Thiết bị công nghệ

Các công nghệ pin sẽ xuất hiện ở thì tương lai

Các công nghệ pin sẽ xuất hiện ở thì tương lai

Pin dẻo:

Giới công nghệ đã từng chứng kiến sự ra đời của những mẫu smartphone có màn hình cong như Galaxy Round của Samsung hay LG G Flex. Tuy nhiên, từ đó đến nay, vẫn chưa có một thiết bị nào có màn hình dẻo thực sự ra đời. Khó khăn của việc sản xuất những chiếc smartphone dẻo thực chất không đến từ khả năng uốn cong của màn hình. Trở ngại lớn nhất mà các nhà sản xuất gặp phải chính là việc tạo ra những viên pin dẻo cho những mẫu điện thoại đó.

Chính bởi điều này mà cả LG, Samsung và Nokia đều đang có những nghiên cứu nhằm cho ra đời một công nghệ pin mới của tương lai, những mẫu pin có khả năng uốn dẻo.

Trong số 3 nhà sản xuất kể trên, Samsung có vẻ là người đang dẫn đầu cuộc đua với những thành công nhất định trong việc phát triển công nghệ của riêng mình. Theo những ghi nhận tại triển lãm InterBattery 2014, Samsung dường như đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc biến đổi cấu trúc vật liệu để có thể tạo nên được một nguyên mẫu pin với khả năng uốn dẻo. Tuy vậy, theo phân tích của các chuyên gia, khả năng uốn cong của pin vẫn chưa thực sự hoàn hảo khi dưới áp lực bẻ cong, các tế bào (cell) pin vẫn bị ảnh hưởng không nhỏ.

Bên cạnh Samsung, một đơn vị khác là Viện nghiên cứu công nghệ New Jersey ( NJIT ) cũng đã đạt được những thành công nhất định trong việc tạo ra pin từ các ống nano carbon. Với công nghệ được phát triển bởi NJIT, vật liệu làm nên những viên pin chỉ đơn giản là một loại nhựa linh hoạt, theo cấu trúc các ống nano carbon. Cực âm, cực dương, và thậm chí cả điện năng được tạo thành từ các hạt nano này. Các hạt nano siêu nhỏ đóng vai trò như các phần tử hoạt năng – tương tự như trong các loại pin lithium-ion. Người dùng có thể uốn cong, gập lại mà không hề làm ảnh hưởng đến sự hoạt động của pin.

Sạc đầy pin điện thoại chỉ với 30 giây

Tuổi thọ, trạng thái, độ bền và tốc độ sạc luôn là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá chất lượng của một viên pin. Những điều này lại càng quan trọng hơn nếu xét đến điện thoại di động và tablet, những thiết bị có tốc độ ngốn pin vô cùng khủng khiếp. Tới đây, một trong những điều này có thể sẽ được giải quyết với công nghệ đang được phát triển bởi StoreDot, một hãng công nghệ có trụ sở Israel.

Theo lời giới thiệu của StoreDot, công nghệ của họ sẽ cho phép việc sạc đầy pin điện thoại chỉ trong vòng vài giây và sạc đầy pin cho xe hơi chỉ trong vòng vài phút.

Không đưa ra quá nhiều thông tin về sản phẩm của mình, những gì mà giới công nghệ biết về nghiên cứu của StoreDot chỉ nằm ở việc sử dụng công nghệ nano để tạo ra các phân tử nhân tạo. Theo miêu tả của StoreDot, công nghệ mới sẽ giúp cho những viên pin có khả năng nạp và xả nhanh như những miếng bọt biển ngậm hút nước ra đời. Những viên pin mới sẽ có độ dày mỏng hơn và chỉ mất 30 giây để sạc xong pin cho một chiếc điện thoại. Tuy vậy, do mới chỉ hoàn toàn các công đoạn thử nghiệm bước đầu, ít nhất phải đến năm 2016, công nghệ mà StoreDot phát triển mới có thể được đưa vào áp dụng trong thực tế.

Âm thanh sẽ giúp tạo ra năng lượng

Các nhà nghiên cứu ở LonDon (Vương quốc Anh) đã cho ra đời một công nghệ mới với sử dụng âm thanh làm nguồn phát ra năng lượng. Theo miêu tả của những nhà khoa học này, họ sẽ sử dụng kẽm oxit để chuyển đổi các rung động âm thanh thành năng lượng điện.

Đây là phát minh xuất phát từ ý tưởng của các nhà khoa học đến từ đại học Queen Mary. Tại đây, các nhà khoa học đã chứng minh việc chơi nhạc có thể làm tăng hiệu suất của các tấm pin năng lượng mặt trời.

Với công nghệ sạc pin bằng âm thanh, nhóm nghiên cứu lợi dụng một đặc tính của kẽm oxit, đó là khả năng tạo ra điện áp khi bị kéo căng hoặc đè nén. Lúc này, năng lượng từ chuyển động sẽ được biến đổi và chuyển sang năng lượng điện thông qua sự xuất hiện của các thanh nano. Chính tác động của âm thanh sẽ là chất xúc tác trực tiếp cho quá trình biến đổi đó. Đây cũng chính là nguồn tạo ra năng lượng cho những viên thế hệ pin mới của tương lai.

 

Sẽ có thể sạc pin điện thoại từ phân người

(Techz.vn) Trong tương lai, những chiếc điện thoại hay máy tính bảng của bạn có thể được sạc đầy bởi nguồn năng lượng sinh ra từ phân người, nước tiểu và các loại chất phế thải khác.