Nhịp sống số

Tìm hiểu về Bitcoin (Kỳ 2): Những hiểm họa khôn lường

Tìm hiểu về Bitcoin (Kỳ 2): Những hiểm họa khôn lường

Có những ưu điểm vượt trội, nhưng Bitcoin cũng có những điểm yếu của nó. Không ai biết liệu khái niệm mang tính cộng đồng hóa của Bitcoin có chính xác không, hay nó chỉ là một vụ lừa đảo thế kỷ, một "con rối" bị giật dây bởi một tổ chức, hay một cá nhân nào đó xưng danh Satoshi Nakamoto hay không. Đó là chưa kể, tính phức tạp và mang màu sắc bí ẩn của nó dường như rất thích hợp với các loại hình tiền tệ trong giới tội phạm. 

Việt Nam chưa chấp nhận Bitcoin

Dưới đây là những đe dọa chủ yếu tới sự tồn tại và phát triển của loại hình tiền tệ này.

Ẩn họa từ cơ chế hoạt động của Bitcoin

Cơ chế hoạt động của Bitcoin rất “dân chủ”, tức là bất kỳ sự thay đổi nào, khoản giao dịch nào, hay hay một chính sách nào muốn được áp dụng, đều phải thông qua sự “bỏ phiếu” của toàn bộ cộng đồng những người sử dụng đồng tiền này. Tuy vậy, điều đó dẫn tới khả năng, một tổ chức khi đạt tới cột mốc đa số sẽ có khả năng chi phối toàn bộ mạng lưới cũng như nắm hoàn toàn quyền lực đối với đồng tiền này.

GHash.io là nhóm những người “đào” bitcoin lớn nhất trên thế giới và hiện đang kiểm soát tới 42% các hoạt động máy tính tham gia vào mạng lưới bitcoin. Đây là lần đầu tiên nhóm này tiến gần đến mốc kiểm soát hơn 50% toàn bộ mạng lưới. Nếu con số vượt quá mốc 50%, một loạt vấn đề có thể xảy ra. 

Khi "đào" thành công, bạn sẽ nhìn thấy chữ “confirmations” trong ví điện tử, ví dụ như hình dưới đây:

Tìm hiểu về Bitcoin (Kỳ 2): Những hiểm họa nội tại-image-1390065851497

Không có nhóm nào kiểm soát trên 50% hoạt động đào bitcoin giúp đảm bảo rằng có đủ người đào độc lập có thể xác nhận giao dịch của bạn là hợp pháp.

Tuy nhiên, khi ngưỡng 50% bị vượt qua, nhóm đó có được khả năng tự xác nhận những giao dịch của chính họ và khiến quá trình xác nhận bị bóp méo. Ví dụ, họ có thể gửi đi những xác nhận sai, đảo ngược chiều hướng xác nhận hoặc khiến quá trình này không thể hoàn thành. Thậm chí, bạn không thể biết điều này có thể xảy ra hay không mà nó vẫn được chấp nhận.

Ngay khi cộng đồng bitcoin nhận thấy điều này, họ lập tức rời khỏi tổ chức trên, nhằm cân bằng lại thị phần của các tổ chức Bitcoin. GHash cũng đưa ra thông báo sẽ làm tất cả những điều cần thiết để ngăn chặn kịch bản vượt qua ngưỡng 50% để duy trì sự ổn định của hệ thống Bitcoin.

Tìm hiểu về Bitcoin (Kỳ 2): Những hiểm họa nội tại-image-1390065887661

Biểu đồ "thị phần" Bitcoin giữa các tổ chức lớn

Blockchain.info – trang theo dõi mạng lưới bitcoin, vẫn theo dõi chặt chẽ thị phần của các nhóm. Thị phần của GHash đã quay trở lại con số 40%, nhưng biểu đồ mới được công bố cho thấy phần lớn bitcoin đang được kiểm soát bởi GHash.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên người ta lo sợ về kịch bản này. Mùa xuân năm ngoái, cộng đồng Reddit cũng xôn xao sau khi một nhóm có tên BTC Guild tập hợp những thợ đào bitcoin mạnh nhất và gần đạt được ngưỡng 50%.

Michael Marsee – chủ của BTC Guild – trả lời Business Insider rằng kể từ đó đến nay, vấn đề này không hề bớt nóng. Trong khi nhiều nhóm là tập hợp của những thợ đào độc lập không có nhiều quan hệ trực tiếp với trưởng nhóm, GHash bị chi phối bởi một số người chủ chốt.

Cộng đồng Bitcoin vẫn bị thuyết phục rằng bất kỳ ai tham gia vào mạng lưới bitcoin đều đặt lợi ích của cộng đồng lên trên hết. Tuy nhiên, tập trung quyền lực có thể khiến toàn hệ thống sụp đổ. 

Cho đến hiểm họa từ cách thức lưu trữ

“Đào” ra Bitcoin đã rất khó, tuy nhiên hiểm họa khi phải cất trữ loại tiền này mới chính là điều khiến người ta đau đầu, và là trở ngại chính dẫn tới sự phổ biến của loại tiền tệ này.

Trong năm 2013, giá trị đồng bitcoin tăng vọt với tốc độ khó tin. Từ 13 USD/đồng hồi tháng 1, có lúc nó đã vọt lên tới 1.216 USD/đồng, gần tương đương giá vàng. Đó là lý do bitcoin đã trở thành mồi ngon của bọn tin tặc. Hệ thống phần mềm quản lý bitcoin sử dụng mật mã để cho phép người dùng trao đổi tiền mà không cần một bên thứ ba giám sát giao dịch. Tuy nhiên việc lưu trữ bitcoin của từng cá nhân được bảo vệ bằng chìa khóa điện tử vừa chữ, vừa số. Khi bị mất, chìa khóa này không thể phục hồi.

Tìm hiểu về Bitcoin (Kỳ 2): Những hiểm họa nội tại-image-1390066530710

"Ví" Bitcoin ngày càng thông dụng, nhưng không có nghĩa là đủ an toàn

Cách dễ nhất để quản lý bitcoin là ký gửi chúng cho một công ty cung cấp dịch vụ chuyển đổi giữa tiền ảo và tiền thật. Người gửi tiền có thể truy cập qua một trang web. Kể cả khi mất mật mã vào tài khoản trong trang web này, người sử dụng có thể lấy mật mã mới và truy cập trở lại. Tuy vậy, đây là cách thức lưu trữ không an toàn, bởi vì nó vi phạm rõ rệt nhất nguyên tắc của Bitcoin: bạn sẽ cần một bên trung gian đứng ra lưu trữ đồng tiền cho mình.

Hồi tháng 4 năm 2013 vừa qua, một nhóm tin tặc đã dùng mã độc tấn công người sử dụng trang Mt.Gox, một trong những sàn giao dịch đồng bitcoin trên mạng đầu tiên và cướp đi tiền ảo. Một nhà đầu tư tên Dave Wright cho biết anh bị mất số bitcoin trị giá 16.500 USD khi đó. Tin tặc đã sử dụng địa chỉ IP từ Hà Lan để ăn cắp tài khoản và mật mã của anh trên Mt.Gox, rút số tiền ảo bitcoin chuyển đến nơi khác. Hồi tháng 10, bọn tin tặc tấn công sàn giao dịch Inputs.io, rút đi 4.100 bitcoin trị giá 1,3 triệu USD lúc đó.

Tương tự, hồi tháng 11 bọn tin tặc đã tổ chức một số đợt tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) vào sàn giao dịch BIPS ở châu Âu, cướp đi 1.295 bitcoin, trị giá khoảng 1 triệu USD lúc đó. Tuy nhiên, vụ đánh cắp bitcoin lớn nhất có giá trị lên đến 100 triệu USD. Hồi cuối tháng 11, trang Sheep Marketplace, một siêu thị ma túy và hàng cấm online tương tự Silk Road, thông báo có kẻ tấn công trang web này lấy đi 96.000 bitcoin, trị giá tổng cộng 107,8 triệu USD lúc đó. Vẫn chưa rõ đây là hành vi tấn công mạng hay là chiêu của những kẻ quản trị Sheep Marketplace bày ra để ăn chặn số tiền bitcoin khổng lồ của khách hàng.

Tìm hiểu về Bitcoin (Kỳ 2): Những hiểm họa nội tại-image-1390066452747

Càng có giá trị, Bitcoin càng trở thành mục tiêu cho tin tặc

Một cách thức an toàn hơn mà nhiều nhà đầu tư đã chọn là lưu trữ ví chứa bitcoin trong máy vi tính hoặc ổ cứng không nối mạng Internet. Đây là cách được gọi là “dự trữ lạnh”. Một số người sử dụng thêm phần mềm mã hóa để bảo vệ ví chứa bitcoin trong máy vi tính.

Tìm hiểu về Bitcoin (Kỳ 2): Những hiểm họa nội tại-image-1390068538947

Lưu trữ "lạnh" Bitcoin vào các dạng thiết bị không kết nối Internet đang là một giải pháp phổ biến

Nhưng cách “trữ lạnh” này cũng không an toàn 100%. Hồi tháng 11, báo chí thế giới xôn xao với vụ nhà đầu tư James Howells người thành phố Newport ở Xứ Wales đã vô tình vứt vào bãi rác ổ cứng chứa lượng bitcoin trị giá tới 8 triệu USD. Theo trang ZNET, năm 2009 Howells mua 7.500 bitcoin với giá vỏn vẹn 6 USD. Anh cất số bitcoin này trong ổ cứng máy vi tính và quên hẳn chúng. Sau khi máy vi tính bị trục trặc, anh đã cất ổ cứng vào ngăn kéo. Hồi giữa tháng 7, sau khi dọn dẹp các thiết bị vi tính, anh đã quăng luôn chiếc ổ cứng này vào bãi rác.

Tìm hiểu về Bitcoin (Kỳ 2): Những hiểm họa nội tại-image-1390066281635

Gần 2 nghìn tỉ đang nằm dưới ... hàng nghìn tấn rác

Khi đó Howells không biết rằng số bitcoin trong ổ cứng của anh có giá trị 500.000 USD. Sau khi nghe tin về vụ trang web Silk Road và cơn sốt bitcoin, Howells mới nhớ ra mình có 7.500 bitcoin trong ổ cứng. Lúc này là tháng 11 và số bitcoin trong ổ cứng của anh đã có giá lên đến gần 8 triệu USD. Lập tức anh hộc tốc chạy đến bãi rác thành phố để tìm lại chiếc ổ cứng chứa đựng cả một gia tài này. Đáng buồn cho Howells là người chủ bãi rác thông báo rằng bất kỳ vật gì bị vứt đi bốn tháng trước, giờ đã nằm dưới hàng tấn rác, không thể nào tìm lại được nữa.

Ngoài câu chuyện hi hữu của Howells, các nhà đầu tư cho biết việc “dự trữ lạnh” bitcoin cũng khiến các hoạt động giao dịch trở nên chậm trễ, cơ hội kiếm lãi nhỏ đi. Thế mới biết giữ tiền thật đã khó, giữ tiền ảo càng khó hơn gấp bội.

Luật pháp không bảo vệ

Thật khó để Bitcoin thực sự trở thành một loại tiền tệ được công nhận trên toàn cầu. Do tính chất tự do, cộng đồng, và “xuyên biên giới” của mình, Bitcoin không phải thứ mà các chính phủ dễ dàng chấp nhận. Đơn giản là khi chấp nhận Bitcoin, các chính phủ sẽ nghiễm nhiên từ bỏ quyền lực chi phối nền kinh tế của mình, mà công cụ đơn giản nhất của quá trình chi phối này, là tiền tệ.

Tìm hiểu về Bitcoin (Kỳ 2): Những hiểm họa nội tại-image-1390068146945

Không dễ để các chính phủ chấp thuận Bitcoin là một loại tiền tệ hợp pháp

Đó là lý do mà hầu như chưa có một quốc gia nào có khung pháp lý cho hoạt động “đào”, sử dụng, hay lưu trữ loại tiền tệ này. Đức trở thành quốc gia đầu tiên thừa nhận Bitcoin có chức năng của tiền. Thậm chí Canada còn lắp đặt cây ATM giao dịch Bitcoin đầu tiên trên thế giới, cho phép khách dùng tiền thật để mua Bitcoin hoặc ngược lại. Tuy vậy, đa phần chính phủ trên thế giới không công nhận tiền ảo này, thậm chí cấm sử dụng như Trung Quốc hay Thái Lan.

Chính vì vậy, nếu có một ngày, có kẻ cướp vào nhà bạn và lấy đi … 21 triệu Bitcoin chẳng hạn, thì bạn cũng sẽ chẳng thể cầu cứu bất kỳ một cơ quan chức năng nào. Đơn giản vì chúng hoàn toàn vô giá trị trước pháp luật, và cướp những thứ “vô giá trị” thì luật pháp không có cơ sở để xử lý kẻ phạm tội.

Đọc thêm: Tìm hiểu về Bitcoin (Kỳ 1): Những điều tổng quát

Tác Gia (Tổng hợp)