Máy ảnh

Chưa chụp máy ảnh phim, khó thành thợ ảnh chuẩn!

Chưa chụp máy ảnh phim, khó thành thợ ảnh chuẩn!

Ở thời đại giao thoa giữa những tiến bộ của công nghệ mới cùng với những giá trị hoài cổ còn xót lại, ngay trong ngành ảnh, có một cuộc chiến âm ỉ bấy lâu nay giữa 2 thế hệ, 2 thể loại, đó là nhiếp ảnh số và nhiếp ảnh phim.

Nhiếp ảnh với máy kỹ thuật số tuy chỉ mới xuất hiện mấy chục năm trở lại đây, nhưng nhờ những tiện ích và sự hữu dụng trong kỷ nguyên số hoá, nó đã biến những chiếc máy ảnh phim, những nhà sản xuất phim đến bờ vực tuyệt chủng. Tuy vậy, “Film Never Die”, nhiếp ảnh phim sẽ không bao giờ chết, bởi vẫn còn đó những người yêu phim đến cuồng đạo, những “chất” của phim, của chụp ảnh phim mà máy số không bao giờ có được.

Stephen Dowling, một cây viết, đồng thời là nhiếp ảnh gia lâu năm sống tại Anh vừa qua đã có bài chia sẻ khá tâm huyết về chuyện ảnh số - ảnh phim. Ông nêu ra 8 lý do mà những người chụp ảnh số hiện nay nên ít nhất một lần thử sống với máy phim.

Theo Stephen, chụp ảnh là chuyện của sở thích và đam mê trong mỗi người, cái quan trọng nhất hướng đến vẫn là một bức ảnh đẹp. Máy số hay máy phim đều có những cái hay riêng mà không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên rất nhiều những thợ ảnh trẻ hiện nay, họ sinh ra trong thời đại số với việc ít được tiếp xúc với nhiếp ảnh analog, những lo ngại về sự tốn kém và phiền phức đã ngăn cản họ thử chơi máy phim. Đây thực sự là một điều đáng tiếc.

Và nếu bạn đang lưỡng lự chuyện có nên chụp ảnh phim hay không, hãy tham khảo 8 lý do mà Stephen Dowling đưa ra dưới đây về lợi ích của chụp ảnh phim: 

Nó khiến bạn chậm lại

Với máy ảnh số, chẳng có gì khiến chúng ta có thể ngừng chụp cả. Bằng chiếc máy ảnh hay smartphone trong tay, bạn sẽ chụp bất cứ cái gì thấy đẹp, rồi đăng tải lên Facebook, Instagram,… Chúng ta bấm chụp hàng tá những bức ảnh mà không cần đắn đo hay suy nghĩ gì về chúng.

Nhưng với máy phim lại khác. Mỗi cuộn phim lại mang đến một sự “ép buộc” khác nhau, khi chúng chỉ có thể chụp 12, 24 hay 36 kiểu. Điều này sẽ buộc chúng ta phải cân nhắc trong từng lần bấm máy, nó sẽ khuyến khích bạn học cách kiên nhẫn.

Không có tốc độ chụp 5 fps đâu, hãy chọn một khoảnh khắc đẹp nhất rồi bấm chụp.

Một vài loại máy phim cao cấp như Canon EOS-1 hay Nikon F5 đã dần tiến tới ngưỡng của nhiếp ảnh kỹ thuật số với khả năng tự động cao, giúp bạn có thể chớp khoảnh khắc tốt hơn. Nhưng nếu thực sự cần tốc độ, hãy chọn một chiếc máy ảnh kỹ thuật số ấy!

Với sự “chậm” đó, chụp phim còn mang đến cho chúng ta những kinh nghiệm mang tính thiền định hơn. Một cuộn phim 36 kiểu, có thể được chụp trong một giờ, một ngày hay cả tuần cả tháng, nhưng những điều mà nó mang lại cho bạn sẽ khác xa so với việc dùng máy kỹ thuật số mà chỉ biết bấm-bấm-và bấm. Chậm trong mỗi lần chụp, chậm cả trong việc lấy ảnh, thế nhưng sự chờ đợi sẽ giúp chúng ta tạo nên những thứ đáng giá hơn, nhưng bức ảnh đẹp và ý nghĩa hơn bạn tưởng.

Kỷ luật hình thành từ những giới hạn

Theo Stephen, giới hạn lớn nhất của chụp ảnh phim đến từ chi phí. Bạn cần bỏ tiền ra mua phim, mua dụng cụ tráng rửa hoặc mang ra hiệu nếu muốn có những bức ảnh (chẳng hạn như tại Việt Nam, chi phí trung bình rẻ nhất với chụp ảnh phim là khoảng 50.000đ cho một cuốn phim 36 tấm, cộng với 30.000đ cho việc tráng và scan ra ảnh).

Với con số đó, chẳng ai có thể (dám) chụp tới 500 tấm một ngày, trừ khi bạn là người chụp ảnh kiếm tiền. Đó có thể sẽ là nỗi thất vọng cho những ai muốn chụp thật nhiều để rèn luyện, nhưng ngược lại, giới hạn này sẽ tạo nên kỷ luật cho người chụp, và từ đó, mỗi bức ảnh của bạn sẽ chất lượng hơn rất nhiều.

Phim khổ lớn (6x6) có chi phí mua phim và tráng rửa cao. Cái giá để có được tấm hình này lên tới vài chục đến cả trăm ngàn đồng. Ảnh: Tuấn Đỗ

Stephen lấy ví dụ về chính bản thân ông, với những cuốn phim khổ 6x6 (Medium Format) vốn chỉ có 12 tấm/cuộn, tỷ lệ ảnh “dùng được” cao hơn nhiều so với khi dùng film khổ thường (35mm) vốn có giá rẻ hơn.

Giá cao cho mỗi khung hình chính là yếu tố giúp chúng ta phải cẩn trọng trong từng lầm bấm máy, khác hẳn với sự thoả mái đến cẩu thả của máy kỹ thuật số. 

Chụp ảnh phim không có chỗ cho những sai lầm cẩu thả như thế này.

Trải nghiệm xúc giác thực sự

Chụp ảnh bằng một chiếc DSLR hay một chiếc SLR, chúng ta cũng đều được trải qua các công đoạn cơ bản của việc chụp ảnh như: gắn ống kính, lấy nét, điều chỉnh tốc, khẩu độ, nheo mắt qua kính ngắm, bấm nút chụp,… Chụp ảnh bằng điện thoại thì sẽ đơn giản hơn và giảm bớt nhiều thao tác, mọt thứ đều có trên màn hình và thậm chí, bạn chỉ bấm duy nhất nút chụp. So với chụp ảnh truyền thống, Stephen Dowling ví von chụp ảnh bằng di động giống như trẻ em chơi game trên màn hình vậy.

Chụp ảnh là một nghi lễ.

Với những ai yêu thích chụp ảnh với máy phim cũ, họ đều đồng ý rằng, chụp ảnh phim cần nhiều thao tác hơn, chẳng hạn như mở nắp để lắp phim sau khi chụp hết, kéo cò lên phim liên tục,… và buộc phải sử dụng đến 2 tay. Tuy vậy, người chụp thường coi đó giống như một “nghi lễ thiêng liêng” của việc tạo ra một bức ảnh vậy. Mà đã là nghi lễ thì không thể qua loa, hời hợt được, tất cả các thao tác đó đều được làm với một cảm xúc đặc biệt mà không loại máy kỹ thuật số nào có được.

Thoát khỏi những màn hình

Mỗi ngày trong cuộc sống này, chúng ta sẽ phải tiếp xúc với hàng tá những màn hình khác nhau: Màn hình smartphone, TV, máy tính, đồng hồ thông minh. Các hãng máy ảnh hiện nay cũng ngày càng tích hợp nhiều tính năng cho sản phẩm của mình, đến nỗi màn hình máy ảnh không còn tác dụng chính là hiển thị ảnh nữa. Điều này ảnh hưởng ra sao đến bức ảnh ư?

Chẳng hạn bạn đang dùng chiếc smartphone của mình để ghi lại một khoảnh khắc kỳ diệu nào đó, bất chợt một thông báo từ Facebook hay một email cần trả lời nhảy đến, cảm xúc với khung hình của bạn sẽ không còn nguyên vẹn nữa. Chụp ảnh trên máy phim sẽ kéo bạn khỏi những ảnh hưởng từ màn hình điện tử, tất cả chỉ là một khung ngắm với cảnh tượng trước mắt.

Stephen hóm hỉnh nói, ông có một chiếc máy ảnh cổ dòng Zenit E có giá chỉ 4 bảng (chưa đến 200.000đ), thế nhưng nó còn mang đến cảm giác chụp thích hơn những thiết bị thông minh khác, bởi ít nhất nó không bắt ông đọc email khi ông đang cố gắng chụp một bức ảnh.

Chỉ cần chụp, không cần chỉnh sửa

Có một thực tế về mỗi bức hình, chúng thường chỉ mang lại cảm xúc mãnh liệt cho người chụp một lần duy nhất, đó là lần đầu tiên họ nhìn thấy nó.

Trong khi đó, ảnh số gắn liền với những phần mềm chỉnh sửa. Một bức ảnh được đánh giá là đẹp, hiếm khi không phải trải qua những phần mềm như Photoshop hoặc Lightroom.

Cảm xúc khi chụp và cảm xúc khi chỉnh ảnh. Nếu 2 cảm xúc này khác nhau, tức là bạn không giữ được cảm xúc của mình với khung hình đó, và sẽ khó mà tái hiện hoàn hảo khoảnh khắc chúng ta nhìn thấy được. Cái niềm hứng khởi sẽ bớt đi khi chúng ta bắt tay vào khâu hậu kỳ.

(Để kiểm chứng, hãy thử mở lại những bức ảnh số mà bạn chụp cách đây 1 tuần hay 1 tháng mà bạn từng tâm đắc, cảm hứng của bạn có được nguyên vẹn như khi vừa chụp xong hay không? Tôi cá là không.)

Những nhiếp ảnh gia thành công thường làm khá tốt trong việc duy trì cảm xúc của họ với mỗi shot hình, nhưng không phải ai cũng làm được điều đó.

Trong khi với chụp ảnh bằng máy phim, bạn sẽ không có màn hình xem trước, không có những khâu chỉnh sửa phức tạp, bức ảnh ghi lại nguyên vẹn khoảnh khắc mà chúng ta nhìn thấy khi chụp.

Học được cách "Đọc ánh sáng"

Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã mang đến cho chúng ta những chiếc máy ảnh với khả năng tự động tốt. Chúng có khả năng “đọc” ánh sáng chính xác, qua đó đưa ra các thông số chuẩn cho một lần chụp, điều mà hầu hết chỉ những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thực sự làm được.

Tuy vậy, sự phụ thuộc vào máy khiến cho người thợ ảnh hiện đại giảm dần khả năng hiểu về ánh sáng – thứ cốt lõi tạo nên hình hài cho một bức ảnh.

Với chụp ảnh phim, đặc biệt là những chiếc máy cổ, người chụp sẽ phải tự nhìn, cảm nhận ánh sáng và đưa ra thông số khẩu độ, tốc độ thích hợp, tuỳ theo giá trị phơi sáng mà mình mong muốn. Qua các lần chụp thử - sai, bạn sẽ học được cách điều khiển ánh sáng vào phim đúng như ý muốn. Khi quay lại chụp với máy số, chắc chắn những kinh nghiệm đó sẽ giúp ta trở nên chuyên nghiệp hơn, bởi đôi khi trong nhiều trường hợp, khả năng đo sáng của máy ảnh số chưa chắc đã chính xác và vẫn cần sự can thiệp từ người chụp.

Mỗi cuốn phim là độc nhất vô nhị

Phim là một thứ cực kỳ nhạy cảm với môi trường. Nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng,… đều có thể ảnh hưởng đến chất lượng phim. Thế nên ngay từ khi ra khỏi nhà máy, những cuốn phim của chúng ta đã bắt đầu “bị phá huỷ” theo một cách nào đó, cho dù quá trình này xảy ra theo một cách rất chậm. Một vài người còn bảo quản phim bằng cách cất giữ trong tủ lạnh để giảm quá trình thoái hoá.

Chính vì lẽ đó, trên thực tế, sẽ không có một cuốn phim nào trên thế giới có thể giống hệt cuốn phim của bạn. Cuốn phim sẽ là độc nhất vô nhị, và ngay cả khi đã hết hạn thì cũng vẫn tạo ra những hiệu ứng hình ảnh không-đụng-hàng.

Phim hỏng vẫn mang đến những hình ảnh với hiệu ứng lạ mắt. Trong hình là bức ảnh bị hỏng, do người chụp vô tình để lọt phim ra ngoài ánh sáng.

Chụp ảnh phim, chúng ta sẽ được sở hữu một bức ảnh thú vị như vậy. Cho dù các ứng dụng chỉnh ảnh như VSCO hay Instagram có cố gắng đến đâu để tạo ra những bộ lọc ảnh phim, chúng vẫn sẽ chỉ là những bộ lọc lặp đi lặp lại, khó tạo nên sự đặc biệt thực sự như khi chụp bằng phim.

Sự chờ đợi

Sau chuyến du lịch cả tuần, bạn mới có thể scan xong và biết bức ảnh kỷ niệm của mình như thế nào. Đây có vẻ như là sự ép buộc chờ đợi “độc ác”, nhất là khi chúng ta đã quen với việc chụp ảnh và đăng lên mạng xã hội ngay lập tức. Những hình ảnh, dĩ nhiên là để nhìn và để chia sẻ với thế giới, nhưng hãy thử nghĩ xem, có thực sự bạn cần chia sẻ hình ảnh đi chơi của mình ngay lập tức hay không?

Khi in ảnh, chúng ta dường như sống lại cảm giác của thời điểm chụp.

Stephen Dowling cho biết, ông từng có những cuốn phim mà sau khi chụp, &ococirc;ng tráng với hoá chất chống quang hoá, sau đó cất giữ cuộn phim vào một chỗ kín đáo nhất. Vài tháng, vài năm, đến cả thập kỷ sau, cuộn phim mới được mang ra để rửa thành ảnh.

“Những người bạn ở Istanbul, lễ hội mùa hè trên một hòn đảo ở Hà Lan, cuộc đi bộ khắp Romani hay một chủ nhật đầy nắng trên bãi biển Brighton,… tôi có cảm giác như mình lại được đi du lịch một lần nữa, ngay khi nhìn lại những bức ảnh đã chụp các đây hàng năm trời.”, Stephen chia sẻ.

Đó là 8 lý do mà Stephen Dowling nêu ra nhằm khuyên các nhiếp ảnh gia hiện đại nên thử chụp máy phim một lần. Dĩ nhiên mỗi thời mỗi khác và dù công nghệ có thay đổi thì cách thức để có một bức ảnh vẫn không khác nhiều, đó là cách “hứng” ánh sáng vào cảm biến (hoặc phim) để hình ảnh được ghi lại trên đó.

Nhiếp ảnh số giúp chúng ta có những thể ghi lại những khoảnh khắc một cách nhanh chóng, tiện và rẻ, lưu trữ mãi mãi cũng như thoả sức sáng tạo nhờ những ứng dụng làm hậu kỳ, nhưng nhiếp ảnh phim lại mang đến cho chúng ta sự chậm rãi, tỉ mỷ trong mỗi lần bấm máy, cũng như chất ảnh và cảm giác chụp có một không hai.

Nếu có cơ hội, hãy thử cả hai và kết hợp những cái hay của cả 2 thể loại này, khi đó chụp ảnh sẽ thực sự là điều thú vị.

 

Máy ảnh gia và nhiếp ảnh gia: Đạo bất đồng bất tương vi mưu

(Techz.vn) Nhiếp ảnh gia và máy ảnh gia là hai trường phái có truyền thống đối chọi nhau gay gắt từ nhiều năm nay. Tuy chỉ khác nhau một chữ duy nhất nhưng người đời thường nói rằng “đạo bất đồng bất tương vi mưu”, khó!