Nhịp sống số

Thiết kế phẳng, tại sao không?

Thiết kế phẳng, tại sao không?
Cùng với sự ra mắt của iOS 7, Apple đang làm dấy lên những tranh luận về cái sự “Phẳng” tuy không mới mà cũng chẳng cũ này trên khắp các diễn đàn công nghệ. Kẻ khen nhiều mà người chê cũng không ít. Tuy nhiên, ta hãy tạm gác lại những đàm tiếu của dư luận để bàn tới cái cốt lõi của vấn đề trên, tại sao chúng ta lại không thể tiếp nhận nó như đã từng làm với thiết kế mô phỏng như đã làm từ ngày đầu tiên bước vào thế giới số?

Trước hết, chũng ta hãy cùng điểm qua những gì là khái niệm của thiết kế này, thiết kế phẳng (flat design) là phong cách trong đó đề cao chủ nghĩa tối giản, thể hiện mọi khái niệm cần trình bày bằng những thành phần đồ họa đơn giản, chủ yếu dựa trên các hình vẽ và các khoảng mầu khác nhau theo không gian hai chiều. Khác với xu hướng mô phỏng (skeuomorphic) đã quen thuộc với chúng ta từ buổi sơ khai của đồ họa hiện đại, thiết kế phẳng không hướng tới sự nhận biết bằng dạng hình ảnh với các đối tượng được mô hình hóa từ từ thế giới thực, nó hướng tới những gì thẳng thắn, hiện đại, thực dụng và hiệu quả nhất.

Bỏ qua thời kì nguyên thủy công nghệ với chiếc máy tính kềnh càng và những câu lệnh DOS lạnh lùng đến thô kệch, các nhà thiết kế đầu tiên đã cố gắng mô phỏng những nút lệnh trong hệ điều hành nguyên thủy bằng những biểu tượng gần gũi với chức năng của chúng. Mọi việc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều với một người mới làm quen với chiếc máy tính, biểu tượng nào chức năng ấy. Trên cái mặt bàn “Desktop” ngày ấy,  “my computer” chắc chắn phải có hình máy tính, tài liệu hẳn phải chứa trong bìa đựng hồ sơ “My Document”, thư đến sẽ phải vào thùng thư “Inbox” và sọt rác là sọt rác “Recycle Bin”, hoàn toàn chân thực đến phũ phàng. Hãy nhớ lại lần đầu tiên thao tác trên một chiếc máy tính của bạn, không mất nhiều thời gian cho sự ngỡ ngàng với các nút chức năng, mọi công việc chỉ là tìm những biểu tượng tương ứng và tận hưởng những gì mà chiếc máy tính mang lại cho bạn. Đã gần hai thập kỉ từ ngày ấy tới nay, sự thay đổi hoàn toàn chỉ là việc mô phỏng những biểu tượng ấy theo một cách đẹp đẽ hay thực tế hơn mà thôi, như việc Recycle Bin có rác thì là cái sọt rác với những mẩu giấy thừa bên trong, không hơn không kém. Những nhà thiết kế vẫn mòn mỏi như giới họa sĩ thời trung cổ, cố gắng đem đời thực việc thực vào trong tranh càng, sống động càng tốt...

Trong tác phẩm “Thế giới phẳng” của mình, Thomas Friedman đã tạo ra một khái niệm hoàn toàn mới của cuộc sống hiện đại, Thế giới đang ngày một “phẳng” hơn, toàn cầu hóa xóa nhòa khoảng cách của mọi nền văn hóa, mang mọi người tới gần nhau hơn, giao tiếp trở nên dễ dàng và chặt chẽ hơn bao giờ hết. Theo quy luật tất yếu, thế giới ảo cũng cần thay đổi để cân bằng nhu cầu đó.

Thế giới công nghệ cần những nghệ sĩ đương đại mới, những người dám từ bỏ cái dễ dàng để bước tới những gì phá cách, mới mẻ hơn, hiện đại hơn. Và một lần nữa, gã khổng lồ Microsoft đi tiên phong mở đường cho sự thay đổi. Giao diện người dùng với phong cách tối giản, thiết kế có phần thô ráp xuất hiện lần đầu trên những máy Zune HD của Microsoft vào năm 2009. Sản phẩm được kỳ vọng đem lại sự cạnh tranh sòng phẳng với huyền thoại giải trí iPod của Apple, giao diện “Metro UI” với những ô gạch Live tiles đơn giản và tiện dụng, không cầu kì trong chi tiết nhưng sống động với khả năng hiển thị thông tin theo thời gian thực một cách hiệu quả đến bất ngờ. Hoàn toàn loại bỏ sự khó chịu khi cứ phải liên tục kiểm tra tới mỗi chức năng khi có thông báo.

 

 

Tuy không đạt được thành công hay nói trắng ra là thất bại thảm hại trên thị trường máy nghe nhạc trước Apple, Microsoft lại đạt được nhiều thành công với hệ điều hành Windows Phone mới. Được nâng cấp qua từng phiên bản, Window Phone với giao diện Metro ngày càng được người dùng đón nhận và đã chạm tới sự hài lòng của số đông người sử dụng smart phone. Khả năng thích ứng hoàn toàn ăn khớp với tính năng của hệ điều hành làm cho Windows Phone tạo ra được sức hút không nhỏ, ngay cả với những người lần đầu tiên sử dụng smartphone hay những tay lão luyện đã kinh qua hàng loạt các thế hệ điện thoại khác nhau. Khó có thể chôi cãi được những ưu điểm mà thiết kế này đã mang lại cho các người dùng:

 

Giao diện hoàn toàn đơn giản tạo cho người dùng cái nhìn dễ dàng hơn, không gây rối mắt bởi những chi tiết thừa và những hiệu ứng nặng nề diêm dúa.

Cách thức không khuôn phép, việc thiết kế trở nên mới mẻ hơn, đơn giản hơn, tạo điều kiện cho các nhà phát triển tập trung vào tính năng của ứng dụng khi không mất thời gian vào chọn lựa hình ảnh cho các icon đại diện.

Gây hiệu ứng mạnh với người sử dụng bằng các mảng mầu rõ ràng, hình khối bắt mắt nhưng không gây cảm giác ngợp cho người sử dụng.

Tối giản và tiết kiệm không gian màn hình thiết bị, đưa ra những thông tin cần thiết và hữu dụng ngay lập tức và dễ nhận biết.

Hạn chế tối đa sự chiếm dụng tài nguyên phần cứng cho các hiệu ứng, hạ thấp yêu cầu tối thiểu với các thiết bị. Góp phần tạo điều kiện cho việc phổ biến hệ điều hành.

Những điều ưu điểm trên hoàn toàn đã khắc phục được giới hạn cố hữu mà thiết kế mô phỏng (Skeuomorphic) đã áp đặt lên cả thế giới công nghệ trong ngần ấy năm qua.

Nói như vậy không có nghĩa chúng ta bỏ qua cho những quy tắc thiết kế khắt khe và đôi khi là cả sự nhàm chán mà thiết kế phẳng mang lại cho người dùng. Điểm mạnh không tồn tại mãi với thời gian mà những ưu điểm của phong cách Thiết kế mô phỏng (Skeuomorphic) trong giai đoạn đầu của thế giới công nghệ là một bài học đã quá rõ ràng. Thế giới thay đổi từng ngày, bộ cánh bảnh bao thời thượng ngày hôm nay có thể trở thành quê kệch lỗi thời vào ngày mai, không gì là không thể cả.

Vậy tại sao chúng ta lại khắt khe với những điều mới mẻ của ngày hôm nay như Apple đã dám làm với iOS 7. Hãy cảm nhận một cách chân thành, biết đâu bạn sẽ thay đổi!

Đọc thêm: Windows Phone "con bài định mệnh" của Nokia