Nhịp sống số

Nền tảng của Google Maps và vị thế trong tương lai

Nền tảng của Google Maps và vị thế trong tương lai

Google Maps đã trở nên quá nổi tiếng và quen thuộc với người dùng trên toàn thế giới. Mặc dù sử dụng hàng ngày nhưng những điều chúng ta biết về Google Maps thực sự là quá ít.

Đằng sau mỗi bản đồ trên Google Maps, còn có một bản đồ phức tạp hơn nhiều lần đóng vai trò là chìa khóa cho các truy vấn của của người dùng, nhưng đa số chúng ta lại không nhận ra sự tồn tại của nó. Bản đồ này chứa các thông tin logic về một địa điểm cụ thể: các biển cấm, tốc độ tối đa cho phép hay thậm chí cả tình hình giao thông được cập nhật theo thời gian thực. Đây chính là những dữ liệu được dùng để đưa ra thông tin cho người dùng khi họ yêu cầu phần mềm chỉ đường đi từ điểm A tới điểm B. Tuần trước, tôi đã được xem “tấm bản đồ” nội bộ này, đồng thời biết được cách mà nó hoạt động. Đây là lần đầu tiên Google để một người ngoài tiếp cận và tìm hiểu cách làm việc của dự án GT, hay “Ground Truth” của công ty.

Google đã đạt được một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển. Công ty được thành lập với mục tiêu ban đầu là một công ty tìm kiếm trực tuyến, kiếm tiền chủ yếu nhờ vào việc bán quảng cáo dựa trên những gì người dùng truy vấn. Rồi cuộc cách mạng di động bùng nổ. Vấn đề bạn đang tìm kiếm từ đâu giờ đây cũng quan trọng như bạn đang tìm kiếm điều gì. Google đã nhận ra điều này và nhanh chóng tạo ra một hệ điều hành di động, thương hiệu và hệ sinh thái mang tên Android – đối thủ đáng kể duy nhất của iOS rất thành công của Apple.

Nếu thực sự mục tiêu của Google là quản lý được toàn bộ thế giới thông tin, thách thức khó khăn nhất mà so với nó, lập chỉ mục các trang web chỉ là việc của trẻ con, chính là nắm được những “thông tin vật lý” trong thế giới thực – thế giới offline và làm cho nó trở nên dễ tiếp cận và hữu ích với người dùng, giống như những gì Google đã làm được với thế giới online.

Google Maps có một hệ thống các phần mềm khác phụ trợ

“Nếu nhìn vào thế giới thực mà chúng ta đang sống, có thể thấy rằng mới có một số ít thông tin đã được số hóa”. Manik Gupta, giám đốc cao cấp phục trách sản phẩm của Google Maps nói với tôi. “Việc mà chúng tôi đang làm là xóa nhòa khoảng cách giữa hai thế giới (online và offline), và hệ thống bản đồ của Google chính là công cụ để thực hiện điều đó.”

Đây không phải là một mối quan tâm suông. Hệ thống bản đồ trở thành một phần quan trọng của điện thoại ngày nay bởi nó chính là công cụ tương tác giữa thế giới thực và thế giới ảo. Nếu giống tôi, chắc hản bản đồ là ứng dụng bạn sử dụng nhiều nhất sau những tính năng cơ bản của điện thoại (gọi điện, nhắn tin, gửi email hay truy cập mạng xã hội)

Nền tảng của Google Maps và vị thế trong tương lai,Nền tảng của Google Maps,và vị thế trong tương lai,apple maps,Google,

Google Earth đã quá nổi tiếng

Hiện tại Google đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến với công ty lớn nhất thế giới – Apple – công ty mà dường như sẽ kiểm soát tương lai của điện thoại di động. Trong khi thế mạnh của Apple chủ yếu nằm ở thiết kế sản phẩm, quản lý chuỗi cung ứng và tiếp thị bán lẻ, lĩnh vực Google có lợi thế cạnh tranh rõ ràng nhất lại là thông tin. Dữ liệu về vị trí địa lý và các ứng dụng được xây dựng để sử dụng dữ liệu này – là địa bàn mà Google có thể giành được chiến thắng bằng cách là chính …Google. Trước đây không có quá nhiều thứ đáng lo ngại, bởi các thế hệ iPhones cũ vẫn sử dụng Google Maps, nhưng giờ đây Apple đã giới thiệu dịch vụ của riêng mình. Cách mà hai hệ điều hành Android và iOS kết hợp dữ liệu vị trí địa lý và triển khai thành sản phẩm cho người dùng cuối có thể sẽ trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu trong cuộc chiến hệ điều hành di động đang vô cùng gay cấn hiện nay.

Nền tảng của Google Maps và vị thế trong tương lai,Nền tảng của Google Maps,và vị thế trong tương lai,apple maps,Google,

Nhưng mặc khác, điều này cũng đòi hỏi phải thực sự xây dựng được một bản đồ tốt hơn.

***

Văn phòng nơi thực hiện dự án này của Google không phải là một nơi quá đặc biệt. Tất nhiên nó cũng có đồ ăn miễn phí, trò chơi ping pong, và cả phim hoạt hình được lấy cảm hứng từ Google Maps của Christoph Niemann. Nhưng thực sự nó vẫn chỉ là một văn phòng khiêm tốn nằm ở ngoại ô Mountain View.

Tôi đã được gặp Gupta và kỹ sư trưởng trong nhóm của ông, cựu kĩ sư của NASA Michael Weiss-Malik, người dành 20% thời gian mỗi ngày cho dự án Google Maps, cùng với Nick Volmar – vị kiến trúc sư trưởng phụ trách dữ liệu của Google Maps

“Nếu muốn tạo ra một bản đồ,” Weiss-Malik nói với tôi khi cả hai cùng ngồi trước một màn hình khổng lồ. “Cần phải trải qua vài bước nhất định. Đầu tiên là thu thập dữ liệu từ các đối tác. Convert và đưa dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau về cùng một định dạng. Tiếp đó là thực hiện một số thao tác kĩ thuật bằng tay để xử lý và bổ sung thêm thông tin. Vậy là chúng ta có một sản phẩm hoàn chính có giá trị hơn hẳn những nguồn ban đầu.

Họ bắt đầu với dữ liệu TIGER (Topologically Integrated Geographic Encoding and Referencing) từ Cục thống kê dân số Hoa Kỳ (dù dữ liệu này thường đến từ nhiều nguồn và nhiều quốc gia khác nhau).

Nhìn qua, dữ liệu này có vẻ đã khá hoàn chỉnh, các con đường được thể hiện đầy đủ và rõ ràng. Với người ngoài ngành, bản đồ này không có gì đáng phải phàn nản. Nhưng hãy quan sát kĩ hơn. Vấn đề ở đây là dữ liệu số không khớp với thế giới thực. Tôi đã đánh dấu một vài điểm như vậy ở dưới.

Và đó mới chỉ là so sánh giữa bản đồ và hình ảnh vệ tinh. Còn có một loạt các công cụ khác được Google sử dụng. Một trong số đó là Google đã kết hợp thêm dữ liệu từ các nguồn khác –  Cục khảo sát địa chất Mỹ. Nhưng các nhân viên của dự án Ground Truth cũng có một nguồn dữ liệu khổng lồ dành riêng cho dự án: Các xe Street View chuyên đi chụp ảnh và ghi lại lộ trình. Hoạt động với phương châm của Google: “dữ liệu tốt là dữ liệu chứa nhiều thông tin”, nhóm tạo lập bản đồ, chủ yếu thông qua Street View, tạo ra số lượng ảnh trong mỗi hai tuần nhiều hơn cả lượng ảnh Google chụp trong cả năm 2006.

Hãy để ý một chút để đánh giá đúng sự táo bạo của Google – Một công ty đơn lẻ quyết định cho các ô tô được trang bị camera đặc biệt đi khắp nơi có thể để thu thập dữ liệu. Tổng quãng đường mà các xe của Google đi giờ đây đã lên đến 5 triệu dặm. Mỗi xe như vậy đều mang về cho Google hai loại dữ liệu vô cùng quan trọng trong việc tạo lập bản đồ. Dữ liệu đầu tiên chính là đường đi của các xe. Dữ liệu thứ hai chính là các bức ảnh chụp được. Và điều quan trọng mà các hình ảnh Street View mang lại là Google có thể sử dụng các thuật toán để phân tích các biển báo giao thông để tích hợp thông tin vào bản đồ bằng công cụ mang tên Atlas của họ. Ví dụ như với một điểm giao nhau phức tạp như thế này ở trung tâm San Francisco, mọi thứ sẽ trông giống thế này:

Google Street View vốn không được tạo ra để xây dựng bản đồ theo cách này, nhưng nhóm phụ trách đã nhanh chóng nhận ra rằng ứng dụng công nghệ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xác thực các thông tin bản đồ của hãng. Không nói quá, nhưng những gì bạn thấy ở trên mới chỉ là một phần rất nhỏ mục đích của Google khi xây dựng các nhóm Street View. Hãy tưởng tượng đến các web crawler (các chương trình tự động lấy thông tin từ nhiều nguồn khác nhau) đang đi ra ngoài và tìm kiếm thông tin, nhưng không phải trong thế giới số mà là trong thế giới thực. Đó chính xác là những gì mà các xe của Google đang thực hiện. Ứng dụng đầu tiên mà bạn đã thấy là tìm kiếm các biển báo (và cả địa chỉ) để Google Maps có được các thông tin về hệ thống vận tải của chúng ta. Nhưng với khả năng của máy tính và sự cải tiến các hệ thống phân tích hình ảnh (OCR), mọi dòng chữ xuất hiện trong ảnh của Google đều có thể trở thành một phần chỉ mục của hãng về thế giới thực.

Phó chủ tịch của Google Maps Brian MacClendon đã tự hào tuyên bố: “Chúng tôi hoàn toàn có khả năng sắp xếp các thông tin có trong thế giới thực nếu chúng tôi được chụp ảnh và lưu giữ chúng”. McCledon nói. “Chúng tôi thực sự mới chỉ sử dụng khả năng này để tạo lập bản đồ với việc trích xuất tên và địa chỉ các tuyến phố từ các bức ảnh, nhưng trong tương lai nó còn có nhiều ứng dụng to lớn khác.”

Vậy thực sự những ứng dụng khác là gì. “Giờ đây chúng tôi đã sở hữu thông tin mà chúng tôi gọi là‘view code’ của 6 triệu doanh nghiệp và cửa hàng và 20 triệu địa chỉ trên khắp thế giới. Ví dụ đơn giản là bằng cách đối chiếu logo, chúng tôi có thể biết chính xác địa chỉ của tất cả các quán KFC. Chúng tôi có thể xác định và hiểu được nội dung  của từng pixel mình thu về. Về cơ bản, đó là những gì công ty đang hướng tới.”

Hiện tại, việc các máy tính có thể trực tiếp hiểu được nội dung của những bức ảnh từ Street View vẫn là việc của tương lai. Cách tốt nhất để xem xem có được rẽ trái ở một ngã tư hay không là vẫn phải có người theo dõi biển báo, dù đó là biển báo trực tiếp, hay được chụp lại trong một bức ảnh của xe Street View.

Hãy nghĩ đến một dự án ấn tượng khác của Google: Google Translate. Công cụ tưởng như một trí thông minh nhân tạo này thực ra chỉ là sự kết hợp của rất, rất nhiều bộ óc con người. Công cụ Translate làm việc dựa trên những đoạn văn dài đã được con người (mà cụ thể là những người làm việc và đóng góp cho dự án Google Translate) dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau. Từ đó máy tính sẽ có thể “dịch” các từ và đoạn văn bản dựa trên việc đối chiếu với những thông tin có sẵn. Thuật toán ở đây không thực sự phức tạp. Nó làm việc hiệu quả vì đã có một số lượng lớn dữ liệu (chính là những gì người ta đã dịch từ trước) được tích hợp sẵn.

Dự án Google Maps cũng đang làm điều tương tự. Con người đang mã hóa từng chút một các thông tin logic về các tuyến đường và tích hợp vào sản phẩm để máy tính có thể sử dụng và đưa ra các chỉ dẫn cho người dùng. Công việc thực sự của máy tính ở đây chỉ là lặp lại các chỉ dẫn đã được con người ra quyết định từ trước.

Điều này được Nick Volmar tiết lộ khi đang cho tôi xem Atlas, cùng lúc với khi Weiss-Malik và Gupta giải thích cho một kẻ ngoại đạo như tôi. Anh ấy sử dụng có lẽ phải đến 25 phím tắt trên bàn phím để chuyển đổi giữa các loại dữ liệu được sử dụng trên bản đồ, với một tốc độ gõ làm tôi liên tưởng đến một desiner lành nghề của Adobe hay một game thủ Starcraft chuyên nghiệp. Rõ ràng rằng Volmar đã phải dành ra hàng nghìn giờ đồng hồ làm việc với đống dữ liệu này. Weiss-Malik nói rằng cần đến vài trăm người làm việc để xây dựng hoàn chỉnh bản đồ cho một quốc gia. (Có lời đồn rằng phần lớn những người này làm việc tại văn phòng Bangalore, nơi mà từ đó Gupta đã được đề bạt).

Nền tảng của Google Maps và vị thế trong tương lai,Nền tảng của Google Maps,và vị thế trong tương lai,apple maps,Google,

Biểu tượng này quá quen thuộc với người dùng hiện nay

Nỗ lực của các nhân viên làm việc cho Google Maps thật đáng khâm phục. Những tuyến đường đã được số hóa như bạn thấy ở trên đều là công sức của những con người cần mẫn và chăm chỉ ở đây. Kỉ niệm đáng nhớ nhất của tôi ở đây là khi được nhìn thấy một vài trong số hàng nghìn report về Google Maps được gửi về mỗi ngày từ khắp mọi nơi trên thế giới. Nhóm làm việc sẽ cố gắng giải quyết các vấn đề có thể khắc phục ngay được trong vòng vài phút. Thỉnh thoảng lại có một report phàn nàn rằng Google đã không cập nhật một con đường nhỏ mới xây dựng ở một vùng quê xa xôi nào đó. Ảnh vệ tinh đã không cho thấy sự thay đổi này, vậy là các xe Street View lại lên đường, đến tận nơi để chụp ảnh và cập nhật những lộ trình mới, chính xác một cách hoàn hảo.

Volmar bắt tay vào sửa chữa một vài lỗi nhỏ trên bản đồ, nhanh chóng “vẽ” một con đường mới và kết nối nó với hệ thống đường xá có sẵn. Anh làm khá vội vàng (có lẽ cảm thấy áp lực khi xung quanh có ba người (bao gồm cả tôi) đang chăm chăm theo dõi từng hành động của mình), vòng tròn được vẽ ra đã không được đẹp cho lắm. Weiss-Malik và tôi chuyển sang nói về một chủ đề khác trong vài phút để Volmar tập trung làm việc. Khi tôi nhìn lại, anh đã vẽ lại vòng tròn với một độ chính xác hoàn hảo, đồng thời nâng cấp thêm một vài chi tiết khác. Công việc ở đây luôn đòi hỏi sự chính xác và tỉ mẩn như vậy.

Và giờ tấm bản đồ sẽ trông như thế này:

Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra một vài nâng cấp đáng kể so với bức ảnh trước đó. Ở chính giữa bên trên, những con đường mòn đã được thể hiện và gắn code “dành cho người đi bộ”. Khu vực đỗ xe cũng đã được vạch ra. Những con đường nhỏ cũng đều đã được số hóa kèm theo chỉ dẫn giao thông. Các tòa nhà được khoanh vùng. Tại mỗi ngã tư đều có hướng dẫn chi tiết phân định chính xác ô tô có thể hay không thể rẽ ở đâu.

Giờ hãy thử tưởng tượng cũng là những công việc như vậy, nhưng không phải chỉ làm với một khu phố nhỏ, mà là toàn bộ bản đồ của nước Mỹ, cộng thêm 30 quốc gia khác trên khắp thế giới trong 4 năm vừa qua. Mọi con đường đều được thể hiện chính xác, mọi ngã tư đều có hướng dẫn cụ thể, mọi con đường mới đều được cập nhật trong vài ngày. Thật khó có thể tưởng tượng được toàn bộ khối lượng công việc. Và cũng chắc chắn rằng Google sẽ không thể làm được điều này nếu không phải là có hàng nghìn kỹ sư như hiện nay, mà chỉ là vài chục con người nhỏ bé.

Tôi đã bị thuyết phục rằng khó có công ty nào ngoài Google có thể tạo ra được một cơ sở dữ liệu về địa lý khổng lồ đến vậy. Bí mật ở đây, có lẽ không giống như những gì bạn mong đợi, không phải là ở máy móc, mà chính là nằm ở ý chí và quyết tâm của các nhân viên Google trong việc kết hợp và xử lý các dữ liệu của thế giới thực. Những gì máy tính làm, cũng giống như ở Google Translate, chỉ là đối chiếu và cung cấp cho người sử dụng những dữ liệu đã được xử lý này.

Có lẽ tốt hơn là không nên coi Google Maps chỉ giống như một tấm bản đồ bằng giấy thông thường. Hệ thống dữ liệu về địa lý là minh chứng rõ ràng nhất cho một bước tiến vượt bậc từ bản đồ giấy, giống như nhân loại đã đi từ bàn tính trong quá khứ tới máy tính ngày nay. “Tôi thành thật cho rằng chúng ta đang được chứng kiến một cuộc cách mạng trong ngành bản đồ, vượt qua cả bước cải tiến từ các bản thảo viết tay thành các bản in hàng loạt trong thời kì Phục hưng.Đó đã từng là một bước tiến lớn, nhưng cuộc cách mạng bản đồ hiện tại còn lớn hơn thế rất nhiều.”  Sử gia chuyên nghiên cứu về bản đồ của đại học London Jerry Brotton trả lời phỏng vấn tờ Sydney Morning Herald.

Khái niệm “bản đồ” với đại đa số chúng ta đã từng là một giờ giấy to đùng được gấp gọn gang đặt trong túi áo với những đường kẻ và chỉ dẫn phức tạp. Giờ đây, với sự phát triển của công nghệ, cùng với sự đóng góp của những con người như Nick Volmar, bản đồ đã được gói gọn trong một màn hình 4 inch, có khả năng tương tác trực tiếp với người dùng.

Bản đồ giấy truyền thống dần "tuyệt chủng"

Mỗi khi bàn về tương lai của bản đồ, chúng ta vẫn thường nhắc đến giấc mơ Borgesian về một tấm bản đồ tỉ lệ 1:1 của toàn thế giới. Có vẻ thật nực cười với ý tưởng chúng ta cần một bản đồ khổng lồ miêu tả hoàn chỉnh toàn bộ thế giới, trong khi bản thân chúng ta đã đang có chính thế giới đó. Nhưng để hiểu được quan điểm của học giả Nathan Jurgenson một cách nghiêm túc, chúng ta cần phải tin rằng mỗi không gian thực tế (physical space) đều có hàm chứa thông tin, vậy nên mỗi không gian này, nói cách khác, cũng là một không gian thông tin (information space). Mỗi người chúng ta đều đang lưu giữ trong đầu mình một bản đồ Borgesian về những nơi mà chúng ta đã đi qua, sử dụng nó để xác định đường và tính toán trong không gian thực tế. Chiến lược của Google chính là kết hợp những “bản đồ trong tâm trí” đó thành một cơ sở dữ liệu mọi người dễ dàng truy cập và sử dụng.

Công cụ MapMaker của công ty là minh chứng rõ ràng nhất cho tham vọng của Google. Dự án này đã từng được điều hành bởi Gupta khi anh còn đang ở Ấn Độ. Nó giống như một bước nâng cao nữa của chương trình Ground Truth khi mọi người đều có thểm tham gia chỉnh sửa Google Maps bằng cách bổ sung thêm các thông tin, cột mốc hay dữ liệu của mình vào cơ sở dữ liệu khổng lồ của Google. Đó chính là cách công thu thu thập thông tin từ bộ não con người và Internet bằng việc, giống như đối thủ Open Street Map đang làm, khai thác trí tuệ cộng đồng.

Nền tảng của Google Maps và vị thế trong tương lai,Nền tảng của Google Maps,và vị thế trong tương lai,apple maps,Google,

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà công nghệ tương tác thực tế ảo (AR) đang nở rộ và phát triển, cả online và offline. Các dữ liệu về địa lý của Google có thể sẽ sớm trở thành tài sản có giá trị nhất, không phải vì bản thân dữ liệu, mà là vì ứng dụng của nó khi được kết hợp với các sản phẩm truyền thống khác của công ty.

Hay giống như những gì bạn tôi, tiểu thuyết gia viễn tưởng Robin Sloan, nói với tôi: “Tôi dám chắc rằng đó sẽ là tài sản cốt lõi của Google. 50 năm nữa, Google sẽ trở thành công ty cung cấp các xe tự hành (self-driving car) (dựa vào chính nguồn dữ liệu bản đồ đồ sộ này), ah, có lẽ lúc đó họ vẫn duy trì một công cụ tìm kiếm ở đâu đó.”

Mảnh ghép cuối cùng Google cần để hoàn thành cơ sở dữ liệu địa lý của mình và làm cho nó trở nên thực sự quan trọng chính là người sử dụng dịch vụ. Nói cách khác, Google muốn có câu trả lời cho câu hỏi “Bạn đang ở đâu lúc này”. Vị trí của bạn chính là yếu tố giúp cho cả hệ thống khổng lồ của Google hoạt động. Để làm được điều đó, Google đã dày công xây dựng và mời gọi mọi người sử dụng một sản phẩm vô cùng tuyệt vời. Và có lẽ ngày nay rất ít người khi cần sử dụng bản đò hay hệ thống dẫn đường, lại chưa một lần sử dụng Google Maps