Thủ thuật công nghệ

Vì sao quay video độ phân giải Full HD vẫn phổ biến trên smartphone và tablet

Vì sao quay video độ phân giải Full HD vẫn phổ biến trên smartphone và tablet

Mặc dù chiếc phablet Samsung Galaxy Note 4 được hỗ trợ quay video lên đến Ultra HD (3840x2160) thế nhưng nhà sản xuất vẫn để mặc định là Full HD (1920x1080) nhằm tối ưu các yếu tố từ chất lượng đến dung lượng và cả hiệu năng một cách tổng thể khi dùng cơ chế quay video.

Chất lượng video không quá nhiều khác biệt

Trong lý thuyết về tiêu chuẩn chất lượng hình ảnh, độ phân giải Ultra HD 4K sẽ hiển thị chi tiết các nội dung với độ sắc nét cao gấp 4 lần độ phân giải Full HD. Tuy nhiên, trong thực tế, qua các video thu lại được trên smartphone khi quay ở độ phân giải Ultra HD 4K, độ chi tiết sắc nét thật sự không ấn tượng như lý thuyết. Chất lượng hình ảnh gần như không có thay đổi gì lớn, khó có thể nhận ra sự khác biệt giữ Ultra HD 4K và Full HD. Thậm chí ở độ phân giải Full HD, trong thời điểm hiện tại, các smartphone vẫn chưa thực sự đem lại chất lượng hình ảnh tốt, vẫn còn có sự khác biệt rất lớn khi so với các máy quay video chuyên nghiệp.

Ngoài ra, một số dòng máy khi quay ở chế độ Ultra HD 4K sẽ bị giới hạn một số tính năng như: chế độ máy ảnh kép; HDR; hiệu ứng video; kính ngắm từ xa; chụp ảnh trong khi quay video.

Khi chọn kích thước video, độ phân giải Ultra HD trên Samsung Galaxy S5 sẽ xuất hiện thông báo như trên.

Tốn dung lượng lưu trữ khi quay ở độ phân giải Ultra HD 4K

Rõ ràng, khi chất lượng hình ảnh của độ phân giải Ultra HD 4K cao gấp 4 lần Full HD, đồng nghĩa với việc dung lượng cũng sẽ tăng theo, trong khi dung lượng thẻ nhớ hiện tại cũng chỉ ở mức 128 GB cho loại thẻ microSD. Do đó, nếu người dùng quay ở độ phân giải Ultra HD 4K thì dung lượng bộ nhớ trống của thẻ nhớ sẽ nhanh chóng bị lấp đầy khi dùng độ phân giải Ultra HD 4K cho smartphone cao cấp như trên.

Sự chênh lệch về thông số khi quay ở độ phân giải Full HD (hình bên trái) và chế độ Ultra HD 4K (hình bên phải).

Thử nghiệm thực tế cho thấy, khi người dùng quay video ở chế độ Full HD (1920x1080) trong thời gian 13 giây sẽ có dung lượng 26.4 MB. Còn khi để chế độ Ultra HD (3840x2160) trong thời gian 12 giây thì dung lượng lên đến 72.2 MB. Như vậy, độ chênh lệch về dung lượng của Full HD chỉ bằng khoảng 1/3 so với Ultra HD 4K, nhưng chất lượng hình ảnh trong video thu được thì lại không có sự cách biệt đáng kể.

Phần cứng hoạt động cao hơn và tốn pin

Qua những lần đánh giá thực tế, khi quay video với độ phân giải Ultra HD 4K trên smartphone thì cảm nhận đầu tiên là máy sẽ ấm dần lên, rồi càng ngày càng nóng hơn tùy thuộc thời gian quay video ngắn hay dài. Bởi lẽ phần cứng phải hoạt động ở mức khá cao mới đáp ứng được khả năng quay video này. Lúc này nhiệt độ trên smartphone bắt đầu ấm dần lên, thời gian quay video càng lâu thì nhiệt độ cũng sẽ càng nóng. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến pin của máy khi phải chịu thêm phần nhiệt quá cao từ thân máy tỏa ra.

Thiết bị trình chiếu và giá cả

Để tận dụng được sức mạnh tối đa của các video có độ phân giải Ultra HD 4K, đòi hỏi các thiết bị trình chiếu phải đạt tiêu chuẩn hiển thị trên màn hình cũng phải có độ phân giải là Ultra HD 4K, trong khi giá thành của các thiết bị đạt chuẩn như thế này có một mức giá không hề rẻ. Không phải cá nhân hay gia đình nào cũng đủ điều kiện trang bị để thưởng thức các video và hình ảnh với độ phân giải cực cao này.

Các thiết bị trình chiếu nội dung Ultra HD 4K ở thời điểm hiện tại chưa phổ thông với người dùng, bởi rào cản giá cả và nội dung có chất lượng chuẩn 4K vẫn chưa nhiều.

Nếu quay video độ phân giải Ultra HD 4K nhưng chỉ xem trên smartphone hay tablet, sẽ khó mà phân biệt được sự chênh lệch nếu so với Full HD. Khi quay ở cùng một điều kiện với cùng một nội dung, dù độ phân giải Ultra HD 4K hay là HD thì chất lượng hiển thị trên smartphone gần như không có nhiều khác biệt. Những khác biệt này chỉ có thể nhận thấy khi sử dụng các thiết bị trình chiếu màn hình lớn với độ phân giải cao.

Kết luận

Không thể phủ nhận những lợi ích của định dạng Ultra HD 4K trên các smartphone cao cấp hiện nay. Tuy nhiên thực tế cho thấy, việc trải nghiệm video chất lượng theo chuẩn 4K chưa thực sự phổ biến do giá thành của các thiết bị hiển thị loại này vẫn còn quá cao. Trong tương lai, hy vọng chất lượng video và dung lượng của các bộ lưu trữ sẽ được nâng cao hơn, cùng với đó là giá thành của TV và các loại màn hình hiển thị sẽ ngày càng cạnh tranh hơn nữa. Có như vậy, chúng ta mới có thể trải nghiệm độ phân giải Ultra HD 4K một cách thực sự.

 

ASUS ra mắt màn hình 4K giá rẻ PB287Q

(Techz.vn) Thông tin từ trang Tin Tức Liên Hợp của Đài Loan ngày 8/5 vừa qua, ASUS đưa vào thị trường Đài Loan màn hình PB287Q True 4K UHD với giá 21.900 Đài tệ (khoảng 16 triệu VND).