Nhịp sống số

Cạn kiệt địa chỉ mạng, thế giới chuyển sang IPv6

Cạn kiệt địa chỉ mạng, thế giới chuyển sang IPv6

Hàng loạt công ty Internet và website lớn trên thế giới đã chính thức chuyển sang sử dụng IPv6 thay cho IPv4 vào ngày 6-6 nhằm tránh tình trạng cạn kiệt địa chỉ mạng trên toàn cầu.

Sự kiện "World IPv6 Day":

 

Thế giới đã chính thức chuyển sang dùng IPv6 vào ngày hôm nay - Ảnh:

Hiểu đơn giản, việc chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 cũng giống như mở rộng một khu phố. Trong đó, địa chỉ mạng (Internet Protocol) tương tự địa chỉ nhà, các tổ chức cấp phát địa chỉ mạng như ủy ban cấp địa chỉ nhà cho một khu vực.

Mỗi khu vực chỉ có một lượng địa chỉ nhà nhất định, ai muốn vào ở sẽ được cấp và buộc phải có một địa chỉ. Tương tự, khi kết nối vào Internet, mỗi người dùng sẽ được các nhà cung cấp dịch vụ mạng (ISP) cấp một địa chỉ mạng, hay còn gọi là địa chỉ IP. Khi số lượng thiết bị kết nối vào quá đông, lượng địa chỉ cạn kiệt sẽ dẫn đến tình trạng "người chậm chân sẽ phải đứng ngoài cuộc chơi".

Trong ngày hôm nay, 2.500 công ty Internet lớn và hàng triệu website trên thế giới bao gồm Google, YouTube, Microsoft, Yahoo!, Mozilla và Facebook cùng các nhà cung cấp kết nối Internet (ISP) lớn nhất như Akamai, Comcast, AT&T cùng Verizon Wireless bắt đầu hỗ trợ chuyển đổi và sử dụng địa chỉ mạng IPv6, thay thế dần địa chỉ mạng IPv4 (Internet Protocol) theo sự kiện "World IPv6 Day" do Internet Society tổ chức.

Cuối năm 2010, những cảnh báo được đưa ra từ các tổ chức quản lý cấp phát tên miền Internet về số lượng địa chỉ mạng IPv4 bị cạn kiệt do sự bùng nổ của các thiết bị kết nối Internet, đặc biệt là các thiết bị di động như smartphone và tablet.

Tháng 4-2011, Trung tâm Thông tin mạng châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) cũng đưa ra cảnh báo khẩn thiết về tình trạng địa chỉ mạng IPv4 dành cho châu Á đã không còn. Theo các chuyên gia, thị trường Internet châu Á đang rất sôi động với lượng người dùng Internet tăng nhanh khiến khu vực này không còn địa chỉ mạng để cấp phát.

Ngoài các ISP và website, các nhà sản xuất thiết bị mạng hàng đầu thế giới cũng chung tay trong "World IPv6 Day" bao gồm Cisco, D-Link, NDM Systems và ZyXel Communications. Theo đó, những bộ đính tuyến (router) gia đình do các hãng này sản xuất sẽ mặc định kích hoạt IPv6.

Các hệ điều hành như Windows 7 / Vista, Mac OS, Linux hay hệ điều hành cho thiết bị di động iOS và Android đều có hỗ trợ IPv6.

Hiện tại, các nhà mạng và website có hai lựa chọn khi chuyển sang IPv6: có thể hỗ trợ cả hai cổng ở chế độ "dual-stack" hoặc phiên dịch giữa IPv4 và IPv6. Hầu hết đều chưa sẵn sàng để thực hiện những nâng cấp theo yêu cầu để hỗ trợ IPv6 vì lượng băng thông truy cập từ IPv6 còn rất khan hiếm.

Các thành viên tham gia World IPv6 Day đều hi vọng lưu lượng băng thông IPv6 sẽ nhanh chóng tăng từ 0,5% lên 1% tổng lưu lượng Internet trong tháng 6. Google, Yahoo! và Facebook cũng sẽ theo dõi lưu lượng IPv6 khi người dùng truy cập vào website.

IPv6 và vấn đề bảo mật

Song song với việc chính thức triển khai IPv6 là mối lo ngại về vấn đề an ninh bảo mật cơ sở hạ tầng mạng, những nguy cơ bảo mật mới phát sinh.

Tháng 2-2012, trong báo cáo thường niên được công bố từ Arbor Networks cho thấy đã xuất hiện những cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) đầu tiên vào mạng IPv6.

Các chuyên gia khuyến cáo những doanh nghiệp có kế hoạch nâng cấp, chuyển đổi lên IPv6 cần nâng cấp luôn hệ thống dò tìm DDoS, bảo mật và quét gói dữ liệu mạng cho IPv6. Nhiều lo ngại đối với lưu lượng rộng mở của IPv6 sẽ sớm thu hút các loại mã độc, tội phạm mạng..

<>IPv6 (Internet Protocol version 6) được tạo ra trong giai đoạn năm 1998-1999 bởi Internet Engineering Task Force nhằm mở rộng số lượng địa chỉ mạng bị giới hạn bởi IPv4. 

IPv4 sử dụng các địa chỉ 32-bit, có 4,3 tỉ địa chỉ mạng. Trong khi đó, IPv6 sử dụng địa chỉ 128-bit, tăng số lượng địa chỉ mạng lên 340 nghìn tỉ, nghìn tỉ, nghìn tỉ. Một dãy số dài 39 con số, đủ đáp ứng địa chỉ IP cho các thiết bị từ laptop, PC, smartphone, tablet, game console hay Smart TV của mỗi gia đình trên toàn cầu cùng kết nối Internet.

Biểu đồ minh họa cho lượng địa chỉ mạng giữa IPv4 và IPv6 - Nguồn: FCC