Nhịp sống số

Giám đốc Bkav: mất 200 triệu đồng mới có một nhân viên làm được việc

Giám đốc Bkav: mất 200 triệu đồng mới có một nhân viên làm được việc

Số sinh viên CNTT ra trường hàng năm không nhỏ, nhưng từ 10 năm nay, công ty Bkav chưa bao giờ tuyển được đủ người theo đúng nhu cầu dù các chế độ đãi ngộ, lương bổng hấp dẫn.

 

Ông Nguyễn Tử Quảng.

<>200 triệu đồng/người để đào tạo lại

Ông Nguyễn Tử Quảng giám đốc công ty này "phàn nàn" rằng đó là do sinh viên tốt nghiệp ra trường có kiến thức chuyên môn nhưng rất thiếu các kỹ năng mềm. Mà một người dù có giỏi đến mấy, nhưng không có kỹ năng, thì cũng không thể làm được việc.

"Tôi không thể thụ động ngồi chờ các trường cho ra sản phẩm thế nào thì mình đón nhận thế ấy. Tôi buộc phải đào tạo các em từ năm học thứ 2 ĐH. Nhận các em về thực tập, tiến hành đào tạo dần dần thì mất khoảng 2 năm là các em có thể được trang bị đủ kỹ năng để làm việc. Chi phí cho một người/tháng khoảng 10 triệu đồng. Như vậy với 2 năm đào tạo, chúng tôi phải mất đến 200 triệu đồng thì mới có được một nhân viên làm được việc" - ông Nguyễn Tử Quảng cho biết.

Phải "chăn" sinh viên từ năm thứ 2, DN này đã có dự định sẽ liên kết với các trường để đào tạo các em ngay từ những năm học đầu tiên. Nhưng có rất nhiều cái khó nên không thể làm được, mà cái quan trọng nhất theo ông Quảng là không có cơ chế. Vì thế, đành phải chủ động thu hút các em bằng cách tạo cơ hội tiếp xúc với môi trường làm việc thực sự khi các em còn là sinh viên.

Đối với sinh viên đã tốt nghiệp ra trường cũng phải mất thêm 2 năm đào tạo các kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc, thì mới thực sự làm được việc.

<>Lỗi hệ thống

Theo ông Quảng nguyên nhân của tình trạng sinh viên ra trường không làm được việc ngay là do hệ thống giáo dục. Ngay từ các bậc học phổ thông, các em đã không được học các kỹ năng sống. Đến khi vào đại học, gần như không có trường nào đạo tạo học sinh kỹ năng làm việc, kỹ năng ứng xử trong công việc, kỹ năng thích nghi với môi trường làm việc...

"Thực ra việc đào tạo lại thì không chỉ có ở Việt Nam, mà ở các nước khác thì vẫn phải đào tạo lại dù ít dù nhiều mới làm được việc. Nhưng việc yếu kém kỹ năng làm hạn chế rất nhiều và ảnh hưởng đến hiệu suất công việc. Các kỹ năng như làm việc nhóm, giám sát mục tiêu... các em đều rất yếu. Không nhà trường nào ở Việt Nam đào tạo những cái này cả" - ông Quảng "kêu ca" nhưng khẳng định không nên đổ lỗi cho các trường ĐH vì "rõ ràng cả hệ thống như thế, thì phải chịu hậu quả như thế!"

Về nguồn nhân lực CNTT hiện nay, giám đốc Bkav nhận định "thừa vô cùng và thiếu vô cùng. Gần đây nguồn tuyển có phong phú hơn, nhưng đơn vị tuyển dụng vẫn phải chấp nhận đào tạo lại thì mới tuyển được. Chúng tôi không có kinh phí để đầu tư hàng trăm triệu đồng cho mỗi nhân viên nữa.

Vì thế, tiêu chí của chúng tôi hiện nay là chỉ tuyển những người đã có trải nghiệm công việc rồi. Không buộc phải là người đã từng làm việc ở đâu đó, mà là anh phải được trải nghiệm, tiếp xúc, làm quen với môi trường làm việc rồi. Sau đó chúng tôi mới tiếp tục đào tạo".

"Không chỉ tôi, hầu hết các doanh nghiệp tôi biết đều không hài lòng với chất lượng đào tạo CNTT của các trường hiện nay. Họ cũng than phiền cả chục năm rồi. Doanh nghiệp buộc phải bỏ tiền ra đào tạo lại nên chi phí của doanh nghiệp rất lớn. Nhưng vì cần người làm việc, không có cách nào khác", ông Nguyễn Tử Quảng.

 

(Theo Báo Kiến thức)