Đời sống

Thân thế người nữ anh hùng đầu tiên của Quân đội Việt Nam, liên tục được Bác Hồ viết bài ngợi ca

Thân thế người nữ anh hùng đầu tiên của Quân đội Việt Nam, liên tục được Bác Hồ viết bài ngợi ca

Bà là người phụ nữ Việt đầu tiên được Nhà nước ta được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và chiếm trọn cảm tình từ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo hồ sơ được lưu trong Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, bà Nguyễn Thị Chiên sinh năm 1930 trong một gia đình nghèo khó có 5 anh chị em ở xóm Trại Đồng, xã Tân Tiến (nay là thị trấn Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). 

Than-the-nguoi-nu-anh-hung-dau-tien-cua-quan-doi-viet-nam-lien-tuc-duoc-bac-ho-viet-bai-ngoi-ca
Anh hùng Nguyễn Thị Chiên

Năm 1945, nạn đói diễn ra cướp đi sinh mạng tất cả người thân của bà. Kể từ đó, bà phải làm đủ việc như mót lúa, đi ở mướn, bế con cho nhà giàu trong làng để kiếm bữa cơm qua ngày.

Bên cạnh đó, bà còn tích cực tham gia hoạt động cách mạng, trở thành trung đội trưởng đội nữ du kích xã Tán Thuật (Kiến Xương, Thái Bình), chỉ huy đơn vị tổ chức hơn 40 trận đánh, quấy rối nổi tiếng, diệt và bắt sống nhiều tên địch.

Vào tháng 4/1950, trong lúc đưa cán bộ về hoạt động tại xã, bà bị quân địch bắt, dụ dỗ, tra tấn suốt 3 tháng rưỡi nhưng vẫn kiên trung bất khuất. Đến tháng 10/1951, trung đội du kích của bà phối hợp với Đại đội 44, Tiểu đoàn 680, Đại đoàn 320 tiêu diệt lính Âu Phi trên đường 39.  Tại đây, bà bắn bị thương 1 tên địch, bắt sống 6 tên, thu 4 súng. 

Tháng 12/1951, khi quân Pháp lùng sục vào làng, lợi dụng lúc địch chủ quan, bà chỉ huy trung đội bất ngờ xông ra bắt sống 4 tên, trong đó có 1 tên quan hai và 3 lính Pháp.

Năm 1952, Nguyễn Thị Chiên (khi đó 22 tuổi) vinh dự là đại biểu nữ du kích duy nhất được chọn đi báo cáo điển hình tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua Toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại Việt Bắc (1/5/1952). Sau những đóng góp của mình, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 

Tại đây, bà được Bác tặng thưởng khẩu súng ngắn và viết bài ca ngợi, tuyên truyền tấm gương gan dạ, dũng cảm và thành tích trong chiến đấu trên báo chí và trong nhiều cuộc hội nghị trong kháng chiến chống Pháp.

Than-the-nguoi-nu-anh-hung-dau-tien-cua-quan-doi-viet-nam-lien-tuc-duoc-bac-ho-viet-bai-ngoi-ca-1
Anh hùng Nguyễn Thị Chiên đứng thứ 5 từ trái qua phải

Với bút danh C.B trên Báo Nhân dân, Bác Hồ đã viết một bài riêng với nhan đề: Nguyễn Thị Chiên. Trích đoạn: “Nữ trung đội trưởng du kích Nguyễn Thị Chiên là một cố nông, 22 tuổi, vào đội du kích từ 1946. Vùng chị Chiên thường bị giặc càn quét. Cơ sở tan rã. Nhân dân hoang mang. Chị cứ bám sát lấy dân, lập lại cơ sở chính quyền và đoàn thể, tổ chức một trung đội nữ du kích chống càn quét, bảo vệ làng.

Bị bắt, bị tra tấn suốt 3 tháng, bị đưa ra bắn dọa 3 lần, chị vẫn bình tĩnh, không khai nửa lời. Vừa thoát được về, tuy mình đầy vết thương, chân đau không đi được, chị cũng hoạt động lại ngay. 

Trong đợt thi đua từ 19/5 đến 19/12/1951, chị đã thắng 10 trận, tự tay tước được 15 súng và bắt sống 20 tên giặc (1 tên quan hai Pháp). Trong các trận, chị không hề bỏ sót một người thương binh nào. 

Trong vụ thuế nông nghiệp, chị đã thức 30 đêm liền, tuyên truyền giải thích từng nhà, từng người. Nhiều người lạc hậu, thấy chị thành khẩn, đều cảm động và trở nên hăng hái. Khi bắt được tên đồn trưởng (nó đã giết người anh của chị), chị giải thích chính sách khoan hồng của Chính phủ, rồi thả nó. Vì vậy, nó đã gọi nhiều ngụy binh khác ra hàng.

Chị Chiên, vì yêu nước, căm giặc, trung thành với đoàn thể, kiên quyết bám sát dân, luôn luôn thương yêu đồng đội, nắm vững và ra sức thi hành chính sách nên đã lập được công to, rất xứng đáng là Anh hùng Quân đội”. (Hồ Chí Minh Toàn tập, t6, NXB Chính trị quốc gia 2000, tr 505).

Trong “Bài nói tại buổi lễ bế mạc lớp chính huấn cán bộ trí thức” Hồ Chủ tịch nhắc nhở: “Chín năm trước đây, nhân dân ta gồm cả trí thức ta, bị Tây khinh rẻ và gọi là giống bẩn thỉu. Ngày nay, ta có những anh hùng như Ngô Gia Khảm, Hoàng Hanh, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Quốc Trị và đang nảy nở hàng trăm chiến sĩ và anh hùng trong phong trào thi đua yêu nước”. (Hồ Chí Minh Toàn tập, t7, NXB Chính trị quốc gia 2000, tr 145-149).

Trong bài “Người cán bộ cách mộ” vẫn với bút danh C.B, Hồ Chủ tịch lại nhắc đến: “Nữ anh hùng du kích Nguyễn Thị Chiên, mấy lần bị giặc bắt và tra tấn sống đi chết lại, nhưng không hề lộ bí mật; mỗi lần thoát khỏi tay địch, hoạt động càng thêm hăng”. (Hồ Chí Minh Toàn tập, t7, NXB Chính trị quốc gia 2000, tr 480-482).

Sau Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ Thi đua toàn quốc, Anh hùng Nguyễn Thị Chiên tiếp tục được cử tham gia đoàn đại biểu đi dự Đại hội Hòa bình châu Á – Thái Bình Dương tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Đại hội Hòa bình Thế giới tại Viên (Áo).

Về nước sau ngày giải phóng Thủ đô, với kinh nghiệm tổ chức và triển khai lực lượng du kích địa phương, bà đã được giao nhiệm vụ phụ trách và quản lý dân quân 4 huyện ngoại thành Hà Nội. 

Trong công tác mới, bà đã gặp ông Vũ Anh Tài, cán bộ Sư đoàn 320 rồi nên duyên vợ chồng. Cả hai sinh được một người con gái và đây cũng là người con duy nhất của họ. Những ngày tháng về sau, đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông đi biền biệt, bà ở lại vừa công tác vừa nuôi con. 

Than-the-nguoi-nu-anh-hung-dau-tien-cua-quan-doi-viet-nam-lien-tuc-duoc-bac-ho-viet-bai-ngoi-ca
Anh hùng Nguyễn Thị Chiên và chồng

Sau nhiều năm công tác tại Tổng cục Chính trị, Quân khu Thủ đô, bà Nguyễn Thị Chiên về hưu với quân hàm Trung tá (1984) và thương tật hạng 4/4. Vào lúc 8h20 phút, sáng ngày 1/6/2016, bà qua đời tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Long Biên, Hà Nội), hưởng thọ 87 tuổi.