Khoa học & Đời sống

Trung Quốc đưa máy bay không người lái tới khu vực chết

Trung Quốc đưa máy bay không người lái tới khu vực chết

Khu vực chết nằm trên không trung, cách mặt nước biển 20 km là vùng không khí loãng, nhiệt độ thấp, rất khó cho các thiết bị điện tử dùng pin có thể trụ được lâu dài.

Ấy vậy mà, chiếc máy bay không người lái thế hệ mới do Trung Quốc chế tạo đã trải qua các cuộc thử nghiệm cho thấy nó có thể vượt qua được mọi khó khăn kể trên và đánh dấu một bước quan trọng trước tham vọng khám phá không gian cho mục đích tình báo quân sự.

Máy bay không người lái của Trung Quốc đã tới được khu vực chết trên không gian.

Khu vực chết còn được gọi là khu vực gần không gian là một lãnh địa đầy hứa hẹn cho các dịch vụ tình báo bởi lẽ khu vực này quá cao để máy bay có thể hoạt động được và quá thấp so với vệ tinh.

Mục đích của các nhà khoa học là phát triển thiết bị bền vững ở khu vực chết để có thể quan sát các khu vực rộng lớn hàng tuần, hàng tháng hoặc thậm chí là hàng năm.

Những chiếc máy bay không người lái có chi phí chỉ bằng một phần nhỏ của một chiếc vệ tinh nhưng được cho là một trong những cách tốt nhất để đạt mục tiêu.

Cho tới nay, máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk của Northrop Grumman mới chỉ đạt tới độ cao 19km, được cho là máy bay không người lái bay cao nhất hiện nay đang sử dụng.

Tuy nhiên, tuần trước, một trung tâm nghiên cứu ở Nội Mông, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công một chiếc máy bay không người lái khi nó đạt tới độ cao 25km.

Cuộc thử nghiệm này bao gồm hai chiếc máy bay không người lái được phóng từ một quả khinh khí cầu được triển khai ở các độ cao khác nhau. Chiếc máy bay thứ hai được triển khai ở độ cao 9km. Mỗi chiếc máy bay không người lái này có kích thước nhỏ như con dơi và được phóng bằng xung điện điện tử có thể tăng tốc từ 0 đến 100km/h trong không gian.

Ông Dương Yên Sở, người đứng đầu các nhà khoa học của dự án này tại viện Quang điện tử, thuộc Học viện khoa học tại Bắc Kinh nhận xét: " Nó bắn ra nhanh như một viên đạn".

Những chiếc máy bay không người lái này có thể hướng tới mục tiêu cách đó hơn 100km, tự điều chỉnh độ cao mà không cần sự can thiệp của con người. Bộ cảm biến trên máy bay sẽ truyền dữ liệu về trạm mặt đất. Điều đáng chú ý,  trong suốt quá trình bay, chúng không hề để lại một chút dấu tích nào trên radar do kích thước nhỏ gọn của mình.

Giáo sư Dương cho biết, mục tiêu của họ là phóng hàng trăm chiếc máy bay không người lái cho một lần bắn, giống như thả ra một đàn ong hay bầy kiến. Trung Quốc hy vọng sẽ tạo được bước đột phá lớn vào năm 2020. Những chiếc máy bay không người lái này sẽ từng bước được ứng dụng rộng rãi.

Ông Dương cho biết thêm, những cuộc thí nghiệm tương tự đã được Hải quân Mỹ và NASA thực hiện trong những năm gần đây khi Mỹ nghiên cứu một loại vũ khí mới có thể xuyên qua hệ thống phòng thủ trên không và thu thập các tin tức tình báo nhạy cảm ngay đằng sau kẻ địch.

Hiện tại, hạm đội máy bay không người lái bay thấp có thể bị cháy, trong khi các mẫu có thể bay cao hơn như MQ-9 Reaper và Caihong của Trung Quốc đều chỉ hạn chế độ cao 10km và chi phí hàng triệu USD mỗi chiếc.

Với những chiếc máy bay không người lái do nhóm của giáo sư Dương chế tạo, giá thành cực rẻ, chỉ khoảng vài trăm nhân dân tệ (tương đương vài trăm ngàn đồng). Tuy nhiên, loại máy bay không người lái này không mang theo camera vì việc chụp ảnh và quay phim ở độ cao lớn trong không gian đòi hỏi phải có ăng ten khá cồng kềnh, không phù hợp với điều kiên thời tiết khắc nghiệt của khu vực chết.

Theo: Tiền Phong