Điện thoại

Thị trường siêu di động: Sẽ ra sao hậu iPhone 4S?

Thị trường siêu di động: Sẽ ra sao hậu iPhone 4S?

Có lẽ chưa bao giờ thị trường Quý IV đón nhận nhiều sản phẩm đình đám như năm nay từ các hãng sản xuất di động với đủ các thương hiệu từ Apple, HTC, Samsung hay Sony.

<> 
Bão muộn của những siêu di động, siêu tablet
  
 Ngay từ những ngày đầu tháng 9, việc các hãng sản xuất như Samsung, Sony liên tục úp mở về các phiên bản di động mới đã khiến thị trường không khỏi chao đảo bởi những luồng gió mới khuấy động mùa mua sắm cuối năm.
 
Nếu như sự hiện diện của Sony với 2 tablet S và P là một sự cách tân của đại gia Nhật Bản này chứng tỏ sức mạnh trước cuộc đua máy tính bảng thì Samsung cũng không kém cạnh khi liên tục vừa bán ra Galaxy Tab 10.1" lại vừa chào hàng các phiên bản 8.9", 7.0" đáp ứng mọi đối tượng, phân khúc khác nhau.

 

 


Tablet của thương hiệu Sony như một luồng gió mới với kiểu dáng lạ.

 

 

Tiếp đến, sự xuất hiện của Amazon Kindle Fire được ví như một ngôi sao mới trong sân chơi tablet với những đột phá về tính năng và quan trọng nhất là giá cả cùng cấu hình đủ sức áp đảo cả "ông vua" Apple iPad.

 

Nói về Apple, sau Quý III trầm lắng bởi việc không ra mắt một iPhone mới thì có vẻ như sự ảm đạm này cũng đi kèm sức rơi của thị phần iPad 2. Sức tiêu thụ của iPad 2 không tốt ngoài lý do tâm lý người dùng đang kỳ vọng dòng sản phẩm mới của Apple sắp ra mắt thì việc các máy tính bảng Android đang thắng thế cũng là nguyên nhân khiến siêu phẩm này chậm bước.

 

Tính đến nay, thị phần máy tính bảng vẫn thuộc về Apple với 68% và Android là xấp xỉ 27%. Mặc dù con số vẫn còn chênh lệch khá lớn nhưng so với cùng kỳ năm ngoái, Android tablet đã có bước tiến đáng kể bởi cùng kỳ năm ngoái, thị phần này chỉ chưa đến 10%.

 

 


iPad vẫn chiếm ngôi vương nhưng xem ra khá chông chênh với thị phần liên tục giảm sút.

 

 

Về phần các siêu di động, có lẽ Việt Nam sẽ là điểm đến sớm nhất của nhiều thương hiệu lớn như Nokia, Sony Ericsson hay HTC.

 

Một số siêu di động có thể kể tên như HTC Sensation XE, Nokia N9 hay Sony Ericsson Arc S sẽ là những gương mặt sớm có tại Việt Nam và thậm chí ngay từ lúc này nhà sản xuất đã bắt đầu cho đặt trước với những hình thức ưu đãi khá lớn.

 

 


Sau Samsung Galaxy S II, HTC Sensation XE cũng là một siêu di động nhận được nhiều đánh giá cao.

 

 

Việc các sản phẩm cao cấp xuất hiện muộn như năm nay được coi là một việc chưa có tiền lệ bởi thường thì tháng 7 là lúc các sản phẩm mới được chào hàng và sẽ lần lượt được bán ra vào các tháng sau đó rải rác cho đến cuối năm. Năm nay với sự ra mắt của iPhone 4S với ít cải tiến về ngoại hình so với iPhone 4 khiến nhiều người quan ngại về sức bật của chiếc smartphone này ở thị trường Việt Nam, khi mà vấn đề thiết kế bề ngoài vẫn là 1 trong những quan tâm chủ yếu của người tiêu dùng Việt.

 

Thị trường Việt chòng chành chờ nổi sóng


iPhone 4S được đánh giá là ít hấp dẫn hơn các model tiền nhiệm đã tạo 1 lỗ hổng để các hãng khác có thể lợi dụng. Mặc dù iPhone 4 vẫn đang là 1 trong những chiếc smartphone bán chạy nhất ở thị trường trong nước, tuy nhiên đà tiêu thụ 1 vài tháng trở lại đây đã có phần chậm lại. Lý do chủ yếu có thể là do thị trường Việt đã bắt đầu "bão hòa" vì số lượng iPhone 4 hiện đang lưu hành đã quá nhiều, một phần rất lớn khách hàng tiềm năng của phân khúc smartphone cao cấp và hứng thú với iOS đều đã sở hữu iPhone 4. Và với tình hình iPhone 4S có thiết kế không đổi, nhiều người đang sử dụng iPhone 4 không có ý định nâng cấp lên iPhone 4S. Vì vậy có thể thấy trong thời gian tới, iPhone 4S chỉ có thể lôi kéo được một lượng khách hàng sử dụng iPhone lần đầu hoặc nâng cấp từ các model cũ hơn như iPhone 3G hoặc 3GS.

 

Bên cạnh đó, model 8GB của iPhone 4 cùng với xu hướng giảm giá của iPhone 4 và làn sóng iPhone 4 "second hand" tràn về từ nước ngoài sau khi khách hàng nước ngoài nâng cấp lên iPhone 4S hứa hẹn sẽ đem lại nhiều biến chuyển thú vị cho thị trường trong nước, đặc biệt là có khả năng sẽ "bình dân hóa" mẫu iPhone 4 vốn trước đây luôn được rao bán với giá trên 14 triệu đồng, thuộc vào phân khúc siêu cấp. Thậm chí với model 8GB và 1 "điểm rơi" hợp lý về giá, chúng ta có thể hi vọng rằng iPhone 4 vẫn sẽ "hút hàng" chẳng kém gì đàn em iPhone 4S.

 

Tính đến thời điểm này, các sản phẩm cùng phân khúc với iPhone 4S như HTC EVO 3D, LG Optimus 3D và Samsung Galaxy S II được đánh giá khá cao.

 

 

Samsung Galaxy S II chắc một vé trong top dẫn đầu mùa mua sắm cuối năm.

 

Nếu như Samsung Galaxy S II có hai Quý thành công với số lượng tiêu thụ khá lớn và giờ đây nó đã hết nửa vòng đời của chu kỳ sản phẩm thì HTC EVO 3D, LG Optimus 3D lại thuộc thị phần ngách, vốn cũng kén người mua tại Việt Nam. Theo một số nguồn tin chưa chính thức thì nhiều khả năng cuối năm nay Samsung cũng sẽ cho ra mắt một di động 3D nhưng cũng rất khó để sản phẩm này tạo dấu ấn khi công nghệ 3D di động vẫn còn nhiều rào cản.

 

Nokia dù vẫn là hãng điện thoại có thị phần lớn nhất nhưng rõ ràng các smartphone của hãng đã mất dần chỗ đứng và thậm chí là lòng tin với người tiêu dùng. Sau những tuyên bố không rõ ràng về việc rời bỏ dòng sản phẩm Symbian, Nokia và canh bạc MeeGo N9 cũng chưa thấy sáng sủa hơn khi cái dớp của N900 tại Việt Nam nói riêng hay thị trường thế giới là quá lớn.

 

 


Mạnh và đẹp nhưng N9 vẫn còn khiến người dùng quan ngại vì tương lai của MeeGo.

 

 

Vậy gương mặt nào sẽ "so vai" cùng iPhone 4S cuối năm nay tại Việt Nam? Có lẽ chỉ có 2 ứng cử viên sáng giá nhất gồm HTC Sensation XE và Samsung Galaxy S II. Và theo thông lệ, những "anh tài" đủ lực tham dự cuộc đua này cũng sẽ là gương mặt bán chạy mùa cận Tết Âm lịch, vốn cũng là thời điểm "kiếm bộn" của các nhà sản xuất.

 

Nếu các siêu di động có một viễn cảnh tương đối khả quan thì nhìn nhận thực tế các dòng tablet, có vẻ như thị phần này giống như một bát canh thiếu muối.

 

Chắc chắn ngày mai sẽ chẳng xuất hiện thêm iPad mới và iPad 2 sẽ vẫn là sản phẩm chủ đạo của thị phần này. Tuy nhiên, tổng quan thị trường tablet trong nước những ngày này khá ảm đạm và rất khó có sức bật mạnh mùa cuối năm.

 

Các "bại tướng" tablet từ đầu năm đã thấy rõ gồm những cái tên như HTC Flyer, Motorola Xoom và những cái tên lạ như HP TouchPad hay BlackBerry PlayBook. Đến thời điểm này, ngay cả khi giá trong và ngoài nước hạ mạnh thì những cái tên này cũng đã mất dần sức hút với người tiêu dùng, phần vì thương hiệu "chấp chới", phần vì HĐH chưa thực sự nổi bật ở tính năng hay kho ứng dụng.

 

 


Kindle Fire hấp dẫn nhưng chưa chắc đã dễ mua vào thời điểm cuối năm.

 

 

Tiêu điểm của tablet Quý cuối năm sẽ là Amazon Kindle Fire, Samsung Galaxy 7.0 Plus. Tuy nhiên, mãi tới ngày 15/11 tới đây Amazon mới giao hàng Kindle Fire cùng chính sách bán hàng giới hạn 2 máy/người và ưu tiên thị trường Mỹ thì khó có khả năng sản phẩm này sốt hàng tại Việt Nam mặc dù giá bán được đánh giá là khá tốt. Còn với Samsung Galaxy 7.0" Plus, cũng chưa có sự khẳng định chắc chắn nào từ phía Samsung Việt Nam rằng nó sẽ được phân phối trong năm nay và nhiều khả năng việc xuất hiện đồng thời cùng lúc với Galaxy Note ở phân khúc hàng xách tay cũng đủ để làm người mua phân tâm giữa 2 sản phẩm "cùng một mẹ".

 

 


Samsung Galaxy 7.0" Plus và Note chưa phải là sản phẩm tạo điểm nhấn trong Quý IV.

 

 

Sony cùng P và S tablet dường như cầm chắc một vé "out" khỏi vòng chiến bởi rõ ràng với chính sách định giá của Sony, nó không thích hợp lắm để có chỗ đứng tại Việt Nam. Thêm vào đó, việc phân phối bởi thương hiệu Sony thay vì Sony Ericsson cũng là một sự đánh đố người tiêu dùng.
 
Vậy là cờ vẫn trong tay Apple iPad 2 nhưng cũng chưa thể nói được gì nhiều bởi lẽ việc các dòng iPad 2 đời cao chưa jailbreak được đang là một lý do kìm sức mua và việc iPhone mới xuất hiện chắc chắn sẽ tác động đến thị phần này.