Nhịp sống số

Nếu Steve Jobs đúng...

Nếu Steve Jobs đúng...

Jobs từng nói "Tôi sẽ hủy diệt Android". Apple đang tiến hành nhiều trận chiến pháp lý dữ dội nhằm cáo buộc các điện thoại và máy tính bảng Android vi phạm nhiều sáng chế của mình.

Những người trung thành với Android nhìn những cuộc tấn công này của Apple như một động thái có tính đàn áp thẳng tay để bóp nghẹt cạnh tranh, nhưng có lẽ thành công của Android là kết quả của việc họ "vay mượn" tài sản trí tuệ của Apple.

Theo những trích dẫn từ cuốn tiểu sử về Steve Jobs (vừa ra mắt), Jobs từng nói: ”Tôi sẽ hủy diệt Android bởi vì nó là một sản phẩm ăn cắp. Tôi sẵn sàng chiến đấu với họ tới cùng”. Android rõ ràng là đối thủ đáng gờm của hệ điều hành iOS trong lĩnh vực di dộng. Trong một trích dẫn khác, Jobs phát biểu: ”Tôi sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và nếu cần tôi sẽ xài hết số tiền 40 tỷ USD mà Apple đang có trong ngân hàng để làm cho ra nhẽ chuyện này”.

 

Không cần phải có trí tưởng tượng phong phú lắm để hiểu được tại sao Android lại trở thành một đối thủ ghê gớm của iOS như hiện giờ. Apple và Google đã từng kề vai sát cánh trong liên minh chống Microsoft theo kiểu “ kẻ thù của kẻ thù là bạn”. CEO của Google lúc đó, Eric Schmidt còn là một người bạn của Steve Jobs và từng có chân trong ban lãnh đạo Apple. Với việc chấp nhận đứng chung chiến tuyến với Google và Schmidt, chắc hẳn Apple và Jobs không xác định công ty này sẽ cạnh tranh trực tiếp trong các lĩnh vực kinh doanh then chốt của mình là thiết bị di động và hệ điều hành. Do vậy Apple và Jobs chắc cũng không quá cẩn mật với các chi tiết của hệ điều hành iOS. Schmidt ở vào vị thế có thể tiếp cận được các thông tin tối mật về chiến lược cũng như tầm nhìn về tương lai của iPhone, thậm chí có thể cả các ý tưởng sơ khai về iPad.

Người viết bài không cáo buộc Schmidt là gián điệp hai mang ở Apple song có lẽ ông ta đã biết được hướng đi thiên tài của Apple, cộng với việc bất đồng quan điểm về tính đóng của sản phẩm mà Apple tạo ra, Schmidt đã quyết định tách ra để xây dựng một hệ điều hành với các tính năng tương tự song mở hơn gọi là Android. Đấy là thứ mà có lẽ Smidth đã “chôm” của Apple một cách vô thức.

Với đối tác và đối thủ Samsung, mọi thứ còn sát sạt hơn nhiều. Không chỉ bởi vì Samsung trang bị Android cho các mẫu sản phẩm mới đình đám điện thoại thông minh và máy tính bảng của mình, mà sự xung đột ở đây nằm ở cả khâu thiết kế mẫu mã lẫn cách thức sử dụng. Các sản phẩm điện thoại thông minh và máy tính bảng của Samsung có hình dáng tương tự với các thiết bị di động của Apple, cách thức sử dụng và hệ điều hành của máy thì có vẻ “ vay mượn khá nhiều” từ các khái niệm thuộc về phần mềm của Apple.

Có phần giống như Schmidt ở khâu tiếp cận với phần mềm iOS, Samsung cũng có vị trí quan trọng trong việc nắm được chi tiết các thông tin về phần cứng cũng như thiết kế của các sản phẩm Apple. Samsung chính là đối tác chính cung cấp chip và màn hình cho các sản phẩm điện thoại thông minh và máy tính bảng của Apple, và có thể hãng đã sử dụng các nguồn tin nội bộ về sản phẩm của Apple để phát triển các thiết bị di động cho riêng mình.