, thúc đẩy Android, iOS phải tiếp tục cải tiến và khiến Google, Apple biết "sợ" khách hàng. Nếu bạn trao quyền thống trị thị trường vào tay 1 hãng, thì người tiêu dùng sẽ là bên thấy "sợ" hãng sản xuất. Khi các hãng sản xuất không tôn trọng "thượng đế" thì hậu quả nhãn tiền là chúng ta tự đánh mất quyền lợi của chính mình.