Nhịp sống số

Các xu hướng điện toán đám mây năm 2012

Các xu hướng điện toán đám mây năm 2012

Điện toán đám mây (cloud computing) không còn là công nghệ mới mà đang hứa hẹn trở thành một khái niệm mang tính phổ thông và "hiển nhiên" trong năm tới.

Theo khảo sát mới đây của hãng nghiên cứu Gartner, tốc độ phát triển "đám mây" trên toàn thế giới đã đạt mức 17% hàng năm trong khi hơn 50% doanh nghiệp, tổ chức tham gia đều triển khai điện toán đám mây dưới hình thức này hay hình thức khác.

"Điện toán đám mây là xu thế hiện đại. Xu hướng này được cả thế giới đón nhận và đang chuyển dần về dịch vụ này nhằm tồn tại, bắt kịp và phát triển bền vững. Các doanh nghiệp phần mềm, hòa nhịp với xu hướng toàn cầu hóa, cần đầu tư và chuyển đổi theo xu thế hiện đại, phát triển dịch vụ điện toán đám mây", ông Lữ Thành Long, chủ tịch công ty Misa nhận định tại sự kiện Tech.Days 2011 được Microsoft tổ chức tại Hà Nội và TP HCM cuối tháng 10. "Trong hành trình của khách hàng tới 'đám mây', đối tác đóng vai trò quan trọng, chẳng hạn Microsoft đã có hơn 15 năm kinh nghiệm về cloud computing, có thể giúp cung cấp các thiết lập hoàn thiện của đám mây để đáp ứng nhu cầu kinh doanh như quảng cáo, truyền thông, nghiên cứu khoa học, ứng dụng kinh doanh...".

Microsoft cũng đầu tư phát triển các nền tảng ứng dụng cùng với các công cụ, giải pháp, từ nền tảng ứng dụng .NET trên PC và máy chủ đến các nền tảng ứng dụng mới như nền ứng dụng đám mây hướng dịch vụ Windows Azure Platform (Paas), ứng dụng tập trung cho doanh nghiệp Sharepoint 2010… Các nền tảng ứng dụng này kết hợp với công cụ Visual Studio 2010 và Team Foundation Server sẽ mang đến cho doanh nghiệp giải pháp phát triển phần mềm theo hướng quản trị toàn diện vòng đời sản phẩm chuyên nghiệp.

Microsoft Tech.Days 2011.

Cũng trong hội thảo Tech.Days, các chuyên gia đều tin rằng cloud hay đám mây sẽ không còn là khái niệm bó hẹp trong giới công nghệ mà là mắt xích quan trọng của cuộc sống hiện đại.

Một số xu hướng phát triển của điện toán đám mây

Sự phát triển của đám mây di động (mobile cloud): Apple iCloud, Amazon Cloud và dịch cụ điện toán đám mây trên Windows Phone đang giúp công nghệ này trở nên đại trà. Nhu cầu lưu trữ thông tin trên đám mây và khả năng truy cập bất cứ khi nào họ cần sẽ giảm bớt "gánh nặng" cho thiết bị. Nỗi lo mất điện thoại vì "mọi dữ liệu quan trọng như số liên lạc, ảnh, video… nằm cả trong đó" sẽ không còn bởi thông tin đã được tự động sao lưu lên đám mây và người sử dụng có thể thoải mái xóa dữ liệu từ xa để tránh tình trạng dữ liệu bí mật, riêng tư rơi vào tay kẻ xấu.

Sự nở rộ của đám mây lai (hybrid cloud): Đám mây lai là sự giao thoa của hai hay nhiều mô hình đám mây, như như kết hợp giữa public cloud (các dịch vụ cloud được cung cấp cho mọi người sử dụng rộng rãi và private cloud (cơ sở hạ tầng và các dịch vụ được xây dựng để phục vụ cho một tổ chức, doanh nghiệp duy nhất). Điều này sẽ giúp khai thác những điểm mạnh nhất của từng mô hình, mang đến khả năng bảo vệ dữ liệu an toàn hơn, nhưng cũng linh động và gần gũi hơn với người sử dụng. Năm tới sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp vừa và lớn sẽ chuyển sang mô hình này. Theo Gartner, tổng giá trị cho các dịch vụ đám mây hiện thời là gần 2,4 tỷ USD và đến năm 2013 sẽ đạt gần 8,1 tỷ USD.

Sự tiến hóa của bảo mật đám mây: Bảo mật luôn là đề tài nóng và là một trong những nguyên nhân chính khiến các tổ chức có liên quan đến các dữ liệu nhạy cảm lưỡng lự trong việc đón nhận. Họ lo ngại hacker tìm cách xâm nhập vào kho thông tin nằm trên đám mây, do đó việc liên tục tạo ra những phương pháp bảo mật kiểu mới, an toàn và hiệu quả là mục tiêu hàng đầu của các chuyên gia phát triển trong năm 2012.

Cuộc cách mạng môi trường làm việc di động: Tương tự e-mail thay đổi cách con người liên lạc với bạn bè và đồng nghiệp, cloud được cho là đang tạo ra con đường gửi và lưu trưc thông tin nhanh chóng và thông suốt hơn bao giờ hết. Với khả năng truy cập và làm việc từ xa, công việc sẽ được giải quyết dễ dàng hơn mà không bị ngắt quãng.

Dịch vụ phần mềm (SaaS) mở rộng thành dịch vụ IT (ITaaS): SaaS sẽ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực CRM mà dần có tầm ảnh hưởng đến cả cơ sở hạ tầng IT. "Một lĩnh vực mới đang nổi lên trên thị trường là IT as a Service (dịch vụ IT), trong đó các doanh nghiệp sẽ 'tiêu thụ' IT, biến nó trở thành một dịch vụ trong doanh nghiệp. Bạn có thể hình dung một thế giới mà ở đó việc triển khai các ứng dụng trên toàn cầu chỉ mất 2 tiếng thay vì 2 tháng, các chuyên gia phát triển sẽ sử dụng một nền tảng tự phục vụ (a self-service platform) để cung cấp và triển khai ứng dụng thay vì phải thông qua một quá trình thủ công tốn kém nào đó, hoặc một người có thể quản lý 10.000 server thay vì chỉ 100 server", ông Tyson Dowd, Giám đốc chiến lược thương mại của Microsoft thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhấn mạnh.