Doanh nghiệp

Viettel dính vào rắc rối sau thương vụ sát nhập với EVN

Viettel dính vào rắc rối sau thương vụ sát nhập với EVN

Những tin tức mới đây từ phía Viettel đã cho thấy, tập đoàn này đã gặp phải những rắc rối không nhỏ sau khi sát nhập EVN Telecom vào với mình.


Những rắc rối nảy sinh khi Viettel tiến hành cắt giảm và đơn phương chấm dứt một số hợp đồng thuê trạm phát sóng BTS đã được kí trước đây bởi ban lãnh đạo EVN Telecom. Do không nhận được sự đồng thuận từ phía bên được thuê để lắp đặt và vận hành các trạm phát sóng BTS cho EVN trước đây nên những rắc rối về việc chấm dứt hợp đồng với các đơn vị này đã gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến việc quy hoạch lại mạng lưới của Viettel.

Cụ thể là, sau quá trình sát nhập với EVN Telecom, phía Viettel nhận thấy giữa Viettel và EVN Telecom có nhiều điểm chồng lấn trong việc lắp đặt các trạm BTS. Nếu điều này vẫn tiếp tục sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cung cấp dịch vụ cho khách hàng và gây ra sự tốn kém cho phía nhà cung cấp trong việc vận hành và bảo trì mạng lưới.


Việc sát nhập với EVN gây cho Viettel không ít những rắc rối 

Chính vì lẽ đó Viettel đã tiến hành đơn phương chấm dứt hợp đồng với một loạt các đơn vị từng hợp tác trong việc lắp đặt và vận hành các trạm BTS cho EVN Telecom nhưng nay đã không còn phù hợp. Tập đoàn này cũng thực hiện đầy đủ các quy định trong hợp đồng về việc chấm dứt hợp đồng với các đơn vị trên cũng như thanh toán toàn bộ tiền thuê trạm tính cho đến thời điểm chấm dứt hợp đồng. Đại đa số các đơn vị trên đều đã thống nhất và tán thành với các điều khoản mà Viettel đã đưa ra, nhưng đến nay vẫn còn 8 doanh nghiệp không đồng ý phối hợp và đưa ra các yêu cầu về bồi thường việc đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Sau nhiều buổi họp mặt để tháo gỡ những khó khăn, 2 trong số 8 doanh nghiệp có khúc mắc với phía Viettel đã chấp nhận các yêu cầu đề ra của phía tập đoàn này, tuy nhiên vẫn còn 6 doanh nghiệp nữa kiên quyết đến cùng trong việc đưa ra các yêu cầu về bồi thường. Đại diện bên phía Viettel cho biết, tập đoàn này đã thực hiện đầy đủ và chính xác các điều khoản đã có trong hợp đồng. Vậy nên sẽ không có bồi thường nào cho các doanh nghiệp kể trên và nếu cần, tập đoàn này sẵn sàng đưa vụ việc trên ra tòa để giải quyết dứt điểm những tranh cãi đã có từ lâu này.


Những trạm BTS như thế này là nguồn cơn cho những rắc rối mà Viettel đang dính phải

Được biết, đây là hệ quả từ việc, tháng 6/2010, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai mở rộng mạng lưới phủ sóng di động 3G của Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực (EVN Telecom), trong đó kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực tham gia công tác đầu tư xây dựng trạm BTS. Các DN trên đã vay vốn từ ngân hàng, cổ đông và cá nhân để xây dựng các trạm BTS cho EVN và đầu tư xã hội hóa cơ sở hạ tầng trạm BTS cho EVN thuê lại, với chi phí từ 250 - 400 triệu đồng mỗi trạm.

Các trạm BTS này đã hoàn thành và được EVN nghiệm thu đưa vào sử dụng trong năm 2010. Tuy nhiên, đến thời điểm chuyển giao, EVN vẫn chưa trả tiền xây dựng trạm BTS cho các doanh nghiệp (nhà thầu) và tiền thuê lại trạm BTS của các doanh nghiệp xã hội hóa như hợp đồng đã ký, khiến DN bị chiếm dụng vốn, phải nợ thuế thu nhập doanh nghiệp.