Điện thoại

Những khía cạnh xoay quanh vi xử lý 64-bit trên smartphone

Những khía cạnh xoay quanh vi xử lý 64-bit trên smartphone

Nhắc đến vi xử lý 64-bit, nhiều người sẽ ngay lập tức liên tưởng đến iPhone 5S - chiếc điện thoại đầu tiên được trang bị công nghệ vi xử lý này. Thực tế, sau một năm đưa vào sử dụng, Apple A7 trên iPhone 5S đã gây ra những hiệu ứng đáng kể cho ngành công nghiệp di động, đồng thời, gia tăng vị thế của hãng trong làng công nghệ quốc tế. Thậm chí, khi hệ sinh thái iOS 64-bit đang dần hình thành một cách đáng kể thì đối thủ Android cùng các nhà phát triển công nghệ di động hàng đầu thế giới như Qualcomm, Samsung tuyên bố 64-bit là không thực sự cần thiết.

Apple mở ra kỷ nguyên 64-bit cho nền tảng di động. Ảnh: Internet

Song, chỉ sau vỏn vẹn có 4 tháng sau tuyên bố đó, Qualcomm đã chính thức ra mắt vi xử lý 64-bit giá rẻ với tên gọi Snapdragon 410, còn với Android, nền tảng 5.0 Lollipop đã chính thức trình làng đi kèm bộ kit phát triển các ứng dụng 64-bit. Rõ ràng, một lần nữa Apple lại là người đi tiên phong trong xu hướng phát triển smartphone toàn cầu. Câu hỏi "SoC 64-bit có cần thiết hay không?" đã có câu trả lời, một câu trả lời mà ai cũng biết, đó là "thực sự cần thiết" cho đến thời điểm này.

Vậy tại sao các nhà sản xuất lại đang hướng đến sản xuất các mẫu smartphone 64-bit và việc hỗ trợ 64-bit mang lại những lợi ích gì cho ngành công nghiệp di động. Dưới đây sẽ là những giải đáp thỏa đáng dành cho những câu hỏi trên.

SoC 64-bit có thực sự nhanh hơn?

Những giới hạn về cấu hình tiêu chuẩn trong thời gian trước khiến câu hỏi này chưa thực sự được trả lời một cách thỏa đáng. Chúng ta chỉ nhận được những tính từ như "nhỉnh hơn",  "nhanh hơn một chút" hay "chưa thấy sự khác biệt" khi so sánh giữa nền táng SoC 64-bit với người tiền nhiệm 32-bit của nó. Song, đến khi cuộc đua cấu hình nổ ra với nhiều tình tiết mới, SoC 64-bit đang cho thấy một sức mạnh vượt ngoài mong đợi.

SoC 64-bit có nhiều luồng xử lý dữ liệu hơn . Ảnh: Internet

Trở lại một chút với máy tính - thiết bị đã sở hữu nền tảng vi xử lý mới từ rất rất lâu rồi. Môi trường 64-bit được tạo thành từ cả phần cứng và phần mềm. Cốt lõi là hệ điều hành và các trình điều khiển mà nếu không có chúng thì chip 64-bit cũng không có ý nghĩa và ngược lại, nếu không có phần cứng thì hệ điều hành và hệ sinh thái ứng dụng cũng sẽ trở nên vô ích. Với vi xử lý 64-bit bạn có thể mở rộng phần cứng một cách mạnh mẽ hơn, cho phép thay đổi các giới hạn thông số linh kiện lên một tầm cao hơn (ví dụ như dung lượng RAM tối đa có thể lên tới 192 GB). Ngoài ra, các ứng dụng 64-bit còn cho phép tối ưu phần cứng nhiều hơn nhờ nền tảng được viết lại sử dụng băng thông xử lý lớn hơn rất nhiều. Điều này giống như việc tăng số lượng làn xe quy định nhằm tăng giới hạn tốc độ trên đường cao tốc hiện nay.

Trước đây các nhà phát triển có hai hướng đi đó là tăng tần số của bộ vi xử lý để xử lý nhiều dữ liệu hơn trong một khoảng thời gian nhất định và tăng thêm các lõi xử lý. Song, tối ưu nhất hiện nay là mở rộng từ 32-bit lên 64-bit.

Tăng bộ nhớ RAM hỗ trợ

Khi bạn nâng cấp RAM từ 1, 2GB lên hơn 4GB, bạn sẽ cần phải cập nhật hệ điều hành 64-bit để sử dụng hết số lượng RAM đó. Trên smartphone cũng vậy, việc trang bị các vi xử lý 64-bit sẽ mở rộng các thông số kỹ thuật được hỗ trợ. Trước hết là RAM.

ASUS ZenFone 2 là một trong những chiếc smartphone đầu tiên được trang bị 4GB RAM. Ảnh: Android Authority

Các smartphone hiện nay hầu hết chỉ được trang bị dưới 3GB RAM, tuy nhiên ít ai đảm bảo được trong tương lai, các mẫu điện thoại cao cấp mới có mở rộng thêm dung lượng bộ nhớ này hay không? Đơn cử như việc Xiaomi Note mới hay ASUS ZenFone 2 sở hữu dung lượng RAM khủng lên tới 4GB. Bên cạnh đó, cho dù dung lượng RAM thấp, nhưng hệ điều hành 64-bit đang cho thấy khả năng sử dụng sức mạnh triệt để cũng như khả năng quản lý đa nhiệm vô cùng hiệu quả. Hơn nữa, vi xử lý 64-bit ra đời sẽ là bước đệm cho các kho ứng dụng trong tương lai.

Ngoài ra, việc sở hữu nhiều luồng xử lý dữ liệu nhớ chip 64-bit sẽ giúp cho các nhà sản xuất thoải mái hơn trong việc lựa chọn và phát triển các thành phần cấu tạo nên một chiếc smartphone. Tốc độ kết nối mở rộng, khả năng tính toán tuyệt vời là điều họ mong muốn. Trong tương lai, chúng ta hoàn toàn có thể sở hữu một chiếc điện thoại di động có rất nhiều chức năng, nhiều hơn những gì đang thấy ở thời điểm hiện tại.

Hệ điều hành và ứng dụng 64-bit

Như đã nhắc đến ở phần đầu tiên, việc không sở hữu một hệ điều hành có khả năng tính toán, hỗ trợ và mở rộng hệ thống 64-bit sẽ trở nên vô nghĩa trên smartphone. Bởi vậy, môi trường ứng dụng là một yếu tố quan trọng để chứng minh sức mạnh của các vi xử lý 64-bit.

Hệ sinh thái ứng dụng Apple đã dần chuyển hết sang 64-bit. Ảnh: internet

Ngày nay chúng ta không còn xa lạ với khái niệm “tương thích ngược” nữa, bởi các công nghệ ra sau dù có tiên tiến tới đâu cũng cần phải tương thích với các chuẩn cũ để tránh bị loại bỏ một cách nhanh chóng hoặc để người dùng thích nghi tốt hơn. SoC 64-Bit cũng thế, nó vẫn sẽ tương thích với các ứng dụng trên nền tảng cũ, chỉ là việc tối ưu mà thôi. Hiểu được điều đó, Apple đã nhanh chóng đưa cho bên thứ ba bộ Xcode để có thể nhanh chóng đưa các ứng dụng của họ vào môi trường 64-bit tiên tiến. Vì thế, chúng ta vẫn sở hữu một thiết bị vượt trội hơn các thế hệ trước là iPhone 5S. Đây cũng chính là điều khiến cho các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới phải nhìn lại.

Android L đi theo xu hướng hệ điều hành 64-bit. Ảnh: Internet

Không chịu ngồi yên nhìn đối thủ tối ưu hệ điều hành hỗ trợ 64-bit, Google đã sẵn sang nhảy vào cuộc, đầu tiên sẽ là Android L, tiếp đó là khái niệm mới là Android Silver. Thực tế, nếu sử dụng chip 64-bit (ví dụ như Snapdragon 410 trên HTC Desire 510) trên nền tảng mới nhất hiện nay là KitKat 4.4 cũng không nhận thấy một sự hiệu quả nào, cho dù là nhỏ nhất. Điểm tích cực duy nhất đó là kiến trúc ARMv8 được áp dụng trên Snapdragon 410 cho khả năng tiết kiệm năng lượng tuyệt vời dẫu biết rằng đây chỉ là một SoC tầm trung.

Với Android L, sẽ là một sự khác biệt đáng kế, cho đến nay chưa có một sự lộ diện nào từ hệ điều hành mới nhưng Google không phải là một nhà phát triển “thất hứa”, ít nhất là vì vị thế của họ ở thời điểm này. Nhiều nhận định, nhiều phát biểu từ chuyên trang công nghệ hàng đầu cũng dần cho thấy một sự lột xác hoàn toàn của Android chỉ tính riêng về mặt tối ưu hóa thiết bị - điều mà người dùng luôn phàn nàn với Google. Với Android L, các thiết bị tầm trung và thấp sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn đồng thời SoC 64-bit sẽ có đất “dụng võ”.

Windows 10 sẽ là con bài chiến lượng của Microsoft và dòng Lumia. Ảnh: Internet

Còn về phần Microsoft, việc đồng nhất hóa Windows 10 cũng nằm trong kế hoạch hỗ trợ nền tảng 64-bit của hãng. Windows có những lợi thế to lớn về việc triển khai các ứng dụng 64-bit từ cách đây rất lâu, đồng thời, Microsoft cũng khá tinh ý khi đang lợi dụng sự đa hệ từ sản phẩm của mình để khai thác triệt để hơn kho ứng dụng của Android trong thời gian tới.

 

Toàn bộ ứng dụng iOS sẽ hỗ trợ mã 64-bit trong năm tới

(Techz.vn) Đến tháng 2/2015, Apple yêu cầu toàn bộ các phần mềm mới hoặc bản cập nhật phải sử dụng bộ mã 64-bit