Công ty nước ‘chào thua’ khi gia đình 2 người kiên quyết không đóng tiền nước hơn 641 triệu/6 tháng
Sau thời gian dài tranh cãi, công ty nước đành phải ‘chịu thua’ trường hợp 2 mẹ con dùng hết 641 triệu đồng/6 tháng nhưng không thanh toán.
Vào năm 2021, cô Quách (đã đổi tên) ở Khai Phong, Trung Quốc nhận được hóa đơn tiền nước cao ngất ngưởng. Theo thông báo từ công ty cấp nước địa phương, gia đình cô đã dùng hết 180.000 NDT (hơn 641 triệu đồng)/6 tháng.


Điều đáng nói, hiện trong nhà chỉ có hai mẹ con cô sinh sống do chồng đã đi công tác xa nhiều năm. Vậy nên, khi nhận được hóa đơn hơn 600 triệu, cô không khỏi ngỡ ngàng và tức giận.
Sau đó, cô Quách quyết định không đóng số tiền khổng lồ kể trên vì thấy hoàn toàn phi lý. Tuy nhiên, đổi lại mẹ con cô phải sống trong cảnh không có nước sinh hoạt. Thậm chí, cô phải đến nhà hàng xóm để xin từng xô nước sạch.
Không chấp nhận sự bất công này, cô Quách đã nhiều lần liên hệ với công ty cấp nước để làm rõ nhưng vẫn không nhận được lời giải thích thỏa đáng. Ban đầu, cô Quách cho rằng đồng hồ nước đã bị hỏng nên yêu cầu công ty nước sạch cho người đến kiểm tra. Kết quả, đồng hồ vẫn hoạt động bình thường và số liệu thu được là chính xác. Đồng thời, bên nước sạch còn yêu cầu gia đình cô thanh toán đầy đủ hóa đơn để được cấp lại nước.

Theo phía công ty nước, nước máy có thể đã chảy ngược vào giếng nhà cô Quách, dẫn đến lượng nước tiêu thụ của gia đình bất thường. Nghe xong, cô lập tức bác bỏ vì giếng của gia đình rất nhỏ, không thể chứa được lượng nước lớn như vậy. Hơn nữa, gia đình cô cũng đã lắp van hồi lưu để ngăn hiện tượng nước chảy ngược.
Sau khi xem xét, công ty cấp nước vẫn cho rằng van nước được lắp đặt sau thời điểm xảy ra vấn đề và nghi ngờ cô Quách cố tình “ăn cắp nước”. Chưa dừng lại ở đó, công ty còn khẳng định công ty có quy trình kiểm tra định kỳ hai tháng một lần nhưng do gia đình cô liên tục vắng nhà nên không thể phát hiện sớm sự bất thường.
Trước thông tin trên, cô Quách đã kiểm tra lại camera an ninh và cho biết hoàn toàn không thấy ai đến kiểm tra đồng hồ nước. Trong khi đó, cô Quách cho rằng nếu đây là lỗi từ phía nhân viên đọc đồng hồ, thì công ty này cần nhận trách nhiệm và giải quyết hợp lý.
Theo Điều 107 của Luật Hợp đồng Trung Quốc, khi xảy ra tranh chấp giữa hai bên có ràng buộc hợp đồng, bên vi phạm phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả hoặc bồi thường nếu gây thiệt hại. Trong trường hợp này, nếu công ty cấp nước không kiểm tra kỹ mà tự ý cắt nước, họ đã vi phạm quy định về nghĩa vụ hợp đồng.
Hơn nữa, theo Điều 28 và Điều 35 của “Quy định về cấp nước đô thị Trung Quốc”, doanh nghiệp cấp nước phải thường xuyên bảo trì thiết bị đo lường, và chỉ được phép ngừng cung cấp nước khi có sự chấp thuận rõ ràng từ cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp nghiêm trọng.
Đối với trường hợp của cô Quách, công ty cấp nước cần chứng minh rõ ràng nếu muốn cáo buộc. Trái lại, gia đình cô Quách cũng cần thường xuyên kiểm tra thiết bị đo lường như đồng hồ nước, đồng hồ điện để phát hiện và xử lý kịp thời những sai sót có thể dẫn đến tổn thất tài chính và thiệt hại quyền lợi chính đáng.
Sau quá trình tranh cãi mệt mỏi, công ty cấp nước quyết định đặt đồng hồ nước mới cho gia đình cô Quách, theo dõi lượng tiêu thụ trong vòng một tháng. Tiếp đến, nhân viên công ty sẽ lấy mức tiêu thụ trung bình này để ước tính hóa đơn cho sáu tháng trước đó.
Về phía cô Quách, do cũng đã quá ái ngại việc đi xin nước hàng xóm nên cô đã đồng ý với giải pháp này.