Nhịp sống số

Từ chuyện SOPA, PIPA, nói về văn hóa chia sẻ của cư dân mạng

Từ chuyện SOPA, PIPA, nói về văn hóa chia sẻ của cư dân mạng
style="text-align: left;">Trong những ngày gần đây, cư dân mạng toàn cầu nói chung cũng như Việt Nam nói riêng bị một phen “chao đảo” vì hai đư luật SOPA và PIPA với mục đích chặn đứng các hành vi xâm phạm bản quyền trên môi trường Internet. Dù bị tạm hoãn vô thời hạn, nhưng với sự nổi lên của hiệp định ACTA- mối đe dọa mới với cộng đồng Internet, rõ ràng đã đặt ra cho người dùng nhiều bài học kinh nghiệm xương máu về việc chia sẻ dữ liệu trên môi trường mạng toàn cầu.

SOPA, PIPA, ACTA-Nguyên nhân do đâu ?

Có thể nói một điều rằng cuộc chiến chống lại nạn vi phạm bản quyền là một cuộc chiến không cân sức, lâu dài và tốn kém. Đặc biệt trên môi trường Internet, khi mọi cư dân mạng đều có thể dễ dàng chia sẻ và sử dụng miễn phí (hoặc có phí) mọi tài nguyên mạng thì cuộc chiến này dường như không thể kiểm soát nổi với phần thiệt thòi luôn là người nắm bản quyền, sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm.


Có thể liên hệ một chút với thực tế xung quanh vấn đề này. Là sinh viên, chắc hẳn rất nhiều người sẽ lựa chọn giáo trình in lậu thay vì sử dụng giáo trình chính thức của Nhà xuất bản. Đơn giản vì không phải trả tiền bản quyền, tiền thuế và đủ các loại chi phí xuất bản “không tên” khác…, giáo trình fake có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với giáo trình thật; và các nhà xuất bản luôn phải gồng mình chống trọi với nạn in lậu vẫn ngang nhiên tồn tại và hoành hành mỗi ngày, mỗi giờ. Các tác giả, hẳn là sẽ thấy rất đau xót khi “đứa con tinh thần” của mình bị định giá một cách rẻ mạt, thậm chí làm sai lệch hẳn so với ý tưởng ban đầu qua những bản in lậu chất lượng kém đến như vậy.

In sai, chữ mờ, chất lượng giấy kém…. dù cho có hàng tá khuyết điểm nhưng sách in lậu vẫn là lựa chọn tối ưu của nhiều người, đơn giản vì nó có một ưu điểm nổi trội đã đánh trúng tâm lí của người dùng, đó là sự ưa thích hàng rẻ.

Đó là ở ngoài đời thường, chúng ta phải mất chi phí để có cho mình những sản phẩm thuộc dạng fake nhưng nội dung chẳng kém gì so với bản thật. Đằng này, trên môi trường Internet, khi chúng ta chẳng mất chi phí (hay một chi phí nhỏ) là có thể sở hữu được tài nguyên mạng mà mình đang cần sử dụng. Dĩ nhiên, vì tài nguyên đó không phải là của người nắm giữ bản quyền nên mới có thể chia sẻ free hoặc với một cái giá rẻ như vậy đối với cộng đồng mạng. Chẳng ai lại “hảo tâm” đến mức “lao tâm khổ tứ” sáng tạo ra những sản phẩm trí tuệ như vậy, mất bao tiền bạc và công sức rồi bỗng dưng đi “làm từ thiện” trên mạng cả.


Còn nhớ khi siêu phẩm bom tấn Avarta (2009) ra đời, dù mới chỉ được vài ngày nhưng không hiểu bằng cách nào trên các trang download nổi tiếng trong và ngoài nước đã có bản full chất lượng HD của phim này. Thậm chí, trên trang chia sẻ video trực tuyến Youtube, bản phim đầy đủ cũng đã xuất hiện thu hút hàng chục ngàn lượt xem. Với chính sách của gã khổng lồ Google, bản phim sẽ chẳng tồn tại được lâu trên trang mạng này nhưng cũng không ít người đã kịp download lại toàn bộ phim trên. Hẳn là đạo diễn cũng như nhà sản xuất của “Avarta” sẽ cảm thấy shock như thế nào trước việc sản phẩm trí tuệ của mình bị cộng đồng mạng toàn cầu ngang nhiên chia sẻ dễ dàng đến như vậy.

SOPA, PIPA, ACTA ra đời để tránh cho người nắm giữ bản quyền sản phẩm trí tuệ trên Internet tránh được những cú shock như vậy. Thế nhưng, chính vì những động chạm cũng như những tác động khôn lường về lâu về dài mà những đạo luật này đã vấp phải sự phản kháng gay gắt của cộng đồng mạng toàn cầu. Thế nhưng, trước khi lên tiếng phản đối, chúng ta hãy nhìn lại bản thân mình. Chúng ta đã chia sẻ dữ liệu, chia sẻ tài nguyên trên Internet như thế nào mà khiến cho họ phải ra những đạo luật hà khắc với mục tiêu “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót” như vậy?

Đến những hành động xấu xí

Rõ ràng, tâm lí của con người là thích tiêu xài hàng giá rẻ, dùng chùa; nhưng nhiều cư dân mạng đáng trách đến mức biện hộ cho việc dùng chùa tài nguyên mạng của mình bằng những lí do khó có thể chấp nhận được.

Còn nhớ cách đây không lâu, cuốn sách tranh gây sốt “Sát thủ đầu mưng mủ” vừa ra mắt được vài ngày nhưng đã được cư dân mạng “truyền tay” nhau download bản scan khá sắc nét của cuốn sách này. Bản scan có dung lượng 16MB, chất lượng chẳng kém gì sách gốc và là một lựa chọn khá lí tưởng cho những người muốn xem sách mà không muốn bỏ tiền ra mua (giá một cuốn là 45 000 đồng).


Họa sĩ trẻ Thanh Phong-tác giả của cuốn sách, quá bức xúc trước sự xâm phạm bản quyền trắng trợn đó ngay lập tức đã có một bức thư bày tỏ nỗi lòng của mình trước sự việc này. Những dòng tâm sự đã nhận được sự đồng cảm của phần lớn cư dân mạng, tuy nhiên không ít người lại biện hộ cho việc xài chùa bản scan cuốn truyện tranh bằng những lí do nực cười như “họ dùng được thì mình cũng dùng được”, “đây là một chiêu PR”, “tác giả đã xin bản quyền những câu thành ngữ teen dùng trong sách chưa?”, “ Nam còn nghèo”… Trong chúng ta, từng là những người học sinh chắc từng một lần gặp chuyện mình vất vả làm bài kiểm tra thế nào rồi bị cậu bạn ngồi bên “nhanh mắt” cướp sạch thành quả; rồi đến khi nhận điểm, bài kiểm tra của mình điểm thấp hơn cậu bạn ngồi kế bên. Tâm trạng của ta khi ấy thế nào thì tâm trạng của họa sĩ Thành Phong khi thấy đứa con tinh thần của mình bị ăn cắp trắng trợn cũng như vậy!

Gần đây, việc một số cư dân mạng Việt sẵn sàng ngỏ lời nhờ hacker Trung Quốc bẻ khóa bản game 7554 của Emobi-một trong những sản phẩm tiên phong của nền công nghiệp game Việt Nam cũng gây bức xúc lớn trong cộng đồng mạng nói chung và giới game thủ nói riêng. Gía mỗi bản game chỉ 200.000 đồng (khoảng 10 USD) thế nhưng đã có nhiều người không bỏ tiền ra mua lấy một bản game của nhà phát hành; thay vào đó họ ngồi chờ bản crack, và có một số người đã lên các diễn đàn Trung Quốc “nhờ vả” hacker nước bạn bẻ khóa bản game trên. Thậm chí, họ còn lấy bịa ra cái giá 50 USD cùng lí do nực cười là “người nghèo không đủ khả năng mua” với hy vọng được nhóm hacker Trung Quốc nhận lời giúp đỡ. Họ, đã gạt sự xấu hổ của bản thân sang một bên để tiếp tục thỏa mãn cho thói quen xài hàng chùa của bản thân mình; mà không thể nhìn xa hơn để thấy rằng mình đang giết chết nền công nghiệp game Việt còn đang rất non trẻ.

Có hay không cơ hội cho những trang chia sẻ dữ liệu chưa bị “sờ gáy”?

Mặc dù dự luật SOPA và PIPA phải tạm hoãn vô thời hạn vì vấp phải sự phản ứng gay gắt của cộng đồng mạng toàn cầu, nhưng chúng ta đã có thể thấy ngay nạn nhân đầu tiên chịu ảnh hưởng của nó. Chỉ một ngày sau khi các hãng công nghệ như Google, Wikipedia…. tiến hành các chiến dịch chống lại việc ra đạo luật SOPA và PIPA, Bộ tư pháp đã truy tố những người sở hữu và đóng cửa trang chia sẻ dữ liệu Megaupload vì vi phạm các nội dung bản quyền trực tuyến. Điều này khiến cư dân mạng toàn cầu không khỏi hoang mang và lo lắng cho số phận của những trang chia sẻ video tương tự như Media Fire, HotFile…


Thử hình dung tới một ngày kia, SOPA và PIPA được thông qua và bắt đầu phát huy tác động của nó, việc sử dụng tài nguyên Internet của chúng ta sẽ như thế nào khi tất cả các trang lưu trữ và chia sẻ dữ liệu đều bị “đóng cửa” ? Một bức biếm họa vui vui đã chỉ ra rằng ta có thể sử dụng USB, đĩa CD,… hoặc thậm chí là ….tráo ổ cứng cho nhau đối với những file có dung lượng lớn hơn, đến vài GB. Tất nhiên, ngày đó sẽ không thể xảy ra nhưng bức biếm họa trên cũng đặt ra trong mỗi chúng ta nhiều suy nghĩ. Phải làm thế nào để những dịch vụ chia sẻ dữ liệu đang hoạt động không sớm chết yểu như Megaupload?

Bài toán khó không có lời giải này còn đang rối bời thì mới đây thôi, dự luật ACTA vốn đã xuất hiện từ lâu nay bắt đầu làm “nóng” cộng đồng mạng toàn cầu. Một số cư dân mạng Việt lại cho rằng sự “ra đi” của Megaupload lại là cơ hội lớn cho những trang chia sẻ video non trẻ, ví dụ như ở Việt Nam là trang Fshare của FPT. Như đã nói ở một số bài viết trước, nếu SOPA và PIPA được thông qua có thể tạo điều kiện cho việc làm ăn chộp giật, kinh doanh không lành mạnh, triệt hạ lẫn nhau của các hãng công nghệ cạnh tranh xuất hiện. Điều này khiến cho các trang chia sẻ dữ liệu luôn trong tình trạng “nơm nớp” lo lắng cho số phận của mình, nhất là khi họ không thể kiểm soát nổi bản quyền của những tài nguyên được upload lên server của họ và chính những tài nguyên mạng quý giá không bản quyền mới là nguồn mang lại cho họ lợi nhuận và thu nhập thông qua bán tài khoảng VIP, bạch kim…

Tạm Kết

Xin kể lại cho các bạn nghe lại một câu chuyện thực tế: Kênh phim truyện đặc sắc HBO luôn mang tới cho khán giả  những siêu phẩm điện ảnh bom tấn mới nhất  nhưng thực chất họ chỉ được mua bản quyền và phát sóng sau khi phim ra các rạp chiếu trên toàn cầu ít nhất là 1 năm, khi các hãng phim đã hòa vốn và có lãi từ doanh thu các phòng vé. Nói vậy để thấy họ đã kinh doanh, làm ăn khôn ngoan và nghiêm chỉnh như thế nào để có thể nhận được sự hợp tác với nhiều hãng phim lớn và từ trước tới nay chưa vướng phải rắc rối nào xung quanh chuyện bản quyền phim ảnh.

Thế nên để thấy rằng HBO chiếu phim bản quyền nhưng họ vẫn thành công, vẫn có lãi; vậy tại sao các trang chia sẻ tài nguyên mạng thay vì cho tồn tại những tài nguyên “lậu” để kiếm lời lại không chuyển sang những chiến lược kinh doanh mới hơn với những tài nguyên được mua bản quyền đầy đủ?  Dù cho lợi nhuận, doanh thu của họ có thể không còn được như trước, thế nhưng khi này, với những video, nhạc, phim ảnh... bản quyền, SOPA, PIPA hay ACTA cũng chẳng thể “động chạm” gì tới họ.

Còn bản thân chúng ta, hãy có văn hóa khi chia sẻ và sử dụng dữ liệu qua Internet. Có thể lúc này, bạn hài lòng vì down được trọn vẹn bản HD của một bộ phim mới ra rạp được vài hôm trên Internet. Thế nhưng liệu bạn có vui khi việc làm đó của mình đang góp phần đưa Internet về thời kì đồ đá, thời kì mà con người bắt đầu lại chia sẻ dữ liệu bằng những thiết bị cồng kềnh và kém tiện lợi như trong bức biếm họa nọ hay không?