Nhịp sống số

Vì đâu Windows lại thành công?

Vì đâu Windows lại thành công?

Trong suốt gần 2 thập kỷ kể từ khi ra đời và phát triển, HĐH Windows hầu như chưa bao giờ được đánh giá là HĐH hoàn hảo nhất trong cộng đồng công nghệ. Những người mới sử dụng máy tính thường đánh giá MacOS cao hơn vì tính trực quan và đơn giản, ổn định của HĐH này trong khi nhiều người thành thạo với việc thao tác dòng lệnh lại thích Linux hơn vì khả năng tùy biến cao và được phân phối miễn phí. Và nhìn chung, với cùng cấu hình, máy tính sử dụng HĐH trên nền Unix thường có hiệu suất cao hơn Windows đôi chút.

 
Không dễ dùng cũng không linh hoạt và lại càng không ổn định bằng các đối thủ, thậm chí còn được bán với cái giá khá "chát" nhưng Windows vẫn là HĐH thống trị thế giới PC với thị phần hầu như chưa bao giờ tụt xuống mức dưới 90%. Vậy có bao giờ bạn tự hỏi, vì sao Windows lại có thể thành công đến vậy? Để trả lời câu hỏi đó chúng ta cần nhìn xa hơn 1 chút vào trong quá khứ, tới khoảng thời gian những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước.
 
Câu chuyện buồn của IBM
 
Thời kỳ đó, thị trường máy tính không giống như những gì mà chúng ta đang thấy ngày nay. Các hãng sản xuất thi nhau tung ra những model máy tính của riêng mình, trên thị trường tồn tại  dăm bảy loại máy tính từ các hãng sản xuất khác nhau, trong đó có thể kể đến 1 vài cái tên như Apple, Atari, Radio Shack... Tất cả các model này đều được nhà sản xuất cấu hình sẵn, người sử dụng chỉ việc mua chúng về, cắm điện và sử dụng. Tuy nhiên chính vì cách cấu hình cố định như vậy, các hệ thống máy tính trong thời kỳ này đều được sản xuất theo 1 chuẩn riêng do hãng sản xuất qui định. Sẽ không có chuyện bạn mua thêm 1 con chuột, 1 màn hình, 1 bàn phím hay 1 thanh RAM từ các hãng khác về để nâng cấp cho chiếc máy tính của mình. Bên cạnh đó bản thân HĐH trong thời kỳ này cũng đi kèm theo máy và nếu như bạn muốn viết phần mềm cho 1 dòng máy tính nào đó, như Apple II chẳng hạn, thì bạn sẽ phải trả tiền cho... Apple để được cấp phép.
 
Kiểu sản xuất "mỗi người 1 phách" khiến thị trường máy tính những năm trước1980 rất hỗn loạn: các lập trình viên không mặn mà với việc viết phần mềm cho các dòng máy vì phải mua bản quyền mà số lượng phần mềm bản quyền bán được cũng chẳng là bao trong khi phần cứng thì bị gói gọn bởi 1 nhà sản xuất duy nhất cho từng dòng máy nên thiếu tính cạnh tranh.
 
Năm 1981 có 1 sự kiện ra đời thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp điện toán: IBM cho ra đời IBM PC. Khác với các hãng đi trước, IBM xây dựng máy tính của mình trên nền tảng mở, nghĩa là các hãng sản xuất khác có thể thoải mái sản xuất linh kiện, phần cứng cũng như phần mềm cho IBM PC mà không chịu bất kỳ giới hạn nào. Việc này đồng nghĩa với nhiều hãng tham gia viết phần mềm cho IBM PC hơn, hệ máy này trở nên hữu dụng hơn và rẻ hơn. Sau đó hàng loạt các hãng sản xuất khác cũng chạy theo xu hướng này, cho ra các máy tính, linh kiện, phần mềm tương thích với chuẩn của IBM PC. Điều này đánh dấu cho sự khởi đầu của kỷ nguyên PC như chúng ta thấy ngày hôm nay.
 
Chiếc IBM PC đầu tiên mở lối cho kỷ nguyên PC.
 
Và khi dự định cho ra đời PC, IBM đã thuê Microsoft viết 1 HĐH dành riêng cho dòng máy tính này. Lúc này Microsoft chỉ vừa mới thành lập và chưa có trong tay 1 HĐH hoàn chỉnh nào. Bill Gates quyết định bỏ ra 75000 USD mua lại 1 HĐH mang tên Q-DOS và đổi tên nó thành MS-DOS. MS-DOS trở nên phổ biến cùng với IBM-PC và khi các hãng sản xuất khác như HP, Dell sản xuất những sản phẩm theo chuẩn của IBM-PC thì HĐH mà họ sử dụng vẫn là MS-DOS. Điều này đã đưa đến cho Microsoft vị thế thống trị mảng HĐH trên toàn thế giới 1 cách hết sức tình cờ.
 
Windows ra đời ban đầu với tư cách là 1 giao diện đồ họa của MS-DOS cũng trở nên phổ biến, sau đó phiên bản Windows 95 tách hẳn ra khỏi MS-DOS và trở thành 1 HĐH độc lập vẫn duy trì được vị trí thống thị của mình vì nó tương thích ngược và chạy được kho ứng dụng của MS-DOS vốn vô cùng quan trọng với rất nhiều người sử dụng máy tính trong những năm 1990. 
 
Phần còn lại của câu chuyện mà tôi đang kể là một kết thúc rất buồn dành cho IBM. Là cha đẻ của kỷ nguyên PC nhưng ảnh hưởng của IBM lên thị trường ngày 1 mờ nhạt hơn. Càng ngày khái niệm "máy tính tương thích với kiến trúc IBM-PC" càng ít được nhắc đến hơn, lý do là vì bất kể máy tính đó được hãng nào sản xuất, dù là Dell hay HP, miễn là nó chạy HĐH Windows thì công dụng của nó vẫn sẽ giống hệt như các PC của IBM. Các phần mềm được bên thứ 3 viết ra không cần phải "tương thích với IBM-PC" mà đơn thuần chỉ cần được viết cho Windows là đủ. Và sự tham gia của các hãng sản xuất khác đã thúc đẩy phần cứng của máy tính phát triển ngày càng nhanh, vượt xa khỏi tầm kiểm soát của IBM, điều này dẫn tới việc trên PC của các hãng khác như Dell, HP tồn tại những công nghệ, linh kiện tiên tiến hơn nhiều so với IBM già nua, miễn là các công nghệ đó được Windows hỗ trợ. IBM từ chỗ là kẻ dẫn đầu về công nghệ dần dần rơi vào vị thế phải bám đuổi.
 
IBM bắt đầu tụt hậu trong chính cuộc đua mà mình khởi đầu khi mà những hãng sản xuất trẻ hơn, cạnh tranh hơn ra đời. Cuối cùng khoảng giữa thập niên trước IBM đành bán lại bộ phận sản xuất PC của mình cho Lenovo và tập trung vào việc cung cấp dịch vụ phần mềm cho doanh nghiệp, nhưng đó là 1 câu chuyện khác.
 
Xuất phát điểm quá cao
 
Lý do chính khiến Windows thành công đó là xuất phát điểm của nó quá cao so với các HĐH khác. Cùng với sự thành công của IBM-PC và sau đó là các "bản sao" của nó, MS-DOS cũng trở nên phổ biến theo. Khi kỷ nguyên PC bắt đầu, các hãng sản xuất có phần cứng không thương thích với chuẩn PC của IBM dần bị đè bẹp: chẳng ai muốn mua 1 chiếc máy tính chỉ sử dụng được vài ba phần mềm cài sẵn với giá bán cắt cổ trong khi có thể mua được máy tính chạy MS-DOS có cả kho phần mềm hữu ích. Cho tới đầu những năm 90, hệ máy duy nhất còn tồn tại song hành được với IBM-PC là dòng máy Mac của Apple vì dòng máy này cũng có 1 cộng đồng người dùng tương đối lớn với kho phần mềm đáng kể, đủ khả năng "tự sản tự tiêu".
 
Suốt 10 năm thống trị thị trường PC, MS-DOS gom góp được 1 số lượng người dùng khổng lồ, chiếm tới 99,2% số máy tính trên toàn thế giới vào năm 1990. Với lượng người dùng áp đảo tuyệt đối như vậy không có gì khó hiểu khi Windows kế thừa được MS-DOS. Những ai cần làm việc trên MS-DOS đều có thể tiếp tục công việc của mình trên Windows với 1 bộ giao diện bắt mắt hơn và khả năng làm việc đa nhiệm, chạy nhiều ứng dụng cùng 1 lúc. Các thế hệ Windows tiếp nối đều rất chú trọng khả năng tương thích ngược, chạy được các phần mềm và sử dụng được các thiết bị ngoại vi của phiên bản trước. Điều này khiến Windows tận dụng được kho phần mềm ngày 1 lớn từ các người tiền nhiệm đồng thời duy trì được lượng khách hàng trung thành.
 
Bạn càng sử dụng Windows lâu thì bạn càng gắn bó, lệ thuộc nhiều hơn với nó. Các lập trình viên cũng "thích" Windows hơn vì số lượng người dùng quá lớn khiến ứng dụng họ viết ra có thể bán được nhiều hơn và đem lại nhiều lợi nhuận hơn. Có nhiều ứng dụng hữu ích thì lại lôi kéo nhiều người sử dụng hơn. Và cứ như vậy, guồng quay lặp đi lặp lại này khiến Windows ngày càng trở nên phổ biến bất chấp mọi đánh giá tiêu cực từ các bên.
 
Phần cứng phổ biến
 
Bên cạnh phần mềm thì sự phổ biến của phần cứng cũng khiến PC chạy Windows thống trị thị trường suốt nhiều năm qua. Bất kể bạn mua PC của Dell hay HP hay Acer, Asus... thì việc nâng cấp 1 con chuột, 1 cái bàn phím hay màn hình, RAM, VGA thậm chí là mainboard, CPU đều vô cùng dễ dàng, miễn là bạn có tiền. Hệ máy Mac của Apple cũng "lê lết" suốt mười mấy năm trời trước khi quyết định chuyển sang sử dụng nền tảng xử lý x86 của Intel để thân thiện hơn với Windows. Và lý do chính mà dòng Macintosh của Apple thành công trong 1 vài năm trở lại đây là vì nó chạy được... Windows và các phần mềm của Windows. Thử nhìn lại xung quanh bạn xem có bao nhiêu người sử dụng Macintosh như Macbook, iMac mà không cài ít nhất 1 bản Windows qua bootcamp hoặc VM để "phòng hờ" khi cần chạy những ứng dụng mà chỉ Windows mới có?
 
Sự phổ biến của phần cứng khiến máy tính chạy Windows dễ dàng phù hợp với tất cả mọi loại nhu cầu, tầm giá từ những chiếc desktop rẻ như bèo đến những cỗ máy chơi game đắt cỡ vài trăm triệu. Đây là 1 điều mà những hệ thống cấu hình sẵn như Macintosh không bao giờ có được.
 
Và nói cho cùng, PC chạy Windows thành công là vì nó đánh rất đúng vào tâm lý của người tiêu dùng. Chúng ta cần 1 chiếc máy tính mạnh mẽ hơn với giá thành rẻ hơn và hoạt động đa năng hơn. Windows thỏa mãn tất cả những yêu cầu đó.
 
Những ưu điểm không thể chối cãi
 
Windows cũng không phải 1 HĐH "bất tài" nếu không nó đã không thể tồn tại lâu đến vậy. Mặc dù rất nhiều người cho rằng Windows hoạt động kém ổn định hơn MacOS hoặc không an toàn như Linux, nhưng thực tế là HĐH này vẫn có những ưu điểm không thể chối cãi. Đầu tiên là việc từ những phiên bản đầu tiên Windows đã có khả năng chạy nhiều ứng dụng cùng 1 lúc (đa nhiệm) trong khi MacOS phải tới tận phiên bản 10 vào đầu những năm 2000 mới chạy được đa nhiệm.
 
Nhiều người cho rằng Mac an toàn hơn PC, điều đó đúng nhưng hầu như chỉ là vì Mac có thị phần nhỏ hơn và thu hút ít sự chú ý của hacker hơn mà thôi. Bên cạnh đó, có những việc mà MacOS không bao giờ có thể làm tốt được như Windows. Chơi game là 1 ví dụ điển hình. Nếu bạn là 1 người mê game online thì hầu như chắc chắn bạn sẽ phải dùng Windows, dù muốn dù không.
 
Kết
 
Cuộc chiến Mac - Win sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm nữa. Mac đang trỗi dậy rất nhanh chóng trong 1 vài năm trở lại đây cùng với sự vùng lên thần kỳ của Apple. Tuy nhiên cái ngày mà Mac lật đổ Win để giành ngôi vương làng OS thế giới nếu có đến thì cũng còn rất xa.
 
Chừng nào con người còn cảm thấy thích thú với mô hình PC mở với hiệu năng cao, giá thành thấp và chạy 1 kho phần mềm khổng lồ thì Windows vẫn sẽ có lý do để tồn tại. Và thực lòng mà nói, mặc dù cá nhân tôi là 1 người đã và đang sử dụng MacOS trong nhiều năm, tôi vẫn cảm thấy Windows là 1 phần không thể thiếu trên những chiếc Macintosh của mình. Có những thứ Mac chỉ đơn giản là không thể thay thế được Win và bài viết này được viết ra trên 1 chiếc iMac chạy Windows.