Nhịp sống số

Mổ xẻ những con quái vật màn bạc: Người tí hon

Mổ xẻ những con quái vật màn bạc: Người tí hon

Hãy tưởng tượng nếu 1 ngày bỗng nhiên bạn bị thu nhỏ đến kích thước của 1 con... châu chấu và bị cả đàn nhện khổng lồ "truy sát". Nếu bạn không biết phải làm gì để sống sót thì bài viết dưới đây có thể sẽ giúp được bạn.

Như đã hứa trong phần trước, sau khi nói về các con quái vật khổng lồ như King Kong, T-Rex, ở phần này của bài viết chúng ta sẽ cùng mổ xẻ những bộ phim có tình tiết người bị thu nhỏ.
Mặc dù những bộ phim có tình tiết người bị biến thành tí hon nhìn chung tương đối hiếm gặp trong khoảng vài năm trở lại đây ở Hollywood. Lý do thì có lẽ chỉ đơn giản là 1 con quái vật khổng lồ tung hoành giữa thành phố đập phá nhà cửa, "làm cỏ" nhân loại chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn một vài anh chàng tí hon leo qua leo lại giữa đống đồ đạc gia dụng và vật lộn cùng đám chuột, nhện quá tầm thường. Tuy nhiên cách đây mới chỉ 20 năm, thu nhỏ con người từng được xem là "mốt" thời thượng của các bộ phim khoa học viễn tưởng.
 
Nhìn chung kịch bản của hầu hết các bộ phim về người bị thu nhỏ trong thời kỳ hoàng kim của thể loại này là nhân vật chính bị teo nhỏ lại đến kích thước của 1 con chuột, gián hoặc kiến rồi bị lạc giữa 1 thế giới mà vật gì cũng trở nên khổng lồ trước khi phải cố gắng tìm được đường quay trở về nhà và to lớn trở lại. Và trong thế giới thu nhỏ ấy, nhân vật tí hon của chúng ta thường phải đối mặt với những con vật thông thường nhưng giờ đây trở nên khổng lồ.
Một ví dụ điển hình cho các bộ phim kiểu như thế này là The Incredible Shrinking Man, 1 phim từ thời còn đen trắng mà bây giờ bạn đọc có thể tìm download khá dễ dàng từ các trang Torrent (và đây là 1 bộ phim khá thú vị mà bạn đọc nên tìm xem nếu có điều kiện). Nhân vật chính của chúng ta là 1 khoa học gia bị nhiễm phóng xạ và liên tục bị teo nhỏ đi cho tới khi chỉ còn cao khoảng 3 cm.
Trong khi lang thang trong ngôi nhà của mình, tìm cách lớn trở lại nhân vật chính phải chiến đấu với đủ các loại "quái vật", từ 1 con chuột đến lũ nhện lông lá (chắc do anh chàng lười dọn phòng nên nhà anh ta có cả 1 tổ nhền nhện, con nào cũng là loại... kịch độc). Khi cố gắng tự bảo vệ mình khỏi những cái nanh chứa đầy nọc độc của con nhện, nhân vật chính tìm được vũ khí là 1 chiếc kim khâu mà phải rất vất vả anh mới có thể nhấc nó lên và sử dụng như 1 cây giáo. Sau khi con nhện "biểu diễn" vài động tác cơ bản, nhân vật chính đành... vứt giáo, vất vả lắm mới trốn thoát khỏi con quái vật.
Sự thực là nếu như 1 người bình thường bị thu nhỏ tới kích thước của nhân vật trong phim, và trận chiến giữa anh ta với 1 chú nhện diễn ra, thì chiến thắng áp đảo là điều tất yếu, nhưng chiến thắng ấy sẽ không về phần con nhện. 
Hãy nhớ lại các vấn đề về kích thước, trọng lượng mà chúng ta đã nói tới ở bài viết lần trước về King Kong: Khi 1 con vật to lên n lần thì diện tích các phần của cơ thể sẽ thay đổi theo tỉ lệ n bình phương còn trọng lượng sẽ thay đổi theo tỷ lệ n lập phương. Công thức này không chỉ đúng với trường hợp phóng to mà cũng hoạt động tương tự khi 1 hình khối bị thu nhỏ lại. Có nghĩa là nếu như 1 người cao 1,7m nặng 70kg, khi bị thu nhỏ chỉ còn 3,4 cm (giảm 50 lần về chiều cao) thì diện tích mặt cắt ngang các bó cơ sẽ giảm 50 * 50= 2500 lần nhưng trọng lượng cơ thể sẽ giảm tới 50 * 50 * 50 = 125 ngàn lần tương đương với người ấy chỉ còn nặng có 0,56 gr.
 
1 điều chúng ta cần nhớ đó là lực do tay, hay chân của 1 người sinh ra sẽ tỉ lệ thuận với diện tích mặt cắt ngang của các bó cơ (các vận động viên cử tạ nâng được nặng vì các bó cơ lớn hơn người thường). Như vậy diện tích bó cơ bé đi 2500 lần tương đương với sức lực của nhân vật chính bị giảm đi 2500 lần, nhưng đồng thời trọng lượng cơ thể lại giảm đi tới 125 ngàn lần. Điều này có nghĩa là khi bị thu nhỏ lại anh chàng của chúng ta sẽ cảm thấy rất cơ thể mình rất nhẹ nhàng, anh ta có thể chạy nhanh hơn , nhảy cao và xa hơn rất nhiều lần so với chiều cao cơ thể.
 
Để có được hình dung cụ thể hơn về vấn đề này, chắc hẳn bạn đọc từng được nghe tới câu đố: Con vật gì khỏe nhất? Câu trả lời không phải là con voi hay tê giác mà là những loài vật nhỏ bé như bọ hung, kiến khi mà các loài côn trùng này có thể dễ dàng nâng được trọng lượng gấp 50 lần cơ thể chúng đi 1 quãng đường bằng vài ngàn lần chiều dài cơ thể trong khi con người bình thường nặng 60kg phải "lê lết" lắm mới vác được 30kg tương đương 1/2 trọng lượng cơ thể đi vài trăm mét. Xét về tỉ lệ cơ thể, những con vật nhỏ hơn sẽ khỏe hơn, chạy nhảy cao và xa hơn những con vật to xác.
1 con kiến bình thường dễ dàng nhấc bổng những vật có trọng lượng lớn gấp 50 lần trọng lượng cơ thể, tương đương với 1 người 70 cân nâng được 3,5 tấn.
Vì vậy tất cả các phim, tiểu thuyết khắc họa việc con người khi bị thu nhỏ tí hon sẽ trở thành những sinh linh mỏng manh yếu đuối đều là phản khoa học. Sự thực là khi được thu nhỏ lại chúng ta sẽ trở thành... siêu nhân với mỗi cú nhảy cao tới hàng chục lần chiều cao cơ thể, lên xà, hít đất... vài ngàn lần chỉ là chuyện nhỏ. 
Chúng ta sẽ thành... siêu nhân nếu kích thước cơ thể nhỏ lại.
Bên cạnh chuyện chạy nhanh, nhảy cao và xa, chúng ta có thể đề cập đến 1 lợi ích khá thú vị nữa của việc trở thành người tí hon: Thoải mái... nhảy lầu mà không sợ chấn thương. Một hình tượng cho việc này đó là bạn hãy thử bắt 1 con kiến, nhấc nó lên thật cao rồi thả xuống đất, dù cho bạn đem nó lên nóc 1 ngôi nhà vài trăm tầng thả xuống, khi tiếp đất, nó vẫn sẽ chỉ... cười khẩy rồi tiếp tục cần mẫn kiếm mồi. Điều tương tự cũng đã được quan sát thấy với các loài vật lớn hơn. Thử nhớ lại bạn có bao giờ thấy 1 con chuột... ngã chết hay chưa? Chắc chắn là chưa bao giờ. 
Trong tự nhiên, có 1 giới hạn về kích thước mà nếu 1 con vật có kích thước cơ thể nhỏ hơn mức ấy, nó có thể thoải mái lao ra từ máy bay, không cần dù mà vẫn không hề lo lắng đến chuyện gãy chân hay... chấn thương sọ não. Có lẽ bạn sẽ thắc mắc: giới hạn đó nằm ở đâu? Một con khỉ vẫn còn quá lớn và dễ dàng chịu những chấn thương nghiêm trọng khi ngã từ trên cây xuống, 1 con sóc sẽ chịu những cú ngã nhẹ nhàng hơn rất nhiều, nhưng vẫn nguy hiểm trong khi 1 con chuột nhắt và các loài vật nhỏ hơn nó như các loài côn trùng sẽ tuyệt đối an toàn trước những cú rơi tự do từ mọi độ cao.
1 con kiến dù rơi từ độ cao nào cũng không thể chết được.
Nguyên nhân dẫn tới hệ quả thú vị này nằm ở câu chuyện về tốc độ rơi tự do. Tất cả các vận động viên nhảy dù, có tham gia các khóa học về hàng không đều hiểu rằng khi nhảy ra khỏi máy bay, lập tức chúng ta sẽ rơi xuống bề mặt trái đất với vận tốc ngày 1 nhanh lên. Bạn đọc nào còn nhớ tới bài học vật lý lớp 8 có lẽ sẽ dễ dàng đọc ngay ra được gia tốc trọng trường là 9,8 m/s^2. Có nghĩa là trên lý thuyết, khi rơi tự do, mỗi giây vận tốc rơi của người nhảy dù sẽ tăng lên thêm gần 10 m/s, tương đương với 36 km/h. 
Đây là 1 con số rất lớn vì nếu cứ tăng tuyến tính như vậy, chỉ sau 10 giây rơi tự do, tốc độ của người nhảy dù sẽ đạt tới...360km/h. Tuy nhiên vận tốc thực tế của người nhảy dù không bao giờ đạt tới mức này, lý do là vì khi rơi trong khí quyển trái đất, bất luận là vật gì đều chịu ảnh hưởng của lực cản không khí. Vận tốc càng cao thì lực cản càng lớn. Đến 1 vận tốc nào đó, lực cản của không khí sẽ cân bằng với trọng lực, và vận tốc rơi tự do của vật đó sẽ không tăng nữa mà trở thành vận tốc không đổi cho tới tận khi tiếp đất. Vận tốc rơi của vật khi đạt trạng thái cân bằng giữa trọng lực và lực cản của không khí được đặt hẳn 1 cái tên riêng là "Vận tốc cuối" và "vận tốc cuối" này đối với các vật thể khác nhau là khác nhau. Với 1 vật có kích thước và trọng lượng của người trưởng thành, vận tốc cuối đạt khoảng 200km/h.
Các yếu tố ảnh hưởng tới vận tốc cuối gồm có trọng lượng và diện tích đón lực cản của không khí. Trọng lượng càng nhỏ và diện tích ma sát càng lớn thì vận tốc cuối càng nhỏ. Ví dụ như trường hợp anh chàng bị thu nhỏ 50 lần của chúng ta, trong khi diện tích bề mặt cơ thể giảm 2,5 ngàn lần thì trọng lượng lại giảm tới 125 ngàn lần, có thể giả định một cách tương đối rằng vận tốc cuối của anh ta sẽ giảm 50 lần so với 1 người bình thường và chỉ còn đạt 4 km/h, chậm như 1 chiếc... lá vàng rơi. Hơn nữa, cũng cần lưu ý thêm 1 điểm rằng lý do chính gây ra chấn thương khi rơi tự do là những cú dừng đột ngột lúc tiếp đất. 
Động năng của 1 vật được tính khá đơn giản và bằng 0,5 * m * v ^2. Khi 1 vật tiếp đất ở trạng thái rơi tự do động năng này được giải phóng đột ngột, và động năng giải phóng càng lớn thì tổn thương gây ra càng nghiêm trọng, nói nôm na là ngã càng đau. Giả định rằng 1 con chuột nhắt có vận tốc cuối nhỏ hơn người 30 lần thì động năng tiếp đất sẽ giảm tới 30 * 30 = 900 lần. Như vậy các loài vật nhỏ được chính kích thước và trọng lượng của mình bảo vệ trong các cú rơi từ độ cao lớn, người tí hon cũng vậy. Nếu bạn có kích thước như anh chàng trong phim, xin chúc mừng vì bạn có thể tham gia môn thể thao nhảy dù mà không cần tốn tiền... mua dù và bạn sẽ tha hồ tận hưởng cảm giác rơi tự do vì thời gian từ lúc nhảy cho tới lúc tiếp đất của bạn có lẽ sẽ mất... vài tiếng.
Trở lại cuộc vật lộn của nhân vật chính với con nhện trong The Incredible Shrinking Man, con nhện có thể trông rất đáng sợ với kích thước kềnh càng, lông lá và những cái nanh đầy chất độc, tuy nhiên với sức lực siêu nhân của mình, nhân vật chính của chúng ta chỉ cần 2 bàn tay không và "vài đường cơ bản" là có thể "làm chả" ngay chú nhện tội nghiệp. 
Tội nghiệp con nhện.
Vì vậy kết luận lại, nếu bạn là 1 khoa học gia thiên tài, chuyên thực hiện các thí nghiệm thu nhỏ vật thể thì có mấy điều bạn cần nhớ: một là hãy dọn dẹp phòng thí nghiệm ngăn nắp sạch sẽ và để máy phóng to ở chỗ dễ tìm. 2 là nếu như một ngày đẹp trời bạn lỡ tay... tự thu nhỏ bản thân thì cũng cứ bình tĩnh, nhện, gián và các loại côn trùng không phải là "đối thủ" của bạn, 1 con chuột có lẽ sẽ là mối lo lớn hơn, nhưng bạn vẫn dễ dàng chạy thoát khỏi nó. Và thêm 1 lưu ý nữa là không cần phải tìm dây để leo xuống từ 1 cái bàn hay giá sách mà cứ thoải mái nhảy thẳng xuống đất. Tóm lại, nếu bạn bị thu nhỏ thành tí hon, đừng cố tìm cách lớn trở lại ngay mà hãy tự thưởng cho mình cảm giác làm... siêu nhân một lát.
Tiện đây, nhắc tới nhện khổng lồ là nói đến Hollywood. Cơn ác mộng của các bà, các cô trong suốt nhiều ngàn năm qua như nhện, gián, giun dế thường được các nhà làm phim Hollywood say mê truyền tải trong các tác phẩm của mình. Số lần xuất hiện của các loài côn trùng khổng lồ trên phim ảnh có lẽ không đếm hết được trên cả bàn tay lẫn... bàn chân. Mặc dù thời gian gầy đây các "siêu sâu bọ" đã ít được lên màn bạc hơn, nhưng mỗi lần xuất hiện trên màn bạc chúng đều để lại những ấn tượng rất khó phai. Và để giúp bạn đọc của GenK có được sự chuẩn bị kĩ càng hơn khi phải đối mặt với cuộc xâm lăng của các loài "siêu sâu bọ", chúng ta sẽ cùng đi mổ xẻ phân tích các điểm yếu của loài nhện (kiến, gián, sâu...) khổng lồ trong phần sau của loạt bài viết. Mời các bạn đón xem.
(Còn tiếp)