Nhịp sống số

Thương mại trực tuyến “ nội” lấn át “ngoại”

Thương mại trực tuyến “ nội” lấn át “ngoại”

Tại Việt Nam, eBay đã hợp tác với một công ty kinh doanh trong lĩnh vực Thương mại trực tuyến (TMTT) khác để xây dựng một liên doanh nhằm đa dạng hóa các mặt hàng lẫn phương thức tiếp cận khách hàng đi kèm với việc mở rộng thị trường. Hàng loạt các công ty TMTT khác cũng nhắm tới Việt Nam như một thị trường đầy tiềm năng. Tuy thế, tại Việt Nam, Công ty “ nội” vẫn đủ mạnh để lấn át Công ty “ ngoại”.

Bùng phát thương mại trực tuyến

Thương mại trực tuyến đang có những bước phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Theo một khảo sát gần đây của Comcore, lĩnh vực TMTT tại Hoa Kỳ đạt 228 tỷ USD (tăng 18 tỷ USD so với năm 2009). Tại Việt Nam, các chuyên gia dự đoán đến năm 2015, giá trị TMTT sẽ đạt tới mức 6 tỷ USD với khoảng 58% trong tổng số 30 triệu người dùng Internet Việt Nam giao dịch mua hàng qua mạng. Sự thành công của lĩnh vực này được các nhà phân tính lý giải dựa trên tính năng động và linh hoạt cùng các phương cách tiếp cận thông tin nhanh và đơn giản khiến người mua có thể tìm được các mặt hàng mình cần với sự thuận tiện tối đa. Ngoài ra, theo một số chuyên gia, do không phải tốn không gian để chứa hàng và các khoản đóng thuế nhà, đất hay thuê nhân công nên giá bán của các món hàng của nhiều công ty tham gia TMTT luôn rẻ hơn so với việc mua chúng trong các cửa hàng.

 



Nhận xét về xu hướng TMTT trong nước hiện nay, ông Hoàng Văn Dũng - Phó Chủ tịch thường trực Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam ngày càng đầu tư và quan tâm nhiều hơn tới hình thức mua bán và giao dịch trực tuyến. Trong khi đó, theo dự báo đến năm 2013 thế giới sẽ có 2,2 tỷ người dùng Internet và 50% trong số đó sẵn sàng mua sắm qua mạng. Với tiềm năng lớn về TMTT, Việt Nam đã được nhiều “đại gia” về thanh toán điện tử thế giới để mắt tới, trong đó có PayPal. Ông Elias Ghanem, Tổng Giám đốc PayPal khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, cho biết hãng này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hoạt động kinh doanh trực tuyến ra thị trường thế giới thông qua việc tiếp cận khách hàng toàn cầu với 250 triệu tài khoản đang hoạt động của hãng này.

Các dạng thương mại trực tuyến

Thông thường, khi mua hàng online, mọi người thường được khuyên là nên tập trung vào các địa chỉ mua bán có uy tín để đảm bảo mình không bị các đối tượng lừa gạt dụ vào bẫy. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các địa chỉ mua bán online có thể được chia thành hai dạng và mỗi dạng có đặc điểm riêng, muốn đảm bảo an toàn trong các giao dịch thương mại trực tuyến thì tùy theo tính chất của nơi bán hàng mà bạn cần có các cách ứng xử thích hợp. Dạng thứ nhất chính là trang web của các công ty trực tiếp sản xuất ra mặt hàng đó, theo đó, công ty A sản xuất ra mặt hàng B thì nếu có nhu cầu bán hàng trực tuyến, họ sẽ đem các mẫu mã của món hàng ấy lên trực tiếp trang web của mình để, vừa giới thiệu, vừa bán cho những khách hàng có nhu cầu.

Dạng thứ hai là những công ty bán hàng trung gian cho các công ty khác thông qua website của mình. Các công ty bán hàng trung gian này, lại tiếp tục được chia ra thành hai dạng riêng biệt, một là các nhà bán lẻ với hệ thống website liệt kê đầy đủ những mặt hàng có bán trong kho dự trữ của mình và người mua có thể chọn trực tiếp các món hàng trên đó để mua và nhận hàng – thanh toán tại nhà. Dạng còn lại của các công ty bán hàng trung gian chính là các website mà chúng ta hay gọi là “Chợ Ảo”, nhà cung cấp website này không bán bất kỳ thứ gì trên đó mà muốn lập ra một khu “Chợ Ảo” để các nhà bán lẻ khác đưa hàng của mình lên trên đó bán – lẽ dĩ nhiên, cũng theo phương thức thương mại trực tuyến.  

“Nội” lấn át “ ngoại”

Mặc dù đã có các động thái tiến vào thị trường Việt Nam nhưng các công ty hoạt động trong lĩnh vực TMTT ở nước ngoài chưa tạo được dấu ấn mạnh với người tiêu dùng trong nước. Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân đến từ việc người tiêu dùng trong nước vẫn rất nghi ngại với chất lượng của các sản phẩm mình bỏ tiền ra mua từ một nơi cách xa nửa vòng trái đất. “Khi có hỏng hóc, trục trặc,… chúng tôi lo sợ không có cơ sở để khiếu kiện”, thành viên trên một diễn đàn công nghệ cho hay. “Bạn tôi trước kia cũng từng mua một chiếc đèn laser từ một trang mua bán từ nước ngoài, sau khi phát hiện hỏng hóc, bạn tôi có liên lạc để đòi bồi thường thì phía bán yêu cầu bạn tôi gửi lại cho công ty họ để đổi cái khác. Tuy thế, lúc ra bưu điện để hỏi phí gửi qua Hoa Kỳ, bạn tôi chết điếng vì mức giá gửi trả lại còn lớn hơn cả mua mới”.

Chính việc này đã khiến cho các công ty TMTT nội địa vẫn chiếm thế thượng phong trong thị trường trong nước. Theo đại diện một công ty kinh doanh trong lĩnh vực này, “với đội ngũ nhân viên túc trực 24/24 cùng với các cơ chế đảm bảo khi mua hàng, các công ty trong nước đang dần thành công hơn các công ty nước ngoài trong việc mang đến sự phục vụ chu đáo và niềm tin cho người mua khi thực hiện các giao dịch nội địa”.

Nếu các công ty TMTT nước ngoài muốn “làm ăn” ở Việt Nam, họ phải hợp tác với các công ty nội địa trước, một chuyên gia nhận xét. Và sự thực đây sẽ là xu hướng ngày càng lớn trong tương lai khi eBay, Paypal và hàng loạt các công ty tương tự khác đang tiến đến để tìm những đối tác thích hợp ở Việt Nam nhằm tăng sức mạnh cho cuộc chơi của mình.