Nhịp sống số

Nguy cơ chiến tranh ảo leo thang

Nguy cơ chiến tranh ảo leo thang

Thế giới công nghệ đang đối mặt với nguy cơ leo thang một cuộc chiến tranh lạnh trên không gian mạng, mà nạn nhân tiềm năng có cả những tên tuổi khổng lồ như Intel và Google, bởi kho dữ liệu vô giá mà các công ty này nắm giữ trong hệ thống.

 

 

Mối lo về cuộc chiến tranh trên không gian mạng đang gần kề hơn bao giờ hết - Ảnh minh họa: Internet

iBahn: cái tên khởi nguồn tất cả

iBahn là một nhà cung cấp đường truyền Internet và các dịch vụ giải trí trực tuyến tốc độ cao dành cho khách hàng của Công ty Marriot International và nhiều khách sạn lớn khác. Các hình thức hội thảo từ xa cũng thường được nhiều tập đoàn đa quốc gia sử dụng dịch vụ của iBahn để tổ chức.

Theo lời một viên chức tình báo (ẩn danh) của Hoa Kỳ, nếu hệ thống của iBahn bị tấn công, cũng đồng nghĩa với việc tin tặc sẽ tiếp cận được với hàng triệu thư điện tử mang nội dung tuyệt mật, kể cả khi đã được mã hóa.

Đáng lo hơn, tin tặc còn có thể lợi dụng hệ thống của iBahn như bàn đạp để tấn công tiếp vào cơ sở dữ liệu của những khách hàng tập đoàn và doanh nghiệp của công ty này, đây là ý kiến của Nick Percoco, giám đốc SpiderLabs - một hãng bảo mật thuộc Tập đoàn Trustwave.

Trong viễn cảnh đáng lo ngại này, iBahn cũng chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ doanh nghiệp công nghệ phương Tây đang bị đưa vào tầm ngắm của các tin tặc (hacker) quốc doanh đến từ Trung Quốc.

Trong vòng một thập kỷ qua, hệ thống dữ liệu của hơn 760 công ty đã bị tấn công bởi các hacker được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc, bao gồm cả Research in Motion.

Phạm vi của làn sóng tấn công là rất đa dạng, từ các tập đoàn có tên tuổi cho đến những doanh nghiệp nhỏ nhưng có triển vọng đang hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu không gian, bán dẫn, y khoa và sinh học.

"Tận tình vơ vét dữ liệu"

Trung Quốc đã xem hoạt động tình báo công nghiệp là một phần không thể tách rời trong chính sách phát triển kinh tế của nước này, tức bao gồm đánh cắp các bí mật công nghệ vốn có tiềm năng giúp quốc gia Đông Á qua mặt Hoa Kỳ và phương Tây để trở thành cường quốc kinh tế số một thế giới, đây là tóm tắt nhận xét mà các quan chức tình báo Mỹ vừa trình bày tháng 11 vừa qua.

 

“Điều đã và đang diễn ra trong suốt năm năm qua là việc Trung Quốc luôn tìm cách xâm nhập trái phép vào mọi tập đoàn và công ty có mặt trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Số dữ liệu mà Trung Quốc đã lấy cắp từ mọi tập đoàn từ Mỹ, Đức sang châu Á đã lên đến hàng ngàn terabytes (1TB = 1.024GB). Thiệt hại mà Hoa Kỳ đang phải gánh chịu từ loại phá hoại này là không thể tính nổi” - Richard Clarke, cựu cố vấn đặc biệt về lĩnh vực an ninh mạng cho cựu tổng thống George W. Bush, phát biểu tại một hội nghị chuyên ngành hồi tháng 10 qua.

Các chính phủ nước ngoài

Các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ đã xây dựng những đội ngũ được gọi là "chiến binh mạng" để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh ảo trong tương lai - Ảnh minh họa: Internet

Ngược lại, Chính phủ Mỹ cũng có trong tay một đội quân gián điệp trên mạng, chuyên theo dõi các chính phủ, tổ chức quân sự và các nhóm khủng bố nước ngoài. Theo ông Clarke, đây là biện pháp để Hoa Kỳ luôn chủ động trong việc tự bảo vệ trước những mối đe dọa trong tương lai.

Một bản báo cáo tình báo vào ngày 3-11 vừa qua đã nêu đích danh Trung Quốc như mối đe dọa “ảo” số một đối với mọi doanh nghiệp của Mỹ. Khi đó, nội các của Tổng thống Obama đã gây ngạc nhiên khi thực hiện hành vi gọi đích danh tên Trung Quốc - điều chưa từng có tiền lệ, còn cơ quan tình báo cùng Quốc hội nước này thì đau đầu với việc tính toán thiệt hại cũng như lên kế hoạch để ngăn chặn những đợt tấn công tương tự trong tương lai.

Liên tục phủ nhận mọi cáo buộc

Về phần mình, Trung Quốc liên tục phủ nhận mọi lời buộc tội, chủ yếu từ phía Mỹ, rằng chính quyền nước này có liên đới đến bất kỳ đợt tấn công điện toán nào, nếu có, phát sinh từ những cụm máy chủ bên trong quốc gia châu Á.

Theo Rogers, một cựu thanh tra thuộc FBI, số danh mục dữ liệu bị đánh cắp, bao gồm các bản in chi tiết, công thức hóa học, cùng nhiều loại tài nguyên khác bị lấy cắp từ cơ sở dữ liệu các tập đoàn Hoa Kỳ từ đầu năm 2011 trở lại đây đã có mức thiệt hại lên đến 500 triệu USD.

Các hacker Trung Quốc bị cáo buộc đã thực hiện rất nhiều cuộc tấn công vào hàng ngàn hệ thống máy tính ở khắp nơi trên thế giới - Ảnh minh họa: Internet

Giờ đây chính quyền Obama đã không còn ngần ngại để tung ra những bằng chứng bất lợi về phía Trung Quốc. Theo đó, những tin tặc tham gia đợt tấn công Hãng iBahn thuộc loại ưu tú nhất thuộc về 17 tổ chức tin tặc mà hệ thống tình báo Mỹ đã nhận diện được.

Chiến dịch “Shady Rat”

Vào tháng 8 năm nay, một chuyên gia công nghệ đã công bố một báo cáo tổng hợp các đợt tấn công điện toán nhằm vào các tập đoàn của Hoa Kỳ, phương Tây và châu Á, gọi chung dưới tên mã “Chiến dịch Shady Rat”. Khi đó báo cáo không đề cập đến tên tuổi của quốc gia đã phát động đợt tấn công, cũng như các nạn nhân. Song giờ đây, Dmitri Alperovitch, tác giả của báo cáo kiêm chủ tịch Hãng bảo mật Asymmetric Cyber Operations, đã xác nhận đó là Trung Quốc.

Trong đợt tấn công đầu tiên vào tháng 7-2006, các tin tặc Trung Quốc đã tấn công vào hệ thống máy tính của Posco, tập đoàn thép khổng lồ của Hàn Quốc, có quy mô lớn thứ ba thế giới. Vụ việc xảy ra cùng thời điểm Posco mua lại một mỏ thép ở phía đông Trung Quốc.