Nhịp sống số

Thật giả chuyện phóng viên VnExpress dựng cảnh “vượt sông đến trường”

Thật giả chuyện phóng viên VnExpress dựng cảnh “vượt sông đến trường”

Cùng với nhiều cơ quan báo chí khác, ngày 20/9, báo điện tử VnExpress đã có bài viết và clip về chuyện học sinh bản Ông Tú, Ka Oóc, xã Trọng Hoá, huyện Minh Hoá, Quảng Bình phải bơi qua sông đi học.

 

Gần một năm nay, học sinh bản Ông Tú và Ka Oóc xã Trọng Hóa phải bơi qua sông học chữ. Ảnh: Văn Nguyễn.

Tuy nhiên, ngay sau đó cư dân mạng rộ lên tin đồn clip trên là do phóng viên dàn dựng.

Có phải là dàn dựng?

Ngày 22/9, trên một số blog và các trang chia sẻ thông tin lan truyền một đoạn bình luận có nhan đề: “VnExpress bắt học sinh diễn lại cảnh bơi qua sông để quay video?”. Đoạn thông tin này đã tố phóng viên VnExpress dựng lại cảnh các em học sinh bơi qua sông và cho rằng: “Bắt học sinh diễn lại cảnh bơi vượt sông vì nhân đạo hay câu khách? Cả hai trường hợp đều không nên, tuyệt đối không nên. Những người dân phản ánh, khi đã có thuyền rồi vẫn có nhà báo bắt học sinh diễn lại cảnh bơi vượt sông để quay phim. Đó là vùng người Khùa, họ nói thật bụng, nói thật những gì họ làm và người khác nói họ làm. Sự bắt buộc diễn lại của các học sinh ở đây, đằng sau nó là bóng dáng của cái gì?”

Đoạn bình luận trên cũng cung cấp thêm thông tin: “Ngày 17/9, sau khi báo chí phản ánh, huyện đã đưa 110 áo phao, cũng như đưa thuyền cho người dân trong xã. Nhà báo của VnExpress lên muộn, chẳng còn hình ảnh bơi qua sông khi đã có thuyền. Một người dân nói lại, có một nhà báo lên sau này, nói các em học sinh đi học bơi qua sông để quay phim, kêu gọi làm cầu, các cháu cũng cởi áo quần rồi bơi sang, quay xong lên thuyền, người còn ướt cũng được quay luôn… Xem hình trong clip của tờ báo điện tử này, dễ thấy những khung hình cuối, các em ngồi trên thuyền, người ngợm còn ướt sũng sau cú bơi biểu diễn…”.

Để xác minh thông tin trên, phóng viên BĐVN đã liên lạc với VnExpress nhưng chưa nhận được câu trả lời. Trao đổi qua điện thoại với BĐVN, ông Đinh Xuân Tiến, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết: “Khi phóng viên lên là họ đã chụp ảnh, quay phim trước khi làm việc với UBND xã. Gần 7h sáng đồng chí Phó Chủ tịch xã lên rồi mới làm việc với phóng viên. Những cảnh bơi về là cảnh dựng, không thật lắm. Chẳng qua anh em muốn là làm sao để huy động các mạnh thường quân hoặc các nhà đầu tư đầu tư kịp thời cái cầu cho con em trong xã đi học”.

Cần phản ánh một cách trung thực

Xét về mục đích, việc phản ánh tình cảnh của các em học sinh tại xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình để kêu gọi mọi người chung tay giúp các em vượt qua khó khăn là tốt. Tuy nhiên, nếu như sử dụng những thông tin không đúng để thực hiện mục đích đó thì lại là không nên, cả trên phương diện nghiệp vụ lẫn đạo đức nghề nghiệp.

Theo phóng viên Đình Thắng, báo Nông thôn Ngày nay, hiện nay sự cạnh tranh thông tin giữa các báo luôn khiến phóng viên chịu áp lực lớn. Đối với mỗi sự kiện diễn ra có những báo tiếp cận nhanh và có báo tiếp cận chậm. Tuy nhiên, không thể vì tiếp cận chậm mà làm ẩu hay là đưa những thông tin không đúng. Có rất nhiều vấn đề xung quanh một sự kiện có thể khai thác để đưa thông tin đến bạn đọc mà vẫn hấp dẫn.

Còn theo ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, chuyện phóng viên dàn dựng để đưa thông tin trước hết là trái với đạo đức báo chí. Phóng viên không nên vì áp lực cạnh tranh thông tin mà làm trái sự thật, nhất là dùng thông tin giả để kêu gọi ủng hộ thì càng không ổn. Đối với mỗi sự kiện, sự việc, phải phản ánh một cách trung thực. Vì bất kỳ một lý do gì để làm vấn đề nghiêm trọng lên mà không đúng thực chất thì đó cũng thể hiện tính không chuyên nghiệp của phóng viên.

Có thể nói, vụ việc cư dân mạng mổ xẻ clip của VnExpress đã đặt ra nhiều vấn đề về cả đạo đức cũng như nghiệp vụ báo chí. Một câu hỏi cũng được cư dân mạng đặt ra đó là nhiều bài viết hiện nay có còn đơn thuần là phản ảnh thực tế cuộc sống hay là đã được nghiêm trọng hóa, phóng đại để câu khách? Và, trong khi chờ câu trả lời nhiều người đã chia sẻ với các em học sinh xã Trọng Hóa: “May mắn là các em đều an toàn, chứ các em cứ bơi đi bơi lại như thế nếu có mệnh hệ nào thì ăn nói sao đây”.

“Hiện nay xã đã thành lập 1 tiểu ban phụ trách việc đưa học sinh qua sông vào các giờ cố định. Tiểu ban này gồm 8 người thuộc: chi bộ xã, trưởng bản, công an viên, nhà trường… có nhiệm vụ quản lý thuyền đưa đón học sinh. Riêng áo phao được giao cho trưởng bản và nhà trường quản lý chứ không phát cho các em học sinh vì sợ các em học sinh bỏ quên. Nhà trường và trưởng bản có trách nhiệm mang áo phao cho các em đúng giờ”.

Ông Đinh Xuân Tiến, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa