Trước khi được ‘cứu vớt’, cô bé phải làm lao động chính trong nhà từ khi mới 10 tuổi, làm liên tục từ 4h sáng đến 8h tối.
Tại Nepal - nơi được mệnh danh là “miền đất phật” của thế giới có rất nhiều lò gạch và thường tuyển dụng lên đến hàng nghìn gia đình hằng năm. Tùy theo từng mùa, người dân nơi đây sẽ chế tác và vận chuyển gạch thông qua người trung gian.
Trong một nghiên cứu, công nhân xây gạch báo cáo rằng họ nhận được 1,3 rupee cho mỗi viên gạch (hơn một xu Đô la Mỹ một chút). Để nhận được mức lương tối thiểu khoảng 17.300 rupee mỗi tháng, công nhân xây gạch phải làm 450-500 viên gạch mỗi ngày.
“Một người lao động tại đây chỉ kiếm được vài đô la cho một ngày làm việc từ 12 đến 14 giờ. Đôi khi cả gia đình chỉ được trả một số tiền rất ít sau khi mùa làm việc kết thúc. Những đứa trẻ thậm chí còn không biết chúng kiếm được bao nhiêu vì chủ lò gạch chỉ thanh toán lương cho chủ gia đình”, công nhân xây gạch ở Nepal cho biết.
Điều đáng nói, các lò gạch còn có số lượng lớn công nhân là trẻ em. Qua những lời cám dỗ được làm việc cùng cha mẹ, lương cao, nhiều trẻ em sẵn sàng bỏ học để làm việc từ sáng đến đêm.

Về công việc, trẻ em nhỏ 5-6 tuổi sẽ đảm nhận nhiệm vụ đóng gạch, còn những đứa trẻ lớn hơn thực hiện các nhiệm vụ như đào, dỡ hoặc chất gạch lên xe tải. Theo thống kê, 20% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và 50% trẻ em trong độ tuổi trung học không được đi học. Còn trong số trẻ em di cư theo công nhân xây dựng, 89% không được đi học.


Về mặt thủ tục, lao động trẻ em bị nghiêm cấm ở Nepal. Tuy nhiên, trên thực tế, lao động trẻ em vẫn diễn ra rất phổ biến tại đây. Lý do là vì cha mẹ cha mẹ của các em cũng không cố gắng ngăn cản, không nỗ lực khuyến khích các em đi học.
Thậm chí, một số người còn có hành động ngăn cản con đi học để đi làm kiếm tiền. Maya - một trong những đứa trẻ may mắn được Tổ chức Nepal Goodweave Foundation - tổ chức phi chính phủ địa phương “cứu thoát” khỏi tình trạng phải bỏ học để làm.
Trước khi được đi học, cuộc sống của Maya giống như địa ngục. Cụ thể cô bé phải làm việc vất vả 16 giờ mỗi ngày trong nhà máy sản xuất tại thủ đô Kathmandu của Nepal.

Được biết, chính người chú ruột đã ép Maya trở thành lao động chính trong nhà từ khi mới 10 tuổi. Cô bé phải làm việc liên tục từ 4h sáng đến 8h tối. Song, cô bé không phải người duy nhất phải chịu thảm cảnh này.
Theo Khảo sát lực lượng lao động Nepal 2017 - 2018 do Cục Thống kê Trung ương thực hiện phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế thực hiện, có tới 1,2 triệu trẻ em đang lao động bất hợp pháp tại Nepal.