Nhịp sống số

Internet vùng núi thăng hoa cùng 3G

Internet vùng núi thăng hoa cùng 3G

Trong cam kết phát triển 3G, các nhà mạng đã lên kế hoạch sẽ phủ sóng 3G khắp toàn quốc. Suốt vài chục năm qua, mặc dù rất muốn mang công nghệ thông tin – Internet đến cho các khu vực miền núi, vùng sâu và vùng xa nhưng viễn thông Việt Nam đã không thể thực hiện được triệt để. Tuy nhiên, chỉ trong nửa năm  - 3G đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ấy.

 

Tử địa cáp hữu tuyến

 

Tại Việt Nam, có một số giải pháp đưa internet đến với người tiêu dùng, trong đó phương thức phổ biến nhất là dùng cáp hữu tuyến. Trong các dạng cáp hữu tuyến phục vụ truyền Internet thì giải pháp Dial-up được phát triển và sử dụng đầu tiên. Đây là phương thức đơn giản và nhanh chóng nhất trong việc xây dựng một mạng lưới internet dựa trên nền tảng mạng lưới điện thoại cố định đã có sẵn.

 



Mặc dù vậy, do đi chung với đường dây điện thoại nên tốc độ truyền dẫn tín hiệu trong dạng kết nối Dial-up không cao, không những thế - nó còn bị hạn chế về việc khi truy cập Internet thì “đường nối” cho điện thoại sẽ bị chặn lại, người sử dụng không thể nhận cuộc gọi hoặc thực hiện các cuộc gọi được nữa. Ngoài ra, cước phí quá cao cũng đã tạo nên tâm lý dè dặt trong việc đưa Dial-up đến với một đại bộ phận dân cư rộng lớn của Việt Nam ở thành phố, chứ chưa nói đến khu vực nông thôn, miền núi – với mức thu nhập thấp không đủ để chi trả cho việc dùng Dial-up trong gia đình.

 

Ngay sau đó, công nghệ kết nối ADSL đã được phát triển mạnh trong thành thị dựa trên cáp đồng, cáp quang hoặc đi kèm với các cáp hữu tuyến khác để mang đến cho người sử dụng một dạng kết nối Internet với tốc độ nhanh hơn. Sự cạnh tranh của nhiều nhà cung cấp khác nhau cũng đã góp phần làm giảm cước phí của dịch vụ ADSL. Theo đánh giá của một chuyên gia của Bộ Thông tin và Truyền thông thì những gì mà ADSL đã làm trong một tháng bằng Dial-up phải làm trong một năm.

 

Tuy nhiên, với đặc thù kết nối internet bằng các sợi cáp truyền tín hiệu nên nó chỉ thực sự tạo được thế mạnh trong các khu đông dân, đô thị. Riêng với các vùng núi hiểm trở thì dù là Dial-up hay ADSL dường như đều không có cách để tạo ra sự tiếp cận rõ ràng với người dân ở các khu vực này. “Chi phí xây dựng quá cao, khó bảo trì và lượng người tiêu dùng quá thấp, điều này khiến các doanh nghiệp không bao giờ dám mạo hiểm đầu tư vào những thị trường như thế mặc dù nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ phát triển tại các khu vực như trên” – đại diện một hãng viễn thông cho hay.

 

3G lên ngôi

 

Trong các bộ hồ sơ đăng tuyển 3G, để tạo được dấu ấn của mình, các nhà mạng đã không ngần ngại và đề xuất cho các ý tưởng phát triển 3G ở vùng núi và vùng nông thôn - nơi có đến 80% người Nam đang sinh sống. Theo một chuyên gia thì “mặc dù biết rằng đầu tư vào những thị trường như trên đòi hỏi một số vốn rất lớn trong khi thời gian thu hồi vốn rất lâu nhưng vì sự phát triển bền vững – đồng đều của cả dân tộc, các doanh nghiệp viễn thông nhà nước đã thực sự giương cao lá cờ đầu trong việc mang 3G đến với các khu vực mà không một doanh nghiệp tư nhân nào dám làm”.

 



“Lợi thế của 3G là quá rõ ràng, tại Hoa Kỳ - đất nước rộng lớn hàng thứ 4 trên thế giới, nếu bỏ tiền xây dựng hệ thống kết nối internet bằng cáp hữu tuyến thì số kinh phí sẽ là những dãy số khổng lồ, trong khi đó – dự án phủ sóng 3G, 4G của họ đã giúp giảm chi phí xuống thấp nhiều lần trong khi hiệu quả, ích lợi mang đến cho người tiêu dùng vẫn tương tự như thế, hoặc thậm chí là còn tốt hơn”, Wall Street Journal đánh giá về chiến lược vĩ mô của các nhà mạng Hoa Kỳ trong việc cung cấp hậu cần kết nối internet cho cả một quốc gia và lý giải vì sao kết nối vô tuyến như 3G, 4G lại tỏ ra có ưu thế hơn.

 

Điểm hay của 3G là người sử dụng có thể kết nối Internet một cách dễ dàng nhờ các thiết bị thu sóng 3G rồi chuyển vào máy tính. Giá của những thiết bị này hiện nay khá rẻ so với một chiếc modem tầm trung có bán trên thị trường. Không những thế, có những gói cước 3G thậm chí còn rẻ hơn cước ADSL hiện tại và nhiều nhà mạng đã có các chính sách hỗ trợ đặc biệt, phù hợp cho nhiều dạng người tiêu dùng khác nhau với các chế độ dùng ít, dùng nhiều hoặc dùng rất nhiều. “Vì thế, nếu so sánh thì 3G đủ sức cạnh tranh với ADSL ngay cả trong khu vực thành thị chứ không cần nhắc đến lợi thế - được xem là tuyệt đối của 3G so với ADSL tại các vùng núi” – một nhà quan sát khẳng định.

 

Vẫn cần có chiến lược

 

Theo các chuyên gia, mặc dù mục tiêu phát triển 3G, tiếp đến là 4G là rất đáng hoan nghênh nhưng thực sự cũng cần có một chiến lược phát triển thích hợp. Trong các bước đầu phát triển 3G khi mà vấn đề kinh phí quá lớn có thể khiến các dự án chậm tiến độ, giảm tiến độ hoặc phải hủy bỏ thì yêu cầu quan trọng là cần xây dựng 3G theo phương pháp “trọng điểm” và phương pháp kết hợp giữa 3G và cáp hữu tuyến. Theo đó, không nên dàn trải “cắm” trạm thu phát sóng ở mọi nơi mà chỉ nên “đóng” các trạm này ở những khu vực tương đối đông người ở tại các vùng núi.

 

Do đặc thù địa hình hiểm trở nên để giảm chi phí xây dựng cở sở hạ tầng, các nhà mạng nên kéo cáp thông tin Internet từ đồng bằng lên vùng núi rồi từ đó, triển khai thành 3G ở các khu vực trọng tâm, đông dân cư. Như vậy, sẽ giảm được chi phí xây dựng hạ tầng trong khi vẫn đảm bảo phục vụ được cho những khu vực đang “đói” Internet.

 



3G, chỉ trong một ngày đã làm được điều mà ADSL mất một tháng để làm được. Người dân tại nhiều vùng núi đã có cơ hội tiếp cận Internet, nhiều học sinh đã có thể vận dụng kho thông tin khổng lồ trên môi trường WWW để phục vụ học tập, các doanh nghiệp nhỏ tại vùng núi còn có cơ hội khai thác các ứng dụng khoa học kỹ thuật để hỗ trợ cho việc sản xuất, kinh doanh của mình. “Chắc chắn, trong các biên niên sử sau này, khi bàn đến sự phát triển của thông tin, kiến thức ở vùng núi, người ta sẽ nhắc tới 3G trong một vai trò chủ đạo và không thể thay thế” – một nhà quan sát đánh giá.

 
 
 
Hà Thi