Blog công nghệ

Xiaomi: Đế chế thực thụ hay...?

Xiaomi: Đế chế thực thụ hay...?

Thành lập vào năm 2010, Xiaomi ban đầu tập trung chủ lực vào phát triển, xây dựng nền tảng MIUI từ hệ điều hành Android, cách làm tương tự như bên CyanogenMod. Đến năm 2011, Xiaomi bắt đầu bán ra thị trường dòng điện thoại cấu hình tầm trung với độ hoàn thiện tốt, đi kèm mức giá không thể nào rẻ hơn. Chính vì vậy, tính tới cuối tháng 10/2014, Xiaomi đã xếp vào vi trí thứ 3 trên thế giới, chỉ đứng sau Samsung và Apple.

Thương hiệu điện thoại Xiaomi tuy chỉ thành lập từ năm 2010 nhưng đã có chỗ đứng vững mạnh trên thị trường quốc tế

Trong năm 2015 vừa qua, Xiaomi đã không đạt được chỉ tiêu doanh số 80 triệu sản phẩm bán ra thị trường, vừa gây ảnh hưởng trực tiếp không nhỏ đến lợi nhuận đã đặt ra, vừa phải giảm số lượng đơn hàng linh kiện từ các đối tác cung cấp linh kiện. Theo như ông Alberto Moel - chuyên viên phân tích tại Sanford C Bernstein cho rằng: “Xiaomi có mô hình kinh doanh giống Apple và họ tăng trưởng rất nhanh, nhưng không làm tốt được như Apple. Xiaomi không còn tăng trưởng nhanh nữa rồi."

Chiến dịch flash sale đang không đạt được hiệu quả

Với chiến lược “giá rẻ” sẽ là yếu tố chủ chốt thành bại để cạnh tranh những dòng điện thoại khác, Xiaomi thật sự chỉ đạt thành công cao trong những năm đầu, nhưng nó chưa thật sự hiệu quả trong thời gian gần đây. Xiaomi đã dùng hình thức kinh doanh kiểu flash sales (dạng chớp nhoáng – chấp nhận lợi nhuận thấp, để mau thu lại vốn trong thời gian cực ngắn, nhằm mau chóng tái đầu tư vào sản phẩm mới) và chỉ tập trung vào việc sản xuất một vài dòng sản phẩm nhất định để cho ra mức giá tối ưu nhất. Chỉ tính riêng tại thị trường Việt Nam, nhiều nhà sản xuất đã áp dụng chiêu thức flash sales tương tự như Xiaomi, đem sản phẩm bán độc quyền cho một số nhà bán lẻ thiết bị di động, hoặc những kênh bán hàng trực tuyến trong nước với mức giá rất hấp dẫn, chẳng hạn như Alcatel Flash Plus bán tại Lazada đã bán ra trong thời gian qua.

Nhiều nhà sản xuất điện thoại đã bắt đầu áp dụng chiêu thức bán hàng giống Xiaomi

Quay trở lại thương hiệu Xiaomi, dòng Redmi Note 2 thời gian gần đây đã gặt hái được rất nhiều thành công nhờ vào mức giá rất rẻ so với cấu hình, để đạt được doanh số tốt hơn. Redmi Note 2 có cấu hình khá tốt nằm trong phân khúc tầm trung, hiện tại đang được chào bán với mức giá khoảng 3 triệu đồng. Dẫu biết rằng, dòng sản phẩm này có doanh số khá tốt nhưng sự đánh đổi là mức giá phải thấp, đồng nghĩa với việc lợi nhuận thấp nên chưa thật sự đem lại nguồn lợi chính cho Xiaomi. Điều cần nhấn mạnh thêm, Xiaomi có doanh thu lên tới 4,3 tỉ USD thế nhưng lợi nhuận chỉ đạt khoảng 56 triệu USD trong năm 2013, tỉ suất lợi nhuận bằng 1/10 so với Samsung và Apple. Chính vì vậy, hãng cần phải có những con đường riêng, cần nguồn lợi nhuận cao hơn thay vì chỉ đơn giản là mỗi hạng mục doanh số.

5 Năm cho một nền tảng

Câu chuyện của Xiaomi sẽ được nhắc đến nhiều hơn trong tương lai, trong lịch sử của ngành smartphone toàn cầu. Không phải ai cũng có thể làm được điều tương tự như công ty Trung Quốc, mà không phải thương hiệu nào mới có điểm xuất phát đáng tự hào như Xiaomi. Chắc chắn là như vậy!

Tuy nhiên, để tiếp tục gặt hái những thành công, Xiaomi cần phải xây dựng cho mình một nền tảng mạnh mẽ, một hệ thống vận hành giống như những gì Samsung và Apple đã từng thể hiện. Smartphone đến giờ chỉ mang tính chất phổ biến thương hiệu chứ không hoàn toàn nằm ở lợi nhuận, hãng phải biết cân đối giữa hai yếu tố chính của ngành công nghiệp tiên tiến bậc nhất này. Apple và Samsung, hai thương hiệu đứng trên Xiaomi có những bước đi thăng hoa hơn nhưng lại có phần vững chắc hơn rất nhiều.

Nền tảng xây lên từ các smartphone giá thành phải chăng nhưng không thể cứ mãi giữ vững nhờ các sản phẩm như vậy. Ảnh: Internet

Samsung dù không có được doanh số tốt từ những mẫu smartphone cao cấp nhưng biên độ lãi cao giúp công ty trụ vững và có doanh thu ấn tượng. Bên cạnh đó, mô hình phát triển thiết bị đa dạng cũng giúp Gã khổng lồ Hàn Quốc có được tổng doanh thu tốt, thậm chí là vượt qua cả mong đợi. Apple lại là một trường hợp khác, nếu Xiaomi là ngôi sao mới sáng trên bầu trời  thì Apple có thể được coi là sao Bắc Đẩu, tỏa sáng rực rỡ. Nền tảng của Apple là ai cũng muốn sở hữu thiết bị của họ, cao cấp và đáng đến từng xu.

Nền tảng của Xiaomi là gì? Đó là sự trông mong vào các thiết bị giá rẻ, hoàn thiện tốt, phù hợp với nhiều người, là sự khao khát của người dùng trên toàn thế giới mong muốn Xiaomi cung cấp sản phẩm cho quốc gia mình. Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục bỏ lợi nhuận xuống vị trí cuối cùng trong tiêu chí làm ăn có lẽ cái gọi là nền tảng của Xiaomi sẽ không bao giờ vững chắc. Không ai dám chắc một điều khi Samsung, Huawei, HTC hay những cái tên đồng cân đồng lạng như Oppo, Meizu bỏ qua biên độ lãi và xuống chơi với Xiaomi một canh bạc tất tay. Lúc đó, Xiaomi sẽ khốn khó hơn. Bởi vậy, xây dựng tên tuổi trong suốt 5 năm qua, Xiaomi cần phải giữ vững và vươn mình trở thành đế chế thực thụ.

Đế chế thực thụ?

Từ ngày thành lập cho đến nay, Xiaomi luôn đặt mục tiêu vươn mình mạnh mẽ như Apple và Samsung. Kết quả, hãng đã gặt hái được thành công vào cuối tháng 10 năm 2015 với vị trí đứng thứ 3, chỉ xếp sau Apple và Samsung, vượt qua cả những thương hiệu khác như HTC và Sony, thậm chí những tên tuổi lớn trước đó tại quê nhà là Lenovo và Huawei. Tuy nhiên sự thành công và chiến lược kinh doanh của Xiaomi đã không còn được tiếp diễn vào năm tiếp theo. Ngoài việc nền kinh tế Trung Quốc sụt giảm sau 15 năm, Xiaomi phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các đối thủ lớn như Huawei, Lenovo và Gionee. Bởi lẽ, các hãng sản xuất có cùng quê hương với Xiaomi đã áp dụng những chiến lược kinh doanh tương tự, đem đến cho khách hàng những sản phẩm thiết kế bắt mắt, hiệu năng khá tốt trong mức giá khá rẻ.

Chiến lược bán sản phẩm giá rẻ không còn là điểm mạnh của Xiaomi

Chính vì những thương hiệu khác cùng ở Trung Quốc có kiểu bán hàng giống như Xiaomi đặt trọng tâm vào mức giá rẻ, dẫn đến sức cạnh tranh càng khốc liệt hơn. Rõ ràng, trước đây Xiaomi vốn được người dùng quan tâm nhất nằm ở mức giá rẻ, dường như đang bị lu mờ dần vì những nhà sản xuất cùng quê hương đang làm điều này tương tự. Dữ liệu từ Canalys, Huawei chủ yếu tại Trung Quốc trong giai đoạn từ tháng 6 – 9/2015, "vượt mặt" cả Xiaomi. Bên cạnh đó, Apple cũng cho thấy doanh số bán hàng kỷ lục tại Trung Quốc kể từ khi iPhone 6 ra mắt.

Nếu chỉ dựa vào mảng kinh doanh điện thoại, Xiaomi rất khó mà phát triển lớn mạnh lên được, bởi tiêu chí kinh doanh của hãng đã không còn phù hợp. Có lẽ, bản thân Xiaomi cũng nắm rõ điều này, đã có những động thái tích cực trong thời gian vừa qua. Bằng chứng cụ thể, Xiaomi đầu tư vào các công ty khởi nghiệp sản xuất các sản phẩm như bóng đèn thông minh, bộ xạc pin mini, ổ cắm điện ... giúp tăng doanh số trên trang thương mại điện tử Mi.com. Ấn tượng nhất, đó chính là thiết bị đo sức khỏe Mi Band với doanh số bán ra rất cao.

Thiết bị đo sức khỏe Mi Band khá thành công với số lượng bán ra thị trường rất cao

Thay cho lời kết

Thành lập vào ngày 6/4/2010 bởi 8 đối tác, Xiaomi đã gặt gái được nhiều thành công khi bán ra số lượng rất lớn những chiếc điện thoại giá rẻ với cấu hình khá tốt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Xiaomi đã không còn gặt hái được thành công vang dội từ dòng sản phẩm này, bởi những thương hiệu khác đã “sao chép” công thức chiến lược kinh doanh của hãng.

May mắn thay, Xiaomi vẫn có những sản phẩm kinh doanh khác, không chỉ tập trung vào mỗi dòng smartphone, đặc biệt tạo được doanh số tốt với thiết bị đo sức khỏe Mi Band. Chính vì vậy, việc mở rộng sản xuất các thiết bị khác giúp Xiaomi có con đường vững chắc hơn, điều này đồng nghĩa với việc một đế chế thực thụ không chỉ dựa dẫm vào mỗi mảng kinh doanh smartphone. Từ đó, thương hiệu này mới có được một nền móng cho chính mình để xây dựng một tương lai vững chắc.

Một đế chế thực thụ sẽ được hình thành hay chỉ là một ngôi sao xẹt ngang bầu trời ngành smartphone đang đầy những vì tinh tú?

 

Xiaomi sẽ sản xuất vi xử lý di động cho riêng mình?

(Techz.vn) Xiaomi đang có những thành công ban đầu nhờ những mẫu smartphone giá thành hấp dẫn. Dự đoán trong tương lai, điện thoại của hãng sẽ có giá thành rẻ hơn khi Xiaomi nghiên cứu và sản xuất vi xử lý di động cho riêng mình.