Nhịp sống số

Giao dịch ngân hàng tự động áp đảo giao dịch truyền thống

Giao dịch ngân hàng tự động áp đảo giao dịch truyền thống
1/3 người dùng đang sử dụng các dịch vụ ngân hàng qua điện thoại và Internet. Gần 50% người dùng cho rằng dịch vụ này là cần thiết trong thời gian tới. ATM vẫn là kênh được lựa chọn nhiều nhất.

Kết quả khảo sát trên do IDG công bố tại hội thảo Banking Việt Nam 2012 (diễn ra ngày 23, 24/5/2012 tại Hà Nội).

Một trong những câu hỏi của cuộc khảo sát là: "Bạn tiếp cận ngân hàng của mình như thế nào?". Kết quả cho thấy, kênh ATM dẫn đầu với 35%, dịch vụ ngân hàng qua Internet và điện thoại chiếm 32%, chi nhánh 30%, còn lại là tổng đài liên lạc (call-center) 3%.

Nhiều người dùng cho biết có thói quen sử dụng điện thoại di động để chuyển tiền và gửi tiền tiết kiệm. Ảnh: Vũ Nga

Về hình thức trao đổi thông tin với ngân hàng mà người dùng ưa thích, kết quả lần lượt là: thư điện tử, điện thoại di động, tổng đài liên lạc, cuối cùng là thư bưu chính. Có đến 48% người được hỏi cho rằng thích nhất kênh liên lạc qua thư điện tử, 27% thích liên lạc qua điện thoại di động.

Về các dịch vụ ngân hàng cần chú trọng phát triển trong 2 năm tới, có đến 49,8% người được hỏi cho rằng đó là Internet/mobile banking, kế đến là chi nhánh, máy giao dịch tự động (24%).

Theo ông Lê Thanh Tâm, Tổng giám đốc IDG Việt Nam và Đông Dương, xu hướng sử dụng dịch vụ ngân hàng trên điện thoại và Internet tăng do phần lớn người dùng sử dụng dịch vụ ngân hàng để gửi tiền tiết kiệm (40%) và chuyển tiền (32%), chỉ một số ít người dùng sử dụng dịch vụ ngân hàng trong vay nợ hay đặt cọc. Trong khi đó, các dịch vụ này đều đã được hầu hết các ngân hàng triển khai.

Khảo sát trên do IDG Việt Nam thực hiện trong 8 tháng về thực trạng ứng dụng CNTT trong các ngân hàng thương mại và phản ứng của người tiêu dùng đối với các kênh dịch vụ ngân hàng, bao gồm: ngân hàng qua mobile và Internet (Mobile/Internet banking), chi nhánh, tổng đài liên lạc, các máy giao dịch tự động (ví dụ ATM).