Nhịp sống số

Thực trạng tin nhắn rác và lừa đảo trên mạng thông tin di động

Thực trạng tin nhắn rác và lừa đảo trên mạng thông tin di động

 

 

<>Trong thời gian vừa qua, các thuê bao di động liên tục nhận được các tin nhắn rác, quảng cáo có nội dung không lành mạnh, gây tò mò (bói toán, lô đề, v.v…), hoặc có dấu hiệu lừa đảo như nội dung tin nhắn thông báo trúng thưởng, tặng nhạc chuông, hình ảnh, cài đặt GPRS nhưng khi chủ thuê bao di động nhắn tin đến đầu số theo hướng dẫn thì lập tức bị trừ tiền. Thực trạng trên đã gây bức xúc trong dư luận xã hội. Có thể tổng hợp vấn đề này như sau:</>

<>Thực trạng kinh doanh dịch vụ nội dung và hoạt động nhắn tin rác</>

Phần lớn các tin nhắn lừa đảo đều sử dụng thuê bao trả trước đăng ký thông tin không có thật (Ảnh: cand)

Hiện tại, có khoảng 200 công ty dịch vụ nội dung (CP -  Provider) chủ yếu tập trung tại Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng tham gia, phát triển và kinh doanh các dịch vụ tin nhắn giải trí qua mạng điện thoại di động (ĐTDĐ). Các sản phẩm, dịch vụ chính trong lĩnh vực này là:

- Cung cấp nhạc chuông, logo, bộ sưu tập ảnh của phụ nữ, hình nền cho ĐTDĐ;

- Cung cấp trò chơi trên điện thoại di động, cài đặt GPRS;

- Cung cấp thông tin tổng hợp về kinh tế, chính trị, xã hội;

- Các hình thức trắc nghiệm, tư vấn tình cảm, kết bạn;

- Cung cấp kết quả xổ số, bóng đá, chứng khoán…;

- Tổ chức các trò chơi dự đoán trúng thưởng, bình chọn kết quả, trao giải trúng thưởng;

- Bình chọn cho tổ chức, cá nhân tham gia các sự kiện, các chương trình trên truyền hình;

- Xác nhận mã giao dịch cho hệ thống ngân hàng (thông báo rút tiền, chuyển khoản, thanh toán…).

Bên cạnh việc chủ động cung cấp dịch vụ trên mạng di động, để tăng doanh thu và khai thác triệt để hơn các đầu số thuê của doanh nghiệp (DN) di động, hầu hết các CP còn ký kết hợp đồng hợp tác kinh với các tổ chức, cá nhân khác (Sub-CP) để cùng cung cấp dịch vụ và ăn chia lợi nhuận. Cá biệt, nhiều CP hầu như không kinh doanh mà cho Sub-CP thuê lại đầu số.

Kết quả theo dõi cho thấy, để tiết kiệm chi phí kinh doanh, tránh sự kiểm soát của nhà nước, các CP và Sub-CP đã sử dụng hình thức nhắn tin quảng cáo từ các thuê bao di động trả trước đã được đăng ký thông tin không chính xác. Điều này nhằm dễ dàng tung ra các thông tin quảng cáo không rõ ràng, lừa đảo người sử dụng dịch vụ nhắn tin tham gia dịch vụ để tăng doanh thu cho chủ đầu số. Chính việc này đã làm tăng số lượng tin nhắn rác trong thời gian qua.

Về mặt kỹ thuật, việc nhắn tin rác được thực hiện bằng các modem GSM/CDMA trị giá khoảng 1 triệu đồng, có lắp SIM điện thoại và được kết nối với máy tính có cài đặt phần mềm gửi/nhận tin nhắn, thiết bị này mỗi giờ có thể tự động phát tán tin nhắn hàng loạt với tốc độ 1000 tin nhắn mỗi giờ. Hiện nay còn có tình trạng một số website của nước ngoài cho phép giả mạo số điện thoại để nhắn tin từ Internet tới các thuê bao di động trong nước.

<>Vấn đề lừa đảo trên mạng di động</>

<>Đối tượng lừa đảo</>

Kết quả thống kê cho thấy, đối tượng lừa đảo có nhiều thành phần, từ các cá nhân đến cả DN cung cấp nội dung (CP) và đối tác của DN này (Sub-CP).

<>Động cơ lừa đảo</>

- Động cơ lừa đảo của đối tượng xấu là cá nhân: Việc lừa đảo nhằm được nạp tiền vào tải khoản trả trước, tài khoản game online hoặc tài khoản của đối tượng lừa đảo trên các trang web cung cấp dịch vụ tải game, tải dữ liệu. Cá biệt, có trường hợp lừa đảo là để nhằm tăng các tin nhắn bình chọn cho một cá nhân tham gia cuộc thi nào đó;

- Động cơ lừa đảo của đối tượng là các CP và Sub-CP là nhằm tăng số lượng tin nhắn đến đầu số tắt viễn thông nhằm tăng doanh thu cho các đối tượng này.

<>Hình thức lừa đảo</>

Kết quả thanh tra, xử lý vi phạm và theo dõi trong thời gian qua cho thấy, vấn đề lừa đảo trên mạng di động là hết sức rõ ràng. Có thể thống kê một số hình thức lừa đảo như sau:

- Lừa đảo người sử dụng dịch vụ di động nhắn tin nạp tiền vào các tải khoản game online, tài khoản thuê bao trả trước cho đối tượng lừa đảo… thông qua việc nhắn tin lừa đảo (ví dụ: Nhắn tin theo cú pháp ABC gửi xxxx để được tặng 200.000 đồng trong tài khoản);

- Không niêm yết đầy đủ, rõ ràng giá cước dịch vụ các dịch vụ, giá cước tham gia các trò chơi, tham gia bình chọn… . Điều này dẫn đến việc người sử dụng dịch vụ di động không biết việc bị mất tiền khi sử dụng dịch vụ, tham gia bình chọn, tham gia các trò chơi;

- Tổ chức các chương trình nhắn tin trúng thưởng (Ví dụ: Nhắn tin theo cú pháp ABC gửi xxxx để có cơ hội trúng điện thoại iPhone sành điệu…). Tuy nhiên, thực tế không có bất kỳ ai được trúng thưởng. Trường hợp nếu trúng thưởng thật thì cũng không thông báo trúng thưởng hoặc được trao thưởng như quảng cáo;

- Nhắn tin lừa đảo người sử dụng dịch vụ nhắn tin để biết kết quả sổ số đặc biệt (để chơi lô, đề), nhắn tin để biết người nào hợp tuổi kết hôn, hợp tuổi làm ăn (Ví dụ: Hôm nay K6 dành tặng bạn MAY MẮN CỰC LỚN. Chỉ với 1 tin nhắn bạn nhận ngay CẶP_LÔ_VÀNG về GẢI ĐẶC BIỆT KQXS. Để nhận KQXS soạn K6 gửi xxxx, Chắc ăn 99%);

- Lừa đảo người sử dụng dịch vụ tham gia đấu giá một sản phẩm bất kỳ để có cơ hội nhận tặng phẩm có giá trị cao (Ví dụ: Nhắn tin theo cú pháp ABC gửi xxxx để tham gia chương trình đấu giá điện thoại Nokia E72. Bạn có cơ hội trúng xe máy Novou nếu giá bạn đoán là thấp nhất và duy nhất).

<>Thủ đoạn lừa đảo</>

Lợi dụng sự cả tin của người sử dụng dịch vụ: Đa phần các tin nhắn lừa đảo đều sử dụng các ngôn ngữ có tính thuyết phục cao, làm cho người sử dụng dịch vụ tin rằng những nội dung quảng cáo là đúng sự thật và thực hiện theo;

Lợi dụng sự tín nhiệm của người dân vào Đài Truyền hình: Nhiều dịch vụ được các CP và Sub-CP quảng cáo trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh, Truyền hình các tỉnh, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC… Chính vì vậy đã tạo được niềm tin với người sử dụng dịch vụ, thu hút người sử dụng dịch vụ di động nhắn tin;

Lợi dụng sự hám lợi của một bộ phận người dân: Bằng những lời quảng cáo về vật phẩm được nhận có giá trị cao, thủ tục nhận đơn giản, thậm chí đánh bóng bằng việc trao thưởng cho người trúng thưởng (trao thưởng không có thật). Điều đó đã thu hút nhiều người tham gia mà không biết đang bị lừa đảo;

Kích thích trí tò mò của một số dân: Nhiều tin nhắn quảng cáo có nội dung gây sự tò mò cho người sử dụng (Ví dụ: Có một bạn gái tặng cho bạn bản nhạc chuông ABC, để nhận bản nhạc chuông và biết thông tin người gửi, soạn DGH gửi xxx)… Thủ đoạn này cũng lừa đảo được nhiều người sử dụng dịch vụ;

Sử dụng các SIM trả trước đã đăng ký thông tin thuê bao không có thật (SIM rác): Phần lớn các tin nhắn lừa đảo đều sử dụng thuê bao trả trước đăng ký thông tin không có thật. Vì phần lớn thông tin về dịch vụ là không có thật.

Sử dụng các website nước ngoài cho phép nhắn tin giả mạo đầu số nhắn tin của doanh nghiệp thông tin di động: Bằng cách sử dụng dịch vụ trên các trang web ở nước ngoài, đối tượng đã gắn nhãn tin nhắn bằng các đầu số của DN di động hoặc tên người gửi là tên các mạng di động trong nước. Điều này dẫn đến việc người sử dụng dịch vụ nhầm tưởng đó là dịch vụ của DN di động. Do đó, bị đối tượng lừa đảo.

<>Hạn chế trong quy định của pháp luật điều chỉnh về hoạt động cung cấp nội dung và xử phạt hành vi nhắn tin rác</>

Hiện tại Nghị định số 30/2007/NĐ-CP ngày 1/3/20007 quy định<> </><>về kinh doanh xổ số nhưng chưa có một văn bản nào quy định việc </>tổ chức các chương trình bình chọn, dự đoán, trao giải trúng thưởng trên mạng di động. Việc tổ chức các chương trình bình chọn, trao giải trúng thưởng hiện nay hoàn toàn do các doanh nghiệp tự tổ chức, tự kiểm soát. Do vậy cơ chế trúng giải ngẫu nhiên hay không, có thực sự trúng giải hay không là rất khó kiểm soát.

Chưa có quy định yêu cầu các DN di động, CP phải lưu dữ liệu trong thời gian bao lâu, loại dữ liệu nào phải lưu. Các doanh nghiệp đa số lấy lý do sau khi đối soát xong thì không lưu nữa hoặc chỉ đối soát về số lượng tin nhắn đến hệ thống của 2 bên dẫn tới việc kiểm tra nội dung dữ liệu là khó khăn.

Theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác thì mức xử phạt tối đa là 100 triệu/hành vi. Tuy nhiên không phải hành vi vi phạm nào cũng áp dụng ở mức cao nhất, mức xử phạt như vậy vẫn không đủ tính răn đe. Việc đình chỉ cung cấp dịch vụ cũng rất khó khăn vì trong Nghị định số 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác chỉ quy định <>“đình chỉ hoạt </><>đ</><>ộng quảng cáo bằng thư điện tử, tin nhắn”</> mà không có nguyên nhân đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ nội dung.

Đối với công tác quản lý thuê bao di động trả trước còn rất nhiều bất cập và phức tạp, trong khi tin nhắn rác lại chủ yếu được phát tán từ các SIM thuê bao trả trước. Trong thời gian vừa qua toàn ngành thanh tra Thông tin và Truyền thông đã tiến hành thanh tra được 26.093 điểm giao dịch, đại lý trên tổng số chiếm khoảng 30% điểm giao dịch, đại lý trên cả nước, tổng số tiền xử phạt 1.005.900.000 đồng, tịch thu 4.984 SIM đã đăng ký sẵn thông tin.

Tổng số tiền đã xử phạt là: 1.355.900.000 đồng

<>Đề xuất, kiến nghị giải pháp hạn chế, ngăn chặn tin nhắn rác và lừa đảo trên mạng di động</>

Cần thiết phải xây dựng Nghị định quy định quản lý các trò chơi dự đoán trúng thưởng, bình chọn kết quả, quy chế trao giải trúng thưởng, mức giải thưởng trên mạng di động, trên Internet, v.v…

Các Bộ chức năng cần xây dựng thông tư liên tịch quy định chi tiết về việc công bố, niêm yết giá đối với dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông khi quảng cáo dịch vụ trên báo nói, báo hình, báo viết, trong các trang thông tin điện tử.

Cần thiết phải quy hoạch các đầu số dành cho việc cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng, tin nhắn giải trí (theo hướng đầu số dành cho dịch vụ quảng cáo riêng, dịch vụ nội dung riêng), thu hồi các đầu số hiện các công ty thông tin di động tự ý cấp cho các CP. Đồng thời xây dựng mức phí sử dụng kho số hợp lý.

Xây dựng các quy định quản lý nhà nước về hoạt động cung cấp dịch vụ nội dung như: việc quy hoạch và cấp đầu số; kiểm duyệt kịch bản nội dung của các CP; việc lưu trữ dữ liệu; chế độ báo cáo; các chế tài xử lý…

Các DN thông tin di động phải sớm đưa ra các giải pháp kỹ thuật chống tin nhắn giả mạo được gửi đi từ Internet nhằm giúp người sử dụng phân biệt tin nhắn giả mạo, lừa đảo.

Nhà nước phải có quy định Hợp đồng khung cho các doanh nghiệp di động và các CP về phạm vi trách nhiệm, phân chi lợi ích… nhằm kích thích công nghiệp nội dung phát triển lành mạnh. Thực tiễn hiện tại là Telcos hưởng 60%, CP hưởng 40%. Như vậy, kết quả từ kinh doanh lừa đảo, Telcos lại có lợi hơn nên không kiểm soát kỹ hoạt động của các CP.  Mặt khác, tất cả các chi phí cho nội dung là các CP trả, lợi nhuận của các CP thấp nên chất lượng nội dung thấp, thiếu sáng tạo nghiêm túc.

Phải tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo hình, báo nói, báo viết, v.v… nhằm nâng cao nhận thức của người dân, cảnh giác không làm theo các nội dung quảng cáo, hướng dẫn của các tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.

Yêu cầu các DN cung cấp dịch vụ nội dung khi quảng cáo dịch vụ trên các phương tiện thông tin đại chúng phải niêm yết rõ ràng cước dịch vụ, điều kiện máy sử dụng được các dịch vụ nội dung cung cấp để tránh người dân nhắn tin mất tiền sử dụng dịch vụ mà không sử dụng được.

Tiếp tục nghiên cứu xây dựng các quy định nhằm quản lý chặt chẽ việc đăng ký thông tin thuê bao trả trước. Việc quản lý thông tin thuê bao trả trước phải chặt chẽ như thuê bao trả sau. Thông tin thuê bao không chính xác thì việc xác định chủ thuê bao phát tán thư rác là rất khó khăn./.