Nhịp sống số

Những xa xỉ phẩm công nghệ ở Việt Nam thời xưa cũ

Những xa xỉ phẩm công nghệ ở Việt Nam thời xưa cũ

Hãy thử gạt bỏ những vướng bận của cuộc sống hiện tại, để cùng quay về thời điểm vài chục năm về trước để xem ở thời điểm đó, cha ta, ông ta đã cùng thưởng thức cái thú chơi nghệ như thế nào.

Chúng ta đang sống trong một thế giới hiện đại, một thế giới của Internet và các thiết bị truyền thông. Thế giới bây giờ là thế giới của smartphone, của tablet, của laptop, của ổ cứng di động chứ không còn là thế giới của những chiếc băng cassset, những chiếc radio hay những chiếc máy quay đĩa… như những ngày xưa nữa. Nhưng giờ đây, khi nhớ lại những món đồ từng là đỉnh cao công nghệ của một thời xa xưa ấy, không ít người, nhất là những người luống tuổi vẫn còn giữ lại không ít hoài niệm và lưu luyến về những món đồ xưa cũ đó.

Không giống như bây giờ, khi mà công nghệ xuất hiện ở khắp mọi nơi, trong nhiều lĩnh vực, con người có nhiều cách khác nhau để tận hưởng thú vui công nghệ của mình. Từ việc sở hữu những chiếc điện thoại thông minh hàng hiệu đắt tiền đến những máy vi tính cấu hình khủng, hiệu năng cao. Thú vui công nghệ của thời xa xưa chỉ gói gọn trong 2 lĩnh vực chính là âm thanh và hình ảnh. Và ở thời điểm cách đây mấy chục năm trở về trước, việc sở hữu cho mình những chiếc đầu quay đĩa khủng, những chiếc máy ảnh tân thời là ước mơ của rất nhiều người và chỉ có những cậu ấm cô chiêu của các gia đình khá giả mới có cơ hội tiếp cận với những sản phẩm đỉnh cao công nghệ của thời đại đó.

 

Máy quay đĩa

Máy quay đĩa có loa hình kèn, một trong những loại máy quay đĩa phổ biến nhất ở Việt Nam những năm đầu thế kỉ 20

Nếu bạn hay xem những bộ phim về đề tài Hà Nội, nhất là những bộ phim về Hà Nội thưở xa xưa kiểu như “Hà Nội mùa đông năm 46” chắc hẳn bạn sẽ không mấy xa lạ với hình ảnh những chiếc máy quay đĩa gật gù với bộ loa kèn đồng vàng sáng loáng. Và từ lúc nào, hình ảnh những bộ chiếc máy quay đĩa đó đã trở thành đặc trưng cho một Hà Nội thuở xa xưa, một Hà Nội hào hoa, thanh lịch nhưng không kém phần lãng mạn và tân thời.

Cùng ngược lại dòng lịch sử, những chiếc máy quay đĩa này xuất hiện cùng với làn sóng văn hóa Pháp tràn vào Việt Nam những năm đầu thế kỉ 20. Ít ai biết rằng, vào thời điểm sơ khai, những chiếc đĩa than ban đầu có hình dạng như những chiếc ống hình trụ, Người ta cuốn những tấm thiếc quanh một ống trụ và nhờ một mũi kim dao động theo các rung động của âm thanh, tạo ra các đường rãnh có độ sâu khác nhau trên tấm thiếc. Mãi về sau, người ta mới sử dụng đĩa kẽm để ghi lại những rung động của âm thanh thay cho các ống thiếc hình trụ và từ đó những thiết bị với tên gọi máy quay đĩa mới chính thức được ra đời.

Tủ máy hát sử dụng công nghệ bóng đèn điện tử hiệu Bradford của Mỹ, một món đồ xa xỉ ở miền nam Việt Nam hơn 4 chục năm về trước 

Có một điểm mà những chiếc máy nghe nhạc thời xa xưa ăn đứt những chiếc ipod hay những chiếc mp3, mp4 bây giờ, đó là độ bền tuyệt vời và khả năng hoạt động mà không cần nguồn năng lượng cố định của nó khi mà chỉ cần quay tay bằng dây cót, những chiếc máy nghe nhạc thời đó có thể hát suốt ngày đêm mà chẳng tốn một chút pin hay điện nào.

Với những người mà niềm đam mê sưu tầm những chiếc đĩa than cổ đã nhiễm vào máu, chắc không ai không biết rằng, một trong những ưu điểm nổi bật của những chiếc đĩa than là cực bền. Ít ai biết rằng, người ta có thể đem chôn một chiếc đĩa than dưới đất vài năm, sau đó đào lên và rửa sạch, ta vẫn có thể sử dụng nó một cách bình thường, đó là ưu điểm mà những thiết bị công nghệ bây giờ có nằm mơ cũng chẳng thể nghĩ đến. Tuy nhiên điểm đặc biệt nhất của đĩa than vẫn chính là âm thanh của nó, với âm thanh trong trẻo được tái tạo lại một cách hoàn hảo, đến mức mà nhiều tín đồ âm thanh ngày nay vẫn nhận xét rằng, âm thanh của đĩa than hoàn hảo đến nỗi những chiếc máy nghe nhạc kĩ thuật số hiện nay có phần không bì được.

Những loại máy quay đĩa này thường sử dụng những chiếc đĩa than thay vì đĩa CD như ở thời hiện đại

Để có thể thỏa mãn thú đam mê này vào thời điểm đó, quả thực không hề đơn giản. Vào những năm 50 của thế kỉ trước, cả HN chỉ có duy nhất một cửa hàng bán các loại đĩa than ở Bách hóa tổng hợp Tràng Ttiền, tuy nhiên nguồn hàng lại cực kì khan hiếm. Vậy nên để có thể theo đuổi niềm đam mê trên, nhiều người phải gửi mua tận nước ngoài mới có thể sở hữu cho mình những chiếc máy xịn hay những chiếc đĩa không có trên thị trường. Cầu kì là thế, tốn kém là thế nhưng ở Hà Nội thời đấy vẫn tồn tại không ít những tay chơi, những kẻ có thể gọi là tiền nhân của những fan cuồng công nghệ thời điểm bây giờ.

 

Đầu đọc băng cối

Một chiếc đầu đĩa băng cối mang nhãn hiệu Akai

Thời gian và sự tiến bộ của công nghệ dần dần cũng khiến cho thú chơi đĩa than và máy quay đĩa dần dần trở nên lỗi thời, sự xuất hiện của băng từ cùng với những chiếc đầu băng cối to bản dần dần xóa nhòa đi hình ảnh những chiếc máy quay cũ kĩ thưở trước.

Hẳn nhiều người trẻ khi nhìn những hình ảnh về những chiếc đầu băng cối thưở xưa không khỏi cảm giác xa lạ, khó gần nhưng ít ai biết rằng chỉ 3 4 chục năm trở về trước thôi, việc sở hữu một chiếc đầu đọc băng cối không phải là một điều đơn giản. Cồng kềnh, nặng nề cùng với 2 vòng quay băng to bản là đặc điểm dễ nhận thấy nhất của một chiếc đầu đọc băng cối. 

Đặc điểm dễ nhận thấy nhất của nó là 2 mâm tròn to đùng ở ngay mặt trước của máy

Khi mà truyền hình chưa phát triển, việc thưởng thức nghệ thuật bằng hình thức âm thanh là thú vui của nhiều người. Cùng với làn sóng nhạc vàng, băng cối hay băng Akai từng nổi đình nổi đám ở Việt Nam những năm 60 70 thế kỉ trước. Thời ấy, những người muốn gắn lên mình hai chữ sành điệu, thức thời đều không thể thiếu trong nhà một đầu băng cối to bản với những băng nhạc của các ca sĩ đang làm mưa làm gió trên những sân khấu ca nhạc thời bấy giờ như Phương Dung, Thanh Lan hay những tình khúc bất hủ nhạc Trịnh.

Ngoài nhãn hiệu Akai, những chiếc đầu đọc băng cối hiệu Teac cũng là những chiếc máy nghe nhạc nổi tiếng nhất thời điểm đó 

Hầu hết những chiếc đầu đọc băng cối ở thời điểm đó đều đến từ các thương hiệu Nhật bản như Akai, Teac. Để sở hữu những món đồ này, người ta có khi phải đặt mua tận bên Mỹ, Nhật và phải bỏ ra số tiền bằng cả gia tài của nhiều gia đình thời điểm đó. Người ta mê thú vui băng cối, đeo đuổi theo nó vì muốn hướng đến những âm thanh mộc mạc, nhẹ nhàng khi giọng hát bao trùm lên nhạc điệu.

 

Radio Đèn

Đây là chiếc Radio hiệu Orionton của Hunggary

Nhắc đến những món đồ công nghệ của một thời xa xưa. Còn một món đồ không thể không nhắc đến, đó là những chiếc Radio Đèn.

Tuy ở thời điểm hiện đại, với sự phát triển của truyền hình, những chiếc radio đã dần mất đi vị thế vốn có của nó, nhưng chỉ vài chục năm trở về trước thôi việc nghe tin tức hay thưởng thức một bản nhạc qua đài phát thanh là món ăn tinh thần không thể thiếu của rất nhiều người.

Những chiếc đài Vạn tường của Trung quốc cũng là sản phẩm phổ biến nhất thời điểm đó

Ở miền nam, người ta lại chuộng những chiếc đài Saba kiểu Mỹ

Những chiếc Radio tưởng chừng như có cấu tạo rất đơn giản nhưng ở vào thời điểm đó, việc sở hữu một chiếc Radio không phải là điều đơn giản một chút nào. Để sở hữu một chiếc Radio hiệu Zenith của Mỹ, Orionton của Hungary hay Hồng Đăng của Trung Quốc người ta thậm chí phải bỏ ra hàng mấy cây vàng. Vậy nên cũng là điều dễ hiểu khi những chiếc Radio như thế này thường chỉ xuất hiện trong gia đình những nhà khá giả ở thành phố, những hộ kinh doanh tiểu tư sản hay những cán bộ nhà nước trong thời kì bao cấp.

 

Ti vi cửa lùa hay tivi cửa xếp

Có thể thấy rõ một lớp cửa lùa mỏng ở mặt ngoài tủ đựng tivi

Vào thời điểm sở hữu một chiếc Radio cũng tốn hàng mấy cây vàng, tất nhiên một chiếc ti vi cửa xếp phải xếp vào hàng xa xỉ của xa xỉ phẩm. Đầu tiên là những chiếc tivi cửa xếp, cửa lùa sau đó là đến những chiếc tivi đen trắng hai râu hiệu Samsung rồi tivi Hitachi vỏ đỏ.

Dù có tuổi thọ rất lâu đời nhưng chiếc tivi này vẫn cho ta thấy rõ sự tinh tế của những người đã tạo ra nó

Trong từng thiết kế

Và chi tiết

Cho dù những linh kiện bên trong giờ đây đã bị ăn mòn và không còn hoạt động được nữa

Hẳn khi nhìn thấy hình ảnh này, những người may mắn từng một lần tiếp xúc đến những chiếc tivi vào thời điểm ấy ắt hẳn không thể quên được những kỉ niệm gắn liền với những ngày tháng khốn khó nhưng đầy ắp tiếng cười ấy. Đó là hình ảnh về chiếc tivi chập chờn lúc bật lúc tắt, là hình ảnh những đứa trẻ chốc chốc biến thành những “ông thợ nhí” khi liên tay đập bồm bộp vào chiếc ti vi để cho nó lên hình.

Hình ảnh chiếc tivi Hitachi vỏ đỏ cũng là một hình ảnh không thể nào quên trong tâm trí nhiều người

Thời điểm cách đây ba bốn chục năm, một chiếc tivi đen trắng thôi cũng đáng giá cả gia tài. Bởi vậy, khi sắm một chiếc tivi như vậy về nhà, chủ nhân của nó thường mau thêm một chiếc tủ để tivi có khóa. Cứ mỗi lần xem tivi xong là đóng tủ khóa lại để đề phòng kẻ gian hay lũ trẻ con hí hoáy nghịch ngợm. Nhưng có lẽ chính vì suốt ngày bị nhét trong những chiếc tủ kín mít như thế nên những chiếc tivi đó không thể thoát nhiệt được, thành ra lại càng dễ dở quẻ hơn, hình ảnh cũng chập chờn.

Đầu video

Những chiếc đầu video sử dụng băng từ cùng những bộ phim kiếm hiệp Trung hoa là những kí ức còn sống mãi trong lòng những người độ tuổi 7x, 8x

Nếu nói về các thiết bị công nghệ thời xưa mà không nói đến đầu video thì quả là một điều thiếu sót. Những chiếc đầu máy video bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào những năm cuối thập năm 80 đầu thập niên 90 của thế kỉ trước đã tạo ra một làn sóng phim truyện Hồng Kông, Đài Loan mạnh mẽ tràn vào Việt Nam. Ban đầu, những chiếc đầu video chỉ xuất hiện ở những gia đình khá giả nhưng chỉ một thời gian sau cùng với sự phát triển của xã hội, nó nhanh chóng được phổ biến và nhận được sử hưởng ứng từ tất cả mọi người.

Ở thời điểm đó, không một cậu thanh niên hay cậu nhóc mới lớn nào không biết đến các bộ phim kiếm hiệp cổ trang Trung Quốc, nhân vật Lý Tiểu Long với ngón võ Vịnh Xuân điêu luyện hay những người hùng theo phong cách Rambo của điện ảnh Mỹ. Và vào thời điểm đó, đầu video đã làm thay nhiệm vụ của các rạp chiếu phim vốn rất thiếu hụt và góp phần không nhỏ trong việc truyền bá các thành tựu của nền điện ảnh thế giới đến với khán giả Việt Nam. Những cửa hiệu cho thuê băng video mọc lên như nấm khắp nơi và nghề kinh doanh và cho thuê băng video trở thành một trong những nghề dễ sống nhất.

Tuy nhiên, chỉ sau đó không lâu, sự phát triển của đĩa VCD cùng các loại đầu đọc đĩa với chất lượng hình ảnh cao, tiện lợi hơn và giá thành rẻ hơn đã nhanh chóng đẩy đầu video cùng băng từ khỏi vị trí thống trị của và dần dần làm cho nó biến mất hoàn toàn trên màn hình của khán giả Việt.

 

Máy nhắn tin

Những chiếc máy nhắn tin như này từng là ước mơ của rất nhiều người trong những năm cuối thập niên 90 của thế kỉ trước

Dù là sản phẩm sinh sau đẻ muộn nếu so với các thiết bị ở trên, tuy nhiên dường như máy nhắn tin lại là thiết bị bị lãng quên nhiều nhất.

Ít ai còn nhớ rằng, chỉ hai chục năm trở về trước thôi, những chiếc máy nhắn tin nhỏ nhắn như thế này từng là đỉnh cao của nghành viễn thông và di động. Từ khi được chính thức phát triển thành một loại hình dịch vụ viễn thông tại Việt Nam vào năm 1994, những chiếc máy nhắn tin với sự nhỏ nhắn và tiện lợi của nó đã nhanh chóng trở thành niềm mơ ước của rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Những chiếc máy nhắn tin đầu tiên được sử dụng ở Việt Nam phần nhiều đến từ thương hiệu Motorola, sau đó mới đến Erickson và một vài tên tuổi khác.

Tuy nhiên, giờ đây những chiếc máy nhắn tin như thế này chỉ có thể được tìm thấy trong các bảo tàng

Với chi phí sử dụng dịch vụ có phần đắt đỏ, đương nhiên, việc sở hữu một chiếc máy nhắn tin vào thời điểm mà không phải ai cũng có thể tiếp cận với dịch vụ thoại cố định là một điều không đơn giản chút nào. Vậy nên, không có gì ngạc nhiên khi ngoài những gia đình có người nhà công tác trong ngành bưu điện, những cán bộ nhà nước cấp cao hay giới doanh nhân với nhu cầu thông tin cập nhật nhanh chóng ra, chỉ có những gia đình khá giả ở các thành phố lớn mới dám mơ tưởng đến loại hình dịch vụ đắt đỏ này.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian trị vì ngắn ngủi, với sự xuất hiện của những chiếc điện thoại di động cùng tính năng nhắn tin được tích hợp gọn gàng trên đó, những chiếc máy nhắn tin đã nhanh chóng trở nên lỗi thời và dần dần biến mất khỏi đời sống công nghệ đương thời. Chỉ sau đúng 10 năm hoạt động, vào năm 2004, dịch vụ này đã chính thức bị xóa sổ hoàn toàn ở Việt Nam. Và ít ai có thể ngờ rằng, cụm từ “máy nhắn tin” và những hình ảnh của nó lại trở nên xa lạ với những người trẻ đến vậy như ở thời điểm hiện tại.

Có thể nói, cùng với sự phát triển của xã hội, công nghệ luôn luôn có sự gắn bó mật thiết với con người. Tuy rằng mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống của nó là khác nhau trong từng thời điểm, nhưng không thể phủ nhận rằng, công nghệ luôn đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của xã hội. Hiểu biết về công nghệ, trân trọng những sản phẩm mà con người phải lao công khổ tứ để tạo ra nó cũng chính là cách chúng ta lưu giữ và duy trì ngọn lửa nhiệt huyết và đam mê trong mỗi con người.