Cuộc sống khốn đốn của người đàn ông bị em trai mạo danh: Mang án tích nghiện 10 năm và bị mất việc
Sau khi bất ngờ bị cảnh sát xác định là người nghiện ma túy, anh Kim Kiệt mất việc làm và thay đổi hoàn toàn tính cách.
Mới đây, anh Kim Kiệt, 35 tuổi, sống tại thành phố Vĩnh Châu, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) đã phản ánh với phóng viên báo Tân Hoàng Hà rằng vào tháng 1/2015, ông Kim Đường - cha anh bất ngờ bị cảnh sát xác định là người nghiện ma túy.
Từ đó, năm nào ông cũng phải đến đồn công an báo cáo, dẫn đến việc ông mất việc làm và thay đổi hoàn toàn tính cách. Mãi đến năm 2024, sự thật mới được phơi bày: Người nghiện thật sự là chú ruột của anh - ông Kim Hải - người đã mạo danh cha anh. Gia đình họ Kim đã đệ đơn yêu cầu bồi thường 50 vạn Nhân dân tệ (tương đương gần 170 triệu đồng Việt Nam).
Ngày 30/6, một cán bộ của chính quyền khu Linh Lăng, thành phố Vĩnh Châu nói với phóng viên rằng cảnh sát đã sửa lại toàn bộ thông tin sai lệch vào tuần trước, nhưng không thể đáp ứng yêu cầu bồi thường với số tiền lớn như vậy.
Theo chia sẻ của anh Kim Kiệt, cha anh từng làm việc tại một nhà máy điện tử ở Quảng Đông, thu nhập mỗi tháng trên 10.000 Nhân dân tệ, đủ để lo cho gia đình có cuộc sống khá giả. Tuy nhiên, vào mùa xuân năm 2015, cảnh sát đồn Phú Gia Kiều thuộc Phân cục Công an Linh Lăng bất ngờ yêu cầu ông trở về quê để “làm hồ sơ”.
Tại đồn công an, cảnh sát thông báo rằng ông Kim Đường bị phát hiện sử dụng ma túy nên buộc phải làm thủ tục lưu hồ sơ. Dù ông một mực khẳng định chưa từng dính líu đến chất cấm, cảnh sát vẫn bắt ông chụp ảnh và lập hồ sơ. Khi trở về nhà, vợ ông bàng hoàng hỏi vì sao không dùng ma túy mà vẫn chụp ảnh, ông chỉ trả lời: “Công an kêu thì phải làm theo.”
Sau sự việc, ông Kim Đường bị nhà máy ở Quảng Đông phát hiện có tiền án nghiện ma túy và lập tức sa thải. Ông không thể xin được công việc nào khác, đành trở về quê nuôi gia súc, làm thuê kiếm sống qua ngày. Hằng năm, ông còn phải đến đồn công an hoặc ủy ban thôn để chụp ảnh và khai báo từ 2-3 lần, khiến tinh thần ngày càng sa sút, trở nên trầm mặc, ít giao tiếp.
Từ năm 2016, vợ ông nhiều lần đến ủy ban và công an để đòi công lý nhưng không có kết quả. Suốt 10 năm, gia đình chưa từng được thấy quyết định xử phạt hành chính nào đối với ông Kim Đường. Đến tháng 3/2024, công an gọi ông lên lấy mẫu máu để “xác minh có sai sót hay không”.

“Không ngờ người mạo danh lại là chú tôi”, anh Kim Kiệt kể. Vào khoảng tháng 9/2024, sau khi có kết quả xét nghiệm, cảnh sát xác nhận người nghiện ma túy là ông Kim Hải - em trai ông Kim Đường. Gia đình vốn đã biết ông Kim Hải nghiện ma túy, bài bạc và thất nghiệp lâu năm, nhưng do hai nhà ít qua lại nên ông Kim Hải cũng không hay biết việc mình đã mạo danh.
Gia đình ông Kim đã liên tục khiếu nại, đòi quyền lợi. Sau khi có sự vào cuộc của ủy ban thôn, công an và chính quyền, cảnh sát mới chịu sửa lại thông tin sai lệch. Gia đình cũng được xem bản quyết định xử phạt năm xưa: Ngày 26/1/2015, ông Kim Hải bị phạt 5 ngày tạm giữ vì sử dụng ma túy đá và “ma cổ” (ma túy tổng hợp). Một văn bản giải trình cho biết: Cảnh sát đã không kiểm tra kỹ thông tin, dẫn đến nhầm lẫn.
Tuy vậy, theo anh Kim Kiệt, cho đến vài ngày trước, ông vẫn còn thấy tiền án ghi trên hệ thống. Khi bản thân - một kỹ sư đăng ký thi tuyển viên chức ở Quảng Đông, anh phát hiện hồ sơ cha mình vẫn còn thông tin sai, khiến cơ hội thi cử tan thành mây khói. Do đó, gia đình yêu cầu cảnh sát không chỉ xóa bỏ hoàn toàn tiền án mà còn bồi thường 50 vạn Nhân dân tệ vì đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống và tinh thần cả gia đình suốt một thập kỷ.

Ngày 30/6, phóng viên đã liên hệ với Phân cục Công an Linh Lăng và Đồn công an Phú Gia Kiều nhưng không nhận được phản hồi. Một cán bộ họ Trương thuộc chính quyền khu Linh Lăng cho biết thông tin sai đã được sửa nhưng yêu cầu bồi thường 50 vạn “không có căn cứ” và cần trao đổi thêm.
Luật sư nhận định: Muốn được bồi thường cần có chứng cứ đầy đủ
Luật sư Triệu Lương Thiện - đối tác cấp cao của Văn phòng luật sư Hằng Đạt (Thiểm Tây) cho rằng, cảnh sát không xác minh kỹ khiến ông Kim Đường bị mang tiếng oan, vi phạm danh dự và quyền cá nhân, do đó phải chịu trách nhiệm hành chính và dân sự.
Theo Luật Cảnh sát nhân dân Trung Quốc, cảnh sát phải chấp hành pháp luật nghiêm minh, không được tắc trách hay bỏ sót nghĩa vụ pháp lý. Việc không xác minh thân phận là lỗi thi hành pháp luật, có thể bị kỷ luật nội bộ như cảnh cáo, khiển trách.
Ngoài ra, theo Bộ luật Dân sự Trung Quốc, hành vi xâm phạm danh dự người khác buộc phải xin lỗi, cải chính, và bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, khoản bồi thường 50 vạn cần được chứng minh bằng tài liệu rõ ràng – như chi phí đi lại, tổn thất tinh thần, mất thu nhập, hay thiệt hại do mất cơ hội nghề nghiệp.
Luật sư khuyến nghị ông Kim Đường có thể khiếu nại lên cấp trên của công an để giám sát và sửa sai. Nếu không có kết quả, có thể nộp đơn yêu cầu tái thẩm hành chính, hoặc kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi hợp pháp.
Tên các nhân vật đã được thay đổi để bảo vệ quyền riêng tư.
Theo Sohu!.