Đánh giá laptop

Đánh giá Tablet P - Thiết kế vượt qua những chuẩn mực

Đánh giá Tablet P - Thiết kế vượt qua những chuẩn mực

Tóm lại, với sự nhỏ gọn và một thiết kế vượt qua mọi chuẩn mực, chắc chắn sẽ có nhiều tín đồ công nghệ sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để sở hữu Tablet. Thế nhưng, với số tiền ấy, đa số người dùng có lẽ sẽ lựa chọn một chiếc smartphone với màn hình lớn, hoặc một chiếc tablet khác, dù không nhỏ gọn bằng, nhưng tận dụng được nguồn ứng dụng phong phú của Android.


  • [CES 2012] Trên tay Tablet Sony P
  • Sony Tablet S và Tablet P sẽ được cập nhật Android 4.0
  • “Đập hộp” Sony Tablet P giá 16,4 triệu đồng

 

Chiếc máy tính bảng thứ 2 trên nền Android của Sony đã chính thức được bán ra. Với chúng tôi, từ nhiều tháng trước, khi được chứng kiến bản concept của Tablet P, chúng tôi đã vô cùng háo hức, mong muốn có một ngày được review chiếc máy này, và thực sự thfi bây giờ chúng tôi đã có cơ hội để làm điều đó. Trong khi Tablet S, cho dù có sự thiết kế táo bạo trong thiết kế, nhưng suy cho cùng, thiết kế của nó vẫn hướng đến dạng “bảng” thông dụng ở hầu như tất cả các mẫu tablet có trên thị trường, có chăng chỉ là “bất đối xứng” hóa thôi. Nhưng với tablet P, chúng ta được thấy một thiết kế dạng vỏ sò mà chắc chắn là không thể nhầm lẫn hay gợi sự liên tưởng đến bất kỳ một sản phẩm máy tính bảng nào khác đã hay đang có trên thị trường. Khi mà hai màn hình 5.5 inch của nó được gấp lại, chiếc máy trở nên thật nhỏ gọn và xin xắn, có thể dễ dàng nhét vừa vào túi áo khoác hay thậm chí là túi quần bò. Điều này làm chúng tôi liên tưởng tới một sản phẩm khác cũng của Sony, và cũng có chữ P trong tên gọi, chiếc Vaio P. Qua điều này có thể đoán thử P là viết tắt của “Portable” chăng?

Đây cũng là thiết bị thứ 3 trong các dòng sản phẩm Android của Sony đạt chứng nhận PlayStation Certified. Điều này được Sony ký hiệu bằng biểu tượng 4 nút bấm quen thuộc trên các sản phẩm tay cầm của hãng (xem hình để thấy rõ hơn). Màn hình thứ hai của máy được thiết kế, ngoài mục đích hiển thị bàn phím khi thực hiện các thao tác soạn thảo trong các ứng dụng, thì cũng có thể hiển thị các phím bấm này (kiểu thiết kế đi kèm phím bấm, mặc dù chỉ là phím bấm ảo, này làm chúng tôi nhớ đến chiếc Xperia Play cũng của Sony, một sản phẩm khá độc đáo tuy nhiên doanh số không được như mong đợi).

Ký hiệu chứng nhận PlayStation Certified

 

Lại nói thêm về hai chiếc màn hình đôi của Tablet P. Xin nhắc lại là đây là một thiết kế lần đầu tiên xuất hiện trên một sản phẩm chạy Honeycomb nói riêng và chạy Android nói chung, và do đó chưa ai có được một trải nghiệm tương tự trên một thiết bị nào khác để đánh giá xem điều này là tốt hay không. Thiết kế này có hợp lý? Liệu Tablet P có xứng đáng với chứng nhận PlayStation Certified để trở thành một cỗ máy “nghiền” game? Liệu nó có đủ sức làm nên một cuộc cách mạng về doanh số cũng như tư duy thiết kế trong các sản phẩm di động. Hãy theo chúng tôi trong bài viết sau đây để có thể có cái nhìn khách quan nhất.

Bạn có thấy Tablet P mang hơi hướng thiết bị này không?

 

Phần cứng

Kể cả cho dù có nhìn từ xa, e rằng Tablet P sẽ rất, rất khó để người ta có thể nhầm với bất kỳ thiết bị Android nào khác. Các miếng nhựa nhám,màu bạc có thể tháo rời ở cả mặt trước và mặt sau máy với, nhưng riêng phần khớp nối của máy thì vẫn có tông màu đen bóng. Không biết Sony có chủ ý gì và người dùng sẽ có nhận xét thế nào về sự phối màu này, nhưng theo chúng tôi thì nó hơi “rẻ tiền” khi mà nó làm nổi bật lên sự không đồng nhất, trong thời kỳ mà thiết kế đồng nhất kiểu “nguyên khối” đang lên ngôi. Có thể bề mặt nhám giúp chống dấu vân tay cũng như che mờ các vết xước chẳng hạn.Tuy vậy, nhìn tổng thể, thiết kế của Tablet P có vẻ rất cứng cáp, và cầm lên (khi chưa mở) rất đầm tay.

 

Thiết kế rất "unique"

Tablet P nặng 370g, nhẹ hơn một chút so với những máy tính bảng 7inch khác có trên thị trường, và tất nhiên là với việc thiết kế màn hình đôi gập được, thì nó nhỏ gọn hơn rất nhiều. Khi cầm nó trên tay, bạn có cảm giác cầm một chiếc hộp bút, một chiếc ví, một món đồ trang sức thật đẹp - m/.

Một chiếc ví? Một chiếc hộp bút?

Nắp sau có thể tháo rời, lộ khe SIM, thẻ nhớ và pin

Chạy dọc theo cạnh bên phải có nút nguồn, một cổng Micro USB và cổng cắm nguồn AC, và điều thật tuyệt là nó có thể tương thích hoàn hảo với adapter của các máy PSP (tất cả các đời). Ngoài ra còn có nút tăng giảm âm lượng, và ngay cạnh đó là microphone tích hợp của máy. Ở cạnh trái là loa của máy, và với cách nói như vậy hẳn bạn cũng hiểu Tablet P chỉ được trang bị một loa đơn. Và chiếc loa này thật không xứng với tên tuổi của Sony trong lĩnh vưc giả trí, khi nó cũng cấp một chất lượng âm thanh thật tệ: âm thanh rất yếu ớt, nhỏ nhất trong loa của các tablet mà chúng tôi từng thử nghiệm, và thật trái ngược với chất lượng âm thanh đáng khâm phục của PlayStation Vita. Nếu bạn có ý định sử dụng chiếc máy này cho mục đích chơi nhạc hoặc xem phim mà không phải ở trong phòng kín, điều duy nhất bạn cần làm là bật âm lượng lên mức max và hy vọng môi trường xung quanh không quá ồn ào.
Máy có một nắp lưng tháo rời được, và (bắt buộc) bạn phải làm điều này để có thể tháo thẻ SIM cũng như pin và thẻ microSD. Vâng, đó là thẻ microSD, mặc dù đối với tablet, chúng tôi vốn hy vọng vào việc máy được trang bị khả năng đọc thẻ SD full-size, vốn được đánh giá cao về độ bền và tốc độ so với thẻ microSD.

Cạnh phải (từ trái qua): nút nguồn, cổng cắm sạc, giao tiếp microUSB, nút chỉnh volume

Cạnh trái với loa tích hợp, rất khó nhận ra

Camera trước

Camera chính

Bạn có thể nhìn thấy vài gờ nhỏ được nhô cao lên ở mặt sau của máy, nhưng điều này hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới khả năng trải phẳng của 2 màn hình. Chúng được thiết kế để hai nửa có thể mở hết cỡ, hầu như là một góc bẹt một khi người sử dụng muốn mở ra. Thiết kế này rất đẹp, sang trọng và tạo cảm giác rất “liền mạch”, nguyên khối, ngoại trừ vị trí của 2 khớp nối (hơi to), chỗ đặt camera trước hơi sáng hơn so với bề mặt xung quanh, và chỗ gờ để tay bám tốt hơn khi mở máy. Đây cũng là vị trí đặt đèn báo, một trong những đặc trưng của nền tảng Android mà nhiều nhà sản xuất đã “bỏ quên”: thông qua màu sắc của đèn thông báo để biết tình trạng của máy (có thể thấy trên Xperia Ray hay cũ hơn là trên dòng Droid của Motorola). Đèn này sẽ báo xanh khi có email hay thông báo từ mạng xã hội, và chuyển đỏ - cam khi pin xuống mức thấp, báo hiệu bạn nên sạc cho thiết bị. Một điểm nhấn nho nhỏ làm tăng thêm hào hứng cho chúng tôi trong quá trình thử nghiệm - LOL.

 

Tablet P có thể mở một góc gần như bẹt

Sau khi mở ra, bạn có thể thấy, màn hình của máy được chia làm 2 nửa bằng nhau, với một dải phân cách (đáng buồn là nó hơi lớn) đen nhỏ ở giữa. Cả hai màn hình này đều có kich thước 5.5 inch và thực sự đáng chú ý. Chúng có độ phân giải 1.024 x 480, được trang bị công nghệ TruBlack LCD technology, vốn xuất hiện trên dòng TV Bravia của hãng cũng như trên Tablet S mà chúng tôi mới có bài nhận xét tại đây. Xin nhắc lại một chút, công nghệ này cho phép màn hình thể hiện được một độ tương phản cực tốt, cho màu đen rất sâu và màu trắng rất sáng, và công nghệ này, cũng như trên Tablet S, cho một hiệu năng khá ổn. Mặc dù bạn có thể cho rằng, công nghệ màn hình Super AMOLED mới là công nghệ màn hình tuyệt nhất trên các thiết bị di động, và mơ đến một chiếc “Galaxy Note P” chẳng hạn, thì có lẽ bạn nên suy nghĩ lại sau khi thử nghiệm cả 2 thiết bị này. Cho dù vậy, xét về mọi phương diện, màn hình này e rằng còn khá xa mới có thể so sánh với màn hình trên PSP Vita, nơi tập trung mọi tinh hoa công nghệ của Sony trong lĩnh vực nghe nhìn. Màn hình vẫn hơi bị ngả sang màu xanh ở các góc nghiêng cho dù không lớn lắm. Cũng giống như Tablet S, màn hình của Tablet P không được gia cố bằng lớp kính cường lực Gorilla Glass nhưng thật may mắn, nhưof thiết kế dạng vỏ sò nên màn hình của Tablet P không có khả năng chịu nhiều tác động gây hại như Tablet S.

 

Màn hình cho chất lượng khá tốt

Một điểm khác biệt (thực ra là điểm yếu) của P so với S đó là nó đã bị cắt bớt khả năng điều khiển các thiết bị bằng cổng hồng ngoại IR. Đây là một điều rất, rất đáng tiếc vì việc đưa cổng IR vào một thiết bị kích thước như Tablet P có lẽ không khó khăn gì, và đây lại là một trong những tính năng “ăn điểm” nhất của người anh trai Tablet S. Chúng tôi rất khó hiểu về quyêt định này của Sony.
Một điểm trừ khác về phần cứng của Tablet P đó là khả năng bắt sóng Wifi của thiết bị là khá tồi khi so sánh với các tablet thậm chí là smartphone khác. Trong cùng một khu vực với cường độ sóng Wifi là như nhau, Tablet P bắt sóng kém hơn hẳn (thể hiện bằng số vạch sóng ít hơn). Không biết đây là lỗi phần cứng hay phần mềm nhưng đây là một lỗi ảnh hưởng khá nghiêm trọng tới trải nghiệm của người dùng trên một thiết bị di động và lại liên quan đến vấn đề tiếp sóng, nên chúng tôi tạm xếp vào phần đánh giá phần cứng.


Camera

Camera trước của máy (độ phân giải VGA 640 x 480) được sử dụng khi bạn muốn tự chụp chân dung và tất nhiên, sẵn sàng cho chức năng video call/chat trong các phần mềm được hỗ trợ (Sony có sẵn 1 phần mềm của riêng họ cài đặt sẵn trong máy). Ở mặt sau là camera chính của máy, độ phân giải 5Mpx với khả năng lấy nét tự động. Thành thực mà nói, đây không thể được coi là một camera xuất sắc ngay cả khi so sánh với các camera trên các thiết bị di động, nhưng nếu nhìn vào những cảm biến nghèo nàn được trang bị trên các tablet được coi là tốt nhất hiện nay, thì nó vẫn có thể coi là một nỗ lực đáng khen ngợi của Sony. Chất lượng ảnh thu được không có gì phàn nàn trừ khi bạn là một nhiếp ảnh gia hay một người dùng quá kỹ tính, mặc dù với điều kiện ánh sáng yếu thì vẫn xuất hiện nhiễu.
Khả năng quay video của máy cũng tương tự, không tồi nhưng cũng không thể gọi là xuất sắc. Camera liên tục lấy nét tự động, kể cả khi chúng tôi giữ máy không chuyển động và tập trung vào một vật thể cố dịnh. Tablet P có thể quay video chất lượng 720p, mặc dù có thể bạn sẽ không tìm thấy ngay thông số này trong trình chụp ảnh. Thay vào đó, bạn có thể chọn 3 mức chất lượng hình ảnh : low, medium và high. Lại một lần nữa, quay phim trong ánh sáng yếu không phải là điểm mạnh của camera này. Tóm lạ, với camera trên Tablet P, nếu muốn có chất lượng hình ảnh tốt, hãy sử dụng trong phòng có điều kiện ánh sáng tốt hoặc ngoài trời.

Dưới đây là một số hình ảnh thu được từ camera của máy


Hiệu năng và thời lượng pin

 

Tablet

Thời lượng pin

Sony Tablet P

6:50

Apple iPad 2

10:26

ASUS Eee Pad Transformer Prime

10:17

Samsung Galaxy Tab 10.1

9:55

Apple iPad

9:33

Motorola Xoom 2

8:57

HP TouchPad

8:33

Lenovo IdeaPad K1

8:20

Motorola Xoom

8:20

T-Mobile G-Slate

8:18

Samsung Galaxy Tab 7.0 Plus

8:09

Lenovo ThinkPad Tablet

8:00

Archos 101

7:20

Archos 80 G9

7:06

RIM BlackBerry PlayBook

7:01

Acer Iconia Tab A500

6:55

T-Mobile Springboard (Huawei MediaPad)

6:34

Toshiba Thrive

6:25

Samsung Galaxy Tab

6:09

Motorola Xyboard 8.2

5:25

Velocity Micro Cruz T408

5:10

Acer Iconia Tab A100

4:54

Toshiba Thrive 7"

4:42

Hai màn hình chắc chắn sẽ không phải là điểm mạnh nếu ta xét tới tiêu chí tiết kiệm pin. Chúng tôi rất hy vọng Sony sẽ giải quyết tốt vấn đề này với pin 3.080mAh kèm theo Tablet P, nhưng có vẻ như họ vẫn chưa thể đạt kết quả tối ưu trong việc kéo dài thời lượng pin cho một thiết bị mà màn hình “ngốn” năng lượng như thế này. Việc xem video hay duyệt web có thể thực hiện trên chỉ trên 1 màn hình hoặc chia ra trên 2 màn hình với một đường kẻ ngang ở giữa (xin nhắc lại một lần nữa là nó hơi to), hoặc có thể thực hiện chỉ trên trên màn hình trên. Vấn đề là ở chỗ, cho dù như vậy thì màn hình dưới cũng không thể được tắt đi, nó cứ bật và là nguyên nhân lớn nhất khiến thời lượng pin của Tablet không được như mong đợi. Lại tiếp tục là một thử nghiệm quen thuộc: cho phát liên tục một video ở độ sáng màn hình 50%, Wifi bật nhưng không kết nối, Tablet P chịu được 6h50’, một kết quả chỉ trên trung bình một chút đối với các dòng máy tính bảng, nhưgn xét cho cùng, đó là một nỗ lực đáng ghi nhận, khi xét tới việc các thiết bị đem ra so sánh không có 2 màn hình như vậy.
Dưới đây là bảng so sánh hiệu năng của Tablet P với một số mẫu máy trên thị trường

 

Sony

Tablet P

T-Mobile Springboard

Toshiba Thrive 7"

Samsung Galaxy Tab 7.0 Plus

Quadrant

1,874

1,871

-

2,700

Linpack Single-thread (MFLOPS)

30.49

46.22

31.37

28.98

Linpack Multi-thread (MFLOPS)

56.24

58.81

57.08

69.47

NenaMark 1 (fps)

45.4

43.2

43.07

59.3

NenaMark 2 (fps)

29.7

27.9

19.2

41.8

Vellamo

1,099

1,161

1,045

1,198

SunSpider 9.1 (ms, thấp hơn là tốt hơn)

2,194.9

2,471

2,303

1,679

Có thể thấy là với chip Tegra 2 1Ghz, 1GB RAM, hiệu năng của Tablet P không nằm ngoài dự đoán của chúng tôi: không nổi bật nhưng cũng không tồi. Nó có thẻ vượt qua các máy tính bảng 7-inch khác ở một số thử nghiệm, nhưng cũng bị bỏ lại trong một số thử nghiệm khác. Điều này là bình thường, vì việc tối ưu phần mềm của các nhà sản xuất khác nhau thì sẽ khác nhau, và dẫn tới kết quả khác nhau trong các phép thử.
Về hiệu năng thực trong khi sử dụng, Tablet P gây ra một số khó chịu về hiệu ứng chuyển giữa 2 màn hình đôi khi chưa được nhạy lắm và còn chưa ổn định. Điều này có thể chấp nhận được, vì Sony đã phải tinh chỉnh rất nhiều Honeycomb 3.2 để có thể tối ưu hóa cho việc sử dụng 2 màn hình cùng lúc, điều mà chưa có tiền lệ trong làng các thiết bị Android, và việc đôi khi thiếu ổn định là chắc chắn sẽ xảy ra. Tuy nhiên, việc chạy các ứng dụng được quản lý khá tốt, chạy nhanh, và, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với khả năng duyệt web rất mượt mà của thiết bị. Có vẻ như duyệt web là một trong những điểm mạnh của các thiết bị Tablet Sony.

Hiệu ứng chuyển cửa sổ khá tốt

Khả năng duyệt web mượt mà

 

Phần mềm

Như chúng tôi đã đề cập ở trên, Sony đã phải can thiệp khá sâu vào nền tảng Androdi để có thể làm cho nó hoạt động tốt với màn hình đôi của Tablet P. Nó bao gồm một Launcher mới được  chạy ở góc trên của màn hình. Cùng với widget search “truyền thống” của Google, bạn có thể thấy shortcut đến các ứng dụng cơ bản như mail, Social Hub và các nội dung video. Cạnh biểu tượng xổ ra App Launcher trên góc trên bên phải còn có một phím tắt dẫn đến các ứng dụng của Sony và các video của bạn. Giống như trên Tablet S, App Launcher được đặt trên nền trắng, so với nền đen như trên các thiết bị khác. Các biểu tượng ứng dụng đặt trên nền này đôi khi bị nhòe, nhưng rất khó phát hiện.

 

Launcher thiết kế riêng

Dường như chỉ có ứng dụng duyệt web là tận dụng được cả 2 màn hình của Tablet P

Các ứng dụng từ các nhà phát triển khác hầu như không thể lấp đầy được 2 màn hình của Tablet P (cũng dễ hiểu, vì chúng được thiết kế cho tỉ lệ màn hình khác). Tuy nhiên, cũng có vài ứng dụng đã được tối ưu. Điển hình là trình duyệt web mặc định của máy: hiệu ứng chuyển giữa 2 màn hình rất mượt mà, màn hình dưới sẽ chuyển thành bàn phím ảo khi có cần thiết. Đây là một trong những cách bố trí rất hợp lý, khiến việc trang bị 2 màn hình cho Tablet P được đánh giá cao hơn. Đường viền bezel ở giữa có làm cho thông tin hơi không liền mạch một chút, nhưng bù lại, các trang web được tải rất nhanh và các nội dung Flash cũng được hiển thị rất trơn tru, không có hiện tượng bị giật hay lag.


Cassandra là một ứng dụng giúp hiển thị thông tin về thời gian, thời tiết và những thông tin hữu ích dạng RSS (có lẽ bạn sẽ thấy quen thuộc nếu đã dùng qua giao diện Sense trên các dòng sản phẩm của HTC). Crackle là ứng dụng liệt kê và truyền tải các nội dung số miễn phí, nó sẽ tự động lựa chọn các chương trình TV hay các bộ phim để phát (miễn phi) trên thiết bị khi có yêu cầu.


Tablet P cung cấp tùy chọn cho phép ứng dụng chạy trên 1 màn hình hoặc trên cả 2 màn hình. Tuy nhiên, trong khi tùy chọn chạy trên 1 màn hình khá “ổn” thì tùy chọn còn lại sẽ khiến nhiều ứng dụng không chạy được.


Cũng giống như trên Tablet S, Tablet P cũng được trang bị 2 ứng dụng cung cấp các nội dung nhạc và video từ Sony, Music Unlimited và Video Unlimited. Cả 2 ứng dụng này đều rất trực quan và dễ sử dụng, kể cả cho những người mới lần đầu làm quen với giao diện của Android. Ngoài ra cũng còn đường link dẫn đến kho ứng dụng mà Sony đã phân loại sẵn để giúp những “newbie” với android dễ dàng lựa chọn được những ứng dụng cần thiết cho mình. Nếu bạn đã là một chuyên gia, có lẽ ứng dụng này sẽ là phù phiếm nhưng nếu không, thì rất đáng thử qua. Nhưng, cũng như Tablet S, việc đăng nhập để sử dụng được các ứng dụng hữu ích này của Sony cũng khá khó khăn và thử thách sự kiên nhẫn của người sử dụng. Thậm chí nhiều khi máy còn bị treo và bắt buộc phải khởi động lại (chúng tôi thậm chí còn phải thực hiện factory reset). Bạn hãy chuẩn bị tinh thần đăng nhập, đăng nhập lại, tìm kiếm các ứng dụng cần thiết, rồi nhận được một thông báo lỗi, và phải khởi động lại, rồi tiếp tục làm lại quy trình trên một lần nữa, cầu mong sẽ thành công. Một sự khó chịu mà Sony có vẻ chưa tìm ra cách xử lý ổn thỏa! Tuy nhiên khi thực hiện xong thì bạn sẽ có cơ hội tiếp cận kho nội dung số khổng lồ của Sony. Điều rất tốt là trong khi chơi các tập tin này, màn hình trên sẽ hiển thị nội dung, còn màn hình dưới sẽ được tắt, tiết kiệm thời lượng pin đáng kể.


Tablet P cũng đạt chứng nhận tương thích chuẩn DLNA, do đó nó có khả năng tương thích với các thiết bị nghe nhìn cũng đạt chứng nhận DLNA khác, giúp xuất hình ảnh lên các màn hình lớn hay cải thiện chất lượng âm thanh tồi tệ của mình.


Game

Trên Tablet S, việc chỉ đưa vào một số tựa game khiến cho hứng thú của người dùng với một sản phẩm gắn mác PlayStation Certified là chưa nhiều. Thật may là từ đó đến nay, Sony đã rút ra nhiều kinh nghiệm, và một trong số những giải pháp đưa ra để tăng phấn khích cho người dùng “nghiền” game đó là tăng số lượng game tương thích trên nền Android thông qua một chương trình khuyến khích phát triển game cho các thiết bị của hãng, cả các gaem miễn phí lẫn trả phí. Dẫu vậy việc làm này có vẻ chưa “tới nơi tới chốn” khi số đầu gaem có thể chơi trên tablet của Sony ít hơn hẳn so với số đầu game trên các dòng Xperia play của hãng. 

Trải nghiệm game trên Tablet P tương tự như trên Tablet S, với khả năng thay đổi kích thước và vị trí của các phím điều khiển sao cho phù hợp với bàn tay người dùng nhất. Kết quả thu được khá tốt, nhưng có lẽ người ta sẽ thích cảm giác bấm trên bàn phím vật lý như trên PSP hay trên Xperia Play hơn là thao tác trên màn hình cảm ứng.


Màn hình đôi của Tablet P cho phép ta nghĩ đến một sản phẩm rất thành công trong lĩnh vực game di động, đó là Nintendo DS. Còn bạn? Bạn có nghĩ so sánh này là hợp lý? hãy tự trả lời bằng cách trải nghiệm game trên tablet P.

 

Trải nghiệm game trên Tablet P


Kết luận

Một cách chủ quan, chúng tôi phải thừa nhận rằng, mình đã bị hấp dẫn bởi cái cách chia đôi (hay là nhân đôi??) màn hình của Tablet P. Chất lượng của thiết bị này thật khó đánh giá nếu xem xét tất cả các yếu tố. Nhưng lại một lần nữa, một cách chủ quan, chúng tôi thích cái kiểu dáng vỏ sò, mặt kính đen bóng đầy sang trọng của Tablet P :X. Chúng tôi đã thấy nhiều model smartphone trên thị trường cố gắng mở rộng kích thước trên một tấm nền duy nhất, vâng, xin nhắc lại, một tấm nền duy nhất. Điều này dẫn tới việc ranh giới giữa tablet và smartphoen màn hình lớn ngày càng mờ nhạt, mà điển hình là Galaxy Note chẳng hạn. Và cũng phải nói rằng, Android dường như được thiết kế tốt nhất cho một màn hình đơn chứ không phải đa màn hình, và Sony đã tốn không ít công sức để có thể tối ưu cho Tablet P. Thế nhưng liệu họ có đủ sức và có đủ quyết tâm để xây dựng nhiều hơn những ứng dụng có thể sử dụng được màn hình dưới của Tablet P? Nếu có thì thực sự tablet P là một thiết bị đặc biệt và nên có trong tay những tín đồ công nghệ.


Với mức giá khác cao của mình (khoảng gần 800$), nghiễm nhiên Tablet P được xếp vào phân khúc cao cấp, nơi mà iPad đang giữ ngôi vị thống trị. Tuy nhiên, dù rất thích, nhưng khách quan thì trải nghiệm trên Tablet p có lẽ chưa được như mong đợi từ phía người dùng với số tiền mà họ đã phải bỏ ra. Hiệu ứng chuyển màn hình đôi khi hãy còn gượng ép, tương tác giữa 2 màn hình bị ảnh hưởng tương đối từ viền bezel hơi dày.


Tóm lại, với sự nhỏ gọn và một thiết kế vượt qua mọi chuẩn mực, chắc chắn sẽ có nhiều tín đồ công nghệ sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để sở hữu Tablet. Thế nhưng, với số tiền ấy, đa số người dùng có lẽ sẽ lựa chọn một chiếc smartphone với màn hình lớn, hoặc một chiếc tablet khác, dù không nhỏ gọn bằng, nhưng tận dụng được nguồn ứng dụng phong phú của Android.

Một số bức ảnh Tablet P "đọ dáng" với những thiết bị khác

So với PSP Vita

So với Motorola Xoom 2