Nhịp sống số

Người dùng Việt dần chấp nhận iPhone và BlackBerry hàng dựng

Người dùng Việt dần chấp nhận iPhone và BlackBerry hàng dựng

Tuy có nhiều model chính hãng giá tốt đang được phân phối trên thị trường, nhưng những chiếc BlackBerry và iPhone hàng tân trang xách tay về Việt Nam vẫn tiêu thụ được.

Bắt đầu gia nhập hội chơi BlackBerry khoảng một năm, Hoàng Quân (sinh viên trường ĐH Hồng Bàng, TP.HCM), đã sử dụng qua 4 đời máy. Hiện cậu đang dùng chiếc Bold 9900 bởi yêu thích thiết kế QWERTY của sản phẩm này. Mẫu smartphone đình đám hơn hai năm trước được Quân mới tậu với giá hơn 3 triệu, rẻ gấp 5 lần so thời kì hoàng kim của thiết bị. "Nó là hàng 'dựng', giờ ở Việt Nam khó tìm được một chiếc nguyên bản còn mới hay có giá rẻ như thế", Quân nói.

Hội chơi BlackBerry của Quân phần lớn là sinh viên, dân văn phòng. Cậu cho biết, quá nửa số thiết bị của các thành viên trong nhóm đều là máy dựng. "Một số người mới gia nhập sau khi mua Z10 chính hãng hạ giá gần đây. Tuy nhiên, Z10 hiện giờ cũng có hàng dựng nhiều", Quân chia sẻ.

Smartphone hàng dựng tràn lan trên thị trường là chuyện không mới đối với người tiêu dùng trong nước. Đến nay, iPhone và BlackBerry vẫn là hai thương hiệu xuất hiện nhiều hàng dựng nhất ở Việt Nam. Mặt hàng này hiện vẫn có đối tượng khách hàng riêng, bất chấp việc các hãng điện thoại đã có những mẫu di động giá tốt ở phân khúc tầm thấp.

Theo anh Ngô Trần Anh, kĩ thuật viên điện thoại di động tại một cửa hàng ở Q.10, TP.HCM, những chiếc BlackBerry và iPhone hàng dựng tại Việt Nam phần lớn được nhập từ Trung Quốc. Giới buôn có thể tùy chọn nhập bảng mạch, máy cũ tân trang hoặc mua "trọn gói" máy dựng bao gồm cả hộp và phụ kiện giả với nhiều mức giá khác nhau.

Hàng dựng có thể được nhập bao gồm cả hộp giả và phụ kiện từ Trung Quốc với nhiều mức giá khác nhau. Ảnh: JL.

Thông thường, các đầu nậu người Việt chọn mua máy riêng không kèm phụ kiện, sau đó "đánh hàng" về các cửa hàng điện thoại trong nước. Lúc này, các chủ cửa hàng có thể bán lại máy như hàng đã qua sử dụng, hoặc mua thêm hộp giấy giả (giá khoảng 50.000 đồng/hộp) và sạc cáp "lô" để đóng hộp lại như máy mới nhằm đánh lừa những người dùng thiếu kinh nghiệm.

"Hiện tại, BlackBerry đời cũ và iPhone 5 trở về trước là những mẫu điện thoại rất dễ mua trúng hàng dựng, do hãng đã ngừng sản xuất từ lâu", anh Phạm Ngọc Thành, một chủ cửa hàng ở Q.3, TP.HCM cho biết. Theo anh Thành, để nhận diện được BlackBerry hàng dựng thì cần nhìn vào tem bên trong máy, thử độ nảy bàn phím và "bung" máy để kiểm tra bo mạch xem đã bị "đóng" lại hay chưa.

"Các máy BlackBerry đời cũ như Bold 9900, 8700, 9780... được bán hiện nay trên thị trường đa phần có nguồn gốc từ Trung Quốc, đã được tân trang lại sau khi thu gom máy cũ về từ các thị trường ở châu Âu", anh Thành chia sẻ. Các khách hàng tìm đến BlackBerry đời cũ thường chấp nhận mua dù biết hàng dựng do giá đã quá thấp, chỉ cao hơn các mẫu điện thoại cơ bản vài trăm ngàn đồng.

BlackBerry đời cũ bán tại Việt Nam đa phần là hàng dựng, nhưng vẫn hút khách vì giá chỉ cao hơn những mẫu điện thoại cơ bản vài trăm ngàn đồng.

Ví dụ như mẫu BlackBerry Bold 9000 hiện chỉ còn ở mức 1 triệu đồng, Bold 9900 chỉ còn 2,7 triệu đồng, Bold 9780 được bán với giá 1,7 triệu đồng... "Mức giá này khiến người dùng không còn quan tâm đến nguồn gốc nữa. Thay vào đó, họ sẽ lựa chọn thương gia uy tín để dễ bảo hành và sửa chữa về sau", anh Thành cho biết. Riêng với các dòng máy tương đối mới và còn sản xuất như BlackBerry Z10, Q10... thì vẫn còn hàng mới và có thể mua được máy tốt nếu tìm đến đúng thương gia có uy tín.

Khác với BlackBerry, iPhone hàng dựng khó qua mắt được người dùng hơn nhờ vào chính sách quản lí chặt chẽ của Apple. "Người mua có thể kiểm tra lại số serial/IMEI của máy để xác định ngày kích hoạt và thời hạn bảo hành, nên hàng dựng thường bị phát hiện ngay ở bước này.

Khi bị phát hiện máy hết hạn bảo hành, cửa hàng thường nói với khách rằng máy bị 'trôi bảo hành do lưu kho' và cam kết bảo hành ngay tại cửa hàng". Ngoài việc kiểm tra số IMEI, các chi tiết in sơ sài trên vỏ hộp cũng là đặc điểm giúp người mua dễ nhận diện ra những chiếc iPhone dựng.

iPhone đời cũ hầu hết là hàng dựng nhưng vẫn ăn khách nhờ giá rẻ và sức hút thương hiệu. Ảnh: DL.

Tuy iPhone hàng dựng dễ phát hiện, nhưng mặt hàng này vẫn có một lượng người dùng nhất định. "Nhiều người biết là hàng dựng tân trang nhưng vẫn mua dùng. Lí do thứ nhất là vì giá rẻ (chỉ từ 6-7 triệu đồng với iPhone 5, trong khi các mẫu 3GS, iPhone 4 có giá từ 2 đến 4 triệu), thứ hai là sức hấp dẫn của thương hiệu iPhone", anh Đoàn Mạnh Hải, chủ một cửa hàng di động tại Q. Bình Thạnh, TP.HCM khẳng định.

Khi được hỏi, anh Hải cho biết cửa hàng mình không kinh doanh mặt hàng này vì tỉ lệ lỗi vặt như hư cảm ứng, hỏng phím Home... khá cao. "iPhone hàng dựng thường được dân buôn giả làm người dùng rao bán từng chiếc trên Internet để tránh trách nhiệm bảo hành", anh Hải chia sẻ.

Theo nhiều nhà bán lẻ, xu hướng smartphone giá thấp đang nở rộ tại Việt Nam. HTC, BlackBerry gần đây hạ giá điện thoại tới một nửa, giúp nhiều người dùng bình dân sở hữu được các model cao cấp. Tuy nhiên, các thiết bị mới chính hãng vẫn bị những model "dựng" nhập lậu rẻ hơn cạnh tranh.

Trong khi đó, Hoàng Quân cho rằng, với những người dùng mới như cậu, việc sở hữu một model cả chục triệu là quá sức. Hàng tân trang giúp Quân và nhiều bạn bè cùng nhóm có thể dùng được các thiết bị trông mới, thỏa mãn nhu cầu vọc vạch phần mềm, up ROM. "Dù đôi lúc, chúng có thể 'chết' bất đắc kì tử mà không được bảo hành", Quân thừa nhận.

Đọc thêm: Cảnh giác với BlackBerry Z10 "hàng dựng" đến từ Trung Quốc

Theo: Zing