Blog công nghệ

Bỏ tiền mua Smartphone màn hình 2K : liệu có đáng ?

Bỏ tiền mua Smartphone màn hình 2K : liệu có đáng ?

Xu thế màn hình độ phân giải cao đã dần tiếp cận đến người tiêu dùng, những chiếc tivi lớn có độ phân giải QHD, UHD hay chuẩn video đều dần tiến sát đến chuẩn độ nét này. Bên cạnh đó những chiếc điện thoại thông minh, cánh tay phải đắc lực của chúng ta cũng đã sẵn sàng chạy đua. Tuy nhiên, liệu đến bây giờ, câu hỏi đặt ra rằng chuẩn màn hình 2K và thậm chí 4K liệu có cần thiết? Chuẩn video 2K có thực sự mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng hay không?

Chuẩn hoá 2K

Chỉ trong vòng vỏn vẹn gần 5 năm phát triển, độ phân giải màn hình liên tục được tăng cao kèm theo đó là xu hướng to dần theo năm tháng về kích thước. Độ phân giải được tăng từ 480 x 800 px lên 540 x 960 px rồi đến HD 720p, FullHD 1080p và cho đến nay đã chạm ngưỡng 2K (QHD). Một màn hình chỉ nhỏ bằng bàn tay lại sở hữu độ phân giải của một chiếc màn hình tivi cồng kềnh. Công nghệ đúng là tuyệt vời.

Màn hình 2K là xu hướng công nghệ trang bị smartphone năm 2014

Màn hình 2K có độ phân giải 2560 x 1440 px được giới thiệu lần đầu vào năm 2012 và chính thức có một sản phẩm thương mại hóa là chiếc Vivo Xplay 3S một thiết bị đến từ Trung Quốc vào cuối năm ngoái. Mọi dự đoán đều nhằm đến năm 2014 khi mà màn hình 2K sẽ trở nên phổ biến giống như những gì mà người ta trông đợi vào năm 2013 với màn hình FHD.

Giới công nghệ đã từng phải trải qua cảm giác hụt hẫng khi hai siêu phẩm đầu tiên được mong đợi là Samsung Galaxy S5 và Sony Xperia Z2 đều không sở hữu công nghệ này.

Tiếp đó là One M8 của nhà sản xuất Đài Loan. Phải chờ đến khi Oppo tung hai sản phẩm top đầu là Find 7a và Find 7, sau đó là LG G3 cùng những lời đồn đoán về Galaxy Note 4 sẽ sở hữu màn hình 2K. Như vậy các thiết bị đã dần lộ diện và người dùng cho rằng những smartphone tiếp theo sẽ ngay lập tức được trang bị một màn hình siêu nét QHD và thậm chí là 4K. Tuy nhiên đâu phải cứ phát triển là cần thiết.

Nâng cấp lên 2K, liệu có đáng ?

Tất nhiên, phát triển là xu hướng của công nghệ. Nhưng phát triển cũng sẽ phải có cái ngưỡng của phát triển. Người tiêu dùng hiện tại càng thông minh và tỏ ra khôn ngoan hơn rất nhiều. Giá tiền mà họ đánh đổi trước là sự chạy đua, thì bây giờ là sự cân nhắc kỹ càng trước khi lựa chọn sản phẩm cho riêng mình.

Khi sản phẩm không mang lại sự đột phá mạnh mẽ họ sẽ không vội vàng thay thế thiết bị cũ của mình. Ở đây là màn hình 2K. Trước khi một chiếc smartphone sở hữu màn hình QHD ra mắt, người ta đã háo hức chờ đợi sự khác biệt mà quên mất chuẩn FullHD gần như đã đạt đến giới hạn của mắt người. Cho đến khi Oppo tung bộ đôi siêu phẩm là Find 7a và Find 7 ra thị trường đầu năm vừa rồi thì người ta mới nhận ra rằng 2K không mang lại quá nhiều ý nghĩa.

Thật khó phân biệt được độ nét giữa Find 7a và Find 7

Oppo Find 7 được trang bị một màn hình 5,5 inch cùng với độ phân giải 1440p khiến cho con số mật độ điểm ảnh lên đến 538 ppi, vượt qua con số cao nhất hiện tại là 469 ppi của HTC One. Tiếp đến là LG G3 mới đây cũng sở hữu màn hình tiên tiến. Khi cầm trên tay những sản phẩm kể trên bạn không thể ngay lập tức phát hiện ra sự khác biệt nào đáng kể so với tiêu chuẩn cũ.

Ở đây ta chọn ra hai sản phẩm gọi là tương đồng như Find 7a và Find 7, khi đặt cạnh nhau gần như không tìm thấy sự khác nhau khi đặt cạnh nhau. Chỉ khi dí sát hoặc dùng các thiết bị phóng to chúng ta mới nhận thấy mật độ điểm ảnh khác nhau. Với trải nghiệm khi sử dụng với khoảng cách bình thường thì màn hình FullHD vẫn cho thấy mình xứng tầm với thể hệ sau với khả năng hiển thị đẹp và sắc nét. Như vậy có thể khẳng định ngay màn hình 2K ở thời điểm hiện tại chỉ mang tính quảng cáo nhiều hơn ý nghĩa một sự nâng cấp hoàn hảo.

Mắt thường không phân biệt được 2K so với FHD ở khoảng cách sử dụng thông thường

Một nghiên cứu của tiến sĩ Soneria năm 2010, năm mà iPhone 4 ra mắt với màn hình Retina gây tranh cãi. Tiến sĩ cho rằng khẳ năng nhận biết của mắt nguời tầm 477 ppi với khoảng cách 30 cm và lên tới ngưỡng 716 ppi với khoảng cách gần 20 cm tất nhiên là đối với một người có đôi mắt hoàn hảo không mắc bệnh cận hay viễn. Màn hình 2K sở hữu hơn 500 ppi vì thế nếu đề gần hơn 20 cm bạn cũng có thể nhận biết được các pixel tuy nhiên hãy để ý, liệu bạn có dí sát màn hình smartphone đến mức đấy hay không ? Chưa kể đến tầm nhìn hẹp dẫn đến chỉ có thể nhìn trọng tâm một phần của màn hình mà thôi. Vì thế như đã khẳng định ở trên, màn hình 2K với kích thước nhỏ gần như không có ý nghĩa.

Samsung đầu năm nay hoàn toàn có thể tung ra Galaxy S5 với màn hình phân giải 2K. Nhưng thực tế, họ chỉ trang bị màn hình 1080p cho sản phẩm của mình. Một mặt để giảm giá thành và một mặt có vẻ như nhà sản xuất Hàn Quốc không thấy sự vượt trội của màn 2K trên thiết bị di động với kích thước chỉ 5-6 inch. Sony cũng vậy, với siêu phẩm Z2.

3 Siêu phẩm đầu năm nay là Samsung Galaxy S5, Sony Xperia Z3 và HTC One M8 đều không trang bị màn hình 2K

Bên cạnh Samsung và Sony cũng có một nhà sản xuất tỏ ra thực tế hơn là Oppo, khi tung ra bộ đôi sản phẩm cùng một lúc: FullHD và QHD. Điều mà nhà sản xuất hướng đến là thị hiếu của người tiêu dùng, và … khoe mẽ để minh chứng họ cũng có thể sản xuất các sản phẩm top. Ngay trong quá trình thử nghiệm, các nhà phát triển của Oppo đã sớm nhận ra một điều, màn 2K chỉ mang lại tính quảng cáo hơn là thực tế trải nghiệm của người dùng.

Rõ ràng, việc smartphone có màn hình 2K ở thời điểm hiện tại là không quá cần thiết. Muốn nhấn mạnh là " thời điểm hiện tại " bởi vì không sớm thì muộn chuẩn 2K hay 4K sẽ trở thành một điều không thể thiếu trên smartphone.

Còn LG thì sao? Siêu phẩm G3 vẫn sở hữu màn hình 2K? Cái này nằm ở thói quen của nhà sản xuất. LG luôn cho ra đời những công nghệ đi đầu và việc họ trang bị cho sản phẩm mới những gì được gọi là tinh túy , mạnh mẽ nhất là điều hiển nhiên. Nhưng rất tiếc lần này lại không phải là một lợi thế quá lớn của LG. Dẫu sao thì việc sớm đưa độ phân giải 2K vào smartphone cũng cho thấy công nghệ xung quanh chúng ta dường như không có giới hạn.

Thực tế về 2K

Giải trí trên smartphone từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người. Chơi game, lướt web, xem phim trên điện thoại thật tiện lợi và có thể sử dụng với nhiều tư thế khác nhau thay vì ngồi trước màn hình lớn. Tuy nhiên việc giải trí của bạn có thể bị trì hoãn một thời gian để các phần mềm cùng như ứng dụng tung bản nâng cấp tương thích với độ phân giải mới, điều đã từng xảy ra với iPhone 5. Dẫu vậy việc hầu hết các thiết bị chạy Android là một hệ điều hành mã nguồn mở nên việc nâng cấp sẽ nhanh chóng được thực hiện. Tuy nhiên đó chỉ là một giải pháp tình thế, các hãng sẽ phải liên tục can thiệp kỹ thuật từ ứng dụng của hãng thứ ba. Điều này sẽ khiến kho ứng dụng của Google trở nên “rác” hơn rất nhiều (điều này giống với lúc màn hình HD ra mắt với các ứng dụng giống nhau nhưng có thêm HD đằng sau) cùng với đó là sự phụ thuộc không thời hạn vào nhà sản xuất. Một điều mà các dân chơi Android hardcore cũng như người dùng ham chọc ngoáy không thích một tí nào.

Về game, cho dù SoC Snapdragon 805 hiện đã cung cấp đủ sức mạnh xử lý mức đồ họa có độ  phân giải 4K thì việc sở hữu bộ nhớ tốc độ chưa đủ lớn sẽ khiến cho trải nghiệm của bạn giảm sút. Hiện tượng giật lag vẫn xảy ra nếu bộ nhớ ko đủ tốc độ để xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, việc mở nhiều ứng dụng cũng gây ảnh hưởng tới tính đa nhiệm của máy.

Tiếp đến là khả năng duyệt web, nếu bạn sở hữu một mạng wifi có tốc độ vừa phải, các trang web sẽ load chậm hơn, còn nếu dùng 3G - 4G thì chắc chắn số tiền bạn bỏ ra phải rất lớn. Độ phân giải màn hình cao dẫn đến dung lượng down về sẽ tăng, gây hao tổn rất nhiều kinh phí.

Phần đông người sở hữu smartphone màn hình lớn có xu hướng thưởng thức các kênh truyền hình hay những bộ phim yêu thích ngay trên chú dế của mình. Chuẩn phim 2K đã dần được áp dụng rộng rãi. Trang chia sẻ video trực tuyến lớn nhất YouTube cũng đã hỗ trợ chuẩn 2K cho hệ thống clip của mình. Tuy nhiên, để trải nghiệm sự mượt mà chuẩn movie này, các thiết bị phải thực sự sở hữu một sức mạnh xử lý đồ họa mạnh mẽ, một màn hình 2K và quan trọng hơn hết là một bộ nhớ lớn, có tốc độ trao đổi dữ liệu đáp ứng việc chuyển khung hình nhanh.

Một điểm nữa xin cần nhấn mạnh đó là pin, một vấn đề cực kỳ nhức nhối đối với các thiết bị Android. Dẫu các biện pháp, công nghệ mới nhất được tích hợp trên mỗi mẫu flag-ship của các hãng thì pin yêu vẫn là muôn thuở. Chưa kể cấu hình mạnh mẽ, màn hình đẹp sẽ nuốt trọn dung lượng pin một cách không thương tiếc, điều này đã từng xảy ra với các mẫu điện thoại top trên trước đây

 Xét về 4 phương diện trên thì chưa thực sự có một thiết bị nào trên thị trường có thể đáp ứng được. Sức mạnh phần cứng thì không cần bàn cãi tuy nhiên tốc độ truy cập bộ nhớ cũng cần cải thiển. Thời đại công nghệ bùng nổ, cuộc chiến giữa các ông lớn ngày càng gay gắt việc các thiết bị được trang bị những tinh hoa mới nhất là điều cần làm nhưng có lẽ phải thiết thực hơn. Không phủ nhận những trải nghiệm mà những smartphone sở hữu màn hình độ phân giải QHD mang lại bên cạnh cảm giác luôn được trải nghiệm công nghệ mới. Nhưng liệu có đáng bỏ ra hơn 12 triệu đồng hoặc cao hơn nữa để đón nhận một sản phẩm tích hợp nhiều công nghệ mới nhưng lại không quá nhiều khác biệt thậm chí gây lại nhiều phiền toán trong một thời gian dài.

Đọc thêm: Nỗi lòng kẻ bán người mua điện thoại mùa World Cup

Tiêu Dao