Nhịp sống số

Bao giờ cánh cửa Phần mềm nguồn mở hết đóng?

Bao giờ cánh cửa Phần mềm nguồn mở hết đóng?
Phầm mềm nguồn mở Việt Nam (PMNM) đã từng có giai đoạn dấy lên ồn ào với bao kỳ vọng phát triển. Thế nhưng, giờ đây không ít kẻ “rời bỏ cuộc chơi”bởi quá nhiều rào cản từ ý thức sử dụng cho đến cơ chế, và vấn đề muôn thủa… “tiền đâu”.

  • Phát triển phần mềm mã nguồn mở: Hướng đi nào?
  • Việt Nam sắp sử dụng phần mềm nguồn mở trên diện rộng
 
 
Long đong phận PMNM nội địa
 
 
Đối tượng quan tâm PMNM chính là các trường học, nơi sinh viên cần mã nguồn “free” để nghiên cứu, phục vụ học tập, thi cử. Nhiều tổ chức phi lợi nhuận như Hội Tin học Việt Nam, Viện Tin học Pháp ngữ… đã cổ vũ hình thức phát triển này bằng cách tổ chức các cuộc thi như Mùa hè sáng tạo viết ứng dụng cho PMNM…

 
Bên cạnh đó, các Viện nghiên cứu, Viện Khoa học công nghệ cũng sử dụng PMNM làm những sản phẩm nhúng trong thiết bị. Đã có nhiều thiết bị đóng gói sử dụng nguồn mở phục vụ cho ngành công an, quân đội như thiết bị an ninh, dò quét mạng, hoặc thiết bị dẫn đường GPS… được “xuất xưởng”. Các doanh nghiệp (DN) CNTT vừa và nhỏ, năng lực tài chính hạn chế cũng “ngó đến” PMNM có sẵn rồi phát triển thành sản phẩm của mình, sau đó thương mại hoá.
 
 
 
 
Song song với sự phát triển của các nguồn trên, là sự hình thành và phát triển các diễn đàn PMNM, các diễn đàn đã thu hút được nhiều sự tham gia của không chỉ các sinh viên, học sinh mà còn của các chuyên gia đầu ngành về PMNM, và các doanh nghiệp. Các diễn đàn này đã hình thành nên một cộng đồng PMNM hoạt động khá sôi nổi tại Việt Nam, tiêu biểu trong số đó là Nuke Viet, VnFoss, VnOss…
 
 
Tuy nhiên, theo nhận định của giới CNTT, hiện tại Việt Nam chưa có tới 10 doanh nghiệp đang công khai hoạt động trong lĩnh vực nguồn mở, trong đó có thể kể đến những cái tên như iWay, VINADES, Vietsoftware, iNetSolution… Điểm lại trong số đó thì khá nhiều DN chuyên về PMNM đã “rời bỏ cuộc chơi”, hoặc hoạt động ở mức duy trì. Chẳng hạn như Vsena ngừng hoạt động khiến nhân viên phải tứ tán đi nơi khác “trú chân”. Hoặc Công ty Rồng Việt Nam năm 2009 tuyên bố khá mạnh về việc đưa ra một bản phân phối Linux tên là Phượng Hoàng (Fenix) song sau đó chẳng bao lâu, Fenix đã không phát triển được. Một sản phẩm khá nổi tiếng trong giới PMNM là hệ điều hành Há Cảo, giờ cũng chỉ còn “lòng nhiệt tình” của một người, hoặc hệ quản trị nội dung Nuke Việt không tìm được nguồn hỗ trợ để triển khai.
 
 
Đầu tư của Nhà nước, chìa khóa cho bài toán PMNM
 
 
Trước tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm khá phổ biến hiện nay, thị trường tiêu dùng cá nhân không thể là đất sống cho các doanh nghiệp PMNM. Thay vào đó DN cần tìm đến một thị trường rộng hơn, đó chính là thị trường mua sắm CNTT của Chính phủ. Đối với cơ quan nhà nước, PMNM được coi là giải tiết kiệm đáng kể chi phí, trong khi vẫn đáp ứng được yêu cầu công việc,đồng thời PMNM được đánh giá là công cụ hữu hiệu để các cơ quan, tổ chức làm chủ được công nghệ, đảm bảo an tòan an ninh thông tin trong thời hội nhập. Mặc dù vậy, tại thị trường này, doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn do thói quen sử dụng các phần mềm của Microsoft đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người, và nhân thức của của Lãnh đạo các cơ quan nhà nước về vai trò của PMNM còn hạn chế.
 
 
Theo Quyết định số 50/2009/QĐ-TTg về quản lý chương trình phát triển công nghiệp phần mềm và chương trình phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam thì các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT này được bơm vốn hàng trăm tỷ đồng.
 
 
Một trong những nội dung quan trọng của Chương trình là thúc đẩy ứng dụng và phát triển PMNM, cụ thể là Chính phủ hỗ trợ kinh phí để các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước kinh phí để chuyển đổi sử dụng phần mềm nguồn mở tạo thị trường PMNM cho doanh nghiệp, từng bước tạo thói quen sử dụng PMNM trong cộng đồng cán bộ công chức, đồng thời dần dần nâng cao nhận thức của bộ máy lãnh đạo về vai trò của PMNM. Đây có thể nói là nguồn đầu tư đầu tiên của nhà nước từ trước tới nay cho PMNM, là sự cụ thể hóa các cam kết hỗ trợ từ trước đến này của Chính phủ đối với PMNM.
 
 
 
Thực tế triển khai chương trình, nhiều điển hình về ứng dụng PMNM như: Bắc Giang, Bình Định, Cà Mau, TP Hồ Chí Minh….đã xuất hiện. Các địa phương này bên cạnh sử đầu tư của Nhà nước, đã đầu tư đối ứng hàng tỷ đồng để trển khai các hệ thống PMNM của mình.
 
 
 
Trong những năm tới,  đầu tư của Nhà nước cho PMNM không dừng lại ở việc hỗ trợ ứng dụng PMNM, thông qua cơ quan chủ trì Chương trình là Bộ Thông tin và Truyền thông, các PMNM sẽ được đánh giá, thẩm định và các phần mềm có tiềm năng sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí nghiên cứu phát triển. Đây chính là những tín hiệu lạc quan cho sự phát triển PMNM Việt Nam trong thời gian tới.