Thủ thuật công nghệ

Những nghịch lý đau xót của làng game Việt

Những nghịch lý đau xót của làng game Việt

Chúng có thể lạ lùng và khá hài hước, nhưng ẩn giấu nỗi buồn lớn dành cho game thủ nội địa.

<> 
Thị trường game online Việt là một trong những thị trường lạ lùng nhất thế giới, chúng ta không giống ai về nhiều mặt, điều đáng buồn là phần lớn các khác biệt trong số đó lại đi theo chiều hướng tiêu cực.
 
Mặc dù không vui vẻ gì nhưng game thủ nước nhà vẫn phải bằng lòng với nhiều điều chướng tai gai mắt, âu cũng vì chúng phản ánh đúng tính chất của thị trường nội địa. Hãy cùng điểm lại một vài bằng chứng cho thấy khẳng định trên là chính xác.
 
Phát triển... ngược
 
Nếu như thị trường game online ngoại ngày càng tiến xa với những đầu game vượt trội cả về đồ họa lẫn gameplay so với cách đây 2, 3 năm, thì điểm lại những sản phẩm được mua về Việt Nam lại đang... đi ngược dòng lịch sử. Điều này được thấy rõ ràng khi số lượng game 2D, 2.5D trong năm 2010 và 2011 chiếm đến 90% tổng sản phẩm nhập nội.
 

Trong khi thế giới sục sôi với các công nghệ mới, gamer Việt vẫn đổ xô vào các game 2D cũ kỹ.
 
Thậm chí, trong khi làng MMO quốc tế sục sôi với hàng loạt dự án bom tấn, ngày càng đẹp và tinh tế như CACK, Tera, Blade & Soul thì sau 10 năm phát triển, làng MMO Việt đang trở lại với thời kỳ vàng son của... webgame. Có lẽ chẳng nơi nào trên thế giới lại có nghịch lý buồn cười và lạ lùng đến thế.
 
Vẫn biết lý do khách quan dẫn đến việc các NPH không dám mua game "đỉnh" về nước là vì thị hiếu cũng như nền tảng cấu hình máy trong nước còn nghèo nàn, thế nhưng nếu cứ mãi sợ sệt thế này thì chắc tới năm 2020 chúng ta vẫn chẳng khác gì hôm nay.
 
Vẫn chưa phân biệt được game online và offline
 
Đối với phần đông game thủ nước nhà, việc nhìn nhận đâu là game online và đâu là game offline khá dễ dàng. Thế nhưng trên mặt bằng xã hội thì lại khác, hầu hết mọi người đều tưởng rằng chúng... chỉ là một. Chẳng thế mà nảy sinh nhiều chuyện dở khóc dở cười như gán GTA, Manhunt (và thậm chí cả các sản phẩm của Illusion) cho game online.
 

DotA vẫn hay bị nhầm lẫn với MMO.
 
Một thể loại giải trí đã tồn tại một thập kỷ nhưng vẫn bị hiểu sai lệch như vậy đúng là chuyện lạ lùng. Thậm chí nói không ngoa, ngay cả nhiều người chơi game cũng chưa chắc đã phân biệt được sự khác nhau giữa MMO và game offline. Đây là hậu quả của quá trình phát triển quá nhanh của thị trường, chỉ đi vào lượng mà quên chất, bản thân gamer không được trang bị kiến thức nền.
 
Nói không đi đôi với làm
 
Đây là điều dễ nhận thấy nhất trong phần đông gamer Việt Nam, nhất là khi nói về vấn đề thị hiếu. Đã từ lâu chúng ta không còn lạ gì với những lời ca thán từ phía cộng đồng rằng các NPH chỉ biết nhập về game kiếm hiệp Trung Quốc "rẻ tiền" mà quên đi mảng MMORPG đỉnh cao thế giới.
 

Cứ kiếm hiệp là đắt khách.
 
Thế nhưng với thất bại ê chề của Granado Espada, Atlantica và đặc biệt là Runes of Magic, tất cả đều phải công nhận một điều rằng khi game chưa về nước thì giới trẻ rất hồ hởi, tán tụng ngất trời hoặc khẳng định mình sẽ gắn bó mãi mãi, và rồi mọi chuyện quay ngoắt 180 độ chỉ sau vài tháng chứ chưa tới 1 năm.
 
Biểu hiện "lời nói không đi đôi với việc làm" tiếp tục thể hiện khi phong trào bài xích auto trong game online được ủng hộ mạnh mẽ, thế nhưng nếu NPH nào trót dại loại bỏ yếu tố này thì chắc chắn không sớm thì muộn trò chơi cũng đóng cửa. Lý do đơn giản là vì không có auto làm sao đủ sức để "cày"?
 
Sẵn sàng bằng lòng với dịch vụ tồi tệ
 
Bên cạnh việc nói không đi đôi với làm, game thủ Việt còn nảy sinh một nghịch lý khác là sẵn sàng bằng lòng với dịch vụ tồi tệ, đơn cử như một số MMO dù bị hack triền miên, vào room có 10 người thì 9 hacker nhưng tất cả vẫn rất... vui vẻ gắn bó ngày qua ngày. Thậm chí nhiều món item chất lượng thấp, chỉ sơn phết vỏ ngoài cho lòe loẹt cũng moi được tiền của họ một cách dễ dàng.
 

Hack ư? Không sao!
 
Suy cho cùng, chính yếu tố độc quyền và sự si mê thái quá của khách hàng đã dẫn đến điều lạ lùng như trên. Nhiều game thủ dù ban đầu ghét cay ghét đắng dịch vụ tồi tệ, nhưng sau quá nhiều năm tháng phải sống chung với nó, họ bắt đầu bão hòa và tự bằng lòng với thực tại sống chung với lũ.
 
Cá biệt, nhiều cộng đồng vì quá yêu game nên dễ dàng bị NPH "cho ăn quả lừa". Chẳng thế mà không ít lần game sắp đóng cửa là một loạt event nạp tiền được tung ra để vơ vét, đau xót thay, họ vẫn vơ vét được nhiều.
 
Cày quên cả... danh tính NPH
 
Điều này đã nhắc đến nhiều lần, rất nhiều tựa game đang tồn tại trên thị trường MMO Việt Nam không rõ tên tuổi NPH là ai, tuy vậy game thủ vẫn lao vào cày kéo bất chấp tất cả. Nhiều người đến khi gặp sự cố, mất đồ mất account mới tá hỏa vì không biết gọi điện đến đâu mà phản ánh.
 

Say mê cày kéo mà không cần quan tâm đến danh tính NPH.
 
Thông thường các MMO như trên sẽ bị liệt vào dạng máy chủ lậu, tuy nhiên hiếm có máy chủ lậu nào trên thế giới lại quảng bá rầm rộ như trong nước. Thậm chí có game còn... tuyển xong cả người đại diện, nghịch lý này chắc chắn chỉ có tại dải đất hình chữ S mà thôi.
 
Còn bạn, bạn nêu ra được thêm nghịch lý nào nữa không?